Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 02-09-2024] Vào một buổi tối cách đây mấy năm, có một nhóm ba người từ đồn công an địa phương xông vào nhà tôi. Tôi vội vàng giấu chiếc cặp đựng sách Đại Pháp, các kinh văn của Sư phụ, và tuần báo Minh Huệ xuống gầm bàn. Sau đó, tôi phát chính niệm trong tâm và cầu xin Sư phụ gia trì, không để họ nhìn thấy bất cứ tài liệu Đại Pháp nào.
Họ lục soát mọi ngóc ngách trong nhà tôi còn chồng tôi dõi theo họ trong suốt quá trình đó. Họ chiếu đèn pin về hướng chiếc cặp đựng sách và tài liệu Đại Pháp nhưng không chạm tới. Họ thậm chí còn vào phòng ngủ kiểm tra vỏ chăn, ga trải giường nhưng không tìm được gì. Cuối cùng, họ đành phải rời đi. Tôi tiễn họ vài bước rồi trở lại nhà, trong lòng rất vui vì biết có một tờ rơi giảng chân tướng dưới ga trải giường mà cảnh sát đã không tìm thấy. Tuy nhiên, tôi chưa kịp lấy nó ra thì cảnh sát lại quay lại. Họ nhấc ga trải giường lên và tờ rơi rơi ra. Tôi lập tức nhận ra chính tâm hoan hỉ của mình đã gây ra rắc rối này.
Cảnh sát bảo tôi phải đi cùng họ. Tôi thầm cầu Sư phụ trong tâm: “Sư phụ, con sai rồi, xin Sư phụ hãy cứu con”. Vẻ kiêu ngạo độc ác đằng sau họ liền biến mất và bầu không khí trở nên nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Vừa lúc họ chuẩn bị rời đi, chồng tôi bước ra và hỏi có chuyện gì. Cảnh sát nói “Không có chuyện gì đâu. Tôi muốn cô ấy đến đồn và mai sẽ đưa cô ấy về”. Chồng tôi vốn ngại phiền và nhát gan, nên cứ để họ đưa tôi đi. Thấy chồng hợp tác với họ như vậy, tôi bực bội không nói được gì với họ nữa, đành ôm cục tức lên xe. Lúc đó trong tâm tôi rất oán hận chồng mình.
Khi đến đồn công an, cảnh sát thay phiên nhau thẩm vấn xem ai đã cung cấp cho tôi tài liệu giảng chân tướng và dọa sẽ tống giam tôi nếu tôi không khai, nhưng tôi quyết định không nói gì cả. Thay vào đó, tôi nói với họ về vẻ đẹp của Đại Pháp và các tài liệu đó có lợi cho mọi người như thế nào. Sau khi họ ngừng thẩm vấn tôi, tôi tĩnh tâm lại và hướng nội. Tôi phát hiện ra nhiều chấp trước như: tâm hoan hỷ, tâm oán hận và tâm tranh đấu. Chính những chấp trước đó đã chiêu mời rắc rối và dẫn đến tình huống này.
Tôi ở trong đồn công an, suốt đêm không ngủ và họ không thẩm vấn tôi nữa. Chiều hôm sau, tôi và một đồng tu bị đưa đến cục công an. Trong xe, tôi ngồi cạnh trưởng đồn công an và cảm thấy họ thật đáng thương, nước mắt tôi chảy dài trên mặt. Tôi nghĩ bản thân mình tu luyện không tốt nên mới khiến tà ác dùi vào, tất cả đều là vì chấp trước của tôi khiến họ phạm tội chống lại Đại Pháp. Tôi cảm thấy một sự từ bi dâng trào, và âm thầm câu thông với phía minh bạch của họ, tôi có thể cảm nhận được nỗi thống khổ của họ. Tâm từ bi giúp tôi lần đầu tiên cảm nhận được “thấy mọi chúng sinh đều khổ”.
Khi đến cục công an, chúng tôi bị đưa vào phòng thẩm vấn. Khoảng nửa giờ sau, trưởng đồn công an quay lại và dẫn tôi lên xe. Ông ấy chở tôi về đồn và bảo tôi đợi gia đình đến đón. Chồng tôi và ba cán bộ thôn đến ngay sau đó. Tuy nhiên, cảnh sát yêu cầu chúng tôi nộp phạt 10.000 Nhân dân tệ. Tôi nghĩ: “Tiền của đệ tử Đại Pháp là tài nguyên của Đại Pháp. Họ không được phép bức hại tài chính đệ tử Đại Pháp”. Nếu tôi đưa tiền cho họ, chẳng phải khiến họ tạo ra một đại nghiệp sao. Tôi bảo mình không có tiền rồi nói với chồng: “Về đi anh, chúng ta không nên ở đây”. Các cán bộ thôn, vì quá mong tôi về nhà vào mùa thu hoạch, đã cho chúng tôi vay 2.000 Nhân dân tệ để đưa cảnh sát và yêu cầu chồng tôi ký giấy nợ số tiền còn lại là 8.000 Nhân dân tệ. Anh ấy làm theo, rồi chúng tôi cùng nhau về nhà.
