Bài viết của một đệ tử Đại Pháp người Tây phương ở Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 08-05-2024] Tôi đắc Pháp vào tháng 08/2023, khoảng một tháng trước ngày sinh nhật lần thứ 26 của mình. Khi nhớ lại khoảng thời gian vài tháng đầu tiên trong quá trình tu luyện của mình, tôi thấy tất cả mọi thứ trong cuộc đời này đều dẫn tới việc mình đắc Pháp như thế nào, và tôi vô cùng biết ơn Sư phụ vì điều đó.

Sinh ra và lớn lên ở Hawaii, ngoại trừ gia đình tôi tiếp xúc với Tịnh độ tông bên Phật giáo, tôi hầu như lớn lên trong [môi trường] không thuộc tôn giáo. Khi còn là một đứa trẻ, tôi nhớ mình đã thấy các thành viên trong gia đình [cầm] các chuỗi hạt cầu nguyện quấn quanh tay, niệm Phật hiệu A Di Đà Phật ở chùa Bổn Nguyện có nền màu vàng kim rất tinh xảo và cầu kỳ. Tôi cảm thấy mình giống như một người đứng ngoài, và tự hỏi nếu mình [thực sự] là một người trải nghiệm tâm linh thay vì chỉ là một người bàng quan đi qua các bước nghi thức, thì điều đó sẽ có ý nghĩa gì. Mặc dù tôi rất hiếu kỳ về ý nghĩa của ngôi chùa và việc niệm kinh, nhưng tôi vẫn còn khám phá thế giới thông qua lăng kính của chủ nghĩa duy vật thuần túy.

Cách xử sự này trở nên tệ hơn vì tôi đã nghiện mạng xã hội khi mới bước vào tuổi thanh thiếu niên, vốn động chạm đến các chấp trước vào danh vọng, địa vị xã hội, và nỗi ám ảnh về ngoại hình của tôi. Trong suốt thời gian tôi học đại học ở Thành phố New York, bị cuốn theo [trào lưu] văn hóa đại học hiện đại về thuyết vô thần, chủ nghĩa kinh nghiệm, sự kiểm duyệt bản thân, và hệ tư tưởng chính trị khai phóng, đạo đức và đức tin của tôi vào các vị Thần đã thấp chưa từng thấy. Khi thiếu kiến thức về tâm linh và tâm lý để biết tình trạng bất an của mình bắt nguồn từ đâu, tôi bị cuốn hút trước hội họa cổ điển, tôi đã trở thành học viên tại một xưởng vẽ nơi mà kỹ năng và truyền thống được chú trọng và truyền thừa.

Tôi tiếp xúc với Pháp Luân Đại Pháp lần đầu tiên tại xưởng vẽ đó, mặc dù tôi đã biết sơ môn này khi thấy các học viên giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp ở Quảng trường Union. Dần dần tôi nhận thức được rằng trước đó tôi luôn sống trong nỗi sợ hãi và sự kiểm duyệt, vô tình bị tiêm nhiễm các quan niệm hiện đại mà không hề nghi ngờ, tôi đã ghi danh vào chương trình thạc sỹ cấp tốc tại một trường đại học mới có nền tảng dựa trên sự thật, cái đẹp, tự do ngôn luận, và tình bạn nâng đỡ ba giá trị đầu tiên đó. Chương trình thạc sỹ này là một chương trình phục hưng đại học truyền thống, dạy về Hy Lạp cổ đại và hiện đại, các tác phẩm triết học và văn học cổ điển được công nhận của Tây phương.

Chương trình thạc sỹ bắt đầu ở Hy Lạp, và đó là nơi tôi đắc Pháp. Kể từ ban đầu, truy cầu về tình yêu thế tục của tôi nổi lên thành một chấp trước trực tiếp liên hệ đến việc tu luyện của tôi. Với khung cảnh tuyệt đẹp và lãng mạn trên hòn đảo Samos của Hy Lạp, cảm giác phấn khích khi gặp nhóm bạn cùng tính cách trong khóa học thạc sỹ, các lớp học tiếng Hy Lạp cấp tốc, cùng trải nghiệm hết sức phong phú và hào phóng mà tôi được thụ ích, tôi đã phát triển tình cảm mến mộ đối với một học viên trong nhóm bạn của mình.

Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999]”, một học viên hỏi và Sư phụ trả lời như sau:

“Đệ tử: Con thường chia sẻ trao đổi với những người có nhận thức về Pháp khá giống con và có thể ngộ tương đồng với con về một số vấn đề. Đây có phải là một chấp trước không?
Sư phụ: Còn phải xem mong muốn tiếp cận những học viên mà chư vị có thể dễ dàng nói chuyện có nhân tâm khác đang khởi tác dụng không, nếu không có thì không vấn đề gì, nếu có nhân tố không đúng, nó có thể là chướng ngại cho sự [tu luyện] tinh tấn [của chư vị].” (Giảng Pháp tại Pháp hội Australia [1999])

Kể từ khi tôi đắc Pháp, tôi đã chống cự với chấp trước vào việc theo đuổi tình yêu của mình, tôi thường che giấu điều đó bằng những lời giải thích khôn khéo, để chứng tỏ rằng tôi dành thời gian luyện công hay học Pháp với học viên này là điều hợp lý.

Còn có nhiều chấp trước khác liên hệ chặt chẽ với truy cầu tình yêu của tôi, chẳng hạn như tâm tật đố, dục vọng, và sắc dục. Chương trình học cấp tốc có nghĩa là những người tham gia [khóa học] sẽ dành gần như cả ngày ở cùng nhau: ăn uống, đi lại, sinh hoạt, thực hành tiếng Hy Lạp, leo núi và bơi lội, cùng nhiều hoạt động khác. Sự tiếp xúc thường xuyên với người học viên mà tôi chấp trước đã khơi dậy các tâm chấp trước có liên quan đến anh ấy, khiến tôi gần như không thể nhận thức lý tính được nữa. Tôi cảm thấy như thể mình đang lẩn quẩn trong màn sương, trong một giấc mộng rõ ràng tuyệt đẹp mà ở đó tôi thời thời khắc khắc ở trong trạng thái sinh tồn, trôi nổi với các chấp trước, để chúng điều khiển cảm xúc của mình trong thế giới này. Ở giai đoạn ban đầu trong quá trình tu luyện này, lý giải của tôi về “Chuyển Pháp Luân”, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp, rất hạn chế và nông cạn: Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là cuốn sách giáo khoa dạy về đạo đức có ảnh hưởng lớn đến tôi hơn những cuốn sách về tín ngưỡng khác.

Sư phụ giảng:

“Thông thường khi lần đầu xem cuốn sách này, người ta sẽ phát hiện ra điều giảng là những đạo lý dạy người ta làm thế nào trở thành người tốt. Lần thứ hai đọc sẽ không giống như vậy, lúc này người ta sẽ phát hiện ra Nó là một cuốn sách tu luyện. Lần thứ ba đọc sách, khi chư vị thực sự có thể xem sách liên tục ba lần, có lẽ chư vị sẽ không muốn đặt cuốn sách này xuống nữa, khi có thời gian chư vị sẽ cầm cuốn sách lên xem, chư vị sẽ phát hiện rằng Nó là một cuốn thiên thư.” (Giảng Pháp lần thứ nhất tại Mỹ quốc [1996], Giảng Pháp tại các nơi I)

Đúng như Sư phụ giảng, ở Hy Lạp, khi mới tu luyện, tôi không thể nhận thức được rằng điều mình ngẫu nhiên gặp thật rộng lớn, sâu sắc, và uyên thâm. Tất nhiên, khi thời gian trôi qua, tôi hiểu được mình không ngẫu nhiên gặp môn tu luyện này. Hoàn toàn trái lại, Đại Pháp luôn hiện diện ở xung quanh tôi khi tôi sống ở Thành phố New York, khi tôi gặp các học viên tại xưởng vẽ, cũng như các mối quan hệ nhân duyên của tôi với các học viên trong khóa học thạc sỹ, tất cả đều nhắc tôi nhớ đến thệ ước mà mình đã ký với Sư phụ từ thời tiền sử.

Trong vài tháng đầu tiên tu luyện, tôi học Pháp và luyện công trộn lẫn với các chấp trước truy cầu của mình. Tôi không thể phân biệt rõ ràng, liệu mình tu luyện là vì mình muốn, hay mình tu luyện là để có thêm thời gian ở cùng học viên mà mình chấp trước. Với suy nghĩ duy vật của mình, đôi khi tôi nghi ngờ về tính chân thật của môn tu luyện, đặc biệt là khi tôi ở một mình. Bất cứ khi nào tôi dao động, tôi đều sẽ đọc sách “Chuyển Pháp Luân” và tôi thấy mối quan hệ giữa mình và cuốn sách này thay đổi.

