Bài của các phóng viên Minh Huệ, Tôn Bách và Tô Dung

[MINH HUỆ 12-12-2017] Nhân ngày Nhân quyền 10 tháng 12 năm 2017, các học viên Pháp Luân Công tại Hồng Kông đã tổ chức một buổi mít tinh và diễu hành tại Edinburgh Place để phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra ở Trung Quốc. Đông đảo ủy viên hội đồng lập pháp và các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng đã phát biểu tại sự kiện để hối thúc chấm dứt tội ác đang diễn ra tại Đại lục.

42119a7420e702b0e07ab7b29dc9bfb1.jpg

Buổi mít tinh của Pháp Luân Công tại Edinburg Place tại Hồng Kông vào ngày Nhân quyền 10 tháng 12 năm 2017

Hơn 2.6 triệu chữ ký ủng hộ

bf758484d56f74ace90dacee65eea870.jpg

Ông Giản Hồng Chương, phát ngôn viên Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông

Giản Hồng Chương, phát ngôn viên của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Hồng Kông, cho biết Trung Quốc có hồ sơ nhân quyền tệ nhất trong các quốc gia lớn trên thế giới. “Tội ác tồn tại dưới nhiều hình thức, từ bức hại các học viên Pháp Luân Công tin vào Chân – Thiện – Nhẫn, cho tới cưỡng bức thu hoạch nội tạng của các học viên vì lợi nhuận, bên cạnh chiến dịch gần đây trong việc đưa người dân ra khỏi Bắc Kinh. Những hành động này xuất phát từ bản chất bạo lực của đảng cộng sản và gây tổn hại cho người vô tội”, ông nói.

Ông Giản kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt những thảm kịch này bằng việc đưa những kẻ bức hại chủ chốt như Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo Trung Quốc đã khởi xướng cuộc bức hại) và Tăng Khánh Hồng (một trong những kẻ cầm đầu cuộc bức hại) ra công lý. “Nguyên lý của Chân – Thiện – Nhẫn nên được ủng hộ, chứ không phải bị đàn áp”, ông khẳng định, “bởi vì đó là con đường duy nhất đưa chúng ta tới một tương lai tươi sáng.”

Ông Giang Trạch Dân, người đã cấm Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, đã trở thành tiêu điểm của vô số vụ kiện và tố tụng hình sự trong những năm gần đây. “Tính đến ngày 8 tháng 12, đã có hơn 2.6 triệu chữ ký ủng hộ những khởi xướng phong trào này”, bà Theresa Chu, một luật sư nhân quyền Đài Loan và là người điều phối việc gửi đơn kiến nghị trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho hay. Những đơn kiện hình sự này đã được nộp cho Tòa án Tối cao và Viện kiểm sát Tối cao.

Hơn 291 triệu người thoái khỏi các tổ chức cộng sản

Mặc dù Giang đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công nhưng một cuộc đàn áp có hệ thống trên quy mô toàn quốc sẽ không thể xảy ra nếu không được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bảo hộ. “Từ khi Cửu Bình về Đảng Cộng sản Trung Quốc được công bố vào năm 2004, đông đảo người dân đã có nhận thức minh bạch hơn về lịch sử dã man của Đảng và đã có hơn 291 triệu người đã thoái khỏi các tổ chức cộng sản”, Chủ tịch Trung tâm Thoái Đảng (thoái khỏi ĐCSTQ) nhận xét.

Mục đích cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản, một cuốn sách do ban biên tập cửu bình mới xuất bản bằng tiếng Trung, cung cấp thông tin cập nhật cho thấy ĐCSTQ đã làm hại nhân loại và các nền văn minh như thế nào.

