Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hoa Kỳ

[MINH HUỆ 11-05-2020] Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã tìm kiếm ý nghĩa của sinh mệnh. Tôi tự hỏi: “Con gười đến thế giới này rốt cuộc là vì điều gì?” Tôi đã thảo luận về chủ đề này với cha mẹ và giáo viên của tôi, nhưng không ai có thể cho tôi một câu trả lời thỏa đáng.

Sau khi đến Mỹ vào tháng 8 năm 1997, tôi ngạc nhiên khi phát hiện rằng xung quanh tôi có hơn 20 người trẻ tuổi học hành đỗ đạt mà tôi biết đều đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công. Tôi biết đến Pháp Luân Công khá sớm, từ năm 1992 khi còn đang học đại học ở Trung Quốc. Lúc đó, mỗi sáng sớm thường có một nhóm người khá đông luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công ở đối diện ký túc xá nơi tôi ở. Vô luận là mùa nào trong năm, giá lạnh hay nóng bức, nhóm người này đều nghe theo nhạc an tĩnh luyện công. Tôi nghĩ họ phần lớn là người cao tuổi đang truy cầu sức khỏe. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ở nước Mỹ lại có nhiều người có trình độ học vấn cao và trẻ tuổi như vậy lại đang luyện môn này.

Vì hiếu kỳ, tôi đã tham dự lớp học chín ngày. Sau khi xem các video giảng Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí, tôi đã tìm được đáp án cho câu hỏi đã luôn đau đáu trong tâm tôi biết bao năm qua. Tôi đã hiểu được chân lý của cuộc sống! Đây chính là điều mà tôi luôn tìm kiếm, tôi muốn tu luyện! Tôi muốn phản bổn quy chân!

Chưa đầy hai năm sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp pháp môn tu luyện này ở Trung Quốc. Khi tất cả các kênh truyền thông trên toàn thế giới đều đăng lại những tuyên truyền của ĐCSTQ phỉ báng Pháp Luân Công, các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã lập ra kênh truyền thông của mình– Thời báo Epoch Times (Thời báo Đại Kỷ Nguyên), và tôi đã tham gia. Từ đó, tôi có sự gắn bó khăng khít với truyền thông, bước đi trên con đường tu luyện trong môi trường công tác truyền thông. Đây là con đường vừa không bằng phẳng, nhưng vì có Chân-Thiện-Nhẫn chỉ đạo, nên khi gặp chuyện bất bình, tôi có thể bình tĩnh đối đãi, để các đồng sự ở Mỹ quốc có thể thấy được đệ tử Đại Pháp là người tốt.

Đối mặt với những khảo nghiệm ở Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA)

Đầu năm 2004, một người bạn đã gửi cho tôi thông báo tuyển dụng của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) và bảo tôi thử ứng tuyển vào đó. Tôi đã qua vòng kiểm tra viết một cách dễ dàng, nhưng vài tháng sau tôi mới nhận được lời mời phỏng vấn. Một biên tập viên bảo tôi: “Mặc dù điểm viết của anh xuất sắc, nhưng anh không được tuyển dụng bởi trong sơ yếu lý lịch anh nói anh là phóng viên của The Epoch Times. Họ biết anh tu luyện Pháp Luân Công.”

Buổi phỏng vấn của tôi chỉ kéo dài 10 phút, nhưng tôi đã gây ấn tượng tốt với hai nhà quản lý phụ trách phỏng vấn tôi, và bởi vậy họ bảo tôi hãy bắt đầu làm việc vào ngày hôm sau.

Mùa thu năm 2004, tôi bắt đầu làm việc cho VOA. Ban đầu thật không dễ chịu chút nào. Nhiều lần, cả chục đồng nghiệp lên tiếng công kích tôi, những lời mà họ nói ra đều là những lời mà ĐCSTQ ngụy tạo để tuyên truyền [phỉ báng] Pháp Luân Công. Họ không cho tôi giải thích. Thỉnh thoảng, có người thậm chí còn phớt lờ lời chào của tôi.