Sau khi hoàn tất khóa học ngôn ngữ cấp tốc kéo dài hai tháng, tôi bắt đầu học triết học và văn học ở Savannah, Georgia. Cả nhóm chúng tôi sống chung trong một ngôi nhà, điều này đặc biệt thử thách tôi về các chấp trước tật đố và danh vọng. Đối với những người tôi đặc biệt thích gần gũi, tôi cảm thấy như thể có một sợi dây kết nối chúng tôi giống như dây rốn kết nối em bé với người mẹ vậy; nếu họ chuyển động, thì tôi sẽ cảm thấy như rốn bị kéo. Chấp trước của tôi đối với điện thoại trở nên mạnh mẽ, và tôi luôn luôn kiểm tra xem liệu có tin nhắn hoặc sự kiện nào bị bỏ lỡ hay không. Tôi rất sợ bị từ chối và bị lãng quên, cả hai chủ đề này đều tái diễn trong các mối quan hệ thời đầu trong cuộc đời tôi. Trong các buổi hội thảo triết học, đôi khi tâm tranh đấu của tôi sẽ xuất hiện, và tôi thấy mình cố gắng bù đắp quá mức vì cảm giác bất an rằng mình không đóng góp xứng đáng.

Khi ở chung nhà ở Savannah, nhiều khi một số bạn bè của tôi sẽ có biểu hiện rất hung dữ ngay trước mắt tôi. Khi điều này xảy ra, tôi sẽ ma luyện ý chí của mình, xử lý tình huống mà không có va chạm [với nhau], điều đó đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng, dù biểu hiện của họ hung dữ đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ là phản ánh trạng thái nội tâm của tôi.

Trong suốt khóa học ở Savannah, tôi bắt đầu thể nghiệm được rất nhiều cảm giác trên cơ thể mình. Một dòng năng lượng ấm áp mà tôi cảm nhận được khi luyện công sẽ lan tỏa khắp cơ thể, đặc biệt là hai bàn tay và khuôn mặt, trong khi tôi làm những công việc hàng ngày. Hai bên thái dương và xương má thường cảm thấy như thể chúng bị ấn xuống hoặc kéo ra, tôi còn trải nghiệm cảm giác như mạch đập giống như nhịp tim trên khắp cơ thể của mình. Khi luyện bài công pháp thiền định, hương thơm ngào ngạt sẽ bao quanh khuôn mặt tôi, và đôi khi tôi sẽ ngửi thấy hương thơm quanh tóc của mình.

Đắc Pháp trong khóa học này là một khảo nghiệm, bởi vì nhiều cuốn sách mà chúng tôi học và thảo luận trên lớp là sách của Cơ Đốc Giáo, và tôi tự nhiên nghĩ đến các mối quan hệ liên đới. Vốn là một người chưa từng tiếp xúc với những cuốn sách này, thỉnh thoảng tôi sẽ phạm lỗi khi trộn lẫn các thuyết thần học và những thứ của con người từ hệ thống thần học khác vào trong lý giải về Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Lý của bát quái, và rất nhiều thuật số khác mà xã hội người thường hiện nay biết được, không hề vượt qua hệ Ngân Hà. Mà vũ trụ này lớn đến mức chư vị cũng không biết lớn nhường nào. Ba nghìn vũ trụ giống như vũ trụ này của chúng ta, cấu thành một vũ trụ lớn hơn. Ba nghìn vũ trụ ở phạm vi lớn hơn, cấu thành một vũ trụ phạm vi lớn hơn nữa, chư Thần chư Phật trong đó nhiều đến không thể đếm được. Hệ Ngân Hà kia đáng kể gì? Rất nhỏ. Người học Đại Pháp, chư vị nghĩ xem, Pháp lớn thế này truyền cho chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Vì vậy, ở môi trường này nơi mà tôi được ban cho một chiếc chìa khóa để đến với tác phẩm kinh điển về thần học, triết học, nghệ thuật, và văn học, đó là một khảo nghiệm để tôi ghi nhớ rằng Đại Pháp là vô sở bất bao và siêu thường. Mặc dù những cuốn sách tôi tiếp xúc trên lớp rất phong phú và uyên thâm, thực sự có thể giúp đặt nền tảng văn hóa để nhân loại nhận thức chư Thần, nhưng chúng không thể trực tiếp cứu người; chỉ có Đại Pháp mới có thể làm được.

