Bài viết của Chu Văn Anh và Dung Pháp, phóng viên Minh Huệ tại Brussels
[MINH HUỆ 30-06-2023] Ngày 27 tháng 6 năm 2023, các học viên đã mít-tinh ôn hòa trước Nghị viện Châu Âu (EP) tại Brussels và kêu gọi các nghị viên trợ giúp chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp kéo dài 24 năm qua ở Trung Quốc. Ngoài việc phổ biến cho mọi người về cuộc bức hại tàn bạo, các học viên còn nói cho họ về lợi ích sức khỏe của môn tu luyện và miêu tả cuộc bức hại bằng chính trải nghiệm của bản thân.
Các học viên mít-tinh trước Nghị viện Châu Âu ở Brussels và kêu gọi các nghị viên trừng phạt những thủ phạm của cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp đang diễn ra
Các học viên treo biểu ngữ với các thông điệp như “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Chân Thiện Nhẫn” và “Hãy chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công.” Họ cũng biểu diễn năm bài công pháp. Các động tác nhẹ nhàng và âm nhạc êm dịu của họ đã thu hút sự chú ý của người qua đường, những người đã đọc các áp phích của các học viên và biết đến những lợi ích sức khỏe của Pháp Luân Đại Pháp cũng như cuộc bức hại đang diễn ra ở Trung Quốc.
Nhiều người trong số họ ấn tượng trước nghị quyết được EP thông qua lên án nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ những người còn sống, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Đại Pháp không chịu từ bỏ tín ngưỡng của mình. Họ lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của các học viên nhằm chấm dứt cuộc bức hại.
Các Nghị viên Châu Âu lên án cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp của Bắc Kinh
Nghị viên Lars Patrick Berg (áo trắng) nói chuyện với các học viên
Nghị viên Lars Patrick Berg đã đến cuộc mít-tinh để bày tỏ mối quan tâm của ông đối với các học viên bị bức hại. “Tôi thấy khá khó chịu khi các học viên Pháp Luân Công bị bức hại, và thậm chí bị tống vào tù. Tôi nghĩ đây là một vấn đề cần được thảo luận trên bình diện chung giữa Liên minh Châu Âu, Nghị viện Châu Âu và các đại diện của Trung Quốc”, ông phát biểu.
“Tôi nghĩ rằng đây là một câu hỏi rất quan trọng nhưng cũng rất khó giải quyết”, ông cho biết khi được hỏi về cuộc bức hại đã diễn ra trong 24 năm qua. “Đã đến lúc phải đưa ra kết luận và đưa ra giải pháp vì nó diễn ra quá lâu rồi. Điều đó không tốt cho mối quan hệ chung giữa Trung Quốc và Liên minh Châu Âu.”
Ông trò chuyện với các học viên và biết thêm chi tiết về cuộc bức hại ở Trung Quốc. Bà Lưu Ngọc Mai, một học viên bị tra tấn khi bà ở Trung Quốc, đã mô tả việc bà đã phải chịu đựng ra sao khi bị cầm tù. Bởi vì bà tuyệt thực, lính canh đã xích tay và cổ bà xuống nền đất trong nhiều ngày và bức thực bà khiến bà suýt chết. Bốn người thân trong gia đình bà đã chết vì bị bức hại.
Mọi người trò chuyện với các học viên và lắng nghe các diễn giả tại cuộc mít-tinh để tìm hiểu thêm về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại
Người dân ký đơn thỉnh nguyện nhằm chấm dứt cuộc bức hại kéo dài vài chục năm
Một số học viên kể cho những người qua đường về trải nghiệm của họ ở Trung Quốc. Bà Dương Kim Hoa, 51 tuổi, mô tả mười phương thức tra tấn mà bà đã phải chịu khi bị cầm tù ở tỉnh Sơn Đông trong 15 năm.
Bà Dương Kim Hoa (ở giữa) miêu tả sự tra tấn mà bà phải chịu đựng trong một nhà tù ở tỉnh Sơn Đông
Anh Đinh Nhạc Bân giơ cao một tấm áp phích và yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trả tự do cho cha mẹ anh. Anh kêu gọi mọi người ký đơn thỉnh nguyện để giúp anh giải cứu họ.
Anh Đinh Nhạc Bân kêu gọi các Nghị viên giúp anh giải cứu cha mẹ mình
“Sự kiện của các bạn hết sức quan trọng”
Cô Emmanuelle Candenot và con gái. Cô Candenot cho biết: “Sự kiện của các bạn rất quan trọng.”
