Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Pháp
[MINH HUỆ 12-02-2025] Triển lãm Quốc tế Nghệ thuật Zhen Shan Ren (Chân-Thiện-Nhẫn) đã khai mạc tại Thư viện Truyền thông Marignane ở Pháp vào ngày 8 tháng 2 năm 2025, và sẽ mở cửa đến ngày 29 tháng 3 năm 2025.
Một số quan chức thành phố và cư dân địa phương đã tham dự lễ khai mạc. Các bức tranh trong triển lãm đã gây xúc động sâu sắc cho khách tham quan, một số người đã rơi lệ. Thông qua triển lãm, mọi người đã biết đến Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, và cuộc bức hại tàn khốc đã và đang diễn ra ở Trung Quốc.
Marignane là một thị trấn thuộc tỉnh Bouches-du-Rhône của vùng Provence-Alpes-Côte d’Azur ở Pháp, nơi có sân bay Marseille-Provence.
Triển lãm Quốc tế Nghệ thuật Chân-Thiện-Nhẫn khai mạc tại Thư viện Truyền thông Marignane ở Pháp, ngày 8 tháng 2 năm 2025.
Khách tham quan tại triển lãm nghệ thuật
Nhiều khách tham quan đã chia sẻ cảm nghĩ của họ trong sổ lưu bút. “Thật khủng khiếp và vô cùng cảm động!” “Trong một thế giới mà nhân loại và quốc gia cần được đặt lên hàng đầu, triển lãm đã khiến mọi người phải suy ngẫm về cuộc bức hại kinh hoàng và không thể chấp nhận được.” “Tinh thần mạnh hơn vật chất!” “Một cuộc triển lãm có sức tác động mạnh mẽ, lên án một sự thật không thể dung thứ!”
Triển lãm nhắc tôi nhớ về những người theo Cơ Đốc giáo thời đầu bị các đế chế Châu Âu bức hại
Ông Gérard Terrier, phó thị trưởng và Trưởng phòng Văn hóa của Marignane, phát biểu tại lễ khai mạc.
Ông Gérard Terrier, phó thị trưởng và Trưởng phòng Văn hóa của Marignane, đã phát biểu tại lễ khai mạc. Ông cho biết: “Khi chúng ta nhìn vào những bức tranh này, cảm giác như đang nhìn thấy những người theo Cơ Đốc giáo thời đầu bị các đế chế châu Âu bức hại. Lịch sử đang lặp lại. Chúng ta đang ở trong một thời kỳ như vậy. Nền chính trị xấu xa đang tìm cách kiểm soát tâm trí con người. Họ không làm cho mọi thứ tốt lên, mà chỉ muốn giành lấy và duy trì quyền lực. Ngay cả ngày nay, lịch sử vẫn tiếp tục dạy chúng ta những bài học này.”
“Lịch sử cũng cho chúng ta thấy tinh thần mạnh hơn vật chất. Nhiều người có đức tin đã chứng minh điều này. Đức tin cần vượt khỏi những ràng buộc của chính trị và chủ nghĩa vật chất. Tuy nhiên, những người bị Phòng 610 tra tấn vẫn đang phải chịu đựng sự đau đớn về thể xác.”
Chứng kiến những cảnh miêu tả cuộc tra tấn, ông Gérard Terrier đã vô cùng chấn động. Ông nói: “Đáng tiếc là, lịch sử nhân loại vốn đầy rẫy đau khổ. Để vượt lên trên điều đó, phải có một niềm tin mạnh mẽ tiếp sức cho họ. Tôi tin rằng niềm tin này cuối cùng sẽ chiến thắng.”
Cuộc bức hại là không thể chấp nhận được
Bà Valérie Garino, phó thị trưởng của Caril-aux-Rouets, cho biết triển lãm rất quan trọng đối với mọi người
Bà Valérie Garino, phó chủ tịch Hội đồng tỉnh Bouches-du-Rhône và phó thị trưởng của Caril-aux-Rouets, đã vô cùng xúc động sau khi xem triển lãm. Bà nói: “Khi chúng ta xem cuộc triển lãm này, chúng ta dần dần khám phá ra ý nghĩa của nó. Cách bài trí rất hiệu quả. Khi tôi bước vào phòng và nhìn thấy những bức tranh mô tả sự tra tấn, tôi cảm thấy những điều như vậy không thể chịu đựng được. Cuộc bức hại này không nên xảy ra.”
