Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-02-2022] Bà Từ Yến Tinh, một giáo viên mỹ thuật của trường Đại học Thành phố Tuyên Uy, tỉnh Vân Nam, đã từng có sức khỏe rất kém và cận kề cái chết vì chứng chảy máu phụ khoa mãn tính. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công), một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân, tất cả bệnh tật của bà đều biến mất.

Tuy nhiên, những tháng ngày hạnh phúc của bà chẳng kéo dài được bao lâu. Kể từ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ tháng 7 năm 1999, bà và gia đình thường xuyên trở thành mục tiêu của cuộc bức hại.

Năm 2003, bà Từ bị bắt và giam giữ ở một trung tâm tẩy não bên trong một trường đảng. Năm 2005, bà lại bị bắt và bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức. Chồng của bà phải chi ra một khoản rất lớn để bà được thả ra sớm. Khi trở về nhà, bà bị mất việc làm và phải bán căn biệt thự với giá rất thấp. Chồng bà cũng ly hôn với bà.

Năm 2012, bà Từ lại bị bắt một lần nữa và bị kết án 4 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ, bà liên tục bị tiêm những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến cho bà bị mất thị lực một tuần trước khi được trả tự do vào năm 2016.

Do bị bức hại không ngừng, bà Từ trông già hơn nhiều so với tuổi thật. Giờ đây bà chỉ có thể nhìn được bằng mắt bên phải, nhưng thị lực rất yếu. Tuy vậy, các nhà cầm quyền vẫn tiếp tục sách nhiễu bà thường xuyên.

Cuộc bức hại không chỉ hủy hoại cuộc đời của bà mà còn gây ra tổn hại vô cùng to lớn cho gia đình bà. Cháu trai của bà bị suy sụp tinh thần sau khi bị bắt cùng với bà hồi năm 2012. Bố của cháu (tức em trai bà Từ) cũng sa sút và qua đời một năm sau đó. Mẹ của bà cũng qua đời hồi năm 2019 sau vài năm sống trong sợ hãi và chống chọi với bệnh tật.

Ba năm trong trại lao động cưỡng bức

Vào ngày 19 tháng 5 năm 2005, bà Từ bị bắt giữ và nhà của bà bị lục soát. Bà bị kết án 3 năm lao động cải tạo. Cuộc bức hại đã hủy hoại sức khỏe của bà một cách nghiêm trọng. Bà bắt đầu phát bệnh cao huyết áp nguy hiểm. Để tìm kiếm tự do cho bà, chồng bà đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của họ và vay mượn thêm tiền để đưa cho lính canh. Mặc dù ông không cho bà biết con số cụ thể, song bà đoán rằng ông đã chi tối thiểu vài chục nghìn nhân dân tệ. Bà được về nhà trước hạn 8 tháng.

Sau khi được thả, bà Từ không còn gia đình bình thường nữa. Căn biệt thự mà bà và chồng xây dựng lên trong nhiều thập niên bị trộm đột nhập, bị mất cửa chính và cửa sổ. Phòng 610 (một cơ quan đứng ngoài pháp luật được thành lập để thực hiện cuộc đàn áp) đe dọa và giám sát bà trong một thời gian dài. Bà buộc phải bán căn biệt thự và chồng cũng ly hôn bà.

Nhà trường cấm bà giảng dạy và phân công cho bà chăm sóc cây cối. Bà chỉ kiếm được 800 nhân dân tệ một tháng. Người mẹ ốm yếu và cậu con trai còn đang học trung học đều trông cậy vào khoản thu nhập ít ỏi của bà. Sau đó, bà quyết định thôi việc ở trường học và kiếm sống bằng công việc dạy vẽ cho trẻ em.

Bị bắt một lần nữa và bị mù mắt do bị bức hại bằng thuốc

Sáng ngày 31 tháng 8 năm 2012, một nhóm cảnh sát do phó trưởng Công an Thành phố Tuyên Uy dẫn đầu đã kéo tới bắt giữ bà Từ. Cảnh sát đã lục soát nhà và tịch thu nhiều tài sản cá nhân như máy tính, máy phát MP3 và kinh sách Pháp Luân Công.

Bà Từ bị đưa thẳng đến Trại tạm giam Thành phố Tuyên Uy. Cùng ngày, anh Từ Tử Nghi (cháu trai của bà) vốn không tu luyện Pháp Luân Công, cũng bị bắt giữ và bị đưa đến trại tạm giam. Máy in ở nhà của anh bị tịch thu. Sau đó cha anh đã đón anh về nhà vào buổi tối cùng ngày.