Mỗi tuần tôi được luân chuyển sang một tổ khác nhau. Một buổi sáng, có đồng nghiệp ở bàn kế bên nói chuyện với tôi. Anh ấy rất vui khi biết tôi đến từ Trường Xuân, vì quê nhà anh ấy cũng ở đó. Anh ấy hỏi tôi có hay về thăm quê không, tôi nói rằng kể từ khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, tôi đã không thể trở về. Ngay sau khi nghe đến ba từ “Pháp Luân Công,” anh ấy nổi cơn thịnh nộ. Thấy anh ấy dường như hoàn toàn mất kiểm soát, tôi im lặng không nói gì nữa. Vài phút sau, một đồng nghiệp khác đứng dậy và gọi người đồng nghiệp kia ra ngoài.

Người đồng nghiệp thứ hai quay trở lại và nói: “Đừng chấp nhặt phản ứng đó của anh ta làm gì. Tôi vừa giáo huấn anh ấy một trận rồi, bảo anh ta không thể nói chuyện kiểu đó ở trong văn phòng này.” Anh ấy nói rằng mình từng làm việc cho một hãng hàng không và đã nhiều lần thấy gia đình của các học viên bay tới Washington D.C để tham gia các hoạt động. “Có thật là những người này tự bỏ tiền túi của mình để tham gia các hoạt động này không?” Tôi nói rằng đó là sự thực và tôi đã tự bỏ tiền để bay từ Florida tới Washington D.C để tham gia một buổi mít tinh kêu gọi chấm dứt bức hại.

Một lát sau, người đồng nghiệp đã nổi nóng với tôi quay trở lại phòng làm việc. Anh ấy dịu giọng nói: “Tôi xin lỗi. Đó không phải là vấn đề cá nhân anh.” Sau đó anh ta khuyên tôi nên từ bỏ Pháp Luân Công. Anh ấy không muốn nghe tôi giải thích. Vài ngày sau, tôi nghe nói rằng chương trình mà anh ta chủ trì bị hủy bỏ và anh ấy phải rời khỏi VOA. Tôi rất lấy làm tiếc vì tôi đã không thể giúp anh ấy hiểu chân tướng. Tôi hy vọng anh ấy có thể gặp được một học viên khác, có một cơ hội khác để liễu giải chân tướng.

Thời gian này, mỗi ngày đặt chân đến văn phòng, tôi cảm thấy áp lực vô hình khổng lồ đè nén. Tôi thậm chí đã có ý định bỏ việc.

Một hôm, khi đi lấy các bản in của mình, tôi thấy đồng nghiệp ngồi cạnh máy in đã dán một tấm ảnh của Sư phụ Lý đang trả lời phỏng vấn của truyền thông phương Tây lên tường. Nhìn thấy ảnh của Sư phụ, tôi thấy hổ thẹn vì mình đã chỉ chú ý tới cảm giác của bản thân, mà không suy nghĩ cho những người đang bị lời dối trá của ĐCSTQ đầu độc. Tôi thầm nói với Sư phụ ở trong tâm: “Sư phụ, bây giờ dù có khó khăn thế nào con cũng sẽ không rời khỏi nơi này. Nhất định con sẽ để mọi người thấy được các đệ tử Đại Pháp là người tốt.”

Cảnh tùy tâm chuyển

Một hôm, khi thấy không có ai ở quanh chỗ tôi, một người biên tập đã hỏi tôi: “Tôi có một vấn đề nghĩ mãi chưa thông. Tôi có người em họ là sinh viên của một trường đại học nổi tiếng ở Trung Quốc. Cậu ấy cũng luyện Pháp Luân Công, và cũng thường tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công, khiến cha mẹ cậu ấy phát sầu vì lo lắng cho cậu ấy. Cậu ấy còn quá trẻ như vậy, mà sao có vẻ không suy tính cho tương lai của mình?”

