Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-11-2018]

Con xin kính chào Sư phụ từ bi vĩ đại!

Xin chào các bạn đồng tu!

Được Sư tôn từ bi bảo hộ, tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 20 năm. Sư phụ giảng: “Tất cả đệ tử Đại Pháp Sư phụ đều không thể bỏ rơi, mỗi một vị đều là người thân của Sư phụ.” (Giảng Pháp trong buổi họp mặt các học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Giảng Pháp tại các nơi VI) Người thân của Sư phụ cũng chính là người thân của tôi. Vì vậy hôm nay tôi muốn chia sẻ một chút thể hội về việc tôi đối đãi với các đồng tu như người thân thích của mình để báo cáo với Sư phụ, giao lưu cùng các đồng tu.

1. Vấn đề của đồng tu cũng là vấn đề của tôi

Khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu phát động bức hại toàn diện Pháp Luân Công vào năm 1999, khủng bố đỏ lan tràn rợp trời dậy đất đến nỗi các đồng tu sợ gặp gỡ nói chuyện với nhau. Mặc dù tôi cũng có tâm sợ hãi, nhưng tôi cảm thấy bản thân tôi là từ trong Đại Pháp mà được thoát thai hoán cốt, thân tâm thụ ích quá nhiều từ Pháp Luân Đại Pháp, nên tôi phải có trách nhiệm nói cho mọi người biết sự tốt đẹp của Đại Pháp, vạch trần dối trá bịa đặt của ĐCSTQ, và tìm những người đã từng là học viên để giúp họ quay lại tu luyện.

Tôi bắt đầu đi thăm các học viên mà tôi biết. Nếu gặp họ bên ngoài, tôi sẽ mời họ đến nhà và cho họ xem các tài liệu như “Lửa giả”, nhằm vạch trần vụ tự thiêu Thiên An Môn giả mạo do ĐCSTQ sử dụng để kích động người dân thù hận Đại Pháp. Dần dần, vài người đã quay trở lại tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Tôi cùng một học viên khác góp 5.000 tệ và thành lập một điểm sản xuất tài liệu nhỏ để nói với mọi người về Đại Pháp và cuộc bức hại.

Trong thời gian đó, Sư phụ đã an bài tỉ mỉ để tôi gặp các đồng tu trên xe buýt, và từ đó chúng tôi đã có thể hình thành một chỉnh thể chung.

Một lần, tôi nói chuyện với một bà cụ trên xe buýt. Bà hỏi tuổi tôi, và tôi nói rằng đã gần 70 tuổi. Bà cụ ngạc nhiên bởi trông tôi trẻ hơn nhiều. “Trước đây tôi mắc rất nhiều bệnh tật,” tôi nói. “Thời điểm tệ nhất, chồng tôi phải cõng tôi lên và xuống cầu thang. Nhưng 20 năm qua, tôi đã không dùng đến một viên thuốc nào.” Bà ấy sửng sốt. Tôi bảo rằng bởi vì tôi tu luyện Đại Pháp.

Một người đàn ông ngồi phía đối diện trên xe buýt bước đến chỗ tôi và thì thầm: “Chị à, tôi muốn nhờ chị giúp một việc. Tôi muốn mượn của chị một thứ.” Tôi cảm nhận anh ấy ắt hẳn là một học viên. Anh ấy bảo rằng đã chuyển từ nơi khác đến không thể đọc kinh văn của Sư phụ. Anh ấy rất phấn khởi khi tôi có thể đưa cho anh các bài giảng Pháp. Không lâu sau tôi bắt đầu đem các tài liệu Đại Pháp đến cho vợ chồng anh ấy, và tôi tiếp tục đưa tài liệu cho họ trong vài năm.

Một ngày mùa đông năm 2015, khi xe buýt chạy gần đến điểm tôi cần xuống, tôi đứng lên và bước đến cửa xe. Nhưng vì một số lý do, tôi thay đổi ý định và quay về chỗ ngồi. Một người phụ nữ trạc tuổi tôi đã ngồi sẵn vào đó, nên tôi đứng kế bên bà ấy.

