Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc
[MINH HUỆ 30-6-2017] Bà Vương Mỹ Vinh, một công dân ở thị trấn Ma Lan, thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông, bị bắt vào ngày 8 tháng 6 năm 2017 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại.
Bà Vương đã bị đánh đập trong quá trình thẩm vấn. Vì Trung Quốc không có luật nào cấm tu luyện Pháp Luân Công nên các nhà chức trách địa phương đã buộc tội bà Vương “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một tội danh thường được chính quyền Trung Quốc sử dụng để bắt giữ và giam cầm học viên Pháp Luân Công.
Gia đình của bà đã thuê một luật sư biện hộ cho bà. Song luật sư lại bị từ chối gặp các cảnh sát Lưu Kiệt ở Đồn Cảnh sát Thành phố Bình Độ và Khương Nham Thanh ở Đồn Cảnh sát Đại Điền, là những người phụ trách vụ việc.
Con gái bà Vương, sống ở Vùng Vịnh San Francisco, đòi trả tự do cho mẹ từ bên ngoài Trung Quốc, còn chồng bà Vương, ông Khương Quý Vân, đã viết một lá thư ngỏ gửi các nhà chức trách địa phương để đòi tự do cho vợ. Nội dung bức thư như sau:
***
Vợ tôi, bà Vương Mỹ Vinh, là một học viên Pháp Luân Công. Kể từ khi bà ấy tu luyện Pháp Luân Công, bà ấy đã khỏi bệnh vảy nến trầm trọng mà không cần thuốc, và bà ấy đã trở thành người nhân hậu, thân thiện, và chu đáo hơn với mọi người.
Bà ấy luôn dạy con gái phải ngay chính và chống lại những cám dỗ về lợi ích cá nhân. Một lần, khi con gái chúng tôi tìm thấy một cái khuyên tai bằng vàng trên đường từ trường tiểu học về nhà, vợ tôi bảo cháu phải trả lại nó cho người mất, là ông Trì Hồng Phương, nên ông ấy đã rất ấn tượng bởi sự liêm chính của vợ tôi.
Một lần khác, hồi con gái chúng tôi học trung học, cháu vấp phải một cái ví. Trong cái ví có mấy trăm tệ, một vài cái thẻ ngân hàng, và một chứng minh thư. Vợ tôi bảo cháu trả lại nó cho người mất, là ông Trương Thọ Vĩ, và ông này vô cùng biết ơn chúng tôi vì nếu phải hủy rồi làm lại cả mấy cái thẻ bị mất thì sẽ mất nhiều thời gian và công sức.
Tháng Tư năm nay, nhà tôi bị dột từ căn hộ tầng bốn trên nóc nhà tôi. Đệm và giường ướt sũng. Trần nhà tắm và bếp thì nước nhỏ tong tỏng hàng mấy ngày liền, đến nỗi chúng tôi không dùng được thứ đồ điện nào. Ông Tiếu, chủ căn hộ tầng trên, mang cho chúng tôi một bộ ga và nệm mới để bồi thường thiệt hại cho chúng tôi. Vợ tôi đã trả chúng lại. Gia đình ông Tiếu hết sức cảm động và không ngớt lời khen chúng tôi: “Bà tốt bụng quá. Thời nay, thật khó mà tìm được người nào như bà.”
Chẳng phải xã hội sẽ trở nên hài hòa nếu có nhiều người như vợ tôi sao? Chẳng phải hàng xóm láng giềng sẽ ít mâu thuẫn và kiện tụng hơn nhiều nếu có nhiều người hơn nữa hành xử giống như vợ tôi sao?