Đêm đó, tôi càng nghĩ càng thấy có điều gì đó không ổn. Cảnh sát nhận số tiền 2.000 Nhân dân tệ mà không hề đưa cho chúng tôi biên lai. Về nguyên tắc, khi nhận tiền thì phải xuất biên lai. Hành động của họ không đúng theo bất kỳ thủ tục pháp lý nào. Tôi nhớ đến lời dạy của Sư phụ:
“Nhĩ hữu phạ — Tha tựu trảo
Niệm nhất chính — Ác tựu khoa”
(“Phạ Xá”, Hồng Ngâm II)
Tôi biết mình cần phải buông bỏ tâm sợ hãi, đấu tranh cho quyền lợi của mình và chính lại những gì bất chính.
Khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, tôi đến nhà cán bộ thôn để giảng chân tướng và đề nghị họ đi cùng tôi đến đồn công an để lấy biên lai. Khi vị trưởng đồn nghe tôi đề đạt muốn lấy biên lai, ông ta trở nên giận dữ, đập bàn và quát lớn. Ông ta tuyên bố rằng tại cục công an ông ta đã lên tiếng bảo vệ tôi để giúp tôi được thả. Mặc dù ông ấy tức giận, tôi vẫn bình tĩnh giải thích rằng tôi chỉ muốn các nhân viên của ông làm đúng thủ tục và cấp biên lai. Cơn thịnh nộ của ông ấy vẫn tiếp diễn, ông ấy đe dọa sẽ bắt giữ tôi lần nữa. Các cán bộ thôn vội vã kéo tôi ra khỏi đồn và chúng tôi trở về nhà.
Khi về đến nhà, tôi nghĩ: Mình không thể lùi bước, mình sẽ quy chính bản thân theo Pháp và làm những việc cần làm. Tôi quyết định phơi bày sự bất công bằng cách viết một lá thư kháng cáo lên chính quyền huyện. Trong thư, tôi viết toàn bộ sự thật về việc tu luyện Pháp Luân Công của mình. Tôi viết về những cải biến về thân thể và gia đình tôi. Đại Pháp đã ban cho tôi cuộc sống thứ hai. Đại Pháp đã cho tôi một gia đình hòa thuận. Đại Pháp đã giúp hàn gắn biết bao gia đình bên bờ vực tan vỡ. Tôi kết thúc bằng cách khẳng định Pháp Luân Đại Pháp là chính Pháp và yêu cầu khôi phục thanh danh của Sư phụ. Tôi ký tên thật vào lá thư.
Sau khi tôi gửi thư đi, cảnh sát lại đến nhà tôi, hỏi tôi đã chuẩn bị đủ 8.000 Nhân dân tệ chưa. Tôi kiên quyết nói với họ rằng tôi không có tiền, chỉ có mỗi một mạng này. Họ dọa sẽ lục soát nhà tôi và tịch thu đồ đạc có giá trị của chúng tôi. Tôi yêu cầu được nói chuyện với trưởng đồn của họ và hỏi họ dựa vào đâu mà lại khám xét nhà tôi. Thấy sự kiên định của tôi, họ liền rời đi. Từ đó, không có cảnh sát nào quay lại đòi tiền nữa.
Sau này, một đồng tu từng bị giam giữ trong một trung tâm tẩy não vào thời điểm đó kể với tôi rằng lá thư kháng cáo của tôi đã được đưa cho Triệu, giám đốc Phòng 610 địa phương, trong khi ông ta đang cố gắng tẩy não các học viên và giáo huấn họ rằng Pháp Luân Đại Pháp là không tốt. Khi đọc nó, ông ta trở nên tức giận, đập bàn và quát lên bảo hãy đưa xxx (tên tôi) đến đó. Người đồng tu lo lắng cho sự an toàn của tôi, nhưng dưới sự bảo hộ của Sư phụ, Triệu đã không có hành động nào, tất cả những điều này đã chứng thực uy lực của Đại Pháp.
Qua trải nghiệm lần này, tôi nhận ra rằng bất kể phải đối mặt với sự bức hại nào, vào bất cứ lúc nào, nếu chúng ta có thể chân chính chiểu theo lời dạy của Sư phụ, thì tà ác sẽ không còn tà ác nữa, và sự bức hại sẽ chấm dứt.
“một tâm không động, có thể [ức] chế vạn động.” (“Tống khứ chấp trước cuối cùng”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Khi chúng ta buông bỏ mọi thứ, chúng ta sẽ thấy quả là:
“Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn!” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
(Phụ trách biên tập: Lý Minh)
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/2/481096.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/10/15/221229.html
Đăng ngày 30-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.