Tôi rất cảm động. Nén nước mắt, tôi nói: “Em họ của anh thật là tuyệt vời. Khi một người thực sự biết cái nào là đúng, thì anh ấy sẽ không cúi đầu trước danh lợi.”

Người biên tập suy nghĩ rồi gật gật đầu. Không lâu sau, anh ấy đi tới đài VOA ở Bắc Kinh. Tôi rất vui mừng khi thấy bài viết của anh ấy rất công bằng và chân thực.

Sư phụ giảng:

“‘Những công nhân sau khi học Pháp Luân Đại Pháp của các ông, đến sớm về muộn, làm việc hết sức cẩn thận, lãnh đạo phân công việc gì cũng [thực hiện] không nề hà; [họ] cũng không tranh [giành] lợi ích.’“ (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhắc nhở bản thân phải luôn chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn và nói như vậy với tổ tin sáng.

Mỗi ngày, tôi đến văn phòng lúc 1 giờ sáng. Chúng tôi chuẩn bị để phát sóng về Trung Quốc Đại Lục vào lúc 2 giờ sáng và chương trình kết thúc lúc 10 giờ sáng. Những năm đó cũng là thời kỳ Trung Cộng đang điên cuồng bức hại Pháp Luân Công, nên mỗi ngày sau khi xong việc ở VOA, tôi lại bắt đầu làm các bản tin cho The Epoch Times, có lúc làm đến tận nửa đêm.

Dần dần, các đồng nghiệp tại VOA bắt đầu hiểu và yêu quý tôi. Một phát thanh viên thâm niên đã chia sẻ kinh nghiệm làm việc của ông ấy với tôi và đưa cho tôi một danh sách các lỗi sai phổ biến mà ông ấy thu thập được trong nhiều năm qua.

Một nữ phát thanh viên kỳ cựu, đã làm việc tại VOA 37 năm, nói với tôi trước khi nghỉ hưu: “Cô có thể nhìn ra cháu là người tốt, không gây thị phi. Môi trường làm việc ở đây rất phức tạp. Hãy cẩn thận và chú ý an toàn của bản thân.” Bà nói rằng mặc dù chúng tôi đều dùng bút danh khi lên sóng, song đặc vụ ĐCSTQ có ở khắp nơi, mỗi chúng tôi đều bị giám sát chặt chẽ.

Sau một năm làm việc tại VOA, nhiều đồng nghiệp đã thay đổi thái độ đối với tôi. Vài người trong số họ chủ động hỏi tôi về Pháp Luân Công. Một vài người còn tâm sự chuyện gia đình họ với tôi. Họ nói họ tin tôi bởi tôi tu luyện Pháp Luân Công. Có vài người còn bảo tôi giới thiệu bạn gái cho con trai của họ. Một biên tập viên, chồng cô ấy là một luật sư, hỏi tôi giới thiệu một học viên Pháp Luân Công đến làm việc tại văn phòng chồng cô ấy.

Một buổi sáng, tôi dẫn chương trình bản tin sáng với một nữ đồng nghiệp. Cô ấy đột nhiên bị đau bụng dữ dội. Thấy cô ấy đau đớn cùng cực, tôi khuyên cô ấy hãy luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công với tôi. Cô ấy đồng ý. Tranh thủ vài phút nghỉ giữa chương trình, cô ấy luyện công cùng với tôi. Ngay khi chúng tôi luyện xong, bụng của cô ấy cũng liền hết đau.

Một vài đồng nghiệp đã hỏi mượn tôi sách Chuyển Pháp Luân. Một người nói rằng chứng mất ngủ của cô ấy đã hết sau khi cô ấy nghe nhạc luyện công của Pháp Luân Công trong xe hơi trên đường tới nơi làm việc mỗi ngày, và cô ấy đã đưa con gái tới điểm luyện công ở địa phương để học các bài công pháp. Cô ấy bảo tôi rằng, khi cô ấy tham dự buổi họp mặt người Hoa ở địa phương, cô ấy dùng những gì bản thân đã trải nghiệm để lên tiếng bảo vệ Pháp Luân Công.

