Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 06-09-2009] Nhân quả tuần hoàn, thiện ác hữu báo là lẽ Trời tồn tại khách quan, là điều mà ý chí chủ quan của con người không thể nào chuyển dịch được. Có câu cổ ngữ rằng: “Đạo Trời không thân với người nào, thường trợ giúp người thiện”. Ý nghĩa là Đạo Trời không phân biệt thân sơ, đối với chúng sinh đều coi như nhau, nhưng hành thiện hướng thiện là phù hợp với Đạo Trời, do đó Đạo Trời luôn ở cùng với người Thiện, thường chiếu cố, giúp đỡ người thiện lương, khiến người đó làm việc thuận lợi như có Thần trợ giúp vậy.

Người xưa tin nhân quả, trọng nghĩa khinh tài, giúp đỡ người khi người ta cần sự giúp đỡ, đối đãi với tất cả các sự vật bằng một tấm lòng từ bi, sau này quả nhiên thiện nguyện của họ được bù đắp, phúc đức to lớn. Người thiện được Trời trợ giúp, cũng chính là bởi họ có đức lớn. Dưới đây là mấy câu chuyện thời kỳ Bắc Tống:

Chúc Nhiễm là người huyện Sa, Diên Bình, là người cần kiệm vui thích làm việc thiện, bố thí. Những năm có nạn đói, ông nấu cháo cứu tế người dân nghèo khổ bốn phương, khiến hàng vạn người nhờ được ông cứu tế mà đã tránh khỏi chết đói. Sau này ông sinh được cậu con trai, thông minh hiếu học, thi đỗ cử nhân rồi vào kinh dự thi. Đến mùa xuân, trước khi niêm yết bảng thì rất nhiều người dân trong làng mộng thấy sứ giả áo vàng tay cầm bảng trạng nguyên đứng trước cổng nhà họ Chúc, trên bảng có viết 4 chữ lớn: “Thi chúc chi báo” (Báo đáp bố thí cháo). Đến khi niêm yết bảng, con trai Chúc Nhiễm quả nhiên đỗ trạng nguyên. (“Thái thượng cảm ứng thiên lệ chứng”)

Hoàng Kiêm Tế là người Thành Đô, Tứ Xuyên, ông là người có tiết tháo, trọng lễ nghĩa, hễ là việc có ích cho người khác là ông nhất định dốc sức làm, mọi người xung quanh đều khen ông là người thiện. Một đêm nọ, tri phủ Trương Vịnh của phủ Thành Đô mộng thấy Tử Phủ Chân Quân nói chuyện với ông, không lâu sau bỗng có người báo cáo rằng: “Hoàng Kiêm Tế ở Tây Môn đến”. Hoàng Kiêm Tế đội mũ bức cân mặc Đạo phục bước vào, Tử Phủ Chân Quân bước xuống thềm tiếp kiến, hơn nữa còn sắp chỗ ngồi trên cả vị trí của Trương Vịnh. Ngày hôm sau, Trương Vịnh hỏi thăm tìm đến người có tên là Hoàng Kiêm Tế, quả nhiên thấy đúng như người ông đã nhìn thấy trong giấc mộng. Trương Vịnh hỏi: “Bình thường ngài làm những việc thiện gì mà Tử Phủ Chân Quân lễ ngộ với ngài như vậy?” Hoàng Kiêm Tế trả lời: “Ban đầu tôi cũng không làm việc thiện gì, chỉ là khi lúa mạch chín thu hoạch thì tôi thu mua với giá 300 xâu tiền (mỗi xâu tiền là 1.000 xu), đợi đến sang năm khi lúa mạch chưa chín, cuộc sống bách tính gian khổ thì mới đem bán ra với nguyên giá mua vào. Việc này đối với tôi mà nói là không hề có tổn thất gì, nhưng bách tính nguy cấp thì có thể được trợ giúp, vượt qua khó khăn, chỉ có vậy mà thôi.” Trương Vịnh cảm thán rằng: “Thế này thì nên ở trên tôi”, rồi lệnh cho quan lại xung quanh đỡ Hoàng Kiêm Tế ngồi ghế trên, rồi đích thân ông bái lễ ông ta, đáp tạ ông ấy đã chăm sóc bách tính. Hoàng Kiêm Tế phúc thọ khang ninh một đời, con cháu ai nấy đều hiền đức và hiển quý. (“Thái thượng cảm ứng thiên lệ chứng”)

