Bài của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 15-01-2018] Ông Lương Kiếm Quân, một giảng viên đáng kính tại Trường Dạy nghề thành phố Lạc Xương ở tỉnh Quảng Đông, đã bị bắt vào ngày 25 tháng 5 năm 2017, vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị chính quyền Trung Cộng bức hại. Ông bị tuyên án năm năm tù vào ngày 26 tháng 12 năm 2017.
Vợ ông, bà Tào Lệ Bình, đang làm đơn tố cáo cảnh sát Lạc Xương, các công tố viên, và thẩm phán vì bắt giữ, truy tố, và kết tội chồng bà mà không có cơ sở pháp lý. Cảnh sát và viện kiểm sát đã hướng dẫn bà tới Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan phi pháp được giao nhiệm vụ xóa sổ Pháp Luân Công. Trong thời gian chờ đợi, tòa án phúc thẩm và viện kiểm sát đã gợi ý bà nộp đơn kháng án trước.
Bà Tào tới Sở Cảnh sát thành phố Lạc Xương để yêu cầu thả chồng bà. Ông Lý Vĩ Chung, đội trưởng đội an ninh nội địa, nói: “Tôi chỉ là nhân viên quèn. Làm sao tôi yêu cầu nhà chức trách thả ông ấy được? Bà phải gặp Bí thư Hoàng Học Quân bên Ủy ban Chính trị và Pháp luật ấy.”
Bà Tào tới phòng kháng án của Viện Kiểm sát thành phố Lạc Xương để nộp hồ sơ khởi kiện Khâu Huy Hoa, chánh án tòa hình sự; Lý Vĩ Chung, đội trưởng đội an ninh nội địa, Dương Tuệ Hồng và và Khâu Vĩnh Kinh, cán bộ viện kiểm sát.
Ông Lưu ở phòng kháng án đã từ chối hồ sơ của bà và bảo: “Tôi có thể nói với bà một cách chắc chắn là chúng tôi không chịu trách nhiệm về vụ việc của bà. Bà cần khiếu nại lên Ủy ban Chính trị và Pháp luật.”
Bà Tào sau đó gửi hồ sơ kiện bằng đường bưu điện tới Tòa án Phúc thẩm và Viện Kiểm sát Trung cấp Thiều Quan.
Đáp lại, bà Vương từ viện kiểm sát trung cấp đã gọi điện cho bà và hỏi: “Có phải bà kiện Khâu Vĩnh Kinh của Viện Kiểm sát thành phố Lạc Xương không?”
Bà Tào đáp: “Đúng vậy.”
Bà Vương: “Bà đang tố cáo thế là sai rồi.”
Bà Tào: “Không. Tôi có nhiều bằng chứng để chứng minh ông ấy vi phạm pháp luật. Tu luyện Pháp Luân Công không vi phạm pháp luật và được Hiến pháp bảo vệ.”
Thái độ bà Vương thay đổi, bà ấy nói: “Bà nên rút đơn kiện hình sự và đầu tiên nên kháng cáo tội trạng và bản án mà tòa án địa phương đưa ra.”
Bà Tào sau đó đi tới phòng kháng án của Viện Kiểm sát Trung cấp Thiều Quan, ở đây, bà được ba nhân viên nam tiếp. Bà bảo với họ: “Đội trưởng đội an ninh nội địa Lý Vĩ Chung đã dẫn đội của ông ấy mặc thường phục và bắt giữ chồng tôi là Lương Kiếm Quân ở trường ông ấy vào tháng 5 năm 2017.”
“Họ đưa ông ấy về nhà và lục soát nhà của chúng tôi mà không có lệnh khám nhà hay giấy tờ pháp lý gì. Sau đó, họ đưa chồng tôi tới trại giam và giam ông ấy từ đó tới giờ. Hiện tại, tòa án đã tuyên án ông ấy năm năm tù mà không theo thủ tục pháp lý. Đó là lý do vì sao tôi kiện ông Lý Vĩ Chung và những cảnh sát khác liên quan.”
Khi nhận ra vụ án là về một học viên Pháp Luân Công, họ đã nói rất là cứng rắn: “Chính phủ đã cấm tu luyện Pháp Luân Công. Cảnh sát có thể không cần mặc đồng phục trong những tình huống đặc biệt.”
Bà Tào đáp lại: “Khi cảnh sát không mặc đồng phục, không xuất trình lệnh khám nhà hay giấy tờ pháp lý, làm sao chúng tôi biết được họ có phải là cán bộ chính quyền hay bọn cướp? Làm sao những tình huống đặc biệt có thể được thực thi theo kiểu tội phạm như vậy? Tôi kiện họ theo luật.”
Sau một hồi im lặng, các cảnh sát này hỏi: “Dựa trên cơ sở pháp lý nào mà tòa án địa phương kết án ông ấy năm năm tù?”