Ví trí công tác đau đầu nhất của tổ tin tức của đài truyền hình là giám đốc sản xuất, vừa tốn thời gian, vừa căng thẳng. Mỗi người trong tổ đều được yêu cầu phải luân phiên đảm nhiệm vị trí đó mỗi tuần một lần. Nhiều lần, các đồng nghiệp trẻ hơn đã bật khóc khi mắc lỗi. Sau đó tôi tình nguyện làm giám đốc sản xuất và từ bỏ việc trở thành phát thanh viên. Có quá nhiều việc phải làm, đến mức tôi thường xuyên không có thời gian nghỉ giải lao. Thỉnh thoảng tôi phải làm việc đủ bảy ngày một tuần. Là người tu luyện, tôi bình tĩnh và phải đảm bảo rằng mọi thứ được vận hành trơn tru: từ phối hợp các nhóm, chỉ đạo hiện trường, người dẫn chương trình, khách mời, đường dây nóng dành cho khán giả, cắt cảnh, ảnh, chú thích, v.v. Trong mấy năm tiếp theo, tôi chưa từng mắc sự cố kỹ thuật nào. Các đồng nghiệp đều biết ơn tôi. Một biên tập viên nói rằng, mỗi buổi sáng khi nhìn thấy tôi trong văn phòng, cô ấy đều cảm thấy rất nhẹ nhõm.

Đồng nghiệp của tôi bắt đầu hiểu chân tướng Pháp Luân Công

VOA bắt đầu phát triển các nhánh truyền hình vào năm 2006. Tôi được giao nhiệm vụ dẫn chương trình tin tức trực tiếp cả đài phát thanh và truyền hình. Điều này cho thấy họ không hề băn khoăn việc tôi là một học viên Pháp Luân Công.

Ngay trước khi tôi bắt đầu ở vị trí mới này, trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc [đương nhiệm lúc đó] Hồ Cẩm Đào tại Nhà Trắng, một nhà báo là học viên Pháp Luân Công đã hô lớn về việc chấm dứt thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống. Vì sự việc này đều được chiếu trên màn hình TV của văn phòng, nên mọi người đều bối rối. Một biên tập viên truyền hình nói: “Chúng tôi không cho phép Pháp Luân Công vào khu vực của chúng tôi,” và sau đó nhìn tôi nói: “Tôi không có ý nói cô.”

Bởi tôi nghĩ rằng người học viên kia đã không xử lý sự việc một cách chuyên nghiệp, trong tâm cô ấy ôm oán hận mà không xử sự một cách lý tính, và hành động đó của cô ấy đã gây rắc rối cho tôi, nên tôi cảm thấy rất áp lực. Khi bình tĩnh lại, tôi đã nghĩ khác: “Điều mà người học viên kia đã làm hẳn là sẽ gây áp lực cho bản thân và người nhà cô ấy. Cô ấy không làm điều đó vì bản thân cô ấy. Bản thân cô ấy vốn là bác sỹ, cô ấy không thể cho phép tội ác thu hoạch tạng sống tiếp diễn. Cô ấy chỉ là muốn ngăn chặn hành động tàn ác này.

Nghĩ vậy, tôi không còn nhìn thấy lỗi sai của cô ấy nữa, không oán trách cô ấy nữa. Tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với đồng nghiệp. Sau đó họ đã nhanh chóng chuyển sự chú ý tới sự kiện thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc, mà không còn để ý tới việc người học viên kia đã hét lên ở trong Nhà Trắng nữa.

