Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 24-10-2009] Trần Đình Kính, tự Tử Đoan, hiệu Ngọ Đình, là người Trạch Châu đời nhà Thanh (thôn Hoàng Thành, huyện Dương Thành, tỉnh Sơn Tây ngày nay), ông đã từng đảm nhiệm các chức quan như Thị giảng tiến sỹ Hàn lâm viện, Thượng thư bộ Lại, Đại học sĩ Văn uyên các, và là quan Tổng tu của bộ “Khang Hy tự điển”. Tu thân thực hành chất phác, thuần hậu, cẩn thận là tác phong cơ bản xử thế của ông. Ông được hoàng đế Khang Hy rất coi trọng bởi học thức trác việt và nhân phẩm cao khiết, được mọi người ca ngợi là Nhất đại hiền tướng có quan phẩm, nhân phẩm và văn phẩm đều tốt đẹp.

Trần Đình Kính xuất thân từ con em gia đình có truyền thống học hành, gia phong thuần phác, gia giáo rất nghiêm. Từ nhỏ ông đã thích đọc sách, 3 tuổi bắt đầu đọc thi từ, 6 tuổi học các kinh điển Nho gia ở trường tư thục, “đọc sách xem qua là không quên”, 9 tuổi làm bài phú “Mẫu đơn thi”, có câu “dục sử vật giai xuân” (muốn làm cho vạn vật đều như mùa xuân), được mọi người ca ngợi là Thần đồng. Ông đặc biệt yêu thích Đạo của Thánh hiền, hiểu biết sâu sắc rằng người xưa viết văn không phải chú trọng ngôn từ mà là mong muốn hiểu rõ Đạo. Thế nên ông đặc biệt coi trọng tu thân dưỡng tính, thường xuyên tự khuyên nhủ khích lệ bản thân bằng tấm gương của những danh sĩ các thời đại có tấm lòng tiết tháo, yêu nước thương dân. Tuy tuổi còn nhỏ những ông đã có lòng ôm chí lớn tế thế giúp dân.

Trần Đình Kính 20 tuổi thi đỗ tiến sĩ làm quan, được bổ nhiệm Thị độc của Nội hoằng văn viện. Năm 34 tuổi, ông được bổ nhiệm Thị giảng học sĩ của Hàn lâm viện, làm quan ghi chép sinh hoạt và lời nói hàng ngày của hoàng đến Khang Hy, kiêm ghi chép và giảng giải kinh sử, tức là ghi chép lại từng lời nói hành vi của hoàng đế vào sách và giảng giải kinh sử cho hoàng đế. Ông trợ giúp Khang Hy khi đó mới 16 tuổi diệt trừ Ngao Bái và đồng đảng, đồng thời giảng giải truyền thụ cho Khang Hy các trước tác kinh điển, quan niệm trị quốc và Đạo của bậc quân chủ. Ông giảng “Luận ngữ” cho Khang Hy: “Người ở trên hiếu lễ thì dân không dám bất kính. Người ở trên hiếu nghĩa thì dân không dám không phục…”. Ông chân thành kỳ vọng hoàng đế sùng chuộng lễ, nghĩa, tín và không được truy cầu hư danh, không nói lời sáo rỗng, làm nhiều việc thực. Ông và Chưởng viện học sĩ Lạt Sa Lý, Thị giảng học sĩ Trương Anh và những học sĩ khác đã nhiều lần đàm luận kinh sử với Khang Hy, bình luận lượng lớn sự thực lịch sử các triều thần, hoạn quan các triều đại trước kết bè đảng mưu tư lợi họa loạn quốc gia, nhắc nhở hoàng đế lấy sử làm gương, không được khinh suất. Khang Hy nhiều lần biểu dương họ “Mỗi ngày vào giảng là khai mở tâm trẫm, có lợi ích vô cùng”. Hoàng đế còn đặc biệt khen ngợi Trần Đình Kính “Thường đứng giảng trước trướng, dùng lời đơn giản luận thuật gợi mở, cẩn thận, cung kính, thanh liêm, cần cù, trước sau luôn giữ tiết tháo. Học vấn thâm sâu, thấm đẫm, văn thái tươi đẹp…”, đồng thời ban cho ông tập thơ “Ngự chế thi tập” của hoàng đế.