Bà đáp lại: “Điều 300 của luật Hình sự.”
Họ lấy ra một cuốn sách dày và bắt đầu đọc điều 300. Sau đó, bà Tào hỏi họ là Pháp Luân Công được nêu cụ thể trong luật không.
Các cảnh sát này nói: “Đúng là không tìm được ở đâu cả, nhưng chính phủ đã xác định và tuyên bố về bản chất của Pháp Luân Công rồi. Chẳng có gì lạ khi luật không nêu cụ thể.” Tuy nhiên, họ đã bỏ qua quy định pháp luật cơ bản là không được kết tội khi không có điều khoản luật rõ ràng, cụ thể.
Bà Tào tiếp tục trình bày lý do với họ. “Vào tháng 11 năm 2017, các luật sư của chúng tôi từ Bắc Kinh và Quảng Châu đã biện hộ cho chồng tôi tại tòa dựa trên bằng chứng lô-gíc và xác đáng. Kiểm sát viên Khâu Vĩnh Kinh không thể đưa ra cơ sở pháp lý để buộc tội ông ấy.”
“Việc chồng tôi tu luyện Pháp Luân Công là được bảo hộ bởi điều 35 của Hiến pháp và không làm ảnh hưởng tới bất kỳ ai hay xã hội nói chung. Hơn nữa, Tổng Cục Báo chí và Xuất bản đã hủy bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 2011. Tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa Khâu Huy Hoa vẫn buộc tội và tuyên án ông ấy bằng Điều 300 của Luật Hình sự.”
Một trong những cảnh sát này đã ngắt lời bà và nói: “Pháp Luân Công đã được chính phủ xác định là tà giáo.”
Bà Tào đã đáp lại: “Chính phủ thật ra không xác định thế. Mà là Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc) tự tuyên bố như thế. Làm sao lời của một cá nhân lại được coi là pháp luật được? Chúng tôi đã nộp đơn kiện các quan chức liên đới theo luật rồi. Còn nữa, chính quyền đã ra nhiều quy định mới, như quy định yêu cầu cán bộ chịu trách nhiệm suốt đời cho hành động của họ.”
“Tôi đã nghĩ đến việc kiện khi họ bắt giữ chồng tôi rồi. Nhưng tôi hy vọng họ sẽ lắng nghe chúng tôi nói với họ về Pháp Luân Công. Giờ đã là hơn nửa năm mà họ vẫn buộc tội và kết án ông ấy. Cho nên bây giờ, tôi muốn nộp đơn kiện.”
Một cảnh sát nói: “Bà kiện thẩm phán tại thời điểm này có thể là quá sớm vì bà vẫn có thể kháng án lên tòa cấp cao hơn cơ mà. Còn như đội trưởng an ninh nội địa, bà có thể khiếu nại lên một cấp cao hơn, tức là Sở Cảnh sát Thiều Quan.”
Khi bà Tào tiếp tục nói về Pháp Luân Công, một nhân viên họ Quốc đập cốc nước trên bàn, rồi đứng bật dậy, quát: “Bà đang lên lớp chúng tôi đấy à? Nếu bà cứ quảng bá Pháp Luân Công, chúng tôi có thể bắt bà đấy.”
Một người bà con đi cùng với bà Tào cười và bảo: “Xin đừng mếch lòng. Chúng tôi không phải ở đây để cãi cọ hay tranh luận gì đâu. Chồng của bà ấy là giáo viên và cũng được đồng nghiệp và sinh viên yêu mến, tôn trọng. Ông ấy tu luyện Pháp Luân Công và không làm hại ai. Ông ấy tự hành xử theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn mà bị tuyên án tù nên bà ấy lo quá đi.”
Các cảnh sát bình tĩnh lại. Một người trong họ đã im lặng nói: “Anh ấy không có ý xấu, chỉ là nhắc nhở các vị đừng nói về Pháp Luân Công thôi.”
Bà Tào và những người họ hàng cảm ơn các cảnh sát này rồi rời đi. Sau đó, họ tới Tòa án Phúc thẩm Thiều Quan.
Ông Trương ở phòng kháng án của tòa án phúc thẩm bảo họ: “Kiện thẩm phán bây giờ là quá sớm. Còn với tòa phúc thẩm nếu chúng tôi bác bỏ vụ án này hoặc giữ nguyên bản tuyên án ban đầu, thì đơn kháng án của các vị sẽ có hiệu lực.”
Các báo cáo liên quan:
Con gái nhỏ mong mỏi cha được thả, vợ thuyết phục thẩm phán thả chồng để gia đình được đoàn tụ
Vợ bị đe dọa vì yêu cầu thả chồng đang bị giam giữ
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/15/359652.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/31/167773.html
Đăng ngày 11-2-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.