Bà ấy đứng lên và trả lại chỗ ngồi cho tôi, nhưng tôi nói: “Không sao đâu chị. Tôi cũng sắp xuống xe rồi.” Bà ấy hơi ngượng ngùng và bảo rằng bà bị thoát vị đĩa đệm và lưng của bà rất đau. Tôi nói rằng tôi đã từng bị như thế. Bà ấy hỏi làm sao tôi có thể vượt qua cơn đau được. Tôi nói rằng tôi bình phục sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Khi tôi bắt đầu nói nhiều hơn về cuộc bức hại, bà ấy thì thầm với tôi: “Trước đây tôi cũng luyện qua.”

Tôi bảo bà ấy: “Sư phụ đã không bỏ chị, Ngài vẫn quản chị. Đây hết thảy đều là an bài tỉ mỉ của Sư phụ để tôi gặp chị hôm nay!” Tôi đã không xuống trạm dừng, mà ngồi cạnh bà ấy. Chúng tôi đã nói chuyện một lúc lâu.

Tôi phát hiện ra bà ấy đã tu luyện được ba năm, và từ bỏ tu luyện khi cuộc bức hại bắt đầu. Bà ấy nhắc đến tên các học viên khác ở nơi bà luyện công và tôi biết hết thảy họ. Tôi đến nhà bà ấy, và ngay lập tức bà ấy nhờ tôi hướng dẫn lại cho bà các bài công pháp.

Sau này, tôi đem đến một máy MP3 để bà ấy nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ. Định kỳ tôi cũng đem các bài giảng mới của Sư phụ và Tuần báo Minh Huệ cho bà ấy xem. Bà ấy bảo rằng không còn cần đến thuốc uống nữa và lưng của bà cũng đã khỏi. Cha của bà đã hơn 90 tuổi và cũng bắt đầu nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ.

Tôi cũng kiên trì hỗ trợ các đồng tu nào cần sự giúp đỡ. Cách đây 10 năm, một đồng tu bị bắt giữ, và gia đình anh ấy cần tiền để thuê luật sư. Mặc dù tài chính không dư dả, nhưng ngay lập tức tôi đưa cho họ 30.000 tệ. Tôi cảm thấy vấn đề của đồng tu cũng như vấn đề của mình. Khi đồng tu đó quay về nhà và biết những gì tôi đã làm, anh ấy rất cảm động. Vài năm sau, anh ấy đã trả lại số tiền cho tôi.

Trong nhiều năm, mỗi khi bất kỳ học viên nào vượt quan “tiêu nghiệp” và muốn đến nhà tôi, thì tôi luôn vui vẻ chào đón họ. Một hôm, con gái của một học viên gọi điện cho tôi và nói: “Mẹ cháu bị huyết áp nhưng không chịu uống thuốc. Mẹ cháu có thể sang nhà cô ở vài ngày được không ạ?” Tôi đồng ý ngay. Tôi mừng cho sự lựa chọn của cô ấy vì cô đã không buộc mẹ của cô phải đến bệnh viện. Một học viên khác cùng tôi học Pháp, chia sẻ kinh nghiệm, nhắc nhở nhau hướng nội, và cùng nhau đi giảng chân tướng. Nhờ Sư phụ giúp mà bà ấy đã khôi phục lại trạng thái chính thường chỉ trong một tuần.

2. Giúp đỡ đồng tu cũng là tu luyện bản thân

Mỗi năm vào dịp lễ tết, tôi thường mua hoa quả, thực phẩm, quần áo và đem đến cho gia đình của các học viên bị giam giữ. Tôi muốn họ hiểu rằng tất cả chúng ta là một gia đình và mặc dù sống trong môi trường tà ác, nhưng mọi người vẫn luôn quan tâm đến nhau.

Ngay trước Tết Nguyên Đán năm nay, tôi đã đến chơi nhà của một học viên. Anh ấy đã bị cầm tù trong nhiều năm. Mẹ của anh ấy đã mất cách đây hơn 10 năm, chỉ còn người cha già 82 tuổi bơ vơ ở nhà. Vợ của anh ấy, cũng là học viên, ở xa nhà và phải vất vả làm việc kiếm thu nhập.

Cha của anh ấy từng là giáo sư đại học, nhưng bây giờ trông ông cụ đãng trí đi nhiều. Ông ấy mặc bộ đồ ngủ vải cotton cũ kỹ, và phía trước bị rách tả tơi. Nhà của ông bừa bộn, không còn là một nơi gọn gàng và xinh đẹp như trong ký ức của tôi nữa.

