Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-10-2019] Sau khi người chồng qua đời vào năm 2004 do cuộc bức hại Pháp Luân Công, góa phụ 47 tuổi lại tiếp tục bị giáng một cú sốc nữa khi cậu con trai nhảy lầu tự vẫn vào ngày 3 tháng 9 năm 2019.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Bà Trần Tú Mai, sống ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, tin rằng Pháp Luân Công đã giúp cải thiện mối quan hệ căng thẳng với các chị em dâu và mang lại cho bà một gia đình hạnh phúc. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, bà và người chồng quá cố đã nhiều lần bị bắt chỉ vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Chồng bà, ông Diêm Thiện Trụ, sau khi bị giam cầm và bị tra tấn một năm ở trại lao động cưỡng bức đã qua đời sau đó 2 năm. Bố chồng của bà kiệt sức vì đau buồn và đã qua đời vì đột quỵ bốn năm sau đó.
Khi hai vợ chồng bà Trần bị bắt lần đầu vào năm 2000, con trai của họ lúc đó chỉ khoảng tám tuổi và cậu bé lại tiếp tục bị tổn thương khi ông nội qua đời chỉ sau đó bốn năm. Cậu bé lớn lên đã phải trải qua nhiều giai đoạn suy sụp tinh thần. Sau đó, cậu đã hồi phục và kết hôn vào năm 2015 nhưng rồi lại bị vợ ly hôn vào năm 2018 sau khi một cảnh sát kể cho vợ cậu về tiểu sử bệnh tâm thần trước đây của cậu và về việc bố mẹ cậu bị bắt. Sự việc đó khiến cậu trở nên trầm cảm và cậu tự kết liễu đời mình sau đó một năm, bỏ lại đứa con gái năm tuổi.
Mất đi ba người thân trong 15 năm, bà Trần đã viết lại những tác động tàn khốc của cuộc bức hại Pháp Luân Công đối với gia đình mình. Bà cho biết: “Những gì mà gia đình tôi đã phải trải qua chỉ là một trong vô số những thảm kịch khác. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gây ra quá nhiều tội ác đối với các học viên Pháp Luân Công.“ Bà hy vọng bài viết của mình sẽ phơi bày những đưa khổ nạn mà các học viên Pháp Luân Công cũng như gia đình họ đã phải chịu đựng trong cuộc bức hại ở Trung Quốc hiện nay ra ánh sáng.
Bước vào tu luyện
Tên tôi là Trần Tú Mai, nhưng mọi người hay gọi tôi là Trần Tú Hoa. Cả chồng tôi là Diêm Thiện Trụ và tôi đã tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Pháp Luân Công đã dạy tôi trở thành một người tốt. Tôi đã bắt đầu đối xử tốt với người mẹ chồng mắc bệnh tâm thần và đã có thể giữ bình tĩnh khi người bố chồng nóng tính nổi cơn tam bành với tôi. Chồng tôi là con út trong bảy người con, nhưng tôi đã đề nghị bố mẹ chồng sống cùng chúng tôi để tôi có thể chăm sóc họ.
Tu luyện Pháp Luân Công cũng giúp tôi có được sức khỏe tốt. Tôi không còn bị quá tải bởi công việc đồng áng nặng nhọc và có thể theo kịp chồng trong công việc đồng áng.
Bị bức hại
Sau khi cựu lãnh đạo của ĐCSTQ Giang Trạch Dân phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, hai vợ chồng tôi đã đến văn phòng chính quyền tỉnh để giải thích về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã đưa chúng tôi trở về quê nhà và liệt tên chúng tôi vào danh sách đen.
Tháng 11 năm 2000, chúng tôi đã đến Bắc Kinh để tìm lại công lý cho Pháp Luân Công. Một lần nữa chúng tôi đã bị đưa trở lại và bị giam giữ tại trại tạm giam địa phương trong hai tuần. Gia đình chúng tôi phải trả 4.000 Nhân dân tệ trước khi chúng tôi được thả.
Cảnh sát địa phương đã tống tiền gia đình tôi thêm 3.000 Nhân dân tệ nữa sau khi tôi nói sẽ tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Họ đã lấy tiền mà không đưa biên nhận.
