Bài viết của Ngật Nhiên

[MINH HUỆ 21-1-2016] Hôm nay khi tiến trình Chính Pháp của Sư phụ đang được đẩy nhanh, đối với đệ tử Đại Pháp và các chúng sinh đang đợi được cứu độ mà nói, thời gian là vô cùng trân quý. Nếu như có đệ tử Đại Pháp vô ý làm lãng phí hoặc hao tổn thời gian của đồng tu thì đó hiển nhiên là việc không nên. Nói nhẹ một chút, đây là cách làm không thiện với đồng tu, là biểu hiện của thái độ vô trách nhiệm với chúng sinh. Nói nặng một chút, đây là việc làm gây tổn hại cho đồng tu, cũng là sự coi thường chúng sinh.

Hiện nay để nhân loại có thể kéo dài sự sinh tồn, mỗi phút, mỗi giây đều được đánh đổi bằng sự chịu đựng to lớn vô hạn của Sư phụ Đại Pháp. Sư phụ đang kéo dài thời gian để cứu độ chúng sinh, thành tựu đệ tử Đại Pháp. Thời gian này thực sự là nghìn vàng không thể mua được, vạn vàng không thể đổi được. Với những đệ tử Đại Pháp được Sư phụ hết lòng bảo hộ, họ dùng tâm thái nào để đối đãi với khoảng thời gian này, đủ để thấy rõ trình độ lý giải của họ đối với tu luyện Chính Pháp, đây cũng là thể hiện của tâm tính và cảnh giới trong tu luyện cá nhân. Một người có tâm tính cao sẽ rất vô tư, dù làm việc gì thì đều suy xét từ góc độ của người khác trước tiên. Ngược lại, người có tâm tính thấp là người dễ chấp trước vào cảm thụ và sở thích của cá nhân, do vậy, họ có thể vô tình hay hữu ý làm hao tổn thời gian của đồng tu mà không tự biết và cũng không cảm thấy áy náy.

Trong quá trình tiếp xúc với các đồng tu, tôi thường gặp ba tình huống can nhiễu sau:

Một là, có người có việc cần phải đến nhà đồng tu. Nhưng vừa gặp đồng tu liền luôn mồm chuyện trò không ngừng nghỉ, ít thì mất hai tiếng, nhiều thì mất nửa ngày, thời gian thấm thoắt trôi qua. Căn bản chẳng có chuyện gì, chỉ đơn thuần nói chuyện tào lao mà đã mất mấy tiếng đồng hồ.

Tình huống thứ hai là, có người cần giao lưu chia sẻ về một đề tài nào đó, muốn ở lại nhà đồng tu vài ngày. Có người trường kỳ không thực tu nên những vấn đề rất nhỏ cũng thường xuyên không vượt qua được, liền đi tìm đồng tu để bàn luận. Cả ngày nói không hết chuyện liền ở lại nhà đồng tu nói tiếp, có lần ở lại một, hai ngày, khiến người nhà đồng tu không biết làm thế nào. Kỳ thực rất nhiều lần vượt quan không được, chỉ cần tĩnh tâm lại học Pháp thì sẽ giải khai được nút thắt trong tâm.

Một tình huống nữa là có đồng tu đột ngột “ghé thăm”, cơ bản chẳng có việc gì nhưng vẫn muốn ở lại vài ngày để nói chuyện. Cũng biết rằng đồng tu làm ba việc bận đến không mở được mắt mà vẫn còn đến, đã vậy lại còn ở lại mấy ngày, khiến đồng tu rất lo lắng lại ngại không muốn nói ra.

Tất nhiên không phải nói rằng các đồng tu không thể chia sẻ với nhau, những việc cần chia sẻ thì không thể không chia sẻ. Ví dụ có người thực sự không thể qua được một quan nào đó, muốn chia sẻ với đồng tu một chút thì hoàn toàn có thể thông cảm được. Nhưng tốt nhất là nói ngắn gọn thôi, quan trọng là nỗ lực tìm những điểm thiếu sót của mình, đứng từ Pháp lý mà nói, cũng không cần nói đi nói lại. Đối với người thường mà nói, lặp đi lặp lại một câu chuyện cũng vô vị lắm rồi, huống hồ là người tu luyện.

Khi chia sẻ với đồng tu, tôi thường nói thẳng vào vấn đề, rất ít khi nói thừa. Tôi rất không thích những đồng tu thích nói dài dòng lan man. Nếu gặp kiểu “tra tấn lỗ tai” này, mặc dù tôi sẽ không ngắt lời trước mặt vì tôn trọng đồng tu nhưng tôi sẽ lý trí mà tìm cớ rời đi. Làm như vậy có vẻ như không thiện với đồng tu, kỳ thực là để bớt lãng phí thời gian, đây không phải đối đãi không tốt với đồng tu mà thực sự là thiện.

Trong một năm vừa qua, để tận dụng thời gian tôi thậm chí tính toán thời gian đến từng phút, gần như dành toàn tâm vào việc cứu người, do vậy tôi chưa từng tìm đến nhà đồng tu tán chuyện. Thực sự có việc không đi không được mới cố gắng trao đổi vài lời ngắn ngủi, nói xong là đi. Có khi đứng ở cửa nói mấy câu rồi đi, biểu đạt đã hiểu vấn đề xong liền nhanh chóng rời đi. Mọi người đều đang bận rộn cứu người, tiết kiệm thời gian là có lợi cho bản thân và cho đồng tu.

Người thường có câu: “Thời gian là vàng là bạc”. Thời gian đối với đệ tử Đại Pháp mà nói lại càng trân quý, thời gian là một phần tài nguyên của Đại Pháp. Một người tu luyện tinh tấn sẽ không cố ý mà chiếm dụng thời gian của người khác. Một đệ tử Đại Pháp ở cảnh giới cao càng không vô cớ mà làm hao tổn thời gian của đồng tu. Tất nhiên có việc cần đồng tu phối hợp và giúp đỡ thì không bàn đến trong phạm vi bài viết này.

Trân quý thời gian của đồng tu không chỉ là trân quý tài nguyên Đại Pháp mà cũng là sự tôn trọng với đồng tu và có trách nhiệm với chúng sinh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/1/21/珍惜同修的时间-322504.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/2/8/155272.html

Đăng ngày 24-4-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share