Bài của một học viên người Hoa tại Mỹ-quốc

[Minh Huệ] Tiến trình biên soạn và lưu chuyển các bài viết trên Minh Huệ (www.minghui.org) là kết quả của hợp tác giữa các đệ tử Đại Pháp trong và ngoài Trung Quốc, nhất là nhờ nỗ lực cộng đồng của các đệ tử Đại Pháp trong Trung Quốc. Trong quá trình lập các điểm vào Internet và điểm tư liệu ở Trung Quốc, thâu thập tư liệu, phát tán thông tin, in tài liệu minh tỏ sự thật với số lượng lớn, v.v., thì đã có rất nhiều gương sáng thật cảm động. Rất nhiều các đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc đã không ngại khó nạn, dẫu ở trong hoàn cảnh thiếu thốn vật chất, đã âm thầm thiết lập và mở rộng các kênh thâu thập và truyền tin của Minh Huệ (www.minghui.org). Họ mất mát và chịu đựng rất nhiều, kể cả mạng sống của mình; đó là những hy sinh mà các đệ tử ngoài Trung Quốc thật khó bề sánh được.

Hôm nay, từ một giác độ mới, xin được giới thiệu với mọi người về ba bạn đồng tu ở Trung Quốc.

Vương Sàn (Wang Chan): Trước công tác tại Bắc Kinh (Beijing), nhưng từ khi bắt đầu cuộc đàn áp 1999 đã phải lưu lạc vô gia cư, và trở về quê tại tỉnh Sơn Đông (Shandong). Anh không chỉ chủ động tham gia vào công tác Minh Huệ (www.minghui.org), mà còn vận động một bạn đồng tu từ các nơi khác nhau cùng đến. Chỉ trong vài năm, anh Vương Sàn đã đặt chân tới mấy tỉnh và hàng chục thành phố, và trở thành một trong những điều phối viên (coordinator) của Minh Huệ đáng tin cậy nhất ở Trung Quốc. Vai trò điều phối viên đã đến một cách tự nhiên. Cảnh giới anh tu được trong Đại Pháp, đã đưa mọi người quần tụ quanh anh. Dù là thiết lập hoặc bảo vệ các kênh truyền tin của Minh Huệ, hay là truyền rộng bài viết và tư liệu của Minh Huệ, cũng như khích lệ mọi người cùng tinh tấn tu luyện và đề cao trong Chính Pháp, về phương diện nào anh Vương Sàn cũng đều có nhiều đóng góp to lớn.

Viên Giang (Yuan Jiang): Trước là sinh viên trường Đại học Thanh Hoa (Qinghua), rồi đến 1995 trở thành trạm trưởng trạm phụ đạo tỉnh Cam Túc (Gansu). Khi cuộc đàn áp khai mở năm 1999, anh chủ động vận động các học viên tỉnh Cam Túc tham gia vào tiến trình Chính Pháp, trở thành điều phối viên của Minh Huệ tại địa phương, và đã tham gia rất nhiều công tác quan trọng. Anh đã có nhiều không kể xiết những đóng góp trong việc liên lạc giữa Minh Huệ và bạn tu địa phương, tổ chức nguồn bài viết và kênh thông tin cho Minh Huệ, thiết lập và duy hộ các điểm tư liệu, cũng như sử dụng các bài trên Minh Huệ để khích lệ tinh tấn đề cao trong tu luyện cho các bạn đồng tu.

Lý Trung Dân (Li Zhongmin): Vốn dĩ tu luyện hết sức kiên định. Đã nhiều lần bị bắt, bị giam và đánh đập, nhưng đều dùng chính niệm thoát khỏi hang ổ của tà ma, lệnh cả cho tà ác rất thần kỳ. Sau khi bị buộc phải lưu lạc vô gia cư, anh Lý Trung Dân đã âm thầm thực hiện ba việc mà các đệ tử Chính Pháp cần phải làm, và trở thành thông tấn viên của Minh Huệ tại Trung Quốc. Anh Lý Trung Dân vô cùng tinh tấn trong việc duy hộ và vận hành các điểm tư liệu, tu luyện cá nhân cũng như minh tỏ sự thật. Các bạn đồng tu chung quanh đều kính nể hành động của anh và lấy đó làm một nguồn khích lệ to lớn.

Dưới đây là một số chi tiết về ba bạn đồng tu nói trên, những gì mà chúng tôi có thể trình bày công khai tại đây (vì bức hại chưa kết thúc, nên chúng tôi không thể trình bày tất cả).

1. Vương Sàn

Vuong San
Vương Sàn
   

Vương Sàn, nam, 39 tuổi, cao 1m78, quê ở Sơn Đông; tốt nghiệp Học viện Công nghiệp Sơn Đông (sau là Đại học Sơn Đông); khi còn sống đã công tác ở Bắc Kinh, tại trung tâm thanh toán Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, là cán bộ quản lý kỹ thuật cao. Có năng lực kỹ thuật cao, công tác tốt, từng được đơn vị cử đi Canada.