Trần Đình Kính nhằm thẳng vào hiện trạng khá nhiều quan viên trong triều đình nhà Thanh đương thời tham ô, hủ hóa, ông dâng sớ lên triều đình nói rằng: “Tham lam hay liêm khiết là then chốt đánh giá một quan viên có đủ tiêu chuẩn hay không. Muốn quan viên thanh liêm thì trước tiên phải khiến họ nuôi dưỡng được phẩm chất tiết kiệm. Người xưa coi tiết kiệm, chất phác là tốt đẹp. Ngày nay do phong thái xa xỉ chưa bị trừ bỏ, khiến cho việc tiết kiệm khi làm việc trái lại bị cười chê, còn phô trương lãng phí thì không có ai phản đối, thế là những việc như tham ô cầu lợi, trái pháp luật theo đó mà nhiều dần lên”. Khang Hy bày tỏ tán đồng, và ra chỉ lệnh từ nay về sau “phải quay trở về với chất phác, thuần hậu, nghiêm khắc tuân theo pháp luật, chế độ, trợ giúp trẫm làm việc thiết thực, từ căn bản, sùng chuộng tiết kiệm, thành ý”.

Trần Đình Kính còn dâng sớ rằng: “Khảo sát tổng đốc, tuần phủ, cần phải xem việc nuôi dưỡng dân, giáo hóa dân chúng có tròn trách nhiệm không, cần phải làm được việc chỉ đạo và quản lý tốt quan lại cấp dưới. Khổng Tử đã nói: Việc giáo hóa, dạy bảo ở trên mà không được thực thi thì tội không phải ở người dân. Muốn bách tính không vi phạm điều lệnh, không gì bằng trước tiện thực hiện giáo hóa ở trên. Hễ quan lại bày vẽ bòn rút, tham ô hối lộ, vơ vét của cải bách tính, thì anh ta nhất định sẽ bận rộn với việc xem xét lời nói, quan sát sắc mặt, lấy lòng thượng cấp, thì đâu còn thời gian thực hiện giáo hóa đây? Bách tính thấy những hành vi việc làm của quan lại thì sẽ nói: ‘Người như thế này còn có thể dạy bảo chúng ta chăng?’ Vì vậy, lựa chọn người thích hợp làm tổng đốc, tuần phủ cần phải là người bản thân chính trực, không bị dẫn động bởi tư lợi và ham dục, làm gương cho các quan lại cấp dưới”. Bản sớ trên của Trần Đình Kính được triều đình tiếp thu. Khang Hy thường xuyên thảo luận việc đại sự triều chính với các học sĩ, Trần Đình Kính nhắm thẳng vào tình hình người nông dân đương thời thuế khóa lao dịch nặng nề, đã đề một số biện pháp miễn giảm thu thuế, và được thực thi. Sau này ông được thăng làm Đại học sĩ Văn uyên các kiêm Thượng thư bộ Lại.

Sau khi Trần Đình Kính đến bộ Lại nhậm chức, ông đặt quy định rằng: “Bắt đầu từ Đình Kính, trong bộ tuyệt đối không được nhờ vả, cấm biếu tặng”. Để ngăn chặn trào lưu bất chính chạy quan, mua quan, ông đã nghiêm khắc lệnh cho người nhà rằng, người có hành vi không đoan chính, người tặng quà hối lộ, mưu lợi cá nhân, thì không được cho vào. Ông còn đề xướng “liêm chính, tiết kiệm để quy chính phong thái”, chú trọng tu dưỡng cá nhân, tác phong công bằng chính trực. Xung quanh có người tài đức xuất chúng, ông đều dốc sức tiến cử. Khang Hy đã từng triệu tập các đại thần các bộ tiến cử quan lại liêm khiết hiền năng, Trần Đình Kính tiến cử Lục Lũng Kỳ, Thiệu Tự Nghiêu, Vương Sĩ Trinh… đều là những quan thanh liêm được bách tính ca tụng. Khang Hy liền đề bạt họ làm ngự sử, rồi lại thăng làm thượng thư. Có người nói với Trần Đình Kính rằng: Mấy người này liêm khiết nhưng cứng rắn, hay đề xuất ý kiến, không chừng sẽ gây chuyện cho ông. Trần Đình Kính bày tỏ, cứng rắn một chút, đề xuất ý kiến nhiều một chút, có gì không tốt đâu, mình có gì sai thì sửa, không có thì càng cố gắng hơn. Khang Hy sau khi biết chuyện đã khen ngợi ông rằng: “Khanh là người có tuổi tài đức, có thể nói là người hoàn hảo”.