Ông cụ bảo tôi rằng ông đã bị lừa mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và bây giờ ngay cả hoa quả ông cũng đủ khả năng mua. Ông ấy chưa ăn gì, và tôi muốn nấu cho ông một món gì đó. Tôi mở tủ lạnh, và ngửi thấy mùi khó chịu. Tủ lạnh đã không được lau chùi trong nhiều năm liền. Tôi nấu cho ông cụ một bữa ăn đơn giản và sau đó bắt đầu lau chùi tủ lạnh. Ông ấy cảm thấy ái ngại và liên tục cám ơn tôi. Tôi chảy nước mắt và nói với ông ấy: “Cháu xin lỗi, cháu đến thăm bác trễ quá.”

Tôi dành hai giờ lau dọn và sau đó đi đến cửa hàng để mua vài bộ quần áo cho ông cụ. Mặc dù việc tôi giúp ông ấy có vẻ nhỏ nhặt, nhưng nhiều nhân tâm của tôi đã nổi lên suốt quá trình này. Khi định mang quần áo qua cho ông cụ, tôi nghĩ: “Nếu họ hàng của ông cụ biết chuyện này và có suy nghĩ không tốt thì làm sao đây?” Vì thế tôi đến nhà một học viên khác ở gần đó, vốn quen biết ông cụ, và nhờ cô ấy đem quần áo sang cho ông, nhưng cô ấy không chịu.

Trên đường về nhà, tôi cảm thấy hơi buồn. Tôi bắt đầu hướng nội. Tôi nhận ra suy nghĩ của tôi ban đầu là thuần tịnh nhưng sau đó đã nảy sinh nhiều nhân tâm. Qua hàng chục năm sống trong xã hội người thường, tôi đã hình thành nhiều cách nghĩ giống như người thường. Một trong số đó là khi làm điều tốt, tôi lại sợ người khác nghĩ xấu về mình. Trên bề mặt, đó là chấp trước sợ hãi. Nhưng ẩn sâu bên trong tôi cũng tìm thấy các chấp trước vào sắc dục, hiển thị, tranh đấu, tật đố, và tự phụ. Khi những vật chất xấu này bị giải thể, tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều. Tôi quyết định tự đem quần áo đến cho ông cụ với tâm thuần tịnh. Khi tâm tính tôi đạt tiêu chuẩn của Đại Pháp, mọi chuyện đều diễn ra dễ dàng.

Ông cụ rất cảm động khi mặc thử những bộ quần áo mới. Ông khóc và liên tục cám ơn tôi. Tôi nói với ông ấy: “Đây là điều cháu nên làm. Sư phụ đã dạy chúng cháu phải nghĩ đến người khác.”

Tôi gặp con dâu của ông cụ và thu xếp một ngày để cùng cô ấy dọn dẹp căn nhà. Mặc dù tôi rất bận rộn và định đến thăm chị gái đang bệnh, nhưng chúng tôi vẫn dọn dẹp cùng nhau. Nhìn căn hộ sạch sẽ, trong lòng tôi rất vui.

Sau nhiều năm tu luyện, tôi ngộ ra mỗi một đệ tử là một người phụ trách, không có ai bảo chúng ta nên làm thế nào hay không nên làm thế nào. Chúng ta chỉ có thể dĩ Pháp vi Sư, từ trong Pháp mà ngộ.

Tôi không quản di chuyển đường xa để giúp đỡ các học viên, trong tâm tôi chỉ có niềm vui và lòng biết ơn đối với Sư phụ. Mỗi khi các đồng tu cám ơn tôi, tôi đều bảo họ đó là việc tôi nên làm, và đề nghị họ đừng nói cám ơn tôi. Tôi chỉ là đang bước đi trên con đường tu luyện của mình.

Tôi sẽ trân quý thời gian mà Sư phụ kéo dài cho tôi để tôi chứng thực Pháp và cứu chúng sinh. Tôi sẽ tinh tấn hơn nữa trên con đường tu luyện!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/12/376533.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/19/173306.html

Đăng ngày 29-11-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share