Vương Sàn là một trong những đệ tử Đại Pháp đầu tiên sớm hiểu ra cần phải giảng chân tượng cho quảng đại quần chúng nhân dân Trung Quốc, tự thân tự lực làm, đã khai ngộ rồi liền vận động các bạn đồng tu khác cùng triển khai công tác giảng chân tượng.

Hồi 1999 khi tà ác bắt đầu cuộc đàn áp, Vương Sàn lập tức viết thư trình bày sự thực về Pháp Luân Đại Pháp và gửi đến toàn bộ các cơ quan chính phủ của các tỉnh thành, gây phản ứng rất mạnh. Anh cũng gửi thư trình bày thực tế về Pháp Luân Công cho Giang Trạch Dân, yêu cầu chấm dứt tội ác đàn áp. Đối mặt trước sự thật, Giang Trạch Dân đã không những không dừng bước trước vực sâu tội lỗi mà còn tức tối bắt anh bỏ ngục trong ba tháng.

Vì bức hại, Vương Sàn đã bị buộc đình chỉ công tác, và bắt đầu phải lưu lạc vô gia cư. Mặc dù gầy đi nhiều nhưng vẫn khoẻ mạnh. Là người quang minh lỗi lạc và đối đãi chân thành với mọi người, cách đặt vấn đề rất tích cực, luôn lấy những gì tốt nhất để đối xử với người khác, tu luyện tinh tấn. Trong ba năm lưu lạc các nơi vô gia cư ấy, Vương Sàn đã tới rất nhiều địa phương, kiến lập rất nhiều những điểm tư liệu, giúp các bạn đồng tu khác cùng tiến bộ trong học Pháp, khuyến khích bạn đồng tu cùng hoà nhập và dòng Chính Pháp.

Theo ký ức của một bạn đồng tu tại Trung Quốc, anh Vương Sàn có sáu chiếc ba-lô to, cái thì vác cái thì xách, đi khắp mọi miền Trung Quốc. Anh đã dùng hết chỗ tiền tiết kiệm 200 nghìn nhân dân tệ của mình cho việc giảng chân tướng: mua 5 chiếc máy photocopy, năm chiếc máy tính và máy in. Đến đâu cũng để lại dấu ấn thật sâu đậm về một đệ tử Đại Pháp trong thời kỳ Chính Pháp.

Quan chức Trung Quốc vừa hận vừa sợ Vương Sàn, đã từng treo giải 100 nghìn nhân dân tệ cho ai bắt được anh. Trong quá trình tránh né tà ác, anh ngày càng gầy đi, nhưng dù tà ác có truy sát gắt gao đến mấy, anh vẫn một lòng với Đại Pháp và không gì ngăn anh giảng chân tượng cả. Vương Sàn từng nói với một bạn đồng tu: “Tà ác có đàn áp đến đâu, chúng ta vẫn luôn chiểu theo yêu cầu của Sư phụ mà thực thi mọi việc, không ai có thể đổi thay điều ấy.”

Chiều 21-8-2002, tại trạm xe buýt huyện Lương Sơn (Liangshan) tỉnh Sơn Đông, Vương Sàn đã bị cảnh sát thành phố Tể Ninh (Jining) là Quách Hồng Đào (Guo Hongtao) đưa người đến bắt giữ một cách trái phép.

Trong ngục, anh bị đánh đập tàn nhẫn, cảnh sát đã điên cuồng đấm đá anh, trói quặt tay sau lưng rồi treo lên và để đánh bằng dùi cui cao su (loại dùi cui chuyên tra tấn, gây nội thương). Không moi được gì ở anh, cảnh sát đã giam giữ Vương Sàn một cách phi pháp tại trại giam thành phổ Tể Ninh. Sau khi điều tra được họ tên thật của anh, cảnh sát còn vô sỉ hơn nữa, chúng bắt luôn mẹ của anh vốn đã hơn 60 tuổi.

Từ hồi trước khi bị bắt, bộ công an đã có chỉ thị nội bộ tìm bắt Vương Sàn, do đó đã cử cảnh sát chuyên nghiệp truy tìm tại khu vực quanh nhà anh ở Sơn Đông.

Đến khi bắt được rồi, cảnh sát lấy làm mừng lắm, lấy đó làm cơ hội thăng quan phát tài, đặc biệt là cảnh sát tà ác Quách Hồng Đào. Tại trại giam thành phố Tể Ninh, hắn đã không để anh ngủ trong mấy ngày đêm liền, và dùng các thủ đoạn thẩm vấn liên tục. Nhưng Vương Sàn luôn luôn dựa vào ý chí kiên cường học từ Đại Pháp nên không hề nao núng. Cảnh sát tức tối và tra tấn anh rất tàn nhẫn.

Ngày 28-8-2002, Vương Sàn bị cảnh sát tà ác Quách Hồng Đào tra tấn đến chết tại trại giam thành phổ Tể Ninh tỉnh Sơn Đông. Theo một nhân chứng, thì toàn thân anh bị nhiều vết thương nặng và mất nhiều máu; có thể đó là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc tử vong.

Sau khi Vương Sàn bị bức hại đến chết, bộ công an và phòng “610” đã uy hiếp gia đình anh, cấm tiết lộ tin tức. Chúng nói rằng hai em trai của anh sẽ bị mất việc nếu không nghe theo lời chúng. Sau khi Vương Sàn qua đời, thân thể của anh đã bị cảnh sát địa phương cưỡng bức hoả thiêu trái với nguyện ý của gia đình.

