Từ Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm qua mạng Internet lần thứ VIII dành cho các học viên ở Trung Quốc

Bài viết của Lý Tịnh Tâm, một học viên từ Trung Quốc lục địa

[MINH HUỆ 22-11-2011]

Kính chào Sư phụ!

Xin chào các bạn đồng tu!

Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện qua mạng internet thường niên cho các học viên ở Trung Quốc lại tới. Nhìn lại những trải nghiệm tu luyện của bản thân mình trong năm vừa qua, tôi có nhiều cảm xúc lẫn lộn giữa những thiếu sót và các bài học. Để làm tốt hơn trong tương lai và đề cao nhanh chóng, tôi đã tổng kết lại những kinh nghiệm tu luyện của mình gửi Sư phụ và chia sẻ cùng các bạn đồng tu.

Phóng hạ tự ngã viên dung chỉnh thể

Tôi đã bị ảnh hưởng bởi văn hóa đảng khi còn trẻ, và thường vô thức tự bảo vệ bản thân do sự ích kỷ. Khi tôi nghe nói một đồng tu gặp phiền phức, suy nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi là ngừng liên lạc với người đó để tránh bị liên lụy. Khi tôi thấy thiếu sót của người khác, tôi giữ im lặng. Như vậy, người đó sẽ không có cơ hội tranh cãi với tôi. Mỗi khi bị chỉ trích, tôi thường tìm cách biện minh cho vấn đề thay vì hướng nội; đôi lúc tôi thậm chí còn nói dối. Khi nhận ra mình đã nói dối, tôi thấy ngạc nhiên với chính mình. Một lần, một học viên lâu năm tới lấy tài liệu giảng chân tướng và bảo với tôi rằng đứa cháu gái 12-13 tuổi của bà ấy muốn đi cùng. Tuy nhiên, bà ấy đã nói với cháu gái rằng tôi không muốn cháu tới. Tôi thậm chí còn nói:“Bà nên nói với cháu rằng tôi rất cảm động.” Thực ra, cháu gái của bà ấy đã từng đến trước đó và theo tôi vào phòng. Cháu nói: “Bà có máy tính!” Lúc đó tôi đã sợ hãi tới mức làm rơi các đĩa VCD đang cầm trong tay khắp phòng. Tôi nghĩ nếu cô bé nói cho người khác biết về việc này thì thật tệ. Máy tính bị đơ, vì thế tôi không thể tắt nó. Ngày hôm sau, máy tính vẫn hiện màn hình xanh, đen. Tôi đã không hướng nội, mà thay vào đó đổ lỗi cho người đồng tu lâu năm đã mang theo cháu gái. Tôi phải tìm một đồng tu biết sửa máy tính. Sau đó, tôi nói chuyện với người đồng tu lâu năm kia và bảo bà ấy rằng để an toàn bà ấy có thể đưa cháu gái tới nhà tôi trong những dịp bình thường, nhưng không phải khi đến lấy tài liệu giảng chân tướng. Đồng tu đó trả lời: “Không sao đâu. Không có gì phải sợ cả.” Tôi biết tâm chấp trước sợ hãi của mình đã nổi lên bề mặt. Tôi học Pháp nhiều hơn và cố gắng tiêu diệt chấp trước này.

Chồng tôi cũng là một học viên và liền hỏi tôi:“Sao em lại nói dối vậy?” Tôi đưa tay che miệng. Tôi ngạc nhiên vì mình đã nói dối. Tôi đã bị ảnh hưởng của văn hóa đảng quá sâu sắc tới mức việc tự bảo vệ bản thân đã trở thành một thói quen và tôi nói dối mà không nhận ra điều đó. Làm sao tôi có thể như thế này sau mười năm tu luyện? Tôi cảm thấy xấu hổ. Sư phụ muốn chúng ta đề cao như một chỉnh thể. Làm sao tôi có thể hình thành một chỉnh thể với những người khác khi ôm giữ các tư tưởng, thói quen và quan niệm của con người trộn lẫn với sự ích kỷ như thế này? Khi sự việc xảy ra, đầu tiên tôi bảo vệ bản thân mà không dùng Pháp để đo lường sự việc. Đó không phải là hành vi của một người thường sao?

Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tôi phải tiêu diệt những thứ xấu này. Tôi cần kiểm soát bản thân và hình thành một chỉnh thể với những người khác.