Năm 2012, tôi đã đầu tư 400.000 tệ với Công ty Đầu tư Minh Tường ở thành phố Bình Độ. Trong đó, 90.000 tệ là tiền hưu trí của bố mẹ tôi, 60.000 tệ là của em trai tôi đang làm việc ở nước ngoài, và 250.000 tệ là tiền tiết kiệm của chúng tôi. Hồi đó, vợ tôi đã cố gắng can ngăn tôi đầu tư, nhưng tôi không nghe. Cuối cùng, chủ công ty đó bị bắt, còn tôi thì mất trắng số tiền đó. Mỗi lần tôi về quê thăm người thân, bố mẹ và em trai tôi cứ hỏi về số tiền của họ. Tôi rất buồn lòng vì chẳng còn một xu dính túi mà trả cho họ. Trong khi đó, vợ tôi không trách móc gì tôi trước sự mất mát lớn lao đó. Thay vào đó, bà ấy bình tĩnh và còn an ủi tôi: “Thế nếu chúng ta vay ngân hàng ít tiền trả cho bố mẹ và em thì sao?” Tôi đã làm theo ý kiến của bà ấy và cuối cùng cũng trả được tiền cho người nhà. Đến giờ, bố mẹ và em trai tôi vẫn không hay biết gì về việc đầu tư thất bại ấy.
Chính vợ tôi đã cứu tôi khỏi cơn nguy nan ấy. Tôi luôn biết ơn vợ tôi vì sự tốt bụng và hào phóng của bà ấy.
Vợ tôi đã từng làm kế toán tại một tổ chức tín dụng trong làng. Một hôm, thủ quỹ phải đi công việc ở thành phố Bình Độ. Vợ tôi đã tình nguyện lấp chỗ trống tạm thời. Ngay khi trở lại, người thủ quỹ đã kêu là bị mất 22.500 tệ. Cuối cùng, ba người liên quan, trong đó có vợ tôi, mỗi người phải đền quỹ tín dụng 7.500 tệ; tại thời điểm đó, số tiền đó tương đương với tiền lương cả năm. Cho dù vợ tôi chỉ là người tình nguyện làm việc của người khác nhưng bà ấy không hề nói một lời phàn nàn về chuyện này.
Khi vợ tôi làm cán bộ quản lý tại Ngân hàng Thương mại và Nông nghiệp, một khách hàng đến xin vay khẩn. Bà đã nhận ra vị khách hàng này là một giáo viên cũ của con gái tôi. Khi biết lý do khẩn của khoản vay và quy trình chuẩn của ngân hàng sẽ phải mất vài ngày, bà ấy đã chuyển tiền từ tài khoản của chúng tôi cho vị khách hàng đó.
Chẳng phải hành động của vợ tôi cho thấy bà ấy là người vô cùng lương thiện sao? Ai mà không công nhận bà ấy là một người tốt?
Một hôm, vợ tôi gặp một ông già mù xin ăn trên phố, cả ngày ông ta chỉ xin được hai quả táo. Thấy sự khốn khổ của ông ấy, đến tối, vợ tôi mua 10 tệ được mấy cái bánh và đưa cho ông ấy. Rồi bà ấy còn lấy một cái áo khoác dày trong tủ quần áo ra đem cho người ăn xin. Tôi bảo với bà ấy: “Bà có tấm lòng thật bao dung. Bà sẽ được báo đáp vì những việc thiện của bà.”
Bố vợ của tôi bị liệt suốt 13 năm trời. Cứ khi nào có thời gian là bà ấy lại tới chăm sóc bố những nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Không phải ai cũng gánh vác được trách nhiệm ấy, nhất là khi nó kéo dài hàng năm ròng như thế. Thế nhưng, vợ tôi không kêu thán gì hết, nên tôi vô cùng cảm kích bà ấy.
Mỗi câu chuyện tôi kể trên đây để nói lên rằng Pháp Luân Công dạy người tu luyện phải tốt bụng và rộng lượng. Không có Pháp Luân Công, vợ tôi đã không có được sức khỏe tốt hay tốt bụng đến vậy. Bà ấy mang tới năng lượng tích cực cho xã hội. Thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu có nhiều người giống như vợ tôi.
Các vị là người cầm quyền thì không được lợi dụng luật pháp để bức hại người tốt. Thiện hữu thiện báo, chứ đừng đi bức hại người tốt. Nhân đây, tôi yêu cầu các vị hãy thả vợ tôi vô điều kiện.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/30/350411.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/19/164708.html
Đăng ngày 8-8-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.