2. Viên Giang

Vien Giang
Viên Giang
   

Viên Giang xuất thân từ một gia đình làm nghề giáo dục, cha là giảng viên và chủ nhiệm khoa trường Đại Học Sư Phạm Tây Bắc, mẹ là giảng viên giỏi tại một trường trung học. Tháng 7-1995 Viên Giang tốt nghiệp trường Đại học Thanh Hoa khoa điện tử tin học. Anh đắc Pháp từ hồi 1993, là một trong những đệ tử Đại Pháp đầu tiên đắc Pháp tại Thanh Hoa. Sau khi tốt nghiệp, anh quay về Cam Túc, và trở thành trạm trưởng trạm phụ đạo Pháp Luân Đại Pháp tỉnh Cam Túc. Anh cũng là Phó Chủ tịch Công ty Công nghệ Thông tin trực thuộc Sở Truyền thông tỉnh Cam Túc. Anh qua đời ngày 9-11-2001 ở tuổi 29 do bị tra tấn đến quá tàn bạo.

Trước khi Viên Giang đắc Pháp, thân thể anh có nhiều bệnh tật, đã từng phải nghỉ học 1 năm. Năm 1993 bắt đầu học Pháp và đã tham dự bốn khoá học do Sư phụ đích thân dạy thời bấy giờ. Từ đó trở đi, thân tâm tiến bộ rất nhiều. Tháng 8-1994, một giáo sư Đại học Thanh Hoa đã đến tham dự bài giảng của Sư phụ tại Cáp Nhĩ Tân (Harbin) và sau đó lập ra điểm luyện công tại Đại học Thanh Hoa. Viên Giang là một trong những người đầu tiên tham gia vào điểm luyện công đó. Bấy giờ ngày nào anh cũng kiên định học Pháp và học thuộc Pháp, và thường xuyên nhấn mạnh tính trọng yếu của việc học Pháp. Viên Giang cùng các đệ tử Đại Pháp đầu tiên của điểm luyện công trường Đại học Thanh Hoa ngày nào cũng rất tinh tấn trong học Pháp và luyện công, gây dựng một cơ sở rất tốt cho hồng Pháp về sau tại khu vực lân cận.

Hiện nay có một người từng là sinh viên Đại học Thanh Hoa, nay đang sôngs tại Anh quốc; theo ký ức đã kể rằng.

“Hồi Sư phụ giảng Pháp vào 1-4-1995 khi cuốn ‘Chuyển Pháp Luân’ mới phát hành, bấy giờ có nhiều học viên tại Bắc Kinh lắm, và chỉ có thể vào nghe nếu có vé. Điểm luyện công Thanh Hoa chỉ có mấy chiếc vé thôi, và tôi có một chiếc. Một bạn cùng lớp tôi mới đắc Pháp, và tôi nghĩ rằng nếu bạn ấy được nghe Sư phụ trực tiếp giảng Pháp thì hay biết mấy! Tuy bạn ấy không có vé, nhưng tôi cũng lôi bạn ấy đến giảng đường nơi Sư phụ giảng Pháp. Viên Giang biết việc đó, và anh đã chủ động nhường vé của mình cho chúng tôi, còn bản thân anh đứng đợi ngoài giảng đường dưới trời gió lạnh để mong xem có thể có cơ hội nào được vào giảng đường không. Anh Viên Giang là người như thế đó, từ việc rất nhỏ trở đi đều luôn luôn thể hiện ra hành vi đạo đức của một đệ tử Đại Pháp.

“Anh Viên Giang hoà nhã vui vẻ luôn để lại ấn tượng sâu đậm với những ai từng gặp mặt anh. Tháng 7-1995, anh tốt nghiệp và lên tầu đi về phía tây trở về Lan Châu (Lanzhou). Anh tích cực hồng truyền Đại Pháp ở Lan Châu và các vùng lân cận. Anh hy sinh tất cả chỉ để làm sao mọi người được cứu độ và đắc Pháp. Những người ở đó kể rằng, trong một thời gian dài, anh chỉ có một mình với một tấm biển Pháp Luân Công, kiên định liên tục luyện công. Anh tập một mình ở chỗ trường Đại học Sư Phạm Tây Bắc. Qua một, hai năm, thành phố Lan Châu đã có số học viên tu luyện Đại Pháp lên đến hàng vạn. Có thể nói rằng, sự kiên trì nỗ lực âm thầm của anh đã đóng góp rất to lớn vào việc hồng truyền Đại Pháp tại tỉnh Cam Túc và khu vực tây bắc Trung Quốc.