Bức tranh ‘Vô gia cư’ đã để lại ấn tượng khó phai trong bà. “Cô bé đó trở thành người vô gia cư sau khi mất đi cha mẹ. Cô bé đứng một mình trước cửa nhà, nhưng cánh cửa đã bị niêm phong và cô bé không thể về nhà được nữa. Qua đôi mắt của cô bé, tôi có thể cảm nhận được rất nhiều cảm xúc.”
Bà Garino ca ngợi các họa sĩ: “Tôi phải chúc mừng những người đã tạo ra những bức tranh này. Những điều như thế không dễ vẽ đâu. Để tinh thần và đạo đức đạt đến cấp độ này là vô cùng khó. Những gì họ đã đạt được thật đáng ngưỡng mộ.”
Bà cũng chia sẻ ý định quảng bá triển lãm trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram. Bà nói: “Triển lãm này rất quan trọng cho tất cả mọi người xem.”
Trao đổi và hiểu về triết học châu Á là việc ý nghĩa và truyền cảm hứng
Ông Claude Biolley, cựu phó thị trưởng của Marignane và là một kỹ sư máy bay trực thăng, cũng tham dự lễ khai mạc. Ông nhận xét: “Những bức tranh này thực sự rất đẹp, với nhiều tác phẩm xuất sắc.”
“Những tác phẩm nghệ thuật này nhắc nhở chúng ta rằng ngoài thế giới vật chất, còn có thế giới tinh thần. Châu Á có những triết lý khác với chúng ta, và việc trao đổi và hiểu về chúng luôn mang nhiều ý nghĩa và có thể truyền cảm hứng cho chúng ta.”
Triển lãm phơi bày cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. “Thành thật mà nói, chứng kiến điều này trong thế kỷ 21 thực sự là bi kịch. Tôi tin rằng những cuộc triển lãm như thế này rất quan trọng vì chúng giúp người dân ở Marignane biết được sự thật. Chúng ta không thấy điều này trên truyền hình. Nó không được nói đến,” ông Biolley cho biết.
“Với sự gia tăng của bạo lực, chúng ta nhận ra sự cần thiết phải quay trở về với các giá trị truyền thống. Điều này không chỉ giúp chúng ta chung sống tốt hơn mà còn cho phép mỗi người tìm lại chính mình và suy ngẫm ở một cấp độ sâu sắc hơn, về mặt tâm linh,” ông nói.
Chân là một giá trị cốt lõi cần được bảo vệ trong nền văn minh của chúng ta
Ông Jaques Olivier Martin nói Pháp Luân Đại Pháp mang lại lợi ích cho tất cả mọi người
Ông Jaques Olivier Martin, trưởng phòng văn hóa của Marignane, cho biết: “Đây là một cuộc triển lãm rất có ý nghĩa.”
“Nó giới thiệu cho chúng ta về một môn tu luyện phương Đông mà người châu Âu đã lạc mất trong nhiều thế kỷ. Chúng ta một lần nữa khám phá những truyền thống nhất định, đặc biệt là mối liên hệ giữa thân thể và tinh thần. Tất cả những điều này đang quay trở lại tầm hiểu biết của chúng ta.”
Chân-Thiện-Nhẫn là nguyên lý cốt lõi của Pháp Luân Công. Ông lưu ý: “Ở Pháp, người dân đang trở nên thiếu kiên nhẫn hơn khi đất nước đối mặt với các cuộc khủng hoảng, thậm chí rơi vào suy thoái trầm trọng. Chúng tôi hy vọng sẽ thấy sự thay đổi và cải thiện. Còn về ‘Chân’, đó là một yếu tố cơ bản trong suốt lịch sử. Chúng ta thấy rằng ở nhiều quốc gia, không chỉ Trung Quốc, sự dối trá tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở phương Tây, sự lừa dối cũng tồn tại nhưng ở những hình thức tinh vi hơn. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng Chân là một giá trị cốt lõi phải được bảo vệ trong nền văn minh của chúng ta.”
Triển lãm phản ánh cảnh giới tâm thức của các nghệ sĩ tài năng Trung Quốc
Ông Kader Gheziel cho biết Chân-Thiện-Nhẫn là những giá trị phổ quát.