Cảnh sát đã khiến anh kinh sợ đến mức bị suy sụp tinh thần sau khi về nhà. Đôi khi anh đứng ở ngoài đường hàng giờ đồng hồ mà không về nhà. Một số nhân viên chính quyền không rõ danh tính thường đến sách nhiễu anh. Cha anh đã đưa anh đi trị bệnh tại các bệnh viện khắp cả nước nhưng không có kết quả. Sức khỏe của người cha cũng suy giảm nhanh chóng và sau đó ông qua đời vào năm 2013, ở tuổi 49.

Mẹ của bà Từ cũng phải chịu đựng rất nhiều thống khổ vì cuộc bức hại. Bà cụ bị ốm nặng sau khi bà Từ bị bắt. Vào ngày 5 tháng 12 năm 2012, bà đến trại giam thăm con gái nhưng yêu cầu thăm thân của bà cụ bị từ chối. Bà cụ trở về nhà trong nước mắt và tình trạng sức khỏe của bà diễn biến xấu đi.

Bà Từ bị kết án 4 năm tù tại Nhà tù Nữ Số 2 Vân Nam. Tại đây, bà chịu nhiều hình thức tra tấn khác nhau. Huyết áp của bà ở mức rất nguy hiểm. Bác sỹ đã thông báo với nhà tù rằng bà Từ bị bệnh tim và nhiễm trùng gan và phổi. Bà bị cưỡng bức uống thuốc và tiêm thuốc vài lần một ngày.

Bởi từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, bà Từ bị tra tấn bằng phương thức ngồi trên một ghế nhỏ trong thời gian dài và bị cấm đi vệ sinh. Điều này đã khiến bà mất kiểm soát đại tiểu tiện. Sau đó, bà được phân đến khu 3. Lính canh ở đây bắt bà đọc sách và xem video phỉ báng Pháp Luân Công. Sau đó, họ cưỡng chế bà viết báo cáo tư tưởng. Tầm nhìn của bà ngày càng suy giảm và mắt bà mờ dần. Bà cảm thấy chân nặng nề và thân thể tê bì.

Năm 2016, một tuần trước khi được trả tự do, mỗi ngày bà Từ đều bị cưỡng bức tiêm những thứ thuốc không xác định. Không lâu sau, mắt trái của bà bị mất thị lực hoàn toàn.

216222feb308114b7d7a73441d30342b.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: Tiêm thuốc không rõ nguồn gốc

Liên tục bị sách nhiễu sau khi ra tù

Sau khi ra tù, bà Từ vẫn không ngừng bị sách nhiễu. Có lần vào lúc bà không ở nhà, một số cảnh sát đến hỏi mẹ bà xem bà có tập sách nhỏ về Pháp Luân Công hay không. Vì không biết đây là thủ đoạn gài bẫy của cảnh sát, mẹ của bà đã đưa cho họ một cuốn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công). Các cảnh sát đã chụp ảnh cuốn sách và lấy số điện thoại của bà Từ rồi rời đi.

Một lần khác, có hai người đứng ở tầng dưới gọi bà Từ và nói rằng họ muốn cho bà một bao gạo. Bà Từ không nhận mà hỏi họ có thể phục hồi công tác cho bà hay không.

Một lần, một người đến gõ cửa nhà bà, nói rằng anh ta đến để kiểm tra hộ khẩu gia đình. Nhưng sau đó bà biết rằng trong khu phố chỉ duy nhất nhà bà bị kiểm tra.

Sáng ngày 12 tháng 5 năm 2021, ba cảnh sát tiếp cận bà và đề nghị đi đến nhà bà để xem xét. Nghĩ rằng đây có thể là cơ hội để giảng rõ chân tướng Pháp Luân Công cho họ nên bà Từ đã đồng ý. Trong khi đang nói chuyện, một người muốn sử dụng nhờ máy tính của con trai bà để gửi thư điện tử cá nhân và bà đã đồng ý. Nhưng sau đó, bà mới biết rằng người đó có thể dùng điện thoại di động để gửi thư. Sau đó, hàng xóm của bà kể lại rằng họ còn thấy những người đó chụp ảnh nhà bà trước khi bà ra ngoài.

Tháng 11 năm 2021, 5 cảnh sát lại kéo đến nhà sách nhiễu bà, viện cớ là muốn mua tranh của bà.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/15/438997.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/4/199392.html

Đăng ngày 15-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share