[MINH HUỆ 2-7-2017] Ngày 22 tháng 6 năm 2017, bà Ký Đức Liên, 74 tuổi, đã bị bắt giữ phi pháp khi đến đồn công an địa phương để xin làm lại chứng minh thư. Hiện bà bị giam tại Trại tạm giam Ngật Liễu ở Thái Nguyên, và đối mặt với án tù ba năm.

Bà Ký và gia đình đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong cuộc bức hại Pháp Luân Công đang diễn ra tại Trung Quốc. Bà đã bị bắt và giam giữ nhiều lần vì thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công, thậm chí con dâu bà đã qua đời do bị công an sách nhiễu và hăm dọa liên tục.

Khổ nạn của bà Ký

Bà Ký Đức Liên, người ở làng Tây Minh, khu Vạn Bách Lâm, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã bị chẩn đoán ung thư giai đoạn cuối từ 20 năm trước. Tuy nhiên, bệnh ung thư đã biến mất một cách kỳ diệu sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công được ba tháng.

Chứng kiến sự hồi phục kỳ diệu của bà, cô Chu Lạp Hương, con dâu trưởng của bà, cũng bước vào tu luyện. Đó là một khoảng thời gian hạnh phúc cho cả gia đình.

Không lâu sau đó, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc do sự đố kỵ của ông ta với sự phổ biến của môn tu luyện này.

Bà Ký đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, nhưng công an ở quê bà đã đưa bà trở về nhà. Trưởng công an đã liên tục tát vào mặt và đá vào người bà. Bà đã được thả sau khi công an tống tiền gia đình bà 800 nhân dân tệ.

Đó chỉ là sự khởi đầu cho sự đau khổ của họ. Bà Ký cũng bị giam trong một trung tâm tẩy não do làng thành lập và bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức trong một năm vào tháng 12 năm 2000.

Ngày 21 tháng 5 năm 2014, bà lại bị bắt giữ vì phân phát tài liệu giảng chân tướng của Pháp Luân Công. Bốn người con trai của bà đã đến đồn công an để yêu cầu thả bà. Trạm công an Vạn Bách Lâm của Sở công an Thái Nguyên cuối cùng đã đồng ý cho bà được bảo lãnh.

Một năm sau, ngày 18 tháng 5 năm 2015, bà Ký lại bị bắt giữ khi đến tham dự một phiên xét xử một học viên ở Du Thứ.

Ngày hôm sau, Sở công an Thái Nguyên đã giám sát bà tại nhà.

Công an lại bắt đầu giám sát bà Ký cùng gia đình vào ngày 10 tháng 9 năm 2015, sau khi bà kiện Giang Trạch Dân vì tội ác của ông ta trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Ngày 13 tháng 11 năm đó, Tòa án Vạn Bách Lâm ở Thái Nguyên đã xét xử bà Ký dựa trên các cáo buộc sai trái. Chánh án Lý Chí Cường nói với con gái bà vào ngày trước khi diễn ra phiên xử: “Nói mẹ cô hợp tác với chúng tôi. Đừng nghĩ rằng bà ấy sẽ không bị kết án vì đang ở độ tuổi 70. Hiện tại tuổi giới hạn là 75!”

Tại tòa, bà Ký đã nói đến việc Pháp Luân Công đã giúp bà trở thành một người tốt.

Bà Ký tự biện hộ: “Pháp Luân Công đã dạy tôi trở thành một người tốt và luôn nghĩ đến người khác trước. Khi tôi bị xe tải đâm vào năm 2012, người tài xế đã đưa tôi đến bệnh viện. Hông của tôi bị trật khớp nặng và xương sườn bị gãy ba chỗ. Phải mất hơn 20 vết khâu để khâu vết thương trên tay tôi và nhiều hơn để đóng vết cắt trên mí mắt. Mặt tôi cũng bị thương nặng và sưng phồng.”

Bà nói với tòa rằng bà biết trong tâm rằng mình sẽ ổn. Bốn ngày sau mọi vết sưng và viêm đã biến mất và bà được xuất viện vào ngày thứ sáu.