Trần Đình Kính cả đời hiếu học, thơ, văn, nhạc đều cực kỳ tinh tế, “thơ và văn của ông đều cao nhã, khỏe khoắn tuyệt luân, thâm sâu chính Đạo”. Ông viết về cảm ngộ và thưởng thức đối với thơ ca rằng: “Thơ là thứ cực cao, có thể cảm động Trời Đất, Thần linh, tìm đến tận cùng của sinh mệnh mà minh tỏ đạo đức”. Khang Hy rất tán thưởng bài thơ “Tứ thạch lựu tử” (tặng quả lựu) của ông: “Tiên cấm vân thâm thốc trượng đê, ngọ triều liêm hạ báo ban tề. Thị thần mật liệt danh vương hữu, sứ thần tằng quá đại hạ tê. An thạch chủng tài hồng đậu khấu, hỏa châu quang bính xích pha lê. Phong sương lịch hậu hàm bao thực, chỉ hữu đan tâm lão bất mê” (Dịch nghĩa: Cấm vệ đông đúc như mây, nghi trượng hạ thấp, dưới rèm triều thần đông đảo đầy đủ chỉnh tề. Thị thần đông đúc bên phải vua, sứ thần xếp dài quá mé tây cung điện. Đá xếp trồng đậu đỏ, hỏa châu bắn pha lê. Sau khi trải qua gió sương thì đơm hoa kết trái, chỉ tấm lòng son là mãi mãi không mê lạc).

Khang Hy viết thơ tặng ông: “Lễ nghĩa truyền gia huấn, thanh tân thụ tử hào. Phòng Diêu tỷ nhã vận, Lý Đỗ tính thi hào” (Dịch nghĩa: Lễ nghĩa là gia huấn truyền gia, truyền thụ lời văn thanh khiết mới mẻ. Vần thơ trang nhã như Phòng Huyền Linh, Diêu Sùng, là bậc thi hào sánh với Lý Bạch, Đỗ Phủ). Khang Hy coi ông như bậc hiền tướng đời Thịnh Đường Phòng Huyền Linh, Diêu Sùng, và đại thi hào Lý Bạch, Đỗ Phủ. Trần Đình Kính còn đảm nhiệm làm chức quan Tổng tu của trước tác ngôn ngữ khổng lồ “Bội văn vận phủ” và “Khang Hy tự điển”. “Khang Hy tự điển” là bộ từ điển đứng đầu trong lịch sử văn hóa Trung Quốc, toàn thư gồm 42 quyển, thu lục trên 47.000 chữ, để lại tài sản tinh thần quý báu cho người đời sau.

Trần Đình Kính là tri thức cổ đại Trung Quốc học theo Thánh hiền, làm mẫu mực đối nhân xử thế, trong lòng ông luôn luôn có lý tưởng đạo nghĩa và phẩm cách chính trực mà bậc Thánh hiền gánh vác. Cả đời trợ giúp Khang Hy trong 53 năm, thiết thực và ổn định. Ông làm quan chính trực, dám can gián. Khang Hy khiêm tốn tiếp nhận can gián, theo thiện tự nhiên, quân thần tương trợ giúp đỡ nhau, được ghi vào sử sách là nhất đại danh thần và khoáng thế minh quân. Khang Hy ban cho ông câu đối: “Xuân quy kiều mộc tàn âm mậu, thu đáo hoàng hoa vãn tiết hương”, đại ý là: Gió xuân thổi đến, cây đại thụ cao lớn càng tỏa bóng mát tốt tươi. Sương thu rơi xuống, bông cúc vàng nở muộn càng thơm ngát hương. Đây là đánh giá rất cao đối với nhân phẩm của Trần Đình Kính, cũng là miêu tả tốt nhất về cuộc đời ông. Thực tế bất kể là thời nào thì việc kiên trì giữ vững đạo đức, lương tri, tiết tháo, đều là tiêu chuẩn làm người quan trọng nhất, bởi vì phẩm chất thuần chính mỹ hảo và ý chí hành thiện là vĩnh hằng, cảnh giới vô tư và tấm lòng rộng mở mãi mãi trường tồn cùng trời đất.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/10/24/211020.html

Đăng ngày 09-09-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share