“Sau khi Viên Giang qua đời, có các đệ tử ở Trung Quốc nhớ lại và kể rằng, hồi Viên Giang còn sống, anh luôn chiểu theo lời Sư phụ “hãy học Pháp cho tốt!” (“học hảo Pháp”) mà dẫn dắt các mọi người cùng đọc sách học Pháp tập thể. Khi đó ở điểm luyện công, mọi người đều ngày nào cũng học Pháp luyện công vào chiều tối; mỗi khi có thời gian, anh đều tích cực tham gia học Pháp luyện công tập thể. Những hôm phải đi làm về muộn, anh chỉ vội mua hai chiếc bánh rồi đến học Pháp. Mỗi khi biết au đó còn chưa có cuốn sách ‘Chuyển Pháp Luân’, anh đều tìm cách tìm để có một cuốn cho người ấy. Anh luôn coi việc đọc sách học Pháp là vô cùng quan trọng. Khi các bạn đồng tu khác biết được rằng Viên Giang đã tranh thủ cả giờ nghỉ trưa cũng như buổi sớm và tối để sao cho mỗi ngày kiên trì có được 4 đến 5 tiếng đồng hồ học Pháp, họ đã vô cùng cảm kích và tranh thủ thật nhiều thời gian học Pháp, tạo nên hoàn cảnh tu luyện tinh đề cao thật là tốt, như Sư phụ đã dạy “tỷ học tỷ tu” (một câu trong tập thơ Hồng Ngâm).

“Trong sự kiện liên quan đến bài báo ở Cam Túc tháng 7-1998, với tâm thiện và từ bi của người tu luyện, anh đã viết thư gửi các quan chức hữu quan, khiến họ nhận thức ra sai lầm và có thư xin lỗi.

“Những năm 1998, 1999, số người đắc Pháp tại tây bắc Trung Quốc tăng rất nhanh, do vậy sách và tư liệu Đại Pháp trở nên thiếu. Viên Giang thường xuyên dùng tiền lương của mình để mua sách từ các vùng khác rồi gửi cho các bạn đồng tu. Các băng hình băng tiếng bài giảng dạy của Sư phụ cũng thiếu thốn, anh Viên Giang cũng dùng tiền tiết kiệm của mình để mua hàng trăm chiếc và gửi cho bạn đồng tu nào cần. Mỗi khi có một điểm luyện công mới được lập, anh cũng dùng tiền của mình để thuê phòng cho các học viên xem băng hình 9 bài giảng của Sư phụ. Vì vậy, anh thường xuyên thiếu thốn tiền bạc, có khi còn phải nhịn bữa ăn.

“Bốn năm từ 1995 đến 1999, dẫu tiết trời nóng nắng mùa hè hay gió rét mùa đông, rồi từ 4-1999 khi cảnh sát đặc nhiệm ráo riết gây sức ép, anh Viên Giang vẫn tiếp tục học Pháp giao lưu với mọi người ở cùng một địa điểm. Cảm nhận được tâm anh nhiên bất độngc của anh, mọi người đều vững tâm kiên định. Viên Giang thường nói: ‘Có Sư phụ ở đây, có Pháp ở đây, chúng ta còn sợ gì nữa?’

“Ngay trước 20-7-1999, tình hình đã trở nên u ám; trong ngoài tỉnh Cam Túc đều xuất hiện nhiều sự kiện các kênh truyền tin của chính quyền bôi nhọ Pháp Luân Công. Đồng thời có nhiều điểm luyện công bị can nhiễu và tấn công; các học viên vị đánh đập, bị nguyền rủa; các biển hiệu, sách vở và tài liệu vị tịch thu. Bản thân anh Viên Giang cũng bị quản lý cơ quan đến ‘khuyên giải’ và công an đến uy hiếp. Nhưng anh đã không hề nao núng, trái lại đã bước ra và làm ‘đại biểu’ cho các bạn đồng tu lên thỉnh nguyện và đàm thoại với các quan chức địa phương.”

Là người lương thiện đôn hậu tài hoa, Viên Giang đã từng là Phó chủ tịch Công ty Công nghệ Thông tin, thuộc Văn phòng Sở Truyền thông thành phố Lan Châu. Sau khi đàn áp bắt đầu vào năm 1999, vì không chịu ly khai Pháp Luân Công, anh bị bãi chức và chuyển sang làm kỹ sư trưởng. Trong cơ quan, anh được mọi người nhìn nhận là có chuyên môn hàng đầu và trình độ quản lý tầm trung. Với tuổi đời và năng lực như vậy, anh Viên Giang dường như có một tương lai thành công rất mở; tuy nhiên anh không hề chấp trước vào danh lợi.

Từ tháng 1-2001 anh Viên Giang bị bức bách đi lưu lạc vô gia cư để tránh bị bức hại. Anh chuyển đổi nhiều địa điểm, đến đâu cũng âm thầm dành trọn bản thân cho hồng Pháp, nỗ lực tinh tấn. Anh thường đọc câu thơ của Sư phụ: “Sự sự đối chiếu, Tố đáo thị tu.” (“Mọi việc cứ theo [Pháp] mà đối chiếu; Làm như thế tức là tu”, bài ‘Thực tu’ trong tập thơ Hồng Ngâm).