Tiến sỹ Uông Chí Viễn, người sáng lập kiêm chủ tịch Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công cho hay nhiều quan chức Trung Quốc đã ngừng tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công và một số người đã liên hệ với họ để tìm biện pháp sửa chữa lỗi lầm. “Tôi hy vọng sẽ có nhiều người hơn nữa đứng lên, hành động theo lương tâm mình, và bảo vệ những người vô tội. Tôi cũng hy vọng sẽ có nhiều người tình nguyện giúp thu thập bằng chứng làm chứng cứ để đưa những kẻ cầm đầu cuộc bức hại ra công lý”, Tiến sỹ Uông nói.

Nhân quyền cơ bản

c2dc7c9e96821942f6ad75531240163b.jpg

Ủy viên hội đồng lập pháp, ông Hồ Chí Vĩ hy vọng rằng người Trung Quốc sẽ khôi phục được nhân quyền

Ông Hồ Chí Vĩ, Chủ tịch Đảng Dân chủ kiêm ủy viên của hội đồng lập pháp, đã ca ngợi các học viên vì sự kiên định và ôn hòa trong khi đối mặt với cuộc bức hại khốc liệt. Ông nói rằng chính phủ Hồng Kông không nên cho phép những tổ chức cộng sản kiểu như Thanh Quan Hội can thiệp vào quyền công dân của các học viên. “Tôi hy vọng rằng Ngày Nhân quyền mà chúng ta kỷ niệm hôm nay sẽ trở thành hiện thực ở Trung Quốc Đại lục, để người dân không phải sống trong sự lừa dối và khủng bố”, ông nói thêm.

Ông Lương Quốc Hùng, cựu ủy viên hội đồng lập pháp và là người ủng hộ Pháp Luân Công lâu năm, tán thành: “Thật không may là chính sách bức hại đã lan từ Trung Quốc Đại lục sang Hồng Kông. Một ví dụ là Thanh Quan Hội, một tổ chức do ĐCSTQ bảo trợ và đã nhiều lần quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công. Chúng ta không thể để việc này tiếp diễn”, ông bình luận.

89b8d0e3f5ac9ebff1f4dc2c9d1bb8dd.jpg

Ủy viên hội đồng lập pháp ông Lâm Trác Đình

Một ủy viên hội đồng lập pháp khác, ông Lâm Trác Đình, cho hay tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận là quyền của mọi người. “Tôi cho rằng cộng đồng quốc tế nên điều tra toàn diện về cuộc bức hại, kể cả những tình tiết cụ thể và số người bị ảnh hưởng. Tôi tin sẽ có ngày chúng ta thấy toàn bộ sự thật”, ông nói. “Tôi hy vọng rằng mọi người thuộc mọi tầng lớp và tôn giáo đều chú ý tới việc này, bởi vì nhân quyền cơ bản là điều mà chúng ta đều trân trọng.”

Ông Lương Diệu Chung, ủy viên của Trung tâm Phục vụ Người Lao động và Khu lân cận cũng là ủy viên hội đồng lập pháp. Ông nhận ra rằng ĐCSTQ đã bắt bớ, giam giữ, và tra tấn các học viên Pháp Luân Công vì đức tin của họ. “Việc này vi phạm nhân quyền và những hành động như vậy là chống lại nhân loại. Chúng ta phải chấm dứt sự tàn bạo này”, ông tuyên bố.

Ông Chu Phúc Cường, một ủy viên quản lý hồ sơ chính phủ Hồng Kông, cho hay ông ngưỡng mộ lòng can đảm của các học viên để bảo vệ đức tin của họ. “ĐCSTQ là một tổ chức tà ác với quyền lực to lớn. Tôi ngạc nhiên vì các học viên Pháp Luân Công đã vô cùng can đảm khi bảo vệ đức tin của họ trong thời gian dài đến vậy. Tôi cho rằng họ làm được như vậy là nhờ họ có đức tin vào Chân – Thiện – Nhẫn. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ họ [các học viên Pháp Luân Công] thật phi thường”, ông Chu nói.