Khi tôi trở lại quê nhà ở Hawaii vào kỳ nghỉ đông, tôi đã giải đáp được những câu hỏi quan trọng như tôi tu luyện vì ai và liệu môn tu luyện này có phù hợp với tôi hay không. Đó là lần đầu tiên kể từ khi đắc Pháp mà tôi đã thoát khỏi tình trạng không chắc chắn liệu tôi tu luyện vì bản thân mình hay tôi mượn môn tu luyện như một cách để chứng tỏ rằng việc dành thời gian ở cùng người học viên đó là hợp lý, chính việc này là chấp trước lớn nhất của tôi. Điều đầu tiên tôi muốn làm sau khi trở về nhà là học Pháp. Và đúng như Sư phụ giảng, tôi không muốn bỏ sách xuống.

Vào tháng Giêng, sau khoảng thời gian chăm chỉ học Pháp và luyện công suốt kỳ nghỉ đông, tôi đã trải qua một khoảng thời gian tiêu nghiệp và tịnh hóa dữ dội trong suốt chu kỳ kinh nguyệt kéo dài nhiều tuần. Tôi coi đó là một khảo nghiệm nữa, mà ở đó tôi có thể coi mình là người thường hay là người tu luyện.

Sư phụ giảng:

“… do đó người tu luyện chúng ta một khi thân thể đâu đó xuất hiện không thoải mái, tôi bảo cho mọi người, đó không phải là bệnh. Thế nhưng trạng thái mà người thường xem là bệnh, và trạng thái biểu hiện ra nơi thân thể người tu luyện khi tiêu nghiệp là giống nhau” (Giảng Pháp tại thành phố New York, Giảng Pháp Tại Pháp Hội Mỹ Quốc [1997])

Mặc dù suy nghĩ đầu tiên của tôi về giai đoạn này là tiêu nghiệp, nhưng tôi đã dao động một chút khi việc này kéo dài đến vài tuần. Tuy nhiên, thay vì đến gặp bác sỹ, tôi ngộ ra rằng tôi phải coi mình là người tu luyện thay vì coi mình là người thường, và rằng việc tìm kiếm giải pháp cho hiện tượng ở bề mặt sẽ không thể chạm đến nguồn gốc của căn bệnh vốn tồn tại ở không gian khác.

Vào tháng Hai, tôi bắt đầu làm việc từ xa cho một hạng mục truyền thông, đó là một cơ hội mà tôi rất biết ơn. Tôi cũng coi cơ hội này như là tôi đang tiến bộ trong tu luyện, và rằng Sư phụ đã an bài để tôi đóng góp cho hạng mục Đại Pháp. Vì vậy, khi tôi xin đến văn phòng công ty để làm việc trong mùa hè và bị từ chối, ngay lập tức tôi coi lời từ chối đó [có nghĩa] là mình tu luyện chưa tốt và không xứng làm một đệ tử Đại Pháp. Tất nhiên, điều này phơi bày các chấp trước mà trước đó tôi không biết chúng tồn tại, đặc biệt là chấp trước vào việc người khác công nhận tôi. Bây giờ tôi coi chấp trước này như một khảo nghiệm về tín tâm. Tín tâm của tôi đối với Đại Pháp không được dao động, như vậy tôi mới không bị phụ thuộc vào việc mình có được công nhận hay không trong công việc. Nếu tôi dựa dẫm vào mọi người công nhận mình là một đệ tử Đại Pháp, thì có nghĩa là tâm trí của tôi đặt không đúng chỗ. Bây giờ tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự an bài của Sư phụ, và tôi biết rằng mình sẽ gặp các khảo nghiệm phù hợp cho tu luyện của mình vào những thời điểm chính xác.

Bên trên là tâm đắc thể hội trong tám tháng đầu tu luyện Đại Pháp của tôi. Trong những khoảnh khắc chịu khổ, khi các chấp trước của tôi bị phơi bày và trở nên mạnh mẽ, tôi chỉ tăng thêm tín tâm đối với Sư phụ và Đại Pháp.

(Bài viết được chọn lọc để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới trên Minghui.org )

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2024/5/5/【慶祝5.13】一切為得法(譯文)-475897.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/8/216946.html

Đăng ngày 18-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share