Ngày 30-9-2001, Viên Giang bị bắt ở gần Đôn Hoàng (Dunhuang), tỉnh Cam Túc. Lúc ấy một chiếc xe cảnh sát không mang biển số đã bắt anh. Sau này qua tin tức từ trong công an mới biết rằng, bấy giờ bộ công an ở Bắc Kinh đã có mật lệnh cho quân cảnh tìm bắt hơn mười học viên Pháp Luân Công xuất phát đi từ thành phố Trường Xuân (Changchun), tỉnh Cát Lâm (Jilin) đến tỉnh Tân Cương (Xinjiang) thông qua vùng biên Cam Túc, do vậy cảnh sát gắt gao kiểm soát thẻ căn cước của mọi người qua lại.

Bắt được Viên Giang, công an tỉnh Cam Túc tà ác đắc ý lắm, coi đó là cơ hội thăng tiến. Bấy giờ theo yêu cầu của công an, Sở thông tin huyện đã cấp cho công an một khu vườn đất cách trung tâm thành phố Lan Châu khoảng 5km, ở đó được bao bọc bằng núi có cây cối xanh tươi che phủ. Họ xây những biệt thự xa hoa cho viên chức cao cấp của công an và sở thông tin ở đó. Bắt được Viên Giang, công an đã đưa anh đến nơi cách biệt đó cùng với hai xe tải chất đầy thiết bị tra tấn.

Là phụ trách viên tỉnh Cam Túc, đồng thời cũng là điều phối viên của Minh Huệ, Viên Giang có trong đầu rất nhiều mối quan hệ. Anh biết hết những ai là phụ trách viên trên phạm vi toàn quốc. Mọi người có thể hình dung được những ngày đó công an đã tra tấn anh như thế nào. Về chi tiết, có lẽ chúng ta phải đợi đến ngày Chính Pháp khi kẻ ác tự cung khai ra những tội ác của chúng. Dù thế nào đi nữa, chúng ta biết chắc chắn một điều rằng Viên Giang đã không hề bội ước với các bạn đồng tu, không hề làm gì không xứng với Sư tôn.

Cảnh sát tra tấn anh trong gần một tháng, dùng mọi thủ đoạn cực hình. Chúng treo anh lên và kéo căng chân để đánh đập anh tàn nhẫn. Cuối cùng, thấy rằng anh đã gần chết, chúng vẫn không chịu để anh xuống mà vẫn treo anh trong gông cùm. Thấy rằng kẻ ác kia không còn có thể cứu được nữa, anh dùng chính niệm tháo bỏ gông cùm và thoát khỏi hang ổ tà ác vào ngày 26-10-2001.

Do chịu cực hình quá khốc liệt trong thời gian lâu, Viên Giang bị thương tích khắp thân thể, đồng thời tuyệt thực cũng làm anh yếu đi quá nhiều. Trong giá lạnh và vùng núi hoang vu, anh phải bò lết vào trong một sơn động và mê man bất tỉnh ở đó bốn ngày bốn đêm.

Lúc ấy tà ác đã điều ba nghìn quân cảnh đi truy tìm vô cùng gắt gao. Chúng tra xét từng người một ở tất cả đại lộ, ga xe lửa và bến ô tô; hầu hết nhà ở của các đệ tử Đại Pháp tại thành phố Lan Châu đều bị lục tung hết. Một số nhà bị quân cảnh phá khoá đột nhập. Có một trường hợp cụ bà trên 60 tuổi bị gãy chân do học viên này nhảy từ tầng 4 xuống đất.

Sau đợt truy sát, Viên Giang bò lết khỏi sơn động, xuống núi và trong đêm đã đến nhà một bạn đồng tu. Mặc dù các bạn đồng tu cố gắng hết mức chăm sóc anh, nhưng anh thường bị sốt cao và ngất đi do bị nội thương quá nặng. Cuối cùng anh đã qua đời vào ngày 9-11-2001, vì thương tích do chịu cực hình tra tấn của công an Trung Quốc.

Một học viên địa phương đã viết những dòng sau cho Minh Huệ (www.minghui.org): “Ngay lúc được tin về bạn, tôi muốn đến gặp bạn lập tức bằng mọi giá. Nhờ một bạn đồng tu khác, tôi đã đến và tận mắt nhìn bạn. Lúc đó bạn chỉ còn da bọc xương, không còn nhận ra được nữa. Nếu như không được chỉ ra, rôi đã không thể nhận ra bạn, tôi không còn tin vào mắt mình rằng đó là bạn nữa. Cặp mắt bạn bị biến dạng, trong khi máu vẫn rỉn ra từ miệng và mũi; bạn nằm đó bất động. Tôi chợt thấy lòng mình trống rỗng, và nước mắt tuôn trào trên má. Trái tim tôi tan vỡ vì đau đớn. Tôi đặt bàn tay lên trán bạn, và thấy rằng nó thật lạnh. Tôi nắm bàn tay bạn, và thấy nó đã khô cứng. Khi nhìn đến đôi chân của bạn, tôi đã gần như quỵ xuống: từ đầu gối đến bàn chân tất cả đều đã tím đen lại. Chân bạn đã trẹo và gẫy, trông như một cành củi khô…”

Sau khi biết Viên Giang qua đời, công an vẫn tiếp tục bức hại và thậm chí công khai tìm bắt trên diện rộng những học viên nào từng giúp dỡ Viên Giang. Cảnh sát cũng theo dõi cha mẹ anh rất chặt. Chúng chuyển lần lượt những cảnh sát nào đã tham gia bức hại đi nơi khác; chúng cho người đến trại giam và đe doạ những tù nhân ở đó: “Viên Giang chưa từng ở đây! Ai mà nói Viên Giang từng ở đây sẽ phải hoàn toàn chịu mọi hậu quả!”.

