Bài viết của một học viên Pháp Luân Công từ Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-01-2015] Chúng ta không thể kiểm soát được những gì xảy đến, nhưng chúng ta có thể gây tác động tới kết quả bằng phản ứng của chúng ta. Tôi tin như vậy. Những thăng trầm của ngôi nhà của tôi đã theo tôi được hơn 20 năm qua kể từ khi tu luyện Pháp Luân Công: Chia sẻ căn nhà với em dâu; sau đó có một căn lớn hơn; tuy nhiên vì cuộc đàn áp Pháp Luân Công tôi đã mất căn nhà đó; một vài năm cách đây mẹ chồng tôi tặng lại cho tôi căn nhà đó.

Trải nghiệm của tôi chứng thực những gì tôi học được từ Pháp Luân Công: Là một người chu đáo và vị tha không có nghĩa là tôi sẽ mất đi những gì được cho là của mình. Thay vào đó, tôi có thể mang lại hạnh phúc và sự ấm áp cho người khác. Điều đó, ngược lại, cũng sẽ giúp tôi hạnh phúc.

Chia sẻ nhà với em dâu

Mẹ chồng tôi có hai người con trai và hai căn nhà để dành: một căn nhà tầng và một căn nhà gỗ. Chồng tôi là con trai cả, vì vậy, theo phong tục Trung Quốc, tôi cùng anh ấy đã chuyển tới sống ở căn nhà tầng sau khi chúng tôi kết hôn.

Sau đó, em chồng tôi kết hôn. Cậu ấy và vợ mình không muốn sống trong ngôi nhà gỗ, vì vậy họ đã thuê một nơi khác để ở. Em dâu tôi mắc bệnh gan truyền nhiễm, vì vậy tôi thường tránh né cô ấy: Thậm chí tôi còn không muốn ngồi cạnh cô ấy trong bữa cơm gia đình.

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào mùa thu năm 1996. Một tháng sau, chồng tôi được bổ nhiệm tới Bắc Kinh làm việc. Gia đình của chúng tôi cũng chuyển đi theo và chúng tôi bắt đầu một chương mới trong cuộc đời.

Bố chồng tôi chăm nom ngôi nhà của chúng tôi ở quê sau khi chúng tôi rời đi. Khi trở lại vào dịp Tết năm 1998, tôi nhận ra ngôi nhà của mình đã được dọn dẹp nhưng lại có mùi lạ. Dường như có người đang sống ở đó, nhưng đó là ai?

Tôi cũng nhận ra một số vật dụng trong nhà bị mất nên đã hỏi bố chồng tôi về việc đó, nhưng ông bảo đảm với tôi rằng không có ai sống ở đó cả.

Tối hôm đó, tôi không chợp mắt được, trong đầu có hàng loạt các câu hỏi. Tôi không thể chịu được mùi lạ nên chúng tôi đã rời đi vào hôm sau.

Khi trở lại Bắc Kinh, tôi gọi một cú điện thoại về “nhà”. Tôi hy vọng không có ai nhấc máy vì lúc đó mới chỉ 6 giờ sáng, nhưng em dâu tôi đã trả lời.

Tôi không nói lời nào và im lặng cúp máy. Tâm tôi bị dao động: Tại sao họ lại gạt mình? Tại sao họ lại chiếm ngôi nhà của mình chỉ để tiết kiệm tiền thuê nhà trong khi họ đã có một căn nhà gỗ? Còn bệnh truyền nhiễm của cô ta thì sao? Liệu có ảnh hưởng tới con mình không?

Trong buổi học Pháp nhóm hôm sau, tôi đã chia sẻ phiền toái của tôi với một đồng tu. Một đồng tu nhắc tôi rằng đó là một khảo nghiệm để tôi buông bỏ sự ích kỷ của mình. Những khảo nghiệm như vậy thường đột nhiên xảy đến, chỉ bằng cách này mới đụng được tới cái tâm của chúng ta. Nếu đó là cha mẹ mình, liệu tôi có còn bực mình không?