Tháng 11 năm 2001, viên chức chính quyền huyện đã đến làng tôi để thu thập thông tin về các học viên Pháp Luân Công. Sau khi biết hai vợ chồng tôi tổ chức lớp học Pháp tại nhà chúng tôi, họ đã lên kế hoạch bắt giữ chúng tôi, vì vậy chúng tôi quyết định đến Bắc Kinh một lần nữa để kháng nghị cho Pháp Luân Công. Vì thế mà chúng tôi lại tiếp tục bị bắt. Tôi bị giam giữ ở Bắc Kinh bảy ngày rồi sau đó được thả, còn chồng tôi bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức trong một năm.
Năm ngày sau khi về nhà, ba cảnh sát xuất hiện và đưa tôi đến đồn công an địa phương và tại đó họ đã thẩm vấn và đe dọa sẽ kết án tôi ba năm. Tôi trốn thoát vào sáng ngày hôm sau và trốn ở nhà anh trai tôi.
Trong dịp Tết Nguyên Đán vào tháng 2 năm 2002, tám cảnh sát đã xông vào nhà anh trai tôi và bắt giữ tôi. Họ giam giữ 50 học viên Pháp Luân Công ở một trung tâm tẩy não và không cho chúng tôi ăn. Gia đình các học viên đã phải mang thức ăn cho chúng tôi.
Bố chồng tôi lúc đó đang phải vật lộn để chăm sóc mẹ chồng và con trai tôi ở nhà, vì vậy ông không thể mang đồ ăn cho tôi. Hàng ngày, tôi phải xin một vài miếng từ bữa ăn của những học viên khác.
Tại trung tâm tẩy não tôi đã bị đánh đập vì không từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi đã được tự do sau hai tháng khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh tim.
Tôi tiếp tục bị bắt vào tháng 5 năm 2012 vì phát tặng thông tin về Pháp Luân Công. Tôi bị kết án tù một năm rưỡi và được thả vào tháng 8 năm 2013.
Chồng và bố chồng qua đời cách nhau bốn năm
Chồng tôi bị đưa đi lao động cưỡng bức một năm sau khi chúng tôi đến Bắc Kinh vào năm 2001. Ông ấy bị tra tấn vì không từ bỏ đức tin của mình. Khi chồng tôi tuyệt thực để phản đối, ông đã bị bức thực một cách tàn nhẫn. Khi lính canh chèn ống bức thực, họ đã làm thương tổn một lá phổi của ông.
Nhân viên ở đồn công an địa phương đã từ chối đón chồng tôi khi thời hạn giam giữ ở trại lao động của ông kết thúc vào tháng 11 năm 2002 vì tôi không đủ khả năng trả số tiền mặt 2.000 tệ mà họ yêu cầu. Trại lao động cưỡng bức có quy định rằng cảnh sát địa phương phải đón tù nhân mới được thả và tôi đã nói chuyện với trại lao động cưỡng bức về những gì xảy ra và hai ngày sau họ đã đưa chồng tôi về nhà.
Chồng tôi qua đời vào ngày 4 tháng 10 năm 2004 do hậu quả của việc bị tra tấn.
Bí thư làng tôi đã đe dọa tịch thu đất nông nghiệp của gia đình tôi nếu tôi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Trước áp lực và bị đe dọa, cộng thêm cái chết của chồng tôi đã khiến bố chồng tôi vô cùng đau khổ. Sức khỏe của ông suy giảm và năm 2008 ông đã qua đời vì đột quỵ.
Con trai bị tâm thần từ khi còn trẻ và tự vẫn ở tuổi 27
Khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, con trai tôi, Diêm Thụ Bằng, là một cậu bé dễ thương. Dù chỉ mới 4 tuổi nhưng cháu đã biết không nên đánh trả khi những đứa trẻ khác đánh cháu.
Sau khi cuộc bức hại xảy ra, con trai tôi đã rất nhiều lần bị tổn thương khi phải chứng kiến cảnh sát bắt giữ chúng tôi hoặc đe dọa gia đình chúng tôi. Hai vợ chồng tôi buộc phải rời khỏi nhà khi cháu mới chín tuổi khiến cháu thiếu vắng sự chăm sóc của bố mẹ.
