Bài viết của học viên Pháp Luân Công tại Phần Lan

[MINH HUỆ 25-05-2020] Yleisradio (Yle), đài phát thanh công quốc gia của Phần Lan hôm 21 tháng 5 năm 2020 đã công bố bản tin với tựa đề: “Dưới sự theo dõi sát sao của Trung Quốc” (Kiinan Valvonvan Silmän), trong đó chỉ ra một số phương thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thực hiện để bí mật theo dõi những người Trung Quốc xa xứ sinh sống ở Phần Lan. Bản tin do phóng viên Kirsi Skön thực hiện và được đăng tải dưới dạng bài viết và video.

Bản tin này gọi các loại hoạt động gián điệp này của một thế lực nước ngoài đối với các công dân cũ hoặc công dân hiện tại của nó là “gián điệp tị nạn”. Trong bài viết, Yle đã ghi lại những vụ việc cho thấy các đặc vụ Trung Quốc đang theo dõi và quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công, những người ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, người Tây Tạng, và người Duy Ngô Nhĩ sinh sống ở Phần Lan. Báo cáo cho biết những hoạt động gián điệp này đang được Cơ quan An ninh và Tình báo Phần Lan (SUPO), còn gọi là cảnh sát Phần Lan, theo dõi.

Sự thâm nhập vào cấp cơ sở kiểu này của ĐCSTQ còn tồn tại ở những quốc gia khác. Tổ chức Ân xá Quốc tế Canada đã công bố một báo cáo vào đầu tháng 5 năm 2020, trong đó nêu chi tiết về việc các quan chức ĐCSTQ và thuộc hạ đã quấy nhiễu các học viên Pháp Luân Công, những người bất đồng chính kiến và những người ủng hộ chế độ dân chủ Trung Quốc ở Canada như thế nào.

63a0d4bfebc13bd1f13bfdddddd6c4ff.jpg

Báo cáo của Yle về ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Phần Lan

Yle đã đưa tin về trường hợp bà Kim Chiêu Vũ, một học viên Pháp Luân Công sinh sống tại Lapland ở miền Bắc Phần Lan kể từ năm 2008. Nhiều năm qua, bà đã tham gia các cuộc vận động tại Phần Lan nhằm phản đối những vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Chỉ vì những hoạt động ôn hòa của mình mà bà Kim trở thành mục tiêu quấy nhiễu của những người có liên kết với Đại sứ quán Trung Quốc tại Phần Lan.

Yle cũng đề cập Pháp Luân Công là một môn tu luyện thiền định bị đàn áp ở Trung Quốc từ năm 1999. Các tổ chức nhân quyền đã phát hiện rằng các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì đức tin của mình, và hàng ngàn học viên đã bị thiệt mạng trong cuộc bức hại này. Các học viên Pháp Luân Công đang nỗ lực nâng cao nhận thức của cộng đồng về cuộc đàn áp này, đặc biệt là tội ác cưỡng bức thu hoạch tạng từ các học viên ở Trung Quốc.

Chỉ vì đức tin của mình mà mẹ của bà Kim đã bị cầm tù trong bảy năm, còn em gái bà Kim phải trốn sang Phần Lan qua Malaysia và Thái Lan. “Mấy năm qua, hai chị em bà lo mẹ mình không còn sống nữa”, báo cáo của Yle cho hay.

Yle cho biết những nỗ lực của bà Kim nhằm giải cứu mẹ và các học viên bị giam giữ khác đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Câu chuyện của bà Kim đã được đăng trên Tờ Helsingin Sanomat, tờ báo đặt mua lớn nhất ở Phần Lan. Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng thể hiện sự ủng hộ đối với nỗ lực giải cứu của bà Kim và coi mẹ bà như một tù nhân lương tâm.

Sau khi được thả vào năm 2015, mẹ của bà Kim đã có thể đoàn tụ cùng các con gái của mình ở Phần Lan với sự trợ giúp của Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Mặc dù đã năm năm trôi qua kể từ khi mẹ của bà Kim được thả, nhưng bà Kim vẫn bị quấy nhiễu, báo cáo của Yle cho hay. Công ty du lịch của bà Kim tổ chức những chuyến trải nghiệm thiên nhiên, trong đó có các chuyến đi săn cực quang và săn chó ở Bắc Cực. Công ty của bà đã bị các nhân viên của các công ty Trung Quốc đại lục công kích.

Trong đó, công ty lớn nhất là Arctic China. Yle cho biết: “Cách đây vài năm, bà Chiêu Vũ đã nghe được từ khách hàng của mình rằng nhân viên của Arctic China đã cảnh báo họ không được làm ăn với bà”.