Chuyên gia truyền thông: Việc này có ý nghĩa quan trọng với mọi người

c1b01dc15bee151c2108922761952e0c.jpg

f0b8a38a9727cc900dc19ee4b0ad2211.jpg

ba1ebb4705e5c153928e92c3fed9b292.jpg

Khoảng 600 học viên tham gia vào cuộc diễu hành Ngày Nhân quyền ở Hồng Kông. Cuộc diễu hành phản ánh thực tế rằng Pháp Luân Công được chấp nhận ở hơn 100 quốc gia trên thế giới, và chỉ bị bức hại ở Trung Quốc.

Hoàng Kim Thu, một chuyên gia truyền thông nổi tiếng, cho biết những sự kiện như thế này sẽ khuyến khích mọi người ở Trung Quốc bảo vệ quyền của chính họ và chấm dứt chế độ độc tài. “Điều này có ý nghĩa quan trọng với mọi người vì nó giúp chúng ta hành động theo lương tâm mình”, ông Hoàng tuyên bố.

Đối với các học viên Pháp Luân Công trong số bạn bè của ông, ông Hoàng cho biết ông ấn tượng khi thấy đức tin của họ đã khiến họ trở nên tốt hơn, thiện hơn. “Hiện giờ, thật khó mà tìm được lòng tốt ấy ở người Trung Quốc, chứ đừng nói tới sự chịu đựng và nhẫn nại. Tôi cho rằng các học viên Pháp Luân Công đại diện cho những gì tốt đẹp nhất của người Trung Quốc”, ông nói thêm.

3b280ab9f8a1e24f0996a8a63f06da4f.jpg

e26904995209973f29f57585f386c1ec.jpg

c9e69a01aa4aa78bcac440db8ad3d3e3.jpg

450781088e44a065f40a08b645d2a3e6.jpg

22449e757a2eec09ce7ca015586712c0.jpg

0336f259a4305f481af8092f26bc77e0.jpg

Các biểu ngữ trong cuộc diễu hành hối thúc chấm dứt cuộc bức hại và kêu gọi đưa thủ phạm của cuộc bức hại ra công lý

Ông Mã Hiểu Minh, cựu biên tập viên Đài truyền hình Thiểm Tây, cho hay ông rất phấn khởi khi nghe nói đến các vụ tố tụng Giang. “Tôi cũng biết rằng điều các học viên yêu cầu là đưa Giang và những kẻ bức hại khác ra công lý, chứ không chỉ là dỡ bỏ lệnh cấm Pháp Luân Công”, ông nói. “Việc này rất hợp lý bởi vì Giang và những kẻ tòng phạm là tội phạm, và kết cục duy nhất đang chờ đợi họ là những phiên xử tại tòa.”

Kinh Sở, một nhà văn từ thành phố Quảng Tây, cho hay ĐCSTQ vốn có nguồn gốc thấp hèn, thể hiện qua việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng do chính quyền Trung Cộng hậu thuẫn. “Đây là tội ác khủng khiếp nhất của mọi loại tội ác”, ông Kinh nói. “Tội ác này chống lại nhân loại và không kẻ nào có thể tránh khỏi hậu quả.”

Nhiều khách du lịch từ Trung Quốc ngạc nhiên khi thấy các sự kiện Ngày Nhân quyền. Ông Trịnh từ thành phố Thẩm Quyến cho biết thật khó mà tưởng tượng một cuộc diễu hành lớn như vậy với 600 học viên Pháp Luân Công có thể diễn ra tại Trung Quốc. “Tôi có thể cảm nhận được không khí trong lành nơi đây”, ông bình luận.

Ông Trần, người làm việc trong một công ty bán lẻ ở tỉnh Quảng Đông, tán thành: “Ở Trung Quốc, cảnh sát bắt giữ các học viên; nhưng ở đây họ giúp bảo đảm cuộc diễu hành diễn ra suôn sẻ. Quả là một thế giới khác.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/12/12/357797.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/13/166732.html

Đăng ngày 5-1-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share