Chiều ngày hôm kia, tôi đưa tài liệu giảng chân tướng tới nhà một đồng tu. Tôi nhận ra cô ấy căng thẳng và cô ấy kéo tôi vào phòng và nói khẽ “Một học viên lâu năm trong nhóm học Pháp của chúng ta không về nhà sau khi đi giảng chân tướng. Con gái cô ấy (không phải học viên) đã gọi điện vài lần. Gia đình cô ấy khá lo lắng và nói rằng cô ấy từng bị bắt trong một trường hợp tương tự thế này trước đây.” Chúng tôi là một chỉnh thể, vì thế vấn đề của cô ấy cũng là vấn đề của tôi. Tôi cố gắng bình tĩnh và nói: “Hãy phát chính niệm để hỗ trợ cho đồng tu đó, tiêu diệt tà ác và giải cứu cô ấy. Nếu con gái cô ấy gọi lại, hãy xin số của cháu.” Chúng tôi không biết cô ấy sống ở đâu. Buổi chiều ngày hôm sau, học viên đó tới và nói:“Tôi đã chuyển sách Đại Pháp tới nơi khác. Tôi đã gặp con gái cô ấy. Cháu nói mẹ của cháu bị cảnh sát địa phương bắt đi và đưa đến trại giam chiều hôm đó.” Khi con gái của học viên bị bắt tới thăm cô ấy, điều đầu tiên cô ấy nói là “Hãy giữ cẩn thận đồ đạc của mẹ.” Con gái cô ấy phàn nàn rằng mẹ của cô vẫn chưa khai tên với cảnh sát. Nếu không, cô ấy đã có thể được thả từ đêm hôm trước. Cô gái tức giận và đem những thứ đồ của mẹ mình lên xe đạp và dọa sẽ vứt chúng xuống sông. Tôi ngạc nhiên nói:“Chúng ta phải bảo vệ các sách Đại Pháp, máy tính và máy in để còn cứu độ chúng sinh. Chúng ta không thể để con gái của cô ấy phạm tội với Đại Pháp!” Tôi bàn điều này với gia đình mình và quyết định tìm con gái của cô ấy để chuyển những thứ đồ của cô tới một nơi khác, như vậy sẽ giải tỏa được cho cô ấy áp lực này.

Chúng tôi tìm thấy nhà cô ấy ở ngay gần đồn cảnh sát. Tôi phát chính niệm:“Chúng tôi là các đệ tử Đại Pháp đang làm những việc chân chính nhất. Không ai dám bức hại chúng tôi. Những ai làm vậy là phạm tội. Sư phụ đang bảo vệ chúng tôi.” Chúng tôi tới chỗ cô ấy ngay sau 9 giờ tối, nhưng con gái cô ấy từ chối mở cửa cho chúng tôi. Ngày hôm sau, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch giải cứu đồng tu. Trong quá trình này, chúng tôi đã tiêu trừ một vài quan niệm người thường. Thực ra, Sư phụ đã lấy những nhân tố bất hảo tồn tại ở không gian khác ra khỏi chúng ta ngay khi Ngài thấy chúng ta có chính niệm. Cảm ơn Sư phụ. Một lần nữa, tôi lại được trải nghiệm cảm giác tuyệt vời của việc buông bỏ lợi ích cá nhân và hình thành chỉnh thể trong khi viết bài chia sẻ này.

Buông bỏ lợi ích cá nhân và hình thành một chỉnh thể trong khi dạy các kỹ năng máy tính

Một đồng tu nhờ tôi chỉ cho một đồng tu khác cách sản xuất tài liệu giảng chân tướng. Từ những bài học trong quá khứ, tôi nhận ra việc này cũng là tu luyện, tôi không nên ngại mất thời gian và nên giúp đồng tu đó thành thạo kỹ năng cần có để cứu độ chúng sinh. Tôi bảo cô ấy tự vận hành thiết bị và sau đó ghi chép lại. Tôi dạy cô ấy từng bước, cô ấy thực hành rồi viết lại. Tôi nói: “Đừng vội, hãy ghi chép cẩn thận.” Cô ấy học rất chăm và nhanh. Sau đó, cô ấy thực hành lại toàn bộ một vài lần theo ghi chép. Tôi chỉ quan sát và giúp cô ấy khi cần. Tôi bảo cô ấy rằng cô ấy cần phải thực hành nhiều hơn để thành thạo. Vậy là, một bông hoa nhỏ đã lặng lẽ khai nở.

