Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại Úc
[MINH HUỆ 16-9-2018] Hội Giao lưu Tâm đắc Thể hội Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp năm 2018 tại Úc đã diễn ra vào ngày 9 tháng 9 năm 2018. Những người tham dự đều có một cảm nhận chung, đó là: sự tinh tấn của mỗi học viên và sự phối hợp tích cực giữa họ có tác dụng mạnh mẽ trong nỗ lực tiếp cận và truyền tải thông điệp về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại ở Trung Quốc cho người dân khắp thế giới.
Được nhắc nhở hướng nội kịp thời
Bài chia sẻ của một học viên 69 tuổi đã để lại ấn tượng sâu sắc cho học viên tham dự John Deller. Trong đó, học viên này đã trích dẫn đoạn giảng Pháp của Sư phụ Lý trong kinh văn “Giảng Pháp tại Washington D.C năm 2018”:
“Xã hội nhân loại là có quan hệ nhân duyên. Đời trước các vị làm điều tốt thì đời này chuyển hóa thành phúc phận; phúc phận ấy có thể biến thành quan chức, cũng có thể biến thành tiền, cho nên mới có tiền. Coi kinh doanh của người kia mặc kệ họ bảo kinh nghiệm cá nhân thế nào, biết việc ra sao, họ có phúc phận ấy thì họ mới có [được thế]. Chẳng phải có rất nhiều người cảm thấy mình tài hoa lắm, cái gì cũng tốt, chỉ là kiếm tiền không ra, căm phẫn bất bình. Họ là không có phúc phận ấy. Nói xã hội nhân loại kỳ thực do Thần quản, nghĩa là chuyện như thế. Đó là công bằng.”
Anh John nói: “Từ trên tầng hai quan sát, tôi cảm nhận được một trường từ bi lướt qua bao phủ toàn bộ hội trường. Đồng thời kèm theo một tia sáng mạnh mẽ. Tôi trông thấy trường này xuất hiện mỗi khi người học viên đó lặp lại câu “Đó là công bằng.”
“Đối với tôi, đó là trường năng lượng vô cùng thuần chính từ Sư phụ. Kèm theo đó là một thông điệp quan trọng: Sư phụ hy vọng rằng các học viên Đại Pháp tại Úc có thể buông bỏ chấp trước vào tự ngã, phối hợp với nhau và hình thành một chỉnh thể với chính niệm mạnh mẽ.”
Anh John nói rằng đôi khi giữa các học viên xuất hiện gián cách. Song, chúng ta đã không ghi nhớ trong tâm rằng mọi thứ đều đã được an bài cho chúng ta. Nếu chúng ta đối chiếu bản thân qua việc hướng nội, chúng ta sẽ lý giải được hàm nghĩa của câu “Đó là công bằng” ở tầng thâm sâu hơn.
Anh John tự hỏi: “Tại sao mình không thể chiểu theo pháp lý ‘đó là công bằng’ trong cuộc sống?” Anh nói rằng trường năng lượng mà anh cảm nhận được và tia sáng mạnh mẽ mà anh đã thấy cũng là một lời nhắc nhở đối với anh: Làm thế nào để chúng ta có thể chấp nhận mọi thứ xảy đến với mình? Tại sao tôi lại phàn nàn? Tại sao tôi lại oán hận? Hẳn là tôi đã có điều gì đó không đúng.
Sư phụ đã giảng cho chúng ta:
“Là người tu luyện, ‘tìm bên trong’ là một Pháp bảo.” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009”)
“Khi tôi hướng nội, tôi có thể nhận ra ‘đó là công bằng.’ Vậy làm thế nào để tôi thực sự lý giải và chấp nhận nó khi đối đãi với mọi thứ? Tôi cần hướng nội để nhận ra vấn đề hay những chướng ngại trong tâm.”
Vượt qua mọi trở ngại
Anh Eric Jia
Anh Eric Jia đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng gia đình từ khi còn nhỏ. Thật không may, vì cuộc bức hại mà gia đình anh đã bị ly tán trong 19 năm qua. Cha anh, dì và bà của anh đã bị giam giữ khá nhiều lần. Lần được thả gần đây nhất của cha anh là vào tháng 9 năm ngoái, nhưng ông lại bị cảnh sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa đi. Eric đã không thể có một cuộc sống bình thường với tình thương của cha từ khi anh lên 3 tuổi.
Các bài chia sẻ tại Pháp hội của các học viên trẻ khác đã khích lệ và truyền cảm hứng cho Eric. Anh nói: “Tôi thường cảm thấy bị bài xích ở trường trung học khi tôi cố gắng nói cho các bạn cùng lớp về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Tôi hình thành quan niệm rằng những nỗ lực của chúng ta chẳng có tác dụng gì. Các bài chia sẻ ngày hôm nay đã giúp tôi nhận ra, khi tôi nghe thấy nhiều học viên trẻ đang giảng chân tướng cho các thành phần xã hội dòng chính và giới thượng lưu và đều được tiếp nhận rất tốt.“
“Các học viên trẻ nên vận dụng năng lực của mình vào các hạng mục Đại Pháp để giúp mọi người biết đến cuộc bức hại. Một số người trong chúng ta có thể đã từng bị bức hại ở Trung Quốc. Do vậy, đã hình thành tâm lý tự ti. Tôi đã nhận ra rằng tự ti là một quan niệm. Làm thế nào để vượt qua nó? Tôi cho rằng tu luyện là căn bản. Tôi không nên buông lơi trong tu luyện, và tôi cần chăm chỉ học tập ngành truyền thông ở trường đại học.