Từ khi bị bắt ngày tại gần Đôn Hoàng cho đến khi qua đời, Viên Giang đã phải chịu biết bao thông khổ. Những điều ấy sớm muộn cũng sẽ được đưa ra ánh sáng. Cảnh sát tà ác nào tham gia vụ việc này, nếu không sớm biết hối cải, sẽ phải chịu trừng phạt của trời đất!

3. Lý Trung Dân

Ly Trung Dan
Lý Trung Dân
   

Lý Trung Dân, nam, 31 tuổi, nhà số 64 làng Lý Gia (Lijiatun), thông Đường Đồn (Tangtun), thành phố Ngoã Phòng Điếm (Wafangdian) thuộc thành phố Đại Liên (Dalian), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning). Trước vốn làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài tại khu phát triển Đại Liên. Anh là người cao 1m78, trong dáng vóc cử chỉ rất khoáng đạt, bình tĩnh và cởi mở, bạn bè thường gọi anh là “Lý đại”.

Hồi trước sự kiện 20-7-1999, Lý Trung Dân là phụ trách viên của điểm luyện công khu phát triển Đại Liên (trước đây gọi là Tây Sơn (Xishan)). Để mọi người học Pháp thuận tiện, anh đã cùng hai bạn đồng tu khác thuê một căn hộ lớn. Anh rất thân thiện với mọi người. Sau khi bắt đầu tu tập, anh đã sống theo Pháp lý Chân Thiện Nhẫn. Có một lần Tổ chức Công hội địa phương phát động cuộc vận động ủng hộ nông dân ở vùng núi, anh Lý Trung Dân dã đóng góp 800 nhân dân tệ. Việc này làm mọi người ở đó rất ngạc nhiên.

Từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, Lý Trung Dân đã nhiều lần bị bắt giam và bức hại. Ngày 28-12-2000, nhờ đại Sư tôn từ bi bảo hộ, Lý Trung Dẫn đã đường hoàng đi trót lọt qua năm vòng trạm canh của trại cưỡng bức lao động cải tạo Đại Liên, nơi đã bắt giữ anh trong 4 tháng rưỡi.

Sau đó, có tin cho biết rằng trại lao động cải tạo đã liên lạc lên công an Đại Liên, và mất 8 ngày trời lùng sục khắp thành phố. Họ đưa người đến khám nhà anh và gia đình, và thậm chí phái người lên Bắc Kinh tìm bắt. Nhưng lúc ấy Lý Trung Dân đã đang cùng các bạn đồng tu học Pháp và giao lưu kinh nghiệm.

Sau khi thoát khỏi trại lao động cải tạo, anh Lý Trung Dân tiếp tục công tác Đại Pháp, điều ấy làm cảnh sát tức giận lắm. Sau đó anh cũng bị bắt mấy lần, nhưng đều thoát được rất thần kỳ.

Công an cũng biết rằng Lý Trung Dân là đệ tử Đại Pháp rất kiên định và tích cực. Để bắt anh, cuối cùng công an đã điều 180 cảnh sát đến đồn cảnh sát Trung Sơn (Zhongshan) thuộc thành phố Đại Liên, và chúng mất hơn 40 ngày tìm bắt anh và một số bạn đồng tu khác vào 11 giờ ngày 11-1-2002. Một bạn đồng tu nhớ lại rằng từ sáng sớm hôm ấy bầu trời Đại Liên đã bị mây đen che phủ, hầu như không nhìn thấy gì. Công an Đại Liên, công an khu Kim Châu (Jinzhou), công an Ngoã Phòng Điếm, công an Phổ Lan Điếm (Pulandian) đều cùng nhận có ‘thành tích’ trong việc bắt được anh Lý Trung Dân.

Sau khi bị bắt một cách phi pháp, anh Lý Trung Dân bị giam trong phòng giam số 7 nhà tù Diêu Gia (Yaojia), tỉnh Đại Liên. Anh bị còng chân và tay rất nặng và bị tra tấn tàn bạo. Rồi sau đó chúng bí mật kết án anh 15 năm tù giam, và chuyển anh sang nhà tù Đại Bắc (Dabei) thành phố Thẩm Dương (Shenyang); ở đó anh liên tục bị tra tấn.

Từ khi bị bắt, anh Lý Trung Dân không chịu theo bất kể yêu cầu nào của cảnh sát, và đã phản kháng bằng tuyệt thực trong hơn một năm. Trước đây vốn là một người to lớn khoẻ mạnh, nhưng sau quá trình bị bức hại, anh chỉ còn như một nắm xương. Trông anh như một ông lão trên 60 tuổi mặc dù anh mới 31 tuổi.

Anh bị liên tục đánh đập cho đến ngày qua đời, 4-3-2003. Khi ấy, theo một nhân chứng, thì anh bị thương tích khắp người, với những vết máu bết sau đầu, và thâm tím ở đùi; có nhiều vết đỏ sau lưng và mắt anh lúc đó đã sâu trũng vào trong.