Cô Emmanuelle Candenot và con gái đi ngang qua Nghị viện Châu Âu và rất ấn tượng trước cách kháng nghị ôn hòa bằng thiền định của các học viên. Cô cho biết: “Việc phổ biến cho mọi người về cuộc bức hại ở Trung Quốc theo cách tĩnh lặng và ôn hòa như thế này là hết sức quan trọng.” “Sự kiện của các bạn rất quan trọng. Tôi hy vọng các bạn sẽ thành công và cuộc bức hại sẽ sớm kết thúc.”
Cô khích lệ các học viên tiếp tục nỗ lực. “Nếu ai đó từ chối đứng lên chống lại chế độ độc tài [ĐCSTQ], thì họ chính là đồng lõa. Mọi người cần có lập trường chính nghĩa.”
Mọi người nên tuân theo nguyên lý của Pháp Luân Đại Pháp
Ông David
Ông David từ Scotland mới nghỉ hưu được hai tháng và đến EP để giải quyết một số vấn đề còn dang dở liên quan đến công việc của mình. Ông cho hay ông quan tâm đến chính trị và công bằng xã hội bởi công việc trước kia của ông, vì vậy ông biết về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại ở Trung Quốc.
“Bạn có thể không có tiếng nói trong chính trị, bạn có thể không có quyền ngăn chính phủ làm những điều xấu, nhưng ít nhất bạn có thể tin vào lẽ phải, và đó là một sự khởi đầu”, ông David cho biết. Ông đã ký đơn thỉnh nguyện và nói: “Tôi tin rằng Chân-Thiện-Nhẫn là những nguyên tắc mà mọi người nên tuân theo. Đáng buồn thay, ngày nay không có nhiều người làm như vậy.”
“Thu hoạch nội tạng từ người còn sống là điều đáng sợ”
Cô Isabella Wallo (bên phải)
Cô Isabella Wallo sống ở Bỉ. Cô nói: “Tôi hiểu rõ sống dưới một chế độ độc tài là như thế nào, bởi vì tôi đến từ Cộng hòa Séc.”
Cô đã đọc về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp vài năm trước. Cô cho hay việc ĐCSTQ thu hoạch nội tạng sống từ các học viên chỉ vì họ không chịu từ bỏ đức tin thì thật kinh khủng. Cô nói rằng những kẻ thực hiện những hành động tàn bạo này “không phải là con người, thậm chí không phải là động vật. Một số người còn tệ hơn cả động vật, điều đó thực sự đáng sợ”, cô nói.
Sau khi ký đơn thỉnh nguyện, cô nói: “Tôi hy vọng các bạn sẽ giành được tự do và mọi sự bức hại sẽ chấm dứt.”
Điều quan trọng là cho mọi người biết sự thật
Cô Élisabeth Kelperi
Cô Élisabeth Kelperi là phiên dịch viên của EP, vì vậy cô đã nghe nói về cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp nhiều năm trước. “Chúng tôi đã thông qua nhiều nghị quyết [để lên án nó]. Cuộc bức hại thật kinh hoàng và chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để phổ biến cho mọi người về điều đó”, cô nói.
“Điều quan trọng là cho những người không biết sự thật hiểu được. Cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, và nó đã diễn ra được 24 năm rồi. Cho dù sự tàn bạo và nạn buôn bán nội tạng kinh hoàng đang diễn ra, nhiều người vẫn không biết đến nó”, cô cho biết thêm. Cô khích lệ các học viên tiếp tục nỗ lực: “Chân-Thiện-Nhẫn là giá trị phổ quát, là những giá trị mà mọi người nên tôn trọng và tuân theo.”
Anh Jaouad Raqi, một tài xế xe buýt, đã đến cuộc kháng nghị trong giờ nghỉ của mình. “Chân-Thiện-Nhẫn là cội nguồn của lịch sử Trung Quốc, và đó là một điều rất tốt. Mọi người có quyền thực hành Chân-Thiện-Nhẫn”, anh nói, “Tôi phản đối bất kỳ hình thức bức hại nào trên thế giới. Mọi người trên thế giới đều có quyền thực hành tín ngưỡng của mình.”
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/6/30/462510.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/1/210127.html
Đăng ngày 03-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.