Bà Kim đã trình báo sự việc này với đồn cảnh sát ở Rovaniemi, thủ phủ của Lapland, cùng với lời khai thu thập được từ khách hàng của bà làm chứng cứ cho đơn khiếu nại về việc bà bị bôi nhọ. Yle đã xác minh đơn khiếu nại này với đồn cảnh sát. Trong một trường hợp, một thành viên trong ban quản trị của Arctic China đã bôi nhọ bà Kim và doanh nghiệp của bà trên WeChat, một ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến của Trung Quốc.

Yle cũng đã liên hệ với Giám đốc Điều hành của Arctic China, là Đường Siêu, về cáo buộc hoạt động kinh doanh của bà Kim bị bôi nhọ. Ông Đường cho biết ông không biết bà Kim, rồi kết thúc cuộc gọi. Ông cũng không có bất kỳ phản hồi nào khi Yle nỗ lực liên lạc với ông sau đó.

283f4680403cae4e9e208f8a66a0a532.jpg

Giám đốc Điều hành của Arctic China, Đường Siêu (bên phải) và Trần Lập, Đại sứ Trung Quốc tại Phần Lan

Báo cáo của Yle cho biết, theo Đại sứ quán Trung Quốc tại Phần Lan, ông Đường là đầu mối liên lạc của Lãnh sự quán Trung Quốc tại Rovaniemi kể từ năm 2017. Arctic China cũng đại diện cho Kweichow Moutai, một công ty rượu bán sở hữu nhà nước, bán giao dịch công khai của Trung Quốc tại Phần Lan.

Gián điệp tị nạn là một hoạt động tình báo, trong đó một thế lực nước ngoài thu thập thông tin và gây áp lực hoặc đe dọa chính công dân nước mình hoặc cựu công dân đang sinh sống tại Phần Lan. Đối tượng mục tiêu thường là các nhóm bất đồng chính kiến hoặc các nhóm bị bức hại.

Yle cho biết, ngay từ năm 2012, cảnh sát Phần Lan đã đề xuất quy gián điệp vào tội hình sự. Luật tình báo mới có hiệu lực vào năm 2019 đã mở rộng thẩm quyền điều tra của chính quyền Phần Lan.

Những người ủng hộ cuộc biểu tình ở Hồng Kông trở thành mục tiêu quấy nhiễu

Các vụ gián điệp tị nạn khác mà Yle xác định được còn có trường hợp của Sheung Yiu, một sinh viên ngành nhiếp ảnh tại Trường Đại học Aalto, vì anh định tổ chức một sự kiện ở Helsinki để thể hiện sự ủng hộ đối với những người biểu tình ở Hồng Kông. Ngay khi anh đăng ngày và thời gian kháng nghị trên trang facebook, chủ tịch của tổ chức Trung Quốc có tên “Hiệp hội Thúc đẩy Thống nhất Hòa bình Trung Quốc tại Phần Lan” (FAPPRC) đã phát động một cuộc biểu tình phản đối để ủng hộ ĐCSTQ.

Anh Yiu đã nhận được một email đáng ngờ từ một địa chỉ email của trường học vào tối cùng ngày sau cuộc biểu tình. Người gửi nói rằng anh ta cũng đến từ Hồng Kông và muốn hẹn gặp nhưng anh Yiu nghi ngờ tin nhắn đó là từ một đặc vụ của Trung Quốc. Anh đã chuyển email đó tới ban công nghệ thông tin của nhà trường và họ đã xác minh được rằng mặc dù email có vẻ do một sinh viên của trường gửi nhưng lại được gửi từ một địa chỉ email giả mạo.

Trước đó vào tháng ba, Yle đã có báo cáo về sự thâm nhập của ĐCSTQ ở Phần Lan, bao gồm các vụ gián điệp có liên quan đến FAPPRC. “Hiệp hội Thúc đẩy Thống nhất Hòa bình Trung Quốc của Phần Lan” này là một trong hơn 200 chi nhánh trên thế giới hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Mặt trận Thống nhất Trung Quốc.

Yle cho biết theo website của FAPPRC, các thành viên của nhóm này thường tụ họp để “học tập sâu sắc [các bài phát biểu của Tập Cận Bình]” để duy trì một dân tộc Trung Quốc “hùng mạnh và thịnh vượng trường tồn”, họ còn “muốn thống nhất càng sớm càng tốt”.

Năm 2017, Yle đưa tin về một người đàn ông bị bắt và bị phạt vì theo dõi những người Tây Tạng sinh sống ở Thụy Điển.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/25/406821.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/5/185388.html

Đăng ngày 13-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share