Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 01-02-2020] Ngày 30 tháng 1 năm 2020, tờ New York Times có đăng bài báo với tựa đề: “Số ca tử vong vượt quá 200 người, và Bộ Ngoại giao khuyến cáo không đến Trung Quốc”. Chỉ một ngày sau khi khuyến cáo này được ban hành trong cơn bùng phát virus corona, ngày 31 tháng 1, Bộ trưởng Bộ Y tế tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ cấm nhập cảnh cho các công dân nước ngoài đã ở Trung Quốc Đại lục trong 14 ngày qua.

Hoa Kỳ hiện đang đưa ra Cảnh báo Đỏ Cấp độ 4 về việc sang Trung Quốc, đây là cấp cảnh báo nguy cơ cao nhất dành cho những tình huống nguy hiểm nhất.

Bài viết trên tờ New York Times cũng đã cập nhật những tin tức sau đây.

Các nước hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc sau khi WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu

Vào ngày 30 tháng 1 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tuyên bố “Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu” về sự bùng phát dịch bệnh, thừa nhận mối đe dọa nghiêm trọng của loại virus này đối với sức khỏe bên ngoài Trung Quốc.

Với tuyên bố chính thức này, các quốc gia có thể quyết định có hay không đóng cửa biên giới, hủy các chuyến bay, quét thân nhiệt hành khách đáp xuống sân bay, hay thực hiện các biện pháp khác để ngăn chặn virus lây lan hơn nữa.

Theo New York Times, ngày 30 tháng 1, công đoàn phi công của hãng hàng không American Airlines cho biết họ đã kiện hãng hàng không này nhằm ngăn chặn tất cả các chuyến bay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc với lý do đây là “mối đe dọa đối với sự an toàn của hành khách và phi hành đoàn.”

Trong một tuyên bố, liên minh này, Hiệp hội Phi công Đồng minh (Allied Pilots Association), cho biết họ đang hướng dẫn các thành viên từ chối yêu cầu bay đến Trung Quốc.

Cùng thời gian này, United Airlines đã thông báo một làn sóng hủy chuyến mới, ảnh hưởng đến hàng trăm chuyến bay đến cuối tháng 3. Việc cắt giảm là do nhu cầu giảm, sẽ giảm số chuyến bay hàng ngày từ các sân bay của Hoa Kỳ đến Bắc Kinh, Hồng Kông và Thượng Hải từ 12 xuống còn 4 chuyến.

Hoa Kỳ không phải là quốc gia duy nhất hủy các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Chỉ vài giờ sau tuyên bố của WHO, Thủ tướng Ý, ông Giuseppe Conte, thông báo rằng Ý đã hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc khi nước này ghi nhận những trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên.

Nga cũng đình chỉ hầu hết các chuyến bay với Trung Quốc, chính phủ nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, và đóng cửa biên giới dài 2.600 dặm dọc theo Quận Viễn Đông.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ra lệnh đóng cửa 16 trong khoảng 25 điểm vượt biên mà Nga mở ở biên giới Trung Quốc, với nỗ lực ngăn chặn sự lây nhiễm sang Nga từ nước láng giềng phía Đông Nam của nước này. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga kêu gọi người Nga hoãn mọi chuyến đi đến Trung Quốc và hoãn việc cấp thị thực điện tử cho công dân Trung Quốc.

Virus corona lây lan nhanh bên ngoài Trung Quốc

Theo New York Times, virus corona đang lan nhanh bên ngoài Trung Quốc.

Tại Mỹ, trường hợp truyền bệnh từ người sang người đầu tiên được báo cáo vào ngày 30 tháng 1. Bệnh nhân là chồng của một phụ nữ được ghi nhận là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Chicago sau khi trở về từ Vũ Hán. Cô đã nhập viện nhưng có vẻ đang biến chuyển tốt. Chồng cô tuy không đến Trung Quốc, nhưng gần đây đã bắt đầu xuất hiện các triệu chứng và lập tức bị cách ly trong bệnh viện. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm hiện đã xác nhận ông đã bị nhiễm virus corona.

Theo dữ liệu do chính phủ Trung Quốc và WHO cung cấp, ngày 29-30 tháng 1 năm 2020 đã ghi nhận gần 2.000 trường hợp mới tại