Tôi bắt đầu làm việc tại tổ truyền hình theo đúng dự kiến ban đầu. Mặc dù việc tường thuật tin tức trên truyền hình không phải là chuyên ngành của tôi, cũng như tôi không hề được đào tạo giọng nói một cách chính quy, song phản hồi của khán giả nói rằng phong cách của tôi rất điềm đạm, ổn định rất được yêu thích. Một sinh viên tốt nghiệp Đại học Chiết Giang đã gửi cho tôi một bản chụp video hình của tôi và nói rằng cả sáu người bạn cùng phòng của cậu ấy đều hâm mộ tôi. Họ dán ảnh của tôi lên tường ký túc xá của họ. Các nhà quản lý rất hài lòng với công việc của tôi. Mọi thứ trong công việc của tôi ngày càng tốt hơn.

Khi nhiều đồng nghiệp của tôi biết chân tướng Pháp Luân Công hơn, họ bắt đầu khâm phục và ủng hộ tôi. Nhiều lần, ngay khi tôi vừa kết thúc buổi phát sóng, biên tập viên bảo tôi có thể về luôn bởi anh ấy biết tôi rất bận. Một dẫn chương trình (host) truyền hình bảo tôi rằng cha anh ấy, một giáo sư ở Trung Quốc, rất thích The Epoch Times. Thỉnh thoảng, có phóng viên trở về nước từ một đài truyền hình của nước ngoài và bảo tôi rằng anh ấy đã chủ ý phát đi một số bản tin về Pháp Luân Công.

Sự cố trước khi tôi từ chức

Sau khi làm việc ở VOA tám năm, tôi quyết định từ chức bởi lúc đó The Epoch Times đang cần phóng viên toàn thời gian. Ngay khi tôi nộp đơn từ chức, một sự cố đã xảy ra.

Vào ngày thứ Bảy sau khi kết thúc buổi phát sóng, tôi đang nói chuyện với một dẫn chương trình truyền hình (host) thì một đồng nghiệp khác đi ngang qua và bắt đầu chửi mắng tôi ầm ĩ. Người dẫn chương trình cố gắng can ngăn cô ấy, nhưng cô ấy mất kiểm soát và vẫn tiếp tục quát tháo và lăng mạ tôi. Tôi khá sốc. Tiếng chửi bới của cô ấy kinh động tới mọi người trong văn phòng. Họ cố gắng trấn tĩnh cô ấy nhưng dường như đều không có tác dụng. Cô ấy càng chửi càng hăng, và cứ lớn tiếng với tôi như vậy trong hơn 10 phút. Cô ấy quát tôi rằng tôi luyện công bị tẩu hỏa nhập ma.

Tôi im lặng, và nghĩ: “Mình đã làm sai ở đâu? Lẽ nào tôi đã làm tổn thương cô ấy?”

Nguyên nhân là vì có lần khi tôi xin nghỉ việc, người quản lý đã phân công cô ấy thay thế tôi. Cô ấy đến muộn làm trễ tiết mục và đã mắc rất nhiều lỗi trong ngày hôm đó, nên quản lý đã phê bình cô ấy. Cô ấy đã tốt nghiệp Đại học Truyền thông Trung Quốc, và từng là người dẫn chương trình của một đài truyền hình ở Trung Quốc. Cô ấy nghĩ rằng cô ấy không được xem trọng ở VOA, nên tật đố với tôi. Thực tế thì, khi vừa biết cô ấy là người sẽ thay thế tôi, tôi đã viết cho cô ấy một quy trình chi tiết và còn đích thân đưa cô ấy đến hiện trường trực tiếp làm mẫu cho cô ấy. Lúc đó, giám đốc sản xuất nói với tôi rằng người thay thế tôi phải biết cô ấy đang làm gì và tôi không có nghĩa vụ phải dạy cô ấy.

Trở về nhà, tôi cảm thấy buồn. Tôi nghĩ tôi nên từ chức sớm hơn để điều này không xảy ra. Đến tối, tôi gửi một email xin từ chức cho quản lý.