Năm 2004 khi chồng tôi qua đời thì khi đó con tôi chưa đầy 13 tuổi. Vì không thể vượt qua được nên cháu trở nên bất ổn về tinh thần. Sau khi cháu có biến cố lớn ở tuổi 16, tôi đã đưa cháu đến bệnh viện tâm thần.
Hai chân cháu bắt đầu run rẩy khi nhìn thấy các bác sỹ mặc áo khoác màu trắng. Cháu nói: ”Bố cháu đã bị giết bởi những người mặc áo khoác trắng” vì cháu nhớ lại cảnh cha mình đã qua đời trong bệnh viện. “Cháu sợ. Bố cháu tu luyện Pháp Luân Công. Cuộc bức hại đã giết chết bố cháu.”
Tôi đưa cháu về nhà và cháu nghỉ ngơi năm ngày. Sau đó, tinh thần con trai tôi đã ổn định và cháu đã lên thành phố Cáp Nhĩ Tân rồi tìm được việc làm. Bệnh của cháu lại tái phát sau một tai nạn xe máy vào năm 2010, nhưng cháu đã nhanh chóng hồi phục sau khi ở cùng tôi và xem tôi học và tập Pháp Luân Công.
Sau khi tôi bị cầm tù vào năm 2012, con trai tôi lại bắt đầu gặp vấn đề về tâm thần. Thời gian này không có ai ở nhà để nấu ăn hoặc chăm sóc cháu. Cháu hay chạy ra ngoài, nhảy vào nhà và đứng trước xe ô tô. Cảnh sát đã xích cháu trong nhà. Lúc đó là mùa đông và thời tiết rất lạnh, nhưng cháu không có thức ăn hay lò sưởi ở nhà trong hai hoặc ba ngày. Cháu bị đói đến mức phải cầu xin một người hàng xóm nấu cho cháu một ít mỳ.
Con trai tôi đã viết những ước muốn của mình lên tường, trần nhà, cửa ra vào cũng như những bức ảnh gia đình ở nhà, chẳng hạn như: “Con nhớ bố”, “Con muốn gặp mẹ”, “Một gia đình ba người”, “Không bao giờ ly tán nữa”. Tôi không cầm được nước mắt khi nhìn thấy những dòng chữ buồn bã, đau thương này.
Bà Trần Tú Mai và người chồng quá cố, ông Diêm Thiện Trụ (dòng chữ trên bức ảnh được con trai họ viết với nội dung nhớ cha mẹ mình)
Chị dâu tôi không còn cách nào khác đành phải đưa Thụ Bằng đến bệnh viện tâm thần trong thời gian tôi vẫn đang thụ án ở trong tù. Tôi đưa cháu về sau khi tôi được thả vào năm 2013, khi đó cháu khoảng 21 tuổi. Con trai tôi vẫn ổn sau khi trở về nhà. Cháu kết hôn năm 2015 và cháu gái tôi chào đời vào cuối năm đó. Nhưng khi đi đăng ký hộ khẩu cho cháu gái tôi tại đồn cảnh sát địa phương, cảnh sát trực ban đã nói với vợ của Thụ Bằng về việc trước đây cháu bị tâm thần cũng như tình hình của gia đình chúng tôi. Vợ cháu không thể chịu được áp lực khi là thành viên trong gia đình các học viên Pháp Luân Công, nên cháu tôi đã ly hôn con trai tôi vào tháng 7 năm 2018.
Con trai tôi đã cố tự tử nhiều lần sau khi ly hôn. Tôi đã đưa cháu đến bệnh viện tâm thần, nhưng tối hôm đó cháu đã trốn thoát khỏi đó. Ngày 3 tháng 9 năm 2019, cháu nhảy xuống từ một tòa nhà và qua đời sau đó vài giờ, bỏ lại đứa con gái năm tuổi.
Bài viết liên quan bằng tiếng Anh:
Who Drove 15-Year-Old Yan Shupeng to a Mental Breakdown
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/11/394415.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/11/4/180599.html
Đăng ngày 20-11-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.