Lâm Tích là người châu Nam Kiếm, thuở thiếu thời vào kinh dự thi, trên đường qua Thái Châu, khi trú ở nhà trọ thì nhặt được một túi vải trong phòng, bên trong có mấy trăm viên minh châu quý báu. Lâm Tích hỏi chủ nhà trọ rằng hôm qua người nào đã ở phòng này, chủ nhà trọ nói là một đại phú thương. Lâm Tích bèn căn dặn chủ nhà trọ rằng: “Đó là người bạn của tôi. Nếu ông ấy quay lại tìm thì hãy bảo ông ấy đến trường học kinh sư Quán Đạo Trai tìm Lâm Tích. Nhất định, nhất định không được làm lỡ việc đó.” Mặc dù đã như thế này nhưng Lâm Tích vẫn sợ chủ nhà trọ quên, thế nên ông lại viết trong phòng rằng: “Ngày này tháng này năm này, có Lâm Tích người Nam Kiếm thuê phòng trên đường đến trường học ở kinh sư, có cố nhân Nguyên Châu, có thể tìm đến Quán Đạo Trai.” Không lâu sau, phú thương Trương Khách đến chợ, khi lấy minh châu ra để bán thì mới phát hiện ra đã đánh mất trân châu, thì nghĩ rằng: “Mình bôn ba mấy năm trời, chỉ chọn được túi minh châu này. Giờ đã mất rồi, cả nhà sinh sống thế nào đây?” Thế là Trương Khách vội vàng quay lại dọc theo đường cũ tìm kiếm, cho đến khi đến nhà trọ thì nghe chủ nhà trọ chuyển lời nhắn của Lâm Tích, ông lập tức đến kinh sư tìm Lâm Tích. Sau khi kiểm tra xác thực tình hình, Lâm Tích đã hoàn trả trân châu nguyên vẹn. Trương Khách cảm kích khôn nguôi, lấy một nửa số minh châu ra cảm tạ Lâm Tích nhưng Lâm Tích kiên quyết từ chối không nhận. Trương Khách cảm ơn khôn xiết, đem bán một nửa số minh châu rồi xây một ngôi sinh từ (đền thờ người còn sống) để báo đáp ân hoàn trả châu báu. Sau này Lâm Tích dự thi đỗ khoa cử. Sau khi đỗ tiến sỹ, Lâm Tích được bổ nhiệm làm phán quan Tuần Châu. Một lần, Lâm Tích đảm nhiệm thẩm phán một vụ án “cướp biển”, thượng cấp vì muốn có thành tích tốt để kể công với triều đình nên muốn Lâm Tích phải trừng phạt nặng trong vụ án này, đồng thời còn hứa hẹn nếu làm tốt vụ án này thì có thể tiến cử Lâm Tích thăng tiến. Lâm Tích không bị lợi ích dẫn động, kiên trì chấp pháp theo phép công, trải qua tra xét chứng cứ nhiều phương diện, ông cho rằng chứng cứ vụ án này không đủ, nên tuyên cáo 58 người bị oan là vô tội và được phóng thích. Viên quan thượng cấp kia sau đó không lâu thì bị triều đình cách chức. Lâm Tích sau này làm quan đến tước Tam công, con trai thứ hai của ông làm quan nhiều lần được thăng chức hiển đạt. (“Vưu Khê huyện chí Lâm Tích truyện”)

Trong xã hội đầy rẫy ham dục vật chất, có những người tham tài háo lợi, thấy đồ của người khác thì rắp tâm cũng muốn có được, nữa nào là đồ đánh rơi. Nhặt được rồi đâu muốn trả lại cho người mất? Họ hoàn toàn không biết rằng trong cõi vô hình kia, âm công cực nặng. Ví dụ như trong lịch sử, Bùi Độ đời nhà Đường năm xưa lúc xem tướng là tướng chết đói, chỉ vì trả lại đai ngọc nên sau này làm tể tướng. Đậu Vũ Quân đời Tống trong mệnh không có con nối dõi, chỉ vì hoàn trả tiền bạc người ta đánh rơi mà sau này có năm con trai đỗ tiến sỹ. Người xưa nói: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo. Nhà tích thiện ắt có dư phúc lành, nhà làm ác ắt có thừa tai ương.” Người thiện trong tâm từ bi, nghĩ cho người khác, phẩm chất cao thượng của họ khiến người và Thần đều khâm phục, thế nên tất cả phúc đức sẽ theo họ, tất cả tai ương sẽ rời xa họ, Thượng Thiên sẽ bảo vệ trợ giúp họ. Cảnh do tâm tạo, cảnh tùy tâm chuyển, muốn chiêu mời tốt lành hay chiêu mời họa hoạn, hoàn toàn do cái tâm được sử dụng như thế nào, chứ không phải là không có nguyên nhân. Ngày nay, Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền trên thế gian, rất nhiều người tu luyện Chân-Thiện-Nhẫn, đồng thời khuyến thiện người khác, bảo mọi người ghi nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo”, từ đó có được tương lai tươi đẹp. Đây chính là sự quan tâm yêu thương và có trách nhiệm với người khác, mọi người nhất định phải trân quý thiện duyên và phúc âm này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/9/6/207850.html

Đăng ngày 31-08-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share