Bấy giờ, anh của Lý Trung Dân là Lý Trung Khoa (Li Zhongke), cũng là một đệ tử Đại Pháp, đang bị giam cầm và chịu bức hại tại trại cưỡng bức lao động Đại Liên. Đến khi nhận tin anh mất, bà ngoại anh không chịu đựng được đau khổ và cũng tạ thế.

“Anh ‘Lý đại’ đã qua đời, một bạn đồng tu của chúng ta đã từ trần…”, các bạn đồng tu, những người từng biết anh đều không khỏi rơi lệ khi biết tin đó. Nhớ đến anh Lý Trung Dân, một bạn đồng tu từ Trung Quốc đã viết cho Minh Huệ (www.minghui.org): “Trước 7-2000, tôi đã từng ở cùng với Lý Trung Dân ở ba địa điểm khác nhau. Anh ấy đã hy sinh rất nhiều cho hồng Pháp, đồng thời cũng là một người tu rất nghiêm túc. Anh đặt yêu cầu cho bản thân rất cao, thường xuyên chịu khổ. Chúng tôi hay ngồi luyện thành nhóm với nhau, và có nhiều người không chịu nổi đau nên tháo chân ra. Nhưng anh Lý Trung Dân luôn ngồi đến hết với nụ cười trên môi. Một lần tôi hỏi anh là tại sao. Anh ấy trả lời rằng đó là khi anh ấy chịu đau ở chân, rằng đệ tử Đại Pháp thấy khổ cũng như hỷ lạc vậy.”

Những ngày đêm giảng chân tướng

a. Sứ mệnh trên vai, nhiều lần thoát hiểm

Sau sự kiện chính quyền Trung Quốc phao tin vu khống về “tự thiêu tại Thiên An Môn”, rất nhiều người ở Trung Quốc đã bị lừa dối. Để vạch trần sự giả dối của tà ác, để cứu độ chúng sinh, anh Lý Trung Dân đã nhiều lần chủ động minh tỏ sự thật cho công chúng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

Một lần vào tháng 5-2201, anh đến đưa tư liệu cho một bạn đồng tu khác, nhưng không biết rằng đang bị một cảnh sát tà ác thuộc Cáp Nhĩ Tân theo dõi. Thế là anh bị bắt về đồn cảnh sát. Cảnh sát đã dùng các thủ đoạn để tra tấn anh, chúng dùng dùi cui điện để sốc điện, chúng dùng tạ để đập bẹt ngón chân, với mong muốn tra hỏi nguồn tư liệu là từ đâu. Nhưng anh đã nhẫn chịu không kêu tham. Ba, bốn tên cảnh sát thanh nhau đánh đập anh, xong chúng mệt quá và ngồi nghỉ. Anh đã kiên nhẫn giảng chân tượng cho chúng.

Từ khi thoát khỏi trại lao động cải tạo vào tháng 12-2000, tên của anh Lý Trung Dân đã bị liệt vào danh sách bị truy nã. Khi đó anh tuyệt thực để phản đối, và phát chính niệm. Sáng hôm sau điều thần kỳ đã xảy ra: tay anh vốn bị còng quặt ra sau, đã chuyển ra phía trước. Anh nhảy từ lầu 3 (tầng 4) không hề hấn gì trong khi tay vẫn bị còng, và trốn thoát. Một bạn đồng tu còn nhớ: “Lúc gặp anh tôi chấn động quá và khóc, anh ấy đã hài hước nói: đừng sợ là tôi mà!” Quần áo của anh đã tơi tả cả, và có rất nhiều vết thương trên người. Trên trán có một vết hằn do bị đánh, và trên mặt có một vết bầm lớn. Bên mặt phải bị sưng húp lại không mở mắt ra hết được. Môi của anh gần như đã đứt vì cắn chặt quá. Phải hơn một tuần sau các vết thương mới nhạt đi. Ngay khi hồi phục anh đã bắt đầu quay lại minh tỏ sự thực. Anh không hề dừng nghỉ ngay cả khi các bạn đồng tu bảo anh nghỉ cho lại sức.

Cuối tháng 6-2001, có một người nông dân bị thông tin tuyên truyền của chính phủ đánh lừa, và đã báo công an về một điểm tư liệu mới lập tại thị trấn Tứ Bình (Siping) thuộc thành phố Phổ Lan Điếm. Máy móc tư liệu bị phá huỷ và anh Lý Trung Dân lại bị bắt. Thấy cảnh sát, anh đã bỏ chạy lên núi. Cảnh sát đuổi theo truy sát và nổ bốn năm phát súng làm dân làng sợ lắm. Cuối cùng anh đã không thoát được và bị bắt về Phổ Lan Điếm. Lại một lần nữa anh tự mở được còng và nhảy thoát từ lầu 3, rồi tiếp tục công tác minh tỏ sự thật.