“Sau khi về nhà, tôi đã liên lạc với người tài xế và trả lại anh ấy 8.000 nhân dân tệ mà anh đã để lại để thanh toán viện phí của tôi. Tôi sẽ không làm được vậy nếu không tu luyện Pháp Luân Công.”

Chánh án đã ngăn bà nói thêm nữa.

Bà Ký đã khuyên các viên chức trong tòa án hãy kính trọng Pháp Luân Đại Pháp để họ và gia đình không phải hối hận.

Bà Ký đã bị kết án ba năm tù với tội danh “sử dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”, một cáo buộc vô căn cứ do các tòa án sử dụng để chống lại các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

trại tạm giam nơi họ muốn đưa bà Ký đến đã từ chối nhận bà, nói rằng bà không đủ điều kiện sức khỏe, và bà đã được phép trở về nhà.

Vài ngày sau, công an nói rằng bà không còn bị giám sát nữa.

Bà Ký đã đệ đơn kháng án đối với quyết định của Tòa án Trung cấp Thái Nguyên.

Bản án ban đầu của bà Ký vẫn được giữ nguyên, và tòa án đã lên kế hoạch đưa bà đến một trại tạm giam vào ngày 18 tháng 5 năm 2016.

Ở tuổi 73, bà Ký phải rời nhà để tránh bị bức hại và tên bà đã bị đưa vào danh sách “truy nã”.

Một năm sau, bà trở về nhà và nghĩ rằng mọi thứ đã qua. Nhưng khi bà đến đồn công an địa phương để làm lại chứng minh thư, bà đã bị bắt giữ và bị giam tại trại tạm giam Ngật Liễu ở thành phố Thái Nguyên.

Người con dâu trưởng qua đời do bị bức hại

Cô Chu Lạp Hương là vợ của con trai cả của bà Ký. Cô đã dừng tu luyện Pháp Luân Công vì sợ hãi sau khi thấy công an đánh đập mẹ chồng và đưa bà đến trung tâm tẩy não trong làng.

Sau đó cô đã bị đột quỵ và mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân.

Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công lần nữa vào khoảng năm 2011, hai tháng sau cô đã hồi phục và có thể làm được việc nhà. Nhìn thấy sức khỏe và sắc diện hồng hào của cô, người khác khó có thể tưởng tượng được cô từng bị đột quỵ trước đây. Cả gia đình cô một lần nữa được chứng kiến huyền năng của Pháp Luân Đại Pháp.

Khi cô và mẹ chồng tham dự phiên xử một học viên ở Du Thứ vào ngày 18 tháng 5 năm 2015, công an đã đe dọa và thẩm vấn cô.

Tám ngày sau, ngày 27 tháng 5, Trương Kiến Cương, Trưởng Đồn công an Tây Minh, và các công an khác đã sách nhiễu gia đình cô. Họ lục soát nhà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh của Sư phụ Lý, đài phát nhạc luyện công và tờ rơi Pháp Luân Công. Họ còn muốn đưa cô Chu đi.

Công an chỉ bỏ đi khi cô Chu bị ngất.

Đầu tháng 9 năm 2015, Trương Kiến Cương lại dẫn nhiều người đến nhà cô. Lúc đó cô Chu rất yếu và đi lại khó khăn, họ đã bắt con trai cô đưa cô vào xe công an. Tại đồn công an, họ ép cô ký vào một số giấy tờ trước khi cho hai mẹ con cô về.

Công an đã sách nhiễu gia đình cô Chu nhiều lần, và tất cả những điều này đã khiến sức khỏe của cô suy sụp.

Gia đình đã đưa cô đến một bệnh viện và cô đã ở đó 10 ngày. Cuối cùng các bác sỹ nói với gia đình rằng họ không thể làm gì hơn nữa và bảo đưa cô về nhà.

Trong những ngày cuối đời, cô Chu rất yếu. Cô chỉ có thể ngồi với sự giúp đỡ và nói chuyện khó khăn. Cô không thể ăn uống và chỉ còn da bọc xương.