Tôi thường tới đó để kiểm tra tiến bộ của cô ấy. Thỉnh thoảng, tôi giúp tháo gỡ các vướng mắc nhỏ. Một lần, cô ấy nói: “Tôi không vào mạng được nữa.” Ngay sau khi bước vào, tôi bật máy tính lên và thấy một vài tài liệu được tải xuống. Tôi cố một lúc, nhưng không được. Tôi biết rằng mình đã quên chia sẻ với cô ấy mục đích của việc vào mạng từ góc độ của tu luyện và dựa trên các Pháp lý. Tôi đã không làm tốt. Tôi giải thích rằng trang web Minh Huệ [Hán ngữ] là trang web của các học viên Pháp Luân Đại Pháp và Sư phụ cũng đang quản nó. Tôi nói với cô ấy rằng trang web Đại Kỷ Nguyên và các trang web khác là dành cho người thường. Tôi không biết liệu cô ấy có thể chấp nhận điều đó không. Cuối cùng, tôi nói:“Tôi không biết sửa nó thế nào. Chúng ta cần hỏi các học viên biết kỹ thuật giúp đỡ. Có lẽ hệ điều hành cần cài lại.” Cô ấy hỏi: “Chúng ta có thể tìm được những học viên đó không?” Tôi trả lời:“Tôi không biết tìm họ ở đâu.” Cô ấy trở nên lo lắng và phàn nàn về người điều phối:“Cô ấy luôn mang người tới chỗ tôi. Khi tôi có vấn đề, tôi không tìm được ai để giúp đỡ mình cả.. Cô ấy cũng không nghe điện của tôi.” Sau khi nghe điều này, tôi nghĩ có lẽ mình nên rời đi trước khi cô ấy phàn nàn về mình. Tôi đã an ủi cô ấy nhưng vô hiệu. Sau đó, tôi tìm gặp người điều phối viên và giải thích tình hình. Người điều phối viên tới và bảo tôi: “Cô ấy nói rằng cô ấy gặp một xe cảnh sát gần nhà. Cô ấy sợ bởi vì chị đã mang lại cho cô ấy chấp trước sợ hãi.” Tôi rất kinh ngạc và nói:“Vậy tôi không nên tới đó nữa. Tôi đã tu luyện không tốt và tôi đã làm ảnh hưởng tới đồng tu.” Người điều phối nói:“Chị không hướng nội.” Thật vậy – đã đến lúc tôi cần hướng nội.

Tôi tĩnh tâm lại và nghĩ về điều đó. Liệu việc này có phải là ngẫu nhiên không? Tôi ngồi xuống học Pháp. Sư phụ giảng:

“Tâm của đệ tử Đại Pháp nếu bất ổn, sẽ khiến hoàn cảnh chung quanh chư vị phát sinh biến hoá. Khi chư vị hoảng sợ, chư vị phát hiện chúng sinh đều không đúng như bình thường nữa. Khi chư vị biến đổi thần tình trở thành tươi tỉnh thảnh thơi, tấm lòng rộng mở, lạc quan, thì chư vị phát hiện rằng hoàn cảnh chung quanh cũng khác rồi.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế Washington DC [2009])

Tôi hướng nội và nhận ra rằng tôi có chấp trước sợ hãi. Học viên này trước đó đã bị bức hại. Nhịp tim của tôi đập nhanh khi tôi tới chỗ cô ấy. Tôi hiểu rằng trường của mình không thuần tịnh. Làm sao tôi có thể làm tốt với chấp trước sợ hãi? Tôi bắt đầu phát chính niệm. Tôi phát chính niệm một vài lần cho tới khi nỗi sợ hãi đó biến mất. Sau đó, chúng tôi hợp tác rất tốt. Việc sản xuất tài liệu giảng chân tướng cũng diễn ra rất thuận lợi, bởi vì tôi làm việc đó với chính niệm.

Một vài học viên lâu năm gặp vấn đề với máy tính của họ. Tôi có thể giúp họ với những vướng mắc nhỏ nhưng với những vướng mắc lớn, tôi không thể giúp được. Thỉnh thoảng, tôi không sửa được chúng, ngay cả sau khi dành rất nhiều thời gian để sửa. Có vẻ như cần phải cài lại hệ điều hành. Có nhiều điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng. Nhiều học viên có máy tính, nhưng chỉ một vài người có kỹ năng chuyên nghiệp. Họ rất bận rộn và sống xa chúng tôi. Mỗi lần đi về mất tới bốn tiếng đồng hồ. Tôi quyết định học cách cài lại hệ điều hành và nhờ một học viên có kỹ năng tới nhà để dạy tôi. Tôi viết lại từng bước mà cô ấy dạy tôi. Trước khi cô ấy đi, cô ấy bảo tôi cần thực hành thêm. Tuy nhiên, tôi không dám thực hành, bởi vì nếu tôi làm sai, thì máy tính của tôi có thể không hoạt động, điều đó sẽ cản trở tôi làm tài liệu giảng chân tướng. Chồng tôi, cũng là một học viên, nói:“Chúng ta không thể lãng phí thời gian vào việc sản xuất tài liệu giảng chân tướng. Chúng ta có một ít tiền, vậy hãy mua một chiếc máy tính để thực hành!” Tôi rất cảm động bởi sự ủng hộ của anh ấy.

