Bài viết của đệ tử Đại Pháp Đại lục

[MINH HUỆ 31-03-2015] Tôi là đệ tử bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ trước năm 1999, lúc đó tôi thực sự không hiểu thực tu là gì, chỉ là nhận thức Đại Pháp là tốt theo cảm tính, tôi nhất định phải học.

Năm 2002, tôi kết hôn với một người thường, tôi vốn nghĩ chỉ cần dựa vào mình là đệ tử Đại Pháp và làm một người tốt thì kết hôn với ai, ở hoàn cảnh nào cũng có thể làm tốt. Nhưng thực tế lại trái ngược với mong muốn, ma nạn gia đình nặng như núi Thái Sơn, bị đè nén ngay trong quá trình đó, vốn do học Pháp không sâu, thực tu không đủ nên tôi đã bị đè bẹp.

Vì mưu sinh tôi phải ra ngoài làm thuê, làm việc rất nặng nhọc, hết một ngày làm việc, tôi mệt mỏi tới mức chân và cổ đau như muốn gãy, về tới nhà lại phải đối diện với những lời chửi bới, nhục mạ của chồng, đối diện với khuôn mặt lạnh lùng của bố mẹ chồng, dù làm thế nào cũng là tôi sai, trong mắt họ, tôi là một người tàn phế, “không bằng cả con lợn”, đây là nguyên văn lời của chồng tôi. Nỗi đau trong lòng khiến tôi trở nên thờ ơ lạnh lùng, không quan tâm tới bất kỳ điều gì hay tới ai khác, tôi tự bao bọc mình vào trong để tránh bị tổn thương.

Nỗi hận chồng, hận gia đình giống như cỏ dại mọc lan. Tôi từng mong anh ấy ra ngoài gặp chuyện chẳng lành, vĩnh viễn không bao giờ quay trở về thì tốt biết bao. Biết bao lần tôi muốn bỏ nhà đi, biết bao lần tôi muốn tự sát cho xong kiếp người. Nhưng rốt cuộc thì tôi vẫn là một người tu luyện, mặc dù học Pháp không nhập tâm, không được tiếp xúc với đồng tu, nhưng yêu cầu cơ bản của Đại Pháp với các đệ tử thì tôi vẫn nhớ, những điều này Sư phụ không cho phép làm, những khổ nạn này đều là nghiệp lực luân báo, người tu luyện cần tu Nhẫn, hết lần này tới lần khác tôi đều dựa vào niềm tin kiên định với Đại Pháp mà gắng gượng vượt qua.

Sau này, tôi chuyển việc làm nhân viên bán hàng cho đồng tu. Nhưng bản thân tôi đã bị dày vò tới mức ngay cả cười cũng không biết cách, khả năng biểu đạt bằng lời của tôi cũng không ổn, đồng tu thuê tôi hoàn toàn là vì muốn giúp tôi, trong thời gian làm việc còn cho tôi đi học Pháp tại nhóm học Pháp, tự mình trông cửa hàng.

Nhờ đồng tu giúp đỡ, tôi mới được bước vào chỉnh thể của đệ tử Đại Pháp một lần nữa, hoàn cảnh gia đình cũng dần thay đổi theo việc tôi không ngừng học Pháp, không ngừng tinh tấn, khi ở nhà tôi làm tất cả việc nhà, không để mẹ chồng phải động tay vào, để bà ra ngoài đi dạo với hàng xóm, tôi còn thường xuyên mua hoa quả, bánh kẹo dành cho người bị tiểu đường, hết lòng quan tâm tới bà, khuôn mặt lạnh lùng của bà cũng ôn hòa hơn, bà thường ngồi nói chuyện phiếm với tôi về nhà nọ nhà kia, chuyện này chưa từng xảy ra trong vài năm tôi về nhà chồng.

