Bài viết của một học viên Đại Pháp tại Trung Quốc

[ MINH HUỆ 1-6-2015] Sư Phụ đ ã liên tục nhắc nhở chúng ta hướng nội bất cứ khi nào chúng gặp phải vấn đề. Nhưng rất nhiều học viên, trong đó có cả tôi lại thường quên mất nguyên lý này và không làm theo một cách vô điều kiện. Khi chúng ta đọc các kinh văn của Sư phụ, chúng ta thường nghĩ rằng mình đã hiểu được các nguyên lý này. Nhưng trong đời sống thường ngày, chúng ta cảm thấy rất khó khăn để chiểu theo những nguyên lý đó.

Thậm chí cho tới bây giờ, sau bao nhiêu năm, tôi vẫn chưa buông bỏ được chấp trước bảo vệ bản thân. Khi xuất hiện mâu thuẫn, phản ứng đầu tiên của tôi là đổ lỗi cho người khác thay vì hướng nội để tìm nguyên nhân. Sau khi luyện công vào sáng ngày hôm nay, đột nhiên tôi nhận ra rằng chấp trước ẩn sâu này đã ngăn trở sự tu luyện của tôi trong nhiều năm.

Trong quá khứ, mọi người đều xem những hành vi không tốt của các nhân vật lịch sử như một gương xấu không noi theo và như lời cảnh tỉnh để làm cho tốt hơn. Nhưng ngày nay mọi người đều đã quên mất điều này. Trong các cuộc xung đột, người ta thường đổ lỗi và công kích lẫn nhau chứ ít ai nhận lỗi về mình. Mặc dù các nguyên lý của Đại Pháp luôn yêu cầu chúng ta hướng nội vô điều kiện vào mọi lúc, nhiều học viên đã không thay đổi những thói quen vốn đã dưỡng thành ở bản thân chúng ta.

Sư phụ giảng:

“Họ làm thế nào đưa những gì mà họ thấy ở đối phương, xoay trở lại nhìn bản thân họ vậy là tốt rồi.” (“Đối thoại với Thời gian”, trích Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi luôn nghĩ rằng mình có thể ngộ tốt về nguyên lý này nhưng tôi vẫn không hoàn toàn tiếp thu được điều đó. Sau khi tôi áp dụng nguyên lý này vào tu luyện, tôi bắt đầu cảm nhận được một sự khác biệt to lớn.

Một ngày tôi nghe thấy hai học viên nói chuyện với nhau. Khi cô Jin [bí danh] bị nghe chỉ trích, ngay lập tức cô trở nên bảo vệ bản thân và bắt đầu tranh cãi. Tôi cảm thấy khá bất bình trước phản ứng của cô ấy và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực về cô ấy. Lúc đó, tôi đột nhiên nghĩ: “Sao mình lại có thể có những suy nghĩ tiêu cực về người khác được chứ? Chẳng phải đó là cơ hội để mình xem lại chính bản thân mình hay sao?” Tôi bắt đầu tìm những thiếu sót ở bản thân và nhớ lại một cuộc xung đột mà có liên quan đến tôi.

Cô Wang, một học viên và tôi đã có mối quan hệ căng thẳng trong nhiều năm. Bất cứ khi nào tôi nghe thấy nhận xét tiêu cực từ cô ấy, tôi đều cảm thấy tổn thương và bắt đầu bảo vệ bản thân. Tôi cũng phàn nàn về những thiếu sót của cô ấy với những học viên khác. Việc cô Jin từ chối lắng nghe phê bình chính là một cái gương phản chiếu sự bất lực của tôi trong việc chấp nhận những lời phê bình, chỉ trích. Trong khi phàn nàn về cô Wang, tôi đã hành xử giống hệt cách mà cô Jin cư xử.

Sư phụ đã đem thiên cơ của việc đề cao tầng thứ tu luyện nói cho chúng ta nhưng liệu chúng ta đã thật sự trân quý những giáo lý của Sư phụ hay chưa? Tôi chưa thực sự đồng hoá với Đại Pháp và do vậy sự tu luyện của tôi đã rất chậm chap trong nhiều năm qua. Khi những người khác đối xử bất công đối với chúng ta, cho dù đúng hay sai, nếu ngay lập tức chúng ta bảo vệ bản thân, chúng ta đã không hành xử như những gì một người học viên nên làm. Nhưng tại sao chúng ta lại cảm thấy thất vọng hay phải bảo vệ cho bản thân mình? Giây phút mà chúng ta bảo vệ cho bản thân mình, chúng ta đã bỏ lỡ mất một cơ hội tu luyện vô cùng quý giá. Mỗi lần chúng ta tranh biện để bảo vệ danh tiếng của bản thân, chúng ta đã gia cường cho phần con người của chúng ta.

Những người khác có thể đã làm những điều không đúng đối với bạn nhưng liệu bạn có thực sự vô tội hay không? Đằng sau việc bảo vệ bản thân này là tâm chứng thực bản thân và tâm cầu danh rất mạnh. Tôi khá chấn động khi tôi nhận ra điều này. Tôi đang cố gắng để bảo vệ danh tiếng cho con người của tôi, đó không phải là tu luyện.

Sư phụ giảng:

“[Thân] thể tại không gian khác, có thể phóng lớn thu nhỏ; [nó] gắn lên thân kia rồi, thì tượng Phật ấy sẽ có một đại não, sẽ có tư tưởng; nhưng chưa có thân thể. Những người khác cũng đến bái [lạy], bái tới bái lui, sẽ cấp cho nó một năng lượng nhất định. Đặc biệt nếu người luyện công thì còn nguy hiểm hơn; hễ bái [lạy] thì dần dần cấp năng lượng cho nó; nó sẽ hình thành một thân thể hữu hình; tuy nhiên thân thể hữu hình ấy hình thành tại không gian khác.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng thói quen bảo vệ bản thân cố hữu cũng giống như một học viên đang bái lạy một Phật giả. Khi có đầy đủ năng lượng, Phật giả này sẽ thao túng sự tu luyện của chúng ta và việc đó vô cùng đáng sợ.

Các học viên đã bỏ qua nhiều nguyên lý trong tu luyện. Mỗi khi chúng ta phán xét ai đúng ai sai bằng cái lý của con người, chúng ta sẽ rơi vào một cái bẫy.

Chúng ta nên chú ý đến niệm đầu của bản thân mình và không phán xét dựa trên những giá trị của con người. Tu luyện bản thân chẳng phải là tu khứ nhân tâm sao. Sao lại không thể tu bỏ cái tâm đúng sai thị phi đi?


Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2015/6/1/310268.html

Bản tiếng Anh:https://en.minghui.org/html/articles/2015/6/29/151309.html

Đăng ngày 26-08-2015. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share