“Học Pháp và luyện công khiến tôi có thể làm các việc tốt hơn. Đôi lúc tôi đã quá coi trọng ý kiến của bản thân mình. Đó chính là tôi đang chứng thực bản thân, chứ không phải chứng thực Pháp. Khi tôi buông bỏ tâm bảo vệ bản thân, tôi lại chuyển sang chứng thực năng lực của mình. Đây không phải là ý định ban đầu của tôi. Tôi hiểu rằng tất cả những khả năng của tôi đều được tạo ra trong Pháp và mục đích là để tôi chứng thực Pháp. Tôi sẽ nỗ lực hết mình để đề cao trong tu luyện.”
Tầm quan trọng của việc học Pháp
Bà Louise Morrison
Bà Louise Morrison đến từ Gold Coast (Bờ biển Vàng) chia sẻ rằng bà được truyền cảm hứng rất nhiều từ bài chia sẻ của các học viên. Nhiều người trong số họ đề cập đến tầm quan trọng của việc học Pháp. Một số học viên còn chia sẻ thể hội của họ trong việc học thuộc Pháp. “Tôi cũng đã bắt đầu học thuộc Pháp. Điều này thực sự giúp tôi đề cao. Tôi có thể cảm nhận được năng lượng của Pháp khi học thuộc, như thể toàn thân tâm tôi được hòa tan trong Pháp.”
Bà Barbara Thompson
Bà Barbara Thompson đến từ Adelaide chia sẻ: “Lần nào tham dự Pháp hội tôi đều được truyền cảm hứng. Những câu chuyện tu luyện của các đồng tu giúp tôi nhận ra khoảng cách và phương diện cần đề cao. Chúng ta đang tu luyện trong xã hội người thường và cần cân bằng nhiều thứ. Đôi lúc chúng ta có thể buông lơi trong tu luyện. Pháp hội là dịp để chúng ta đặt tất cả mọi thứ sang một bên, toàn tâm toàn ý tập trung vào tu luyện. Đây là một cơ hội hiếm hoi và vô cùng trân quý.”
Bài trừ can nhiễu
Anh Abhi Suri bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Sydney. Anh nói rằng, điều quan trọng là cần bài trừ can nhiễu đến việc học Pháp và tu luyện. Anh từng mất từ một đến ba tháng để đọc xong một lần cuốn Chuyển Pháp Luân. Tháng trước, anh đã tham gia một nhóm học toàn bộ cuốn Chuyển Pháp Luân trong chín ngày! Anh rất kinh ngạc và nói: “Tôi đã có thể đọc xong cuốn Chuyển Pháp Luântrong chín ngày! Đầy là điều mà tôi đã không thể làm được trong ba năm qua.” Khi anh học Pháp nhiều hơn, việc giảng chân tướng cho mọi người về môn tu luyện và cuộc bức hại cũng trở nên dễ dàng hơn.
Anh Abhi Suri nói rằng chia sẻ của một học viên trẻ đã giúp anh rất nhiều. “Cô ấy nói rằng cô ấy nhận ra cô đã sai khi để quá nhiều ứng dụng của người thường chung với những thứ liên quan đến Pháp trong điện thoại. Cô đã gỡ bỏ chúng và cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều. Cô nhận ra rằng những ứng dụng người thường đó bao kín cô lại, và rằng, là một người tu luyện, cô cần loại bỏ chúng để tránh bị ô nhiễm.
“Tôi nhận ra rằng tôi đã có rất nhiều ứng dụng truyền thông xã hội trong điện thoại di động của mình. Thậm chí, tôi còn tải về một bộ phim tài liệu về vũ trụ. Những thứ như vậy tiêu tốn rất nhiều thời gian và can nhiễu đến những việc mà tôi thực sự cần để tâm vào đó. Tôi cần phải lấy lại thời gian và sử dụng chúng vào việc học Pháp. Tôi biết rằng khi tôi học Pháp nhiều hơn, Pháp sẽ cấp cho tôi trí huệ để tiếp cận mọi người và có thể truyền chân tướng một cách hiệu quả hơn.”
Tập trung vào điều tích cực
Pearl (bên trái) và Kuting (ở giữa)
Pearl là một kỹ thuật viên đo mắt. Cô nói rằng cô cảm động nhất với bài chia sẻ của các học viên về việc phối hợp với nhau. Nhiều học viên đã chia sẻ cách họ vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, tập trung vào việc hướng nội vô điều kiện, và đạt được sự phối hợp chỉnh thể tốt hơn.
“Tôi quá chấp trước vào kết quả và thường thấy khó chịu bởi những lỗi nhỏ mà người khác mắc phải. Các bài chia sẻ hôm nay đã giúp tôi nhận ra vấn đề của mình. Lãng phí thời gian vào những suy nghĩ tiêu cực là vô nghĩa. Tôi cần chú ý hơn đến những điểm mạnh của người khác và đối đãi với mọi việc một cách tích cực hơn.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/16/373908.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/17/171927.html
Đăng ngày 21-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.