[MINH HUỆ 27-12-2019] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi đã tu luyện được 6 năm. Trong 6 năm tu luyện này, bộ phận mà tôi tham gia chủ yếu là hạng mục Epoch Times tiếng Anh. Hồi tưởng lại quá trình ấy, tôi và các bạn đồng tu đã cùng nhau trải qua những điều vô cùng trân quý.

1. Bắt đầu

Tôi tin rằng rất nhiều đồng tu đều có thể ngộ tương tự trong tu luyện như thế này: Những sự việc chúng ta trải qua dường như đã được an bài trật tự rồi. Lúc đó, tôi gia nhập Epoch Times tiếng Anh, nhìn thì cũng có vẻ là một việc ngẫu nhiên. Bởi vì Epoch Times tiếng Anh cần phiên dịch bài liên quan đến chủ đề văn hóa truyền thống Trung Quốc, có đồng tu tìm gặp tôi và muốn tôi giúp, đề nghị tôi cùng học Pháp với hạng mục Epoch Times tiếng Anh vào ngày thứ Năm hàng tuần, thế là tôi bắt đầu tham gia buổi họp đầu tiên với Epoch Times tiếng Anh. Lúc mới tham gia tôi cảm thấy có chút chưa quen. Trong cuộc họp vào mỗi thứ Năm còn có chia sẻ tâm tính liên quan đến giảng chân tướng ở phạm vi nhỏ, tôi cũng thường tham gia trước đó. Sau lần đầu tham gia với Epoch Times tiếng Anh, tôi muốn tuần tiếp theo được tham gia chia sẻ giảng chân tướng, nhưng không ngờ nhóm chia sẻ ấy đột nhiên dừng lại.

Tôi còn nhớ lúc đó có rất nhiều đồng tu trẻ cùng tham gia hạng mục Epoch Times tiếng Anh với tôi, hơn nữa hầu như mọi người chỉ mới tham gia được khoảng một năm, tôi tin rằng đây chính là duyên phận kỳ diệu đã được an bài.

Không lâu sau, có một đồng tu phóng viên giao cho tôi nhiệm vụ phỏng vấn. Có lần một mình tôi đến khu trung tâm mua sắm trên đường Orchard để phỏng vấn sự kiện khai trương của một quán cà phê. Lúc đó có nhân viên công tác của đơn vị tổ chức sự kiện hỏi tôi liệu có muốn phỏng vấn vị bếp trưởng không. Thế là người nhân viên ấy dẫn tôi vào khu bếp, ông chủ quán cà phê cũng có mặt ở đó. Ông chủ là người Nhật, lúc đầu vừa nghe nói muốn phỏng vấn thì thái độ của ông chủ rất kiêu ngạo, nhưng sau khi tôi dùng tiếng Nhật chào hỏi ông ấy xem có muốn phỏng vấn không, thì bỗng nhiên ông thay đổi thái độ 180 độ, trở nên vô cùng lịch thiệp và nhiệt tình để tôi vào khu bếp phỏng vấn vị bếp trưởng. Đầu bếp cũng là người Nhật, món điểm tâm mà anh ấy làm nghe nói khá nổi tiếng ở Tokyo. Nhưng có điều tiếng Anh của vị bếp trưởng không được lưu loát lắm, cho nên buổi phỏng vấn vốn bằng tiếng Anh cuối cùng thay đổi, chỉ có vị bếp trưởng nói tiếng Nhật. Thật sự thì hiểu biết về tiếng Nhật của tôi cũng rất nông cạn, nhưng một số từ mà anh ấy nói, tuy tôi chưa từng học qua nhưng thời điểm ấy lại có thể đoán được nghĩa của nó, tôi cảm thấy quả là một trải nghiệm thần kỳ. Đối với một người hầu như không có kinh nghiệm như tôi mà nói, thì lần phỏng vấn này chính là một sự khích lệ không hề nhỏ.

Về sau tôi rất may mắn, thường được đồng tu phóng viên dẫn đi tham gia một số buổi phỏng vấn, cũng khuyến khích tôi tham gia quá trình viết bản thảo, chẳng hạn như khuyến khích tôi viết phần đầu của bản thảo phỏng vấn. Mặc dù tôi không cảm thấy việc mình tham gia lúc đó có giúp đỡ được gì cho đồng tu không, nhưng ngược lại đồng tu đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Trong quá trình tôi và cô ấy cùng đi phỏng vấn, tôi dần hiểu được trước khi phỏng vấn thì cần chuẩn bị những gì, ý tưởng ra sao, và đại khái quá trình phỏng vấn là như thế nào. Sau khi bài phỏng vấn được đăng, thông qua việc đọc lại bài ấy, tôi đã học hỏi thêm được kỹ năng viết lách của đồng tu. Đó chính là những kỷ niệm vô cùng tươi đẹp. Tôi thật sự rất cảm ơn vị đồng tu này.

