Bài viết của học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 04-06-2017] Một nhà khoa học ở Missouri đã đề xuất một kỹ thuật mới để thu thập chứng cứ cho nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc. Ý tưởng của ông đã được trình bày và thảo luận tại Hội nghị Cấy ghép Thường niên của Mỹ tổ chức tại Chicago tháng trước [xem mục Ghi chú dưới đây].

Nhiều bằng chứng gián tiếp do các nhà điều tra độc lập thu thập được trong cả thập kỷ qua cho thấy chính phủ Trung Quốc đã và đang thu hoạch nội tạng vì lợi nhuận từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công. Hiện vẫn cần phải thu thập bằng chứng trực tiếp, song điều này rất khó thực hiện trong một xã hội bị kiểm soát gắt gao như Trung Quốc.

Bác sỹ Mike Hà, một Phó giáo sư của Trường Y thuộc Đại học Tổng hợp Washington, đã đề xuất một phương pháp mới để bù đắp những số liệu còn thiếu.

Bác sỹ Hà có nhiệm vụ theo dõi bệnh lý lâm sàng, trong đó có theo dõi mô của các bệnh nhân ghép tạng. Sau mỗi ca phẫu thuật ghép tạng, bệnh nhân thường được theo dõi để xem liệu các tạng được ghép có hoạt động tốt không, và có bị phản ứng gì không.

Thông thường, người ta sẽ tiến hành xét nghiệm sinh thiết nên cần phải lấy mẫu cơ quan được ghép. Bằng cách sinh thiết, người ta sẽ lấy một mảnh hoặc một dải mô để xét nghiệm phân tích vi mô. Những mẫu mô sinh thiết này thường được áp dụng phương pháp cố định formalin và nhúng paraffin (FFPE).

Mô dùng phương pháp FFPE có thể được lưu trữ trong một thời gian dài. Bác sỹ Hà có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ bệnh lý di truyền phân tử, đã chỉ ra rằng khi bệnh nhân nước ngoài tới Trung Quốc để nhận nội tạng, nếu nội tạng là từ các học viên Pháp Luân Công, thì bệnh nhân sẽ mang nội tạng đó về nước họ.

Nội tạng và tế bào của mỗi người đều mang đặc tính của người đó, đặc biệt là các đặc tính về di truyền phân tử. Đây là cơ sở để xét nghiệm pháp y phân tử hiện đại. Qua vài thập kỷ qua, ngành xét nghiệm pháp y phòng thí nghiệm đã đạt được những tiến bộ đáng kể.

Hầu hết các cuộc điều tra thực hiện trước kia đều cần phải thu thập vân tay tại hiện trường phạm tội, sau đó so sánh với dấu tay trong cơ sở dữ liệu. Nếu trùng khớp thì nhiều khả năng dấu vân tay thu thập được tại hiện trường phạm tội là của người xác định trong cơ sở dữ liệu.”

Những tiến bộ trong ngành sinh học phân tử trong hai, ba thập kỷ trở lại đây cho thấy mô của người cũng mang đặc tính phân tử duy nhất của người đó, cũng như dấu vân tay. Một hồ sơ phân tử được lập bằng 20 vị trí trong bộ gen thường được sử dụng để xét nghiệm pháp y DNA ở Mỹ. Có thể hình dung hồ sơ phân tử này như “dấu vân tay phân tử.”

Bác sỹ Hà hy vọng thiết lập được một cơ sở dữ liệu phân tử của các nội tạng được ghép nhận từ Trung Quốc. Ông đã kết nối với cộng đồng y học ghép tạng và các bệnh nhân ghép tạng, để có được sự đồng cảm, chấp thuận, và hợp tác của họ. Khi bệnh nhân đồng ý, DNA của người hiến tạng có thể được trích xuất từ các mô FFPE sau ghép để lập hồ sơ phân tử của người hiến tạng.

Trong khi đó, các thể sinh học của các học viên Pháp Luân Công bị mất tích có thể được thu thập ở Trung Quốc, bao gồm cả các vết máu khô hay các mô khác, và có thể sử dụng các đối tượng này để trích xuất DNA.

Nếu không sẵn có mô sinh học thì cũng có thể sử dụng mô của người nhà cho mục đích này. Những tư liệu này có thể được chuyển tới Mỹ để trích xuất DNA và thiết lập hồ sơ phân tử cho các học viên Pháp Luân Công bị mất tích. Nếu có bất kỳ sự trùng khớp nào giữa hồ sơ phân tử từ các nội tạng nhận được ở Trung Quốc và hồ sơ phân tử của các học viên Pháp Luân Công bị mất tích, đó sẽ là bằng chứng thuyết phục rằng nội tạng được ghép chính là từ học viên Pháp Luân Công bị mất tích.

Tại hội nghị Chicago, các bác sỹ ghép tạng từ nhiều nước, gồm cả Châu Âu, châu Úc, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Trung Đông, và các nước Châu Á khác đã đưa ra nhiều bình luận tích cực về ý tưởng này.

Đề xuất của bác sỹ Hà đã được Đại học Tổng hợp Washington lựa chọn cho một hồ sơ nghiên cứu được liên bang tài trợ. Bác sỹ Hà hy vọng thúc đẩy dự án này bằng cách làm việc với các tổ chức y tế và nhân quyền, bao gồm Hiệp hội Bác sỹ Chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) và Tổ chức Thế giới về Điều tra Cuộc Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG).

DAFOH có thành viên ở nhiều quốc gia nơi có bệnh nhân du lịch sang Trung Quốc để nhận tạng, và WOIPFG có các nhánh ở Trung Quốc. Những đối tác này sẽ giúp thúc đẩy dự án và đẩy nhanh việc chấm dứt “nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng,” “một tội ác chưa từng thấy trước đây”.

Ghi chú: Bài báo [bản tóm tắt] do các tác giả: He M., Corson A., Wang Z., Russo J., và Trey T, với tiêu đề: “Sử dụng xét nghiệm pháp y DNA để truy cứu nạn thu hoạch nội tạng phi đạo đức và nạn buôn lậu nội tạng” được đăng tại Tạp chí Ghép tạng Mỹ năm 2017, quyển 17, phụ chương số 3. Nội dung phần tóm tắt được đăng trực tuyến, được truy xuất ngày 4 tháng 5 năm 2017.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/6/4/349164.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/6/6/164160.html

Đăng ngày 12-6-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share