Tôi lập tức thức tỉnh: Sư phụ dạy chúng ta phải vị tha và cân nhắc cho người khác; sao tôi có thể tập trung vào những cảm xúc của mình mà quên đi những lời dạy của Sư phụ? Than ôi, cũng là do tôi đã không học Pháp tốt, quên mất mình là một học viên.

Nhận ra sự ích kỷ của mình, tôi đã giao lại chìa khóa dự phòng cho em dâu và nói: “Em đừng lo, em có thể ở trong nhà của chị.” Em dâu tôi đã bị xúc động sâu sắc.

Cha mẹ tôi cũng bị sốc. Cha tôi nói: “Chuyện gì xảy ra với con gái mình vậy? Sau khi nó tu luyện Pháp Luân Công, nó bỏ luôn cả nhà của mình! Chúng nó sẽ ở đâu sau khi thời gian làm việc tại Bắc Kinh kết thúc?”

Quá tò mò, ông đã đọc cuốn Chuyển Pháp Luân mà tôi tặng ông hai năm trước. Quan điểm của ông đã thay đổi sau khi đọc cuốn sách, ông đã hiểu được tôi.

Nhận một căn nhà lớn hơn

Sở giáo dục nơi bố mẹ chồng tôi làm việc lại lần nữa phân nhà thông qua quay xổ số. Họ định mua nhà cho em chồng tôi, nhưng họ lại giành được một căn nhà lớn hơn đã định mà lại không có nguồn tài chính để mua căn đó. Vậy nên, họ đã nghĩ tới chúng tôi, chồng tôi đã dùng tiền mua căn nhà. Căn nhà lớn hơn này trở thành ngôi nhà mới cho gia đình chúng tôi.

Tôi nhận ra mình không mất thứ gì khi cho em dâu tôi sống trong nhà mình. Tất cả những gì tôi có được là đề cao tâm tính.

Những người tu luyện Pháp Luân Công được yêu cầu phải dần trở nên vị tha. Khi một người thực sự có thể đạt tới trạng thái đó, sẽ giống như những gì Sư phụ đã giảng trong Chuyển Pháp Luân:

“…cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Mất rồi lại lấy lại được căn nhà của mình

Chồng tôi bị ép phải ly dị với tôi vì cuộc đàn áp. Tôi không biết mình cũng đã mất căn nhà cho đến sau khi được thả khỏi trại lao động. Tôi không có gia đình và trở thành vô gia cư. Nhưng tôi không hề hối tiếc và vẫn tiếp tục bước đi; tôi biết mình đang hành xử như một học viên Pháp Luân Công theo những lời dạy của Sư phụ. Tôi không oán không hận.

Không lâu sau, mẹ chồng cũ của tôi tặng căn nhà cho tôi. Sau mười năm, tôi và con cũng được đoàn tụ. Đối với mẹ chồng tôi mà nói thì điều này là rất đặc biệt vì tôi biết ngôi nhà này quan trọng đối với bà như thế nào. Bà thà bỏ trống nó còn hơn để cha mẹ của em dâu tôi sống ở đó. Mặc dù đã ly dị, tôi vẫn chăm sóc bố mẹ chồng tôi như bình thường và họ vẫn đối xử với tôi như một thành viên trong gia đình.

Những lời chỉ dạy của Pháp Luân Công đã giúp tôi trở thành người có thể cân nhắc cho người khác trong tất cả các tình huống và giúp tôi hiểu được ý nghĩa đằng sau của việc xả bỏ so với ôm giữ. Chính nhận thức này đã giúp tôi giữ được sự lạc quan trong suốt những ngày đen tối nhất của cuộc bức hại và đau khổ của bản thân.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/3/302631.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/12/147935.html

Đăng ngày 30-01-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share