2. Thành thục

Thời gian trôi qua, những việc tôi phụ trách cũng ngày càng nhiều hơn so với ban đầu, nên tôi cũng nảy sinh một số quan điểm và quan niệm. Tôi còn nhớ vào khoảng ba năm trước, một vài đồng tu trong đó bao gồm cả tôi, cảm thấy rằng trang báo của chúng tôi dường như thiếu định vị thị trường rõ ràng, thiết kế bìa có vẻ chưa đủ chuyên nghiệp. Với sự nhiệt tâm và nhiệt tình đã thúc đẩy chúng tôi thường xuyên hẹn nhau thảo luận online hoặc gặp mặt trực tiếp, rồi đi đến nhà sách, thư viện để tham khảo nội dung và thiết kế của các tạp chí khác nhau, lắm lúc chúng tôi thảo luận các vấn đề này đến tận khuya.

Trong nhóm chúng tôi có một đồng tu am hiểu về thiết kế, nên đã thiết kế một bìa mẫu, tôi lên ý tưởng thiết kế khái quát nội dung, còn một đồng tu trẻ khác lại góp ý tổng quan về phương hướng và kế hoạch phát triển. Sau đó vào buổi họp thứ Năm hàng tuần, chúng tôi đã trình bày mẫu bìa thiết kế mới, và đồng tu trẻ kia cũng chia sẻ về khả năng định hướng và phát triển. Nhưng sự nhiệt huyết của chúng tôi rất nhanh bị dập tắt, vì đồng tu phụ trách không tán thành kế hoạch mới này, ngay cả các đồng tu khác cũng không bày tỏ sự ủng hộ.

Nguyên nhân không nhận được sự tán thành có thể khá nhiều. Lúc ấy chúng tôi muốn tờ báo có diện mạo mới nên đã đề ra những thay đổi đó, nhưng chúng tôi lại không cân nhắc rằng bản thân có thể phó xuất bao nhiêu để duy trì ổn định tờ báo. Tôi nhớ lúc đó, người phụ trách hỏi tôi và đồng tu trẻ kia rằng: “Các bạn sẽ làm cho Epoch Times tiếng Anh bao lâu?” Đây là vấn đề mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới, mà lúc đó cũng không có đủ thời gian để nghĩ về điều này. Người phụ trách nói tiếp: “Các bạn không cần trả lời cho tôi đâu, mà hãy trả lời cho các vấn đề bên trên nhé”. Lúc đó tôi nói đại khái là: “Có thể làm bao lâu thì sẽ làm bấy lâu”. Sau đó, tôi đã nghĩ về câu nói này khá nhiều lần, đột nhiên mới cảm thấy trách nhiệm lớn lao trong đó. Sau này, đôi khi gặp phải khó khăn hoặc khảo nghiệm tâm tính mà không vượt qua được và muốn rút lui, thì câu nói này lại xuất hiện trong tâm trí tôi.

Hơn nữa, hiện nay nhìn lại thiết kế trang bìa của chúng tôi tại thời điểm đó, kỳ thực cũng chẳng ra làm sao. Còn những phương hướng định vị thị trường mà chúng tôi đã đề xuất trong cuộc họp trước đó, thì bây giờ tôi hoàn toàn không có chút ấn tượng nào hết.

Bây giờ nhắc lại những chuyện xảy ra lúc đó thấy thật buồn cười, tuy nhiên cảm giác bị dội một gáo nước lạnh vào mặt cũng không dễ chịu gì. Tôi cũng bị cảm xúc giận xâm chiếm tâm trí một thời gian, nhưng rồi nghĩ đến tu luyện cần phải có chính niệm nên lại thôi.

