Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quóc đại lục

[MINH HUỆ 08-10-2024] Tôi đã tu luyện hơn 20 năm, vẫn tưởng rằng mình nhẫn nại tốt, người khác nói tôi, tôi phần lớn đều có thể không coi trọng mà cho qua. Sở dĩ tôi tưởng thế, là vì tôi từ nhỏ thường hay bị mắng. Mẹ tôi tính khí không tốt, hay trút giận lên người nhà, tôi học cách nói dối, né tránh. Lớn lên, tôi nhận ra mẹ nói người khác thì không cần lý do gì cả, cứ tìm người trút giận thôi, còn tôi thì đã quen với việc không giải thích gì, không chống đối, không để trong tâm, vì đây là hướng giải quyết duy nhất.

Một thời gian rất dài sau khi tu luyện, đối diện với sự chỉ thích thuyết giáo của mẹ, tôi đều không có phản ứng gì, cảm thấy mình nhẫn được rất tốt, trong tâm không gợn chút sóng nào. Nhưng sau khi bố tôi qua đời, tôi thường đến chăm sóc mẹ, dần dần mẹ cũng bước ra khỏi đau thương. Không còn bố ở bên bầu bạn, nên tôi trở thành người duy nhất để mẹ cằn nhằn.

Tôi nhận ra mình càng ngày càng không muốn nhẫn nại với mẹ, ngược lại còn hay lý luận, tranh biện với mẹ. Cho đến một hôm, mẹ bảo tôi: Con không để người khác nói gì cả. Trong tâm tôi chấn động, mình càng ngày càng xa rời trạng thái của người tu luyện rồi, như vậy rất không đúng. Vì sao trước kia có thể nhẫn, giờ lại không muốn nhẫn nữa chứ?

Tôi ngẫm lại nhẫn của tôi suốt 20 năm qua đã thực sự là bất động tâm chưa? Chưa, ấy là vì cân nhắc thiệt hơn, nên chỉ mới là nhẫn không nói gì, vì nói lại càng rối, tức giận lại càng không đáng, tội gì phải chuốc lấy khó chịu cho mình chứ! Nhưng vì sao giờ đây, tôi lại không muốn nhẫn nữa? Trước đây, sự nhẫn nại của tôi là trên cơ điểm của tình: nhẫn một chút cho gió êm sóng lặng; giờ bố tôi không còn nữa, cái tình ấy bị đập tan rồi, sự bình tĩnh mà tôi muốn giữ cũng không còn nữa, tôi cũng không nhẫn được nữa.

Tôi đột nhiên ngộ ra rằng, đối với mẹ, tôi chưa hề tu theo Pháp, nhẫn ấy chỉ là trên bề mặt, là dùng nhân tâm để đối đãi với tu luyện. Tôi nhớ ra trong “Chuyển Pháp Luân”, Sư phụ có nhắc đến Hàn Tín. Tôi vẫn chưa lĩnh hội thấu Pháp mà Sư phụ giảng: chúng ta làm sao mới có thể mạnh hơn Hàn Tín? Hàn Tín có thể nhẫn nhục nhường ấy là vì ông có hoài bão lớn sâu xa, ông không để tâm đến sự sỉ nhục trước mắt đó. Còn cái nhẫn ấy của tôi là có điều kiện, có toan tính thiệt hơn, không thể vì nóng giận nhất thời mà hủy đi tiền đồ của bản thân. Mà cái nhẫn của người tu luyện là không có điều kiện, là cần nhảy ra khỏi sự trói buộc của tình.

Tôi còn thấy trong mâu thuẫn với người khác, tôi cũng cân nhắc thiệt hơn này để nhẫn, nói cách khác, khi mâu thuẫn với các đồng tu, thấy đối phương không cách nào nói cho thông được thì tôi chọn im lặng, nhưng loại nhẫn nại bằng cách im lặng này lại là muốn nhân nhượng cho yên chuyện, không muốn ảnh hưởng đến việc phối hợp sau này, chứ không phải là đi tìm thiếu sót của mình dựa trên Pháp, nên đã bỏ lỡ rất nhiều cơ duyên tu luyện.

Khi tôi nhận ra điểm này, mẹ lại gọi điện thoại mắng oan tôi, tôi giải thích một câu rồi cũng qua, tôi cảm thấy mình đang tu cái tâm không muốn bị nói oan này.

Chưa đến mấy hôm, lại có một đồng tu đến, nói xối xả vào mặt tôi, tôi chịu không nổi liền giải thích với cô ấy, cô ấy không nghe, tiếp tục giễu cợt tôi. Tôi tĩnh lại: Đây là Sư phụ cấp cho tôi để tu, mình không giải thích nữa. Sau khi đồng tu đi rồi, trong tâm tôi lại quay cuồng một trận: Mình vì sao lại để tâm đến những lời trách mắng oan của đồng tu như thế? Đằng sau cái tâm sợ bị nói oan này, còn có tâm thể diện và tâm bị sỉ nhục; đây là chỗ mà nhiều năm nay tôi vẫn luôn cao ngạo cho rằng mình tu khá tốt, thật ra đều là bị cái quan niệm cân nhắc thiệt hơn kia che đậy. Không phải tôi không có tâm thể diện và tâm sợ bị sỉ nhục, mà là tôi cho rằng còn những nhân tố quan trọng hơn ở phía trước, tôi có thể tạm thời bỏ qua cái này, để có được kết quả tôi muốn.

Bây giờ, tôi mới phát hiện ra cái tâm thể diện và tâm sợ bị sỉ nhục rất nặng. Gia đình sum họp, mẹ tôi muốn mọi người cùng chơi một trò chơi, tôi liền chạy ra một chỗ cách xa xa, vì tôi biết hễ tôi chơi không tốt, không chừng mẹ tôi sẽ nói ra những lời thế nào nữa. Đây chẳng phải tâm thể diện và tâm không để người khác nói rất mạnh sao?

Sau khi trải qua rất nhiều trên con đường tu luyện, tôi ngộ rằng chỉ có tu dựa trên Pháp, thì chuyện gì cũng đều dùng Pháp để đo lường, thì mới là tu luyện chân chính.

(Phụ trách biên tập: Lý Minh)

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/10/8/483632.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/19/221284.html

Đăng ngày 25-11-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share