Mặc dù tôi lo lắng về việc làm thế nào để mua máy tính, người điều phối viên đã ghé qua và rất vui khi biết tôi có kế hoạch mua một chiếc máy tính để thực hành. Cô ấy nhờ một người học viên biết kỹ thuật đến giúp tôi. Tôi nhanh chóng có máy tính. Sư phụ đã nhìn thấy tâm nguyện muốn phát triển các kỹ năng của tôi và đã an bài mọi thứ cho tôi. Con cảm tạ Sư phụ! Tuy nhiên, tôi phải dừng lại giữa chừng bởi vì tôi không nhớ làm gì tiếp theo. Tôi rất lo lắng và gọi người học viên đó đến giúp nhưng cô ấy không nghe máy. Sư phụ luôn ở gần chúng ta. Tôi học cách cài đặt lại máy tính lần thứ hai. Người học viên có kỹ thuật bảo tôi tự làm và ghi chép lại một vài thứ. Không lâu sau đó, tôi đã thành thạo kỹ năng đó. Một đồng tu không vào mạng được. Thấy cô ấy lo lắng, tôi cố gắng cài lại hệ điều hành và đã thành công. Máy tính đã hoạt động tốt được vài tháng kể từ đó.

Thậm chí sửa một chiếc máy in cũng có thể là một quá trình tu luyện. Những học viên biết kỹ thuật rất bận rộn bởi họ có nhiều điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng trong khu vực. Người điều phối viên đã mời một học viên biết kỹ thuật từ thành phố khác tới dạy chúng tôi cách bảo trì máy in. Chồng tôi (người mới đắc Pháp) quyết định học. Anh ấy rất tập trung, và nhờ đã có một chút nền tảng kỹ thuật, anh ấy có thể học rất nhanh. Khóa đào tạo kéo dài bốn ngày. Sau đó, anh ấy nói với tôi: “Anh đã học các kỹ thuật này bởi anh muốn trợ Sư Chính Pháp và cứu độ chúng sinh. Anh không chỉ học được cách sửa máy in mà vấn đề anh gặp phải với cánh tay phải cũng đã khỏi. Thỉnh thoảng, tay anh bị tê và anh không thể giơ cánh tay thẳng lên. Cảm tạ Sư phụ. Anh phải tinh tấn.” Tôi rất vui khi nghe điều đó.

Loại bỏ chấp trước vào việc không chấp nhận chỉ trích và nhanh chóng đề cao

Hôm qua học viên A và một học viên biết kỹ thuật mua 1 máy tính cho học viên B và đưa nó tới nhà cô ấy. Vì cô ấy không có nhà, họ mang chúng tới cho tôi. Tôi nghe thấy tiếng chuông reo và mở cửa. Tôi thấy một chiếc hộp lớn và lập tức đi tới để lấy nó. Học viên A nói: “Nhanh lên nào!” Người học viên biết kỹ thuật nói:“Chị đang làm gì vậy?” Tôi không nói gì và đưa cái hộp vào. Thông thường, người học viên biết kỹ thuật không có thời gian để ăn khi cô ấy đến vào buổi tối. Tôi đi chuẩn bị bữa tối như thường lệ. Học viên A hỏi tôi số điện thoại của học viên B. Vì lý do an toàn, tôi đã mã hóa thông tin liên lạc. Tôi đưa cô ấy một tờ giấy và một cái bút và cố gắng đọc nó cho cô, nhưng cô ấy nghĩ là tôi quá chậm. Cô ấy nói: “Đây là số của cô ấy?” Tôi trả lời: “Vâng”. Cô ấy nói: “Sao không có tên của cô ấy ở đây?” Tôi trả lời: “Tôi chưa bao giờ hỏi tên của cô ấy mặc dù tôi đã biết cô ấy trong nhiều năm. Tôi không biết tên chị dùng là tên thật của cô ấy không nữa. Vì lý do an toàn, tôi đặt cho cô ấy một cái tên mà tôi có thể nhận ra.” Cô ấy mất kiên nhẫn và nói: “Chị có nhiều vấn đề quá.” Tôi cảm thấy không thoải mái với lời bình luận đó. Hướng nội tôi thấy nhiều tâm người thường của mình đã nổi lên. Tôi cần loại bỏ chúng.