Ông Kader Gheziel, giám đốc sự kiện tại thư viện truyền thông, mô tả cuộc triển lãm là “sự phản ánh tâm thức của các nghệ sĩ Trung Quốc. Họ vô cùng tài năng. Đây là một cuộc triển lãm tuyệt đẹp.”
Ông cũng lưu ý rằng cuộc triển lãm “truyền tải một cách mạnh mẽ nỗi thống khổ của một số người [các học viên Pháp Luân Công] ở Trung Quốc, cũng như nỗi đau của chính các nghệ sĩ. Họ là những người lưu vong, tìm cách thể hiện cảm xúc thông qua tác phẩm của mình. Đây là một điều đáng cảm phục. Đó là một minh chứng cho nét đẹp trong các tác phẩm.”
Thiện lương là một giá trị chúng ta cần nuôi dưỡng
Ông Patrick Malatrait cho biết có rất nhiều cảm xúc đang tuôn trào trong ông.
Ông Patrick Malatrait, một họa sĩ, cho biết: “Mỗi bức tranh đều có phong cách độc đáo riêng. Tôi đã khá sốc. Triển lãm thực sự chạm đến trái tim tôi.”
Trước khi tham dự triển lãm, ông không biết về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Ông đã bị sốc trước những hình ảnh tra tấn, điều này khiến ông nhớ đến Thế chiến thứ hai.
“Lịch sử cứ lặp đi lặp lại,” ông nói. “Khi tôi rời triển lãm, tôi tự hỏi: Cá nhân tôi có thể làm gì để ngăn chặn điều này? Đó là câu hỏi mà tôi đau đáu. Tôi đã ký vào bản kiến nghị kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại. Tôi sẽ nói về điều này với những người xung quanh tôi. Tôi sẽ mời bạn bè đến xem triển lãm này – nó thực sự làm tôi xúc động. Rất nhiều cảm xúc đang tuôn trào trong tôi.”
Ông cho biết thêm: “Thiện lương là điều quan trọng. Nếu chúng ta có thể thiện lương hơn, thế giới sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Thiện lương là một giá trị mà chúng ta nên nuôi dưỡng nhiều hơn.”
Triển lãm truyền tải một thông điệp mạnh mẽ và cảm động
Cô Lydia Guilhot (bên trái) và cô Elizabeth, “Chúng tôi cảm nhận được năng lượng mạnh mẽ từ các nghệ sĩ.”
Cô Lydia Guilhot làm việc tại Phòng Dịch vụ Môi trường của Tòa thị chính Marignane. Cuộc triển lãm đã khiến cô rơi lệ. “Trải nghiệm này thực sự ý nghĩa. Nhiều tác phẩm chan chứa tình yêu thương, điều này khiến chúng ta cảm thấy tầm quan trọng của chúng. Chúng thôi thúc chúng ta nhìn vượt khỏi sự truy cầu và gây dựng mối liên hệ với nhau. Qua những bức tranh này, chúng ta có thể thấy tất cả các biểu tượng của hòa bình và văn hóa truyền thống Trung Quốc. Điều này nhắc nhở chúng ta về sự tương đồng giữa các tôn giáo. Đó là một thông điệp tốt đẹp nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều đang hướng tới sự khai mở nhận thức, và chúng ta thực sự được kết nối.”
Cô Lydia nói: “Cuộc bức hại được mô tả trong triển lãm cho thấy nỗi đau của một quốc gia, nhưng không chỉ giới hạn ở đó. Chúng ta vẫn để cho những điều này len lỏi vào, và đáng buồn thay, hiện nay chúng ta vẫn đang ở trong tình trạng này, vượt ra ngoài biên giới của Trung Quốc.”
Bức tranh mô tả một đứa trẻ bị tra tấn đã để lại ấn tượng sâu sắc cho cô Lydia. “Thật là tàn nhẫn.” Cô cho hay điều này gần như khiến cô mất hy vọng vào nhân loại. “Tuy nhiên,” cô nói thêm, “[Trong một bức tranh] có một khóm sen. Chúng mọc lên từ những nơi từng trải qua sự thống khổ. Đó là một thông điệp đẹp đẽ.”
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/2/12/490673.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/2/18/225532.html
Đăng ngày 20-02-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.