[MINH HUỆ 02-03-2015]

“Anh Mưu Luân Hội bất tỉnh năm lần trong ba ngày vì bị các lính canh đánh đập tàn bạo. Như thế vẫn chưa đủ, các lính canh còn bỏ đói anh trong suốt ba ngày. Mười hạt gạo là tất cả những gì anh nhận được cho ba bữa ăn mỗi ngày.”

“30 hạt gạo cho ba ngày” nghe có vẻ tàn nhẫn khó tin, nhưng đó là những gì đã xảy ra tại Trại lao động Tây Sơn Bình, Trùng Khánh. Bỏ đói chỉ là một trong nhiều phương thức mà các lính canh tại đó sử dụng trong nỗ lực ép các học viên Pháp Luân Công phải từ bỏ đức tin của mình.

Được các lính canh gọi là “liệu pháp bỏ đói”, việc tước đoạt lương thực như vậy nhằm mục đích làm suy yếu thể chất các học viên, từ đó làm hao mòn ý chí của họ.

Nhiều học viên khác bị giam tại trại lao động này như anh Mưu cũng từng bị tra tấn theo phương thức này. Dù so với anh Mưu thì họ được cho thêm một chút thức ăn, nhưng chỉ như vậy thì cũng không đủ sống.

Khi các học viên nguy kịch sau khi trải qua giai đoạn bị đói, các lính canh sẽ khôi phục lại khẩu phần ăn để giữ cho họ sống. Tuy nhiên, trước khi các học viên có thể phục hồi hoàn toàn, họ tiếp tục phải chịu một đợt bị bỏ đói khác.

Những gì xảy ra tại Trại lao động Tây Sơn Bình không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều cơ sở giam giữ khác trên khắp Trung Quốc cũng nổi tiếng vì sử dụng phương thức tước đoạt thức ăn để ép các học viên từ bỏ Pháp Luân Công.

Nhiều học viên đã bị biến chứng nghiêm trọng vì cách tra tấn này. Một nữ học viên bị giam giữ tại Nhà tù nữ Thượng Hải đã sụt 27 kg trong vòng sáu tháng. Bà bị đói đến mức phải ăn lá bắp cải thối mà bà tìm thấy trong thùng rác. Thậm chí nguồn lương thực này cũng bị cắt đứt, khi lính canh dọn rác phát hiện ra.

Tước đoạt thực phẩm diễn ra theo những cách khác nhau và thường được sử dụng kết hợp với các phương thức tra tấn khác.

Các hình thức tước đoạt thực phẩm khác nhau

Các học viên Pháp Luân Công thường bị suy dinh dưỡng trong các cơ sở giam giữ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Dưới đây là một số cách phổ biến dùng để bỏ đói các học viên.

1. Kiểm soát khẩu phần gắt gao

Nhiều cơ sở giam giữ thường chỉ cung cấp một lượng nhỏ thực phẩm cho những học viên không chịu từ bỏ đức tin của mình đối với Pháp Luân Công. Ngoài các trường hợp nêu trên, ông Hoàng Triệu Kim, một ông lão 72 tuổi, chỉ được cho không đến 100g thức ăn mỗi ngày trong 30 ngày liên tiếp suốt khoảng thời gian ông bị giam giữ tại trung tâm tẩy não tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc vào năm 2013.

2. Hạn chế thời gian cho mỗi bữa ăn một cách vô lý

Hạn chế thời gian ăn là một cách khác để giảm lượng thức ăn mà các học viên tiêu thụ. Các lính canh thường đưa ra các hạn chế về thời gian ăn một cách bất hợp lý cho mỗi bữa ăn.

Các học viên bị giam giữ tại Nhà tù Ngũ Mã Bình tại tỉnh Tứ Xuyên buộc phải ăn hết một bát cơm trong vòng 20 giây cho mỗi bữa ăn, và chỉ có thể đứng nhìn khi các lính canh giật bát cơm của họ trước khi họ thực sự có cơ hội được ăn.

Anh Trương Vĩ Kiệt đã trải qua một phương thức tra tấn gọi là “ba trong một” trong khi bị giam giữ tại Nhà tù Phạm Gia Đài tỉnh Hồ Bắc. Anh chỉ được ngủ một tiếng và vào phòng tắm một lần mỗi ngày, mỗi bữa ăn anh chỉ được cho một chút thức ăn.

3.Tước đoạt thực phẩm dưới chiêu bài “tuyệt thực”

Anh Wang Zhiwu không tuyệt thực khi bị giam tại Trại lao động Hàm Đan vào tháng 03 năm 2003. Tuy nhiên, các lính canh tuyên bố rằng anh đã tuyệt thực và bỏ đói anh.

Các lính canh tại Nhà tù Trịnh Châu tỉnh Hà Nam đã cắt giảm thức ăn của các học viên có ý định biểu tình. Khi một số học viên thực sự tuyệt thực, các lính canh đã lập tức lợi dụng cơ hội để bức thực họ bằng các hóa chất khác nhau, bao gồm cả phân người.

4. Sỉ nhục trước mỗi bữa ăn

Khi anh Lã Tùng Minh bị giam tại trung tâm tẩy não tỉnh Hồ Bắc vào tháng 11 năm 2010, anh bị ép phải ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc trước mỗi bữa ăn. Anh từ chối làm theo và đã bị bỏ đói trong tám ngày.

Bỏ đói được sử dụng với các hình thức tước đoạt khác

Một số cơ sở giam giữ cố tình hạn chế thức ăn của các học viên đã rất yếu vì bị cưỡng bức lao động, tra tấn hoặc đau ốm.

Anh Vương Hải Kim bị tra tấn dã man và phải làm 2.000 chén bánh mỗi ngày trong suốt thời gian bị giam giữ tại Trại tạm giam quận Phú Ninh tỉnh Hồ Bắc. Bữa sáng hàng ngày của anh bao gồm hai muỗng cháo ngô, bữa trưa và bữa tối của anh chỉ có bánh hấp và súp cải bắp loãng. Anh đã sụt một phần ba trọng lượng cơ thể trong vòng ba tháng, và gặp vấn đề nghiêm trọng về tim khi được thả. 79 ngày sau, anh qua đời.

Anh Trương Thạch Tằng bị biệt giam 30 ngày tại Nhà tù Mẫu Đơn Giang vào năm 2008. Anh chỉ được ăn hai bữa một ngày. Mỗi bữa là một mẩu bánh bao (khoảng 25g) và một chai nước. Anh phải mặc quần áo mỏng ngủ trên sàn xi măng lạnh và không có giường.

Cô Vương Ái Hoa bị đau dạ dày cấp tính khi bị giam tại trại tạm giam Dậu Dương vào tháng 07 năm 2014. Các lính canh từ chối để cô được chăm sóc y tế tại bệnh viện và các bác sĩ của trại giam đề nghị cô duy trì chế độ ăn thức ăn dạng lỏng. Tuy nhiên, cô Vương lại bị bỏ đói tới chín ngày, vì các lính canh tuyên bố rằng sẽ không ai được “đối xử đặc biệt”.

Các bài viết liên quan:

Chủ tiệm bánh qua đời tại nhà không lâu sau 90 ngày bị ngược đãi trong trại giam

Một phụ nữ bị cầm tù có vấn đề về dạ dày bị bỏ đói 15 ngày

Anh Trương Vĩ Kiệt bị tra tấn tại Nhà tù Phạm Gia Đài tỉnh Hồ Bắc


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/2/17/304706.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/3/2/149160.html

Đăng ngày 19-04-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share