Thời điểm đó, khi kết thúc cuộc họp, tôi ấn tượng sâu sắc về điều mà một đồng tu viết bài đã nói với tôi: “Mục đích (ý nghĩa) là phải làm sao cho mọi người đều tham gia vào. Các bạn chưa hiểu được điểm này.” Sự việc này gần như là một bước ngoặt trong sự hiểu biết mới của tôi về hạng mục và sự phối hợp. Trước đây tôi không có thể hội sâu sắc hay suy nghĩ quá nhiều về phối hợp là như thế nào. Sau đó tôi chia sẻ lại lời của vị đồng tu này với nhóm đồng tu cùng tham gia thiết kế trang bìa, chúng tôi cũng nhận thấy rằng mỗi người nên hướng nội tìm, giống như vị đồng tu viết bài kia vậy, lặng lẽ làm, lặng lẽ viên dung, phối hợp và bổ sung những chỗ còn thiếu sót.

Trong kinh văn “Tinh tấn hơn nữa”, Sư phụ giảng rằng:

“Vậy có người nói rằng chúng tôi cũng vì muốn có thể phối hợp tốt hơn nên mới đề xuất các ý kiến khác nhau, rằng họ mà không tiếp thu thì chúng tôi cảm thấy sự việc khó làm. Không phải như thế đâu. Làm đệ tử Đại Pháp mà nói, chính niệm đến từ Pháp, không phải là tu cho con người chư vị chủ ý tốt ra sao, cho con người chư vị có biện pháp cao minh thế nào, mà là tu cho khi đối đãi vấn đề thì chư vị có dùng chính niệm hay không. Nếu một cá nhân có chủ ý hoặc biện pháp chưa đủ hoàn thiện, dưới sự tổ chức của người phụ trách mọi người là có thể thảo luận một cách hợp lý. Nếu việc ấy không thể được chấp nhận hoặc không được tiếp thụ, mà chư vị cảm thấy hiển nhiên là cần thiết phải làm thế nào đó thì mới hoàn thiện hơn, trong tâm bèn bắt đầu tiêu cực. Thực ra, làm đệ tử Đại Pháp, lúc ấy nếu niệm ngay chính, điều nghĩ đến là tu luyện, là có trách nhiệm, là nên làm thật tốt, thì chư vị nên âm thầm khiến cho chỗ mà chư vị cảm thấy chưa hoàn thiện làm nó thực thi cho tốt, đó mới là điều đệ tử Đại Pháp nên làm. Nếu các đệ tử Đại Pháp đều có thể thực hiện như thế, thì việc gì cũng nhất định sẽ làm được hết sức tốt đẹp.” (Tinh tấn hơn nữa – Giảng Pháp tại các nơi X)

Tôi nghĩ lúc đó những đồng tu có kinh nghiệm hoặc đồng tu lâu năm có thể đều hiểu, có thể đều nhìn thấy vấn đề của chúng tôi. Nhưng khi ấy tôi chỉ là học viên mới, sau khi trải qua sự việc này tôi mới hiểu sâu sắc hơn về sự phối hợp và viên dung.

3. Về việc viết bài

Đối với việc viết bài tiếng Anh, kinh nghiệm của tôi vốn chỉ giới hạn trong việc viết về chứng minh toán học và các bài báo liên quan đến việc học ở trường. Nhưng trong một lần họp, người phụ trách nói rằng chúng tôi đều phải bắt đầu viết bài. Vào thời điểm đó, mọi người đều không có kinh nghiệm gì. Lúc đầu, chúng tôi dường như chỉ viết lại một số nội dung báo cáo nghiên cứu có thể hấp dẫn đọc giả. Tôi vốn cũng làm một chút nghiên cứu để xem văn phong bài viết của mình ra sao. Cho đến một hôm có vị đồng tu nói với tôi rằng, đọc bài của bạn luôn có cảm giác sâu sắc, một số từ ngữ bạn dùng cũng rất sâu sắc, lúc này tôi mới nghĩ mình nên thay đổi, nếu không bài báo sẽ giống như một báo cáo nghiên cứu.

May mắn là sau đó tôi có cơ hội điều phối, ấy là gửi bài viết của các đồng tu đến người phụ trách hiệu đính và biên tập bài báo, đây cũng là một cơ hội tốt để học cách cải tiến viết bài, bởi vì tôi có thể nhận được ý kiến đóng góp từ đồng tu biên tập hiệu đính, và có cơ hội chú ý đến những chỗ nào trong bài có thể bị sửa vì những nguyên nhân gì.

Thông thường trong các cuộc họp, tôi cũng học được rất nhiều điều từ người phụ trách. Một số đồng tu có lẽ cảm thấy người phụ trách yêu cầu quá nghiêm khắc, nhưng thông qua người phụ trách thảo luận về các bài viết hoặc sự việc nào đó cũng giúp tôi học hỏi được cách viết như thế nào mới khiến cho bài báo trở nên thú vị và dễ tiếp nhận hơn, thậm chí thiết kế bố cục cũng mỹ quan hơn.