b. Không sợ

Trong tâm anh Lý Trung Dân không có chữ ‘sợ’. Anh không hề bỏ qua bất kể việc gì làm hại đến pháp. Lần cuối cùng đến Bắc Kinh vào 2001, thấy những chữ phỉ báng Đại Pháp trên một chiếc xe buýt, anh đã lập tức gỡ bỏ. Hành khách thảy đều ngạc nhiên, nhiều người do bị thông tin lừa dối đã tức giận muốn nộp anh cho công an. Anh đã kiên nhẫn giải thích sự thật cho họ, chỉ cho họ những vết thương tích trên bản thân mình và kể rằng vì sao lại như vậy. Tài xế, do cũng hiểu sự thật, nên đã can thiệp và giải quyết sự việc.

c. Sống giản dị

Anh Lý Trung Dân luôn nghĩ đến những bạn đồng tu khác còn đang chịu giam ngục. Mỗi khi có kinh văn mới của Sư phụ. Anh luôn gắng hết sức để báo và chuyển cho các bạn đồng tu trong tù. Một lần anh mang loa, máy thâu âm để phát thanh bài kinh văn ở bên cạnh trại giam Ngoã Phòng Điếm. Khi lắp loa đài xong, trời tối, không còn xe buýt, mà gọi taxi thì tốn tiền, nên anh đã đi nhờ xe gắn máy từ Ngoã Phạn Điếm trở về Đại Liên, trong khi không mặc đủ áo ấm. Một bạn đồng tu kể trong nước mắt rằng: Khi anh ấy bước vào nhà, tôi không thốt nên lời; mặt anh ta trắng bệch, nước mắt nước mũi chảy tràn ra vì lạnh quá, anh ấy không nói được rõ vì miệng đã lạnh cóng hết cả.

Lúc còn sống, anh Lý Trung Dân sống tằn tiện. Mùa hè không có tủ lạnh, nên đồ ăn thường mau hỏng nếu để qua ngày. Ngày nào anh Lý Trung Dân cũng ăn đồ ăn thừa qua ngày trước, thậm chí nó đã hỏng, anh vẫn ăn như bình thường. Có một hôm trong nhà hết đồ ăn, bạn đồng tu bảo anh đi tiệm tạp hoá để mua đồ nhân dịp anh có việc lên phố. Anh rất ít khi vào tiệm tạp hoá, và lần ấy anh mua về một túi lớn những quả cà to. Anh bảo rằng chỉ mất một nhân dân tệ để mua chỗ cà cũ xanh xanh vàng vàng đó. Chúng tôi đã ăn chỗ đó mấy ngày mới hết và cũng thấy rất ngon. Anh không đi tắm nơi công cộng bao giờ. Mùa đông cũng chỉ tắm nước lạnh. Anh cũng không đi ăn ngoài hàng quán tốn kém, mà tiền dành dụm được đều để làm tư liệu Đại Pháp và cứu độ chúng sinh.

d. Nỗi buồn

Anh Lý Trung Dân, cũng như rất nhiều đệ tử Đại Pháp khác, đã phải mất việc từ bỏ gia đinh do của cuộc đàn áp gây nên. Một lần gặp anh, khi đã gần bốn năm không gặp mặt thân nhân gia đình, một bạn đồng tu đã hỏi chuyện về gia đình. Để chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh, anh đã hy sinh hết tất cả những gì người bình thường vẫn có, và anh đã dành trọn bản thân mình cho Chính Pháp. Không có nghĩa rằng các học viên Đại Pháp không có trách nhiệm gì với gia đình cả. Khi kể về gia đình, anh có vể rất buồn vì đã phải xa cách một thời gian lâu như vậy.

Mục đích kể những câu chuyện trên về các bạn đồng tu là để mọi người hiểu hơn nữa về các bạn đồng tu tại Trung Quốc, về tính cách, về tu luyện, tính nhẫn chịu và đức hy sinh cũng như thệ nguyện cứu độ chúng sinh của họ. Mong rằng qua đó, những ai liên quan đến công tác về website cần biết giữ vững hoàn cảnh tu luyện, khích lệ chính khí, thuần tịnh chính niệm, củng cố vững mạnh tu luyện của từng cá nhân, sao cho công tác cho các wensite đại Pháp được tốt, có trách nhiệm với sứ mệnh này.

Chúng ta đều tự hào về Vương Sàn, Viên Giang, và Lý Trung Dân, cũng như rất nhiều các bạn đồng tu khác ở Trung Quốc mà tên tuổi của họ chưa thể viết ra ở đây vào thời điểm này. Họ đều là những người đi đầu mũi nhọn trong công tác của mình. Chúng ta cùng nhớ đến tên của họ và những gì họ đã làm. Chúng ta cùng tu luyện, cùng khích lệ — “Tố đáo thị tu” — cùng làm công tác website Đại Pháp được tốt hơn nữa, làm tốt ba việc mà Sư phụ dạy, đi nốt đoạn đường cuối cùng cho thật tốt!

Thành văn 18-1-2004

* * * * *

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2004/1/30/65729.html (I), https://www.minghui.org/mh/articles/2004/1/30/66203.html (II).

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2004/2/18/45210.html (I), https://en.minghui.org/html/articles/2004/2/19/45260.html (II)

Dịch và đăng ngày 2-3-2004; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai để sát hơn với nguyên tác.

Share