Mặc dù vậy, Trương Kiến Cương vẫn không bỏ cuộc. Ông ta đã dẫn khoảng một chục người đến nhà bà Chu vào sáng ngày 15 tháng 10 năm 2015 để sách nhiễu cô. Do không thể chịu đựng thêm nữa, cô đã qua đời lúc 7 giờ tối ngày hôm đó, không lâu sau khi công an rời đi. Khi đó cô chỉ mới 54 tuổi.

Một số tội ác của Trương Kiến Cương trong cuộc bức hại các học viên

Trương Kiến Cương là Trưởng Đồn công an Tây Minh. Trong nhiều năm ông ta đã bức hại tàn bạo các học viên Pháp Luân Công để tư lợi, và có biệt danh là “Bin Laden.” Một số học viên đã qua đời bởi sự tàn bạo của Trương.

Ông Hầu Lợi Quân

Trong đơn kiện đối với Giang Trạch Dân, ông Hầu đã kể lại việc bị Trương Kiến Cương và thuộc hạ của ông ta tra tấn. Ông Hầu là một trong những học viên bị bắt giữ vào tháng 10 năm 2002, khi công an bắt người trên diện rộng ở Thái Nguyên.

“Họ sốc điện tôi bằng dùi cui điện 180,000 vôn khi tôi rất yếu sau khi tuyệt thực sáu ngày để phản đối cuộc bức hại. Họ lột trần tôi và đè tôi xuống sàn nhà với ba cái ghế trên người tôi. Họ sốc điện tôi từ đầu đến chân với hai dùi cui, thậm chí cả bộ phận sinh dục cũng không tha. Đầu tôi bị trầy xước và chảy máu.

“Hai tay tôi bị còng ra sau lưng. Dùi cui điện phát ra một âm thanh đáng sợ, và tôi có thể thấy những tia lửa điện màu xanh. Tôi cảm thấy như hàng trăm cây kim đâm tôi như thể những cây búa đập vào người mình cùng một lúc. Tôi cảm thấy đau đớn khắp người.

Việc tra tấn xảy ra trong thời gian dài – cho đến khi tôi không thể đứng dậy và tâm trí lu mờ. Toàn bộ căn phòng đầy mùi thịt cháy khủng khiếp.

Bức hại bà Tống Thúy Bình và bà Sử Ngọc Mai

Tháng 5 năm 2012, khi Trương Kiến Cương là Trưởng Đồn công an Đỗ Nhi Bình, ông ta đã ra lệnh cho thuộc hạ bắt giữ bà Tống và bà Sử khi họ đang giảng chân tướng cho mọi người.

Công an đã nắm tóc bà Tống và lôi vào trong một xe công an. Bà đã bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức trong ba năm. Bà Sử bị giam 15 ngày trước khi được thả về nhà.

Bắt giữ phi pháp bà Lý Kim Lan

Bà Lý Kim Lan, 65 tuổi, ở làng Tây Minh thuộc khu Vạn Bách Lâm của thành phố Thái Nguyên.

Ngày 27 tháng 5 năm 2015, Trương Kiến Cương, cùng hơn 20 người, gồm công an và nhiều cán bộ trong làng, đã đến nhà bà Lý để tra hỏi bà về việc bà tham gia vào phiên xét xử một học viên Pháp Luân Công ở Du Thứ một tuần trước đó.

Họ đã lục soát nhà bà mà không có lệnh và tịch thu một số tài sản cá nhân, gồm một máy tính, một máy in, một đầu ghi CD và mực in. Họ đã đưa bà Lý đi và phạt bà 10.000 nhân dân tệ. Sau đó bà bị kết án bốn năm tù.

Nhiều học viên Pháp Luân Công vô tội khác đã bị Trương Kiến Cương bức hại, ông ta sẽ phải chịu trách nhiệm cho những tội ác của mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/7/2/350518.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/18/164687.html

Đăng ngày 24-7-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share