Nhưng nỗi hận chồng tôi vẫn chưa thể buông bỏ, đồng tu đều nói với tôi: “Chị phải thiện đãi anh ấy, nghĩ anh ấy tốt mới được.” Ngoài miệng tôi đồng ý, nhưng trong lòng tôi lại nghĩ với ai tôi cũng thiện được, riêng với anh ta thì không, tôi bị vật chất hận bao quanh, nỗi hận đó dường như là tử quan mà tôi không thể vượt qua. Cũng vì mâu thuẫn giữa chúng tôi không dứt. Xong chuyện tôi cũng thấy hối hận, nhưng có thể nào không tức giận mà giữ được tâm thái bình hòa đây? Dù không thể thiện đãi anh ấy như những cặp vợ chồng thực sự, thì chí ít thì tôi không được động tâm như với hàng xóm. Nhưng dù tôi hướng nội tìm biết bao lần, dù tôi đã tìm ra hàng loạt chấp trước như tâm tranh đấu, tâm oán hận, tâm ủy khuất, tâm oán thán không cam tâm, tâm sắc, tâm không chịu để người khác nói mình, dù lúc đó tôi có thể cố gắng nhẫn nhịn, nhưng hễ gặp phải mâu thuẫn tôi lại không vượt qua, bản thân tôi cũng rất khổ tâm.

Một hôm đi làm về, chồng tôi nằm trên giường xem ti vi, nhà cửa bừa bộn, một đống bát đĩa chất ở đó, sàn nhà cũng rất bẩn, bồn cầu nhà vệ sinh dùng xong không cọ… Lúc này cơn giận của tôi lại bốc lên tới tận đỉnh đầu, nhưng chưa phát tiết ra. Kỳ thực xưa nay đều như vậy, cứ như vậy mà ma luyện bản thân mình. Tôi thầm nghĩ không thể cứ mãi như vậy, cần vượt qua quan này với anh ấy.

Tôi vừa dọn dẹp vừa tìm chấp trước trong tâm, vẫn là những cái tâm đó, tôi tìm nó đã vài năm nay. Tôi nén giận trong lòng cầu xin Sư phụ: Thưa Sư phụ, con muốn vượt qua quan gia đình này, con kéo dài quá lâu rồi, sao đều không được, con nhất định phải vượt qua. Sau đó một câu trong “Chuyển Pháp Luân” của Sư phụ hiện ra trong đầu tôi:

“… người khác nếu [có điều gì] tốt, thì thay vì cảm thấy mừng cho họ, người ta lại thấy bất bình trong tâm.”

À, là tâm tật đố! Hóa ra đây mới là cái gốc.

Chính trong tích tắc đó tôi nhận thức ra được, nó đè nặng lên đầu tôi như một ngọn núi, cái gốc rễ mà tôi cho rằng mình không cách nào vượt qua ngay lập tức không còn nữa, tôi như người không biết hận bao giờ, trong tâm nhẹ bẫng, không cách nào diễn tả được, quả đúng như Sư phụ giảng: “Đệ tử chính niệm túc Sư hữu hồi Thiên lực” (Sư đồ ân, Hồng Ngâm 2) , tôi cũng cảm nhận được dụng ý ở tầng thâm sâu mà Sư phụ giảng riêng về tâm tật đố.

Sư phụ giảng:

“Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược.” (Chuyển Pháp Luân)

Từ đó trở đi trong tâm tôi không còn hận, tôi nói chuyện với chồng cũng dịu dàng hơn, biết nghĩ cho anh ấy, mối quan hệ của chúng tôi cũng dần thay đổi.

Qua trải nghiệm lần này, tôi ngộ ra rằng trong tu luyện nhất định không được coi nhẹ việc học Pháp một cách thiết thực, làm tốt ba việc, tu luyện tâm tính cá nhân, nếu không sẽ không chỉ ảnh hưởng tới việc phối hợp làm ba việc, mà còn khiến người nhà không thể lý giải, họ không nhìn thấy mặt chính diện của đệ tử Đại Pháp thì nắm cứng lấy mặt phụ diện của chúng ta mà hiểu lầm Đại Pháp, từ đó phạm tội với Đại Pháp và đệ tử Đại Pháp.

Còn nữa, chính là chúng ta tu luyện tìm tâm chấp trước không thể chỉ đại khái bề mặt, cần đào sâu cái gốc của nó mới được. Cũng hy vọng những đồng tu đang mắc kẹt trong quan gia đình không biết nên làm thế nào đều có thể đào sâu gốc rễ của nó, mau chóng tu tốt bản thân. Thời gian không đợi người.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/3/31/306616.html

Đăng ngày 30-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share