Hôm sau, hầu hết đồng nghiệp của tôi đều biết về sự việc xảy ra ngày hôm qua. Nhiều người trong số họ gọi điện và an ủi tôi. Mấy biên tập viên đã thảo luận cách giải quyết vấn đề, và nói rằng họ sẽ không để một người xấu hà hiếp một người tốt.

Vì mọi người đều biết về sự cố này, nên tôi nghĩ tôi cần phải giải thích về nó. Tôi đã gửi một email cho hơn 130 đồng nghiệp trong chi nhánh. Đầu tiên, tôi chân thành xin lỗi người đồng nghiệp đã giận giữ đó. Dù việc xin nghỉ là bình thường, tuy nhiên việc xin nghỉ của tôi đã gây phiền toái cho cô ấy. Tôi cũng nói rằng tôi tu luyện Pháp Luân Công, và trong tám năm tôi làm ở VOA, tôi luôn cố gắng chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn để làm một người tốt. Ngoài công việc, tôi còn dùng thời gian của mình đễ nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Tôi không nghĩ rằng tôi lại bị một đồng nghiệp ở nơi làm việc công kích vì tín ngưỡng của mình ngay trên đất Mỹ.

Các quản lý không tin tôi lại có thể làm được “mạ bất hoàn khẩu”, nhưng họ đã nhiều lần xác thực điều này với những người đã chứng kiến, nên muốn sa thải người đồng nghiệp đã nổi nóng kia. Ba ngày sau, một bảo vệ ở công ty đã đưa cô ấy ra khỏi tòa nhà. Cô ấy bị mất việc ở VOA. Một người quản lý đã gọi điện báo “tin vui” này cho tôi. Nhưng nó lại khiến tôi cảm thấy buồn lòng. Tôi nói rằng tôi không muốn điều đó xảy ra với cô ấy. Nhà quản lý không hiểu, nói: “Cô ta đối xử với em vô lý như vậy mà em còn thấy thương cảm cho cô ta sao?”

Tin tức về sự việc này nhanh chóng lan rộng trong các cơ quan thông tấn quanh khu vực Washington D.C. Trong một thời gian, tại nhiều sự kiện khác nhau, các phóng viên của các kênh truyền thông khác thường chạy đến ôm tôi.

Mặc dù tôi vẫn tiếp tục giải thích rằng tôi đã quyết định xin nghỉ trước khi sự việc đó xảy ra, song nhiều đồng nghiệp của tôi muốn giữ tôi ở lại. Tôi ở lại VOA thêm một tháng, và sau đó chính thức nghỉ việc sau khi sự việc lắng xuống. Hơn 40 đồng nghiệp đã có buổi liên hoan chia tay tôi. Nhiều người trong số họ nói: “Anh thực sự là một người tốt.” Một số người còn nói: “Tôi thật may mắn khi có một đồng nghiệp như anh”.

Vào ngày tôi rời tòa nhà VOA, tâm tôi ngập tràn lòng cảm ân với Sư phụ. Tôi thầm nói trong tâm: “Thưa Sư phụ, con đã hoàn thành lời hứa của mình. Trong tám năm qua, họ đã thấy được rằng các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp là người tốt.”

Lời kết

Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp trong 23 năm qua. Với tôi mà nói, đây là quãng thời gian vô cùng trân quý. Chân-Thiện-Nhẫn đã dõi lối cho tôi bước đi trên chính lộ và vượt mọi quan nạn. Đại Pháp ban cho tôi trí huệ và sức mạnh. Tâm tôi trở nên rộng mở hơn. Tôi đã truyền sức mạnh của Thiện cho mỗi người mà tôi gặp. Ngàn vạn lời cũng không sao biểu đạt hết lòng cảm ân của con đối với Sư phụ, nhân Ngày Pháp Luân Đại Pháp, con muốn nói: “Cảm tạ Sư phụ! Pháp Luân Đại Pháp hảo!”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/11/404934.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/17/185037.html

Đăng ngày 03-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share