Sau này tôi gặp phải khảo nghiệm ở phương diện kiên nhẫn và sức chịu đựng trong khi viết bài. Đôi khi mất rất nhiều thời gian để tìm nguồn tư liệu, trong một rừng thông tin mới tìm được nội dung cần thiết cho bài viết. Có lần viết xong bài, tôi nói với một vị đồng tu rằng: “Viết đến muốn nôn cả ra, không muốn nhìn đến nó nữa.” Lúc ấy đồng tu góp ý tôi không nên nói những lời với tư duy phụ diện như vậy, nếu không thì bài viết có thể sẽ mang theo năng lượng tiêu cực.

Tôi tin rằng khá nhiều đồng tu cũng trải qua những khảo nghiệm về sự kiên nhẫn và năng lực chịu đựng, đồng tu thiết kế ảnh bìa và bố cục cũng có nhận định và thể hội về nhiều trường hợp tương tự .

Đôi khi tôi cũng có tâm nghi ngờ, nghĩ rằng việc viết bài thật sự có thể cứu người không? Bởi vì nó không như giảng chân tướng trực diện, có thể liễu giải được suy nghĩ của đối phương và hiệu quả hơn. Năm nay, khi tôi tham dự Pháp hội New York, Sư phụ đã trả lời câu hỏi của học viên rằng:

“Trong hoàn cảnh của chư vị, thậm chí chư vị lên Internet đăng mấy bài viết tươm tất một chút; đều có tác dụng. Đệ tử Đại Pháp mà, chư vị nên làm gì thì chư vị hãy làm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)

Khi ấy tôi nghĩ, Sư phụ thật từ bi. Dẫu chúng ta có làm bất cứ việc gì thì cũng được Sư phụ khẳng định.

Sau đó Epoch Times tiếng Anh ở địa phương chúng tôi có đăng một bài báo phơi bày về một công ty có mối liên hệ với tà đảng, bài viết này cũng được đăng trên mạng xã hội. Lượt truy cập bài viết này rất tốt, còn có rất nhiều bình luận, mặc dù có một số bình luận mang tính công kích tiêu cực, nhưng song song cũng có những bình luận mang tính chính diện. Về sau có một đồng tu nói rằng, anh ấy đã chia sẻ bài viết này, và anh ấy đặc biệt quan sát trang mạng xã hội của đồng nghiệp mình. Đồng nghiệp của anh ấy ban đầu thích công ty đó trên mạng xã hội, nhưng sau khi đồng tu chia sẻ bài báo, thì đồng nghiệp của anh ấy đã hủy lượt thích trên trang mạng xã hội của công ty đó. Sau khi nghe xong chúng tôi đều cảm thấy có thêm động lực.

4. Kết luận

Tôi viết ra những điều trên đây, ấy là một số phương diện tôi làm tốt và cảm nhận được sự khích lệ. Kỳ thực khảo nghiệm tâm tính mỗi ngày cũng rất nhiều. Ví như đôi lúc tôi có những suy nghĩ tiêu cực, và bản thân tôi cũng dễ bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ tiêu cực này. Hoặc thỉnh thoảng có những sự việc không phù hợp với cách nghĩ của tôi thì tôi liền phát sinh những quan niệm không tốt đối với đồng tu ấy. Ngoài ra, khi tôi cảm thấy tham gia cuộc họp không hiệu quả, thì không muốn tham gia nữa, nhưng qua một giai đoạn thời gian, khi tôi có thể buông bỏ một chút tự ngã thì cũng không còn loại cảm giác này nữa. Nhưng tu luyện là quá trình lặp lại liên tục, một thời gian trước, tôi lại bắt đầu cảm thấy không muốn tham gia nữa.

Trong quá trình làm hạng mục, tôi cũng có tâm hiển thị, lần nọ, khi tâm trạng tôi không tốt, có đồng tu nói rằng tôi đã trở nên kiêu ngạo. Mong rằng tôi có thể tu bỏ những nhân tâm bất hảo này.

Hy vọng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, và cùng nhau bước đến ngày Pháp Chính Nhân Gian.

Cảm tạ ân Sư tôn!

Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Singapore 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/27/在英文大纪元中修炼成长-397582.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/6/182055.html

Đăng ngày 10-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share