Khi đang nấu ăn, tôi cầu Sư phụ giúp mình loại bỏ chấp trước vào việc không thể nhận sự chỉ trích. Tôi mang đĩa thức ăn cuối cùng từ bếp lên và nói: “Chúng ta ăn cơm thôi”. Học viên A nhấc túi lên và nói:“Tại sao chúng tôi phải ăn đồ ăn của chị?” Sau đó, cô ấy rời đi với người học viên biết kỹ thuật. Tôi gần như phát khóc – Tôi đã làm gì sai? Tôi trầm tĩnh lại và tiễn họ một cách lịch sự.

“Tuy nhiên thường khi mâu thuẫn đến, [nếu] chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, [thì] không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được. Do đó tâm chẳng dứt được, tâm bứt rứt; có thể tâm [người ấy] vẫn đeo đuổi.” (Chuyển Pháp Luân)

Cố kìm nước mắt, tôi nói: “Hôm nay, mình cần phải tiêu trừ chấp trước vào việc không chịu nhận lời chỉ trích. Tôi sẽ sử dụng cơ hội này để đề cao. Học viên A rất bận rộn. Cô ấy ngày nào cũng về nhà muộn. Chồng cô ấy gần đây phải vào viện. Mình nên bao dung với cô ấy.” Tôi cảm thấy khá hơn khi nghĩ về việc này. Cuối cùng, Sư phụ đã gỡ những thứ xấu ra khỏi tôi. Sau đó, tôi chia sẻ với chồng mình điều này. Anh ấy không chịu được và nói: “Lần sau đừng mời cô ấy tới ăn nữa. Cô ấy đi quá xa rồi!” Tôi nói: “Đừng đổ lỗi cho cô ấy. Hàng ngày cô ấy làm việc rất chăm chỉ. Em đã làm không tốt. Sư phụ đã giảng:

“Thế nên tôi từng giảng rằng, các đệ tử Đại Pháp đã là một người tu luyện, nhìn vấn đề nên là phản đảo [so với] người thường. Có người cảm thấy gặp phải việc không vui bèn không vui, thế chư vị chẳng phải là con người rồi? Có gì khác đâu? Khi gặp việc không vui, chính là lúc chư vị tu luyện bản thân mình, lúc tu tâm.” (‘Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp’ trong ‘Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011′)

Chồng tôi mỉm cười

Tôi bắt đầu một hạng mục mới vào mùa hè này – làm những đĩa CD nhỏ để vượt phong tỏa internet. Theo như chia sẻ của trang web Minh Huệ, đây là một phương pháp rất hiệu quả để cứu người. Nhiều người trẻ và một vài người cao tuổi biết cách vào mạng. Các đĩa CD này sẽ giúp họ tìm được thông tin mà bình thường họ không thể truy cập được ở Trung Quốc đại lục. Họ có thể biết được sự thật về Pháp Luân Công và được cứu. Tôi nghĩ rằng đây là việc làm tốt và muốn học kỹ năng, vì thế tôi muốn học viên biết kỹ thuật đến dạy tôi. Tôi học và ghi chép rất cẩn thận. Tôi nhanh chóng thành thạo kỹ năng. Mỗi khi tôi thấy phần mềm FreeGate được cập nhật, tôi sẽ làm đĩa CD và đưa chúng cho một học viên sản xuất đĩa CD khác. Tôi cũng làm đĩa CD cho các học viên và phát chúng. Kết quả thật sự tốt.

Hồi tưởng lại nhiều năm tu luyện, tôi dần dần trưởng thành với sự bảo hộ liên tục và từ bi của Sư phụ. Tất cả thành tựu mà tôi đạt được là nhờ Sư phụ, và tôi chỉ thực hiện các việc trong thế giới con người. Tôi đã làm những việc mà một đệ tử Đại Pháp nên làm. Tôi vẫn cần phải từ bỏ những thiếu sót và chấp trước. Tôi phải học Pháp nhiều hơn và ghi nhớ từng khoảng khắc rằng tôi là một đệ tử Đại Pháp. Tôi sẽ đo lường mọi thứ dựa trên các Pháp lý và làm tốt ba việc để hoàn thành thệ ước tiền sử của mình và đạt viên mãn theo Sư phụ về nhà.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/11/22/明慧法会–放下自我–圆容整体-249150.html
Bản tiếng Anh: https://clearwisdom.net/html/articles/2011/12/16/130163.html

Đăng ngày: 03– 6– 2012. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share