Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Brazil
[MINH HUỆ 6-3-2016] Tôi được yêu cầu dịch sang tiếng Bồ Đào Nha một bài viết trực tuyến về việc mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công. Bài viết này rất dài, và một học viên khác đã hỗ trợ tôi chỉnh sửa lại bài viết sau khi tôi hoàn thành.
Sau khi bài viết được đăng, tôi để ý thấy một người sử dụng khác đã đánh dấu để xoá bài viết. Điều này khiến tôi bị động tâm và tôi không biết phải làm gì.
Một suy nghĩ hiện lên trong tâm trí tôi: “Mình đã mất bao nhiêu thời gian để dịch bài viết này chỉ để xoá đi hay sao? Thật không đáng ở lại hạng mục giảng chân tướng này!” Sau đó tôi đã phủ nhận suy nghĩ này, phủ nhận chấp trước vào mất và được, đặc biệt là tâm mong muốn được đánh giá và công nhận cho những nỗ lực của mình đối với bài viết này. Sau cùng, tôi biết rằng việc dịch bài viết này là điều đúng đắn mà tôi đã làm, và tôi đã có được sự bình an trong tâm mình ngay cả khi bài viết đó bị xoá đi.
Tuy nhiên, tôi vẫn ôm giữ một suy nghĩ tiêu cực về người định xoá bài viết của tôi, tôi tin rằng anh ấy không tốt hoặc có ý định xấu. Anh ấy đã giải thích tại sao anh ấy nghĩ rằng nên xoá bài viết đó, và tôi đã trả lời, nhưng tôi vẫn chấp trước vào việc không muốn chấp nhận lời phê bình, tôi coi thường anh ấy và nghĩ rằng anh ấy thật sự không đáng để tôi bận tâm.
Hướng nội
Câu trả lời của anh ấy khiến tôi cảm thấy rất khó chịu, không phải bởi những điều mà anh ấy nói, mà bởi vì tôi nhận ra rằng tôi đã không hành xử giống như một học viên và tôi không có được một tâm từ bi.
Không lâu sau, một biên tập viên khác của trang web đã đưa ra lập luận rất logic và hợp lý phản đối việc xoá bài viết.
Toàn bộ quá trình này đã cung cấp cho tôi những phản biện điển hình rất có giá trị được sử dụng để phản đối việc xoá bỏ bài viết. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là quá trình đó đã giúp tôi hướng nội.
Hiểu được nội hàm của sự bao dung
Gần đây tôi mới bắt đầu học tiếng Trung, gồm cả học viết các ký tự tiếng Trung và hàm nghĩa của chúng. Tôi đang học từ “thứ” (恕), nó được cấu thành từ chữ “tương đồng” và chữ “tâm”, điều đó hàm nghĩa rằng tâm chúng ta cần phải có được sự đồng điệu, đó là, khi ai đó làm điều không tốt với bạn (hay trong trường hợp của tôi, khi ai đó làm điều gì mà tôi không đồng ý), thì tôi nên nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của họ, và qua quá trình đó tôi sẽ học được cách để tha thứ.
Cùng ngày hôm đó, một học viên người Trung Quốc đã giúp tôi thấy được tâm chấp trước của mình. Khi tôi cho anh ấy xem ký tự mà tôi đang học, anh ấy nói bằng tiếng Trung, cụm từ “khoan thứ” (宽恕) [có nghĩa là khoan dung, tha thứ] chỉ những người có tấm lòng rộng mở mới có thể hiểu được khoan dung là như thế nào. Anh ấy nói rằng người ích kỷ với tâm địa hẹp hòi sẽ không bao giờ biết được khoan dung là như thế nào. Đó chính là khi mà tôi bắt đầu nhận ra những chủng tâm chấp trước không tốt của mình như ích kỷ, coi thường bản thân và những người khác. Tôi phải học để biết cách khoan dung với bản thân cũng như với những người khác, đồng thời phải tu luyện để đạt đến trạng thái khoan dung, rộng lớn và biết thấu hiểu.
Sư phụ giảng:
“Tâm thái của họ là như thế nào? Là ‘khoan dung’, là khoan dung rộng lớn phi thường, có thể dung [hoà] các sinh mệnh khác, có thể thật sự suy nghĩ như đang ở địa vị của sinh mệnh khác. Đây là điều mà rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa đạt đến được trong quá trình tu luyện, nhưng chư vị đang nhận thức dần dần, đang đạt đến.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadelphia năm 2002)
Tôi nhận ra rằng người đề xuất xoá bỏ bài viết cũng có một mục đích trong cuộc sống, và tôi nên trân quý sự hiện hữu của anh ấy như của người đã bảo vệ bài viết. Cả hai đều đã dạy cho tôi cách để giải quyết vấn đề và cả hai đều rất quan trọng. Trải nghiệm này đã khiến tôi nhận thức được những thiếu sót trong tâm tính của mình và tôi đã có thể vượt qua được. Qua việc lấy đạo đức để đo lường và học cách khoan dung, cuối cùng tôi đã có thể đề cao được phẩm hạnh đạo đức của bản thân, đồng thời biết trân quý giá trị của bản thân mình cũng như của những người khác.
Tôi cũng nghĩ rằng nếu tôi không thể loại bỏ được các chấp trước của mình, cũng như không thể buông bỏ được tâm vị kỷ – bản chất của cựu vũ trụ – thì những gì mà tôi đã làm để giảng chân tướng về cuộc bức hại sẽ phải giải thể cùng với cựu vũ trụ.
Bài viết đó đã không bị xoá. Thay vào đó, nó sẽ tỏa sáng hơn bao giờ hết để tiếp tục vạch trần cuộc bức hại về Pháp Luân Công và cứu độ nhiều người hơn nữa.
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ bài “Chân tu”, trích từ Hồng Ngâm như một lời nhắc nhở để hướng dẫn tôi tu luyện:
“Tâm tồn Chân, Thiện, Nhẫn
Pháp Luân Đại Pháp thành
Thời thời tu tâm tính
Viên mãn diệu vô cùng.”
Trên đây là thể ngộ còn hạn chế của tôi về Pháp. Xin các đồng tu vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp trong thể ngộ của tôi.
Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2016/3/6/155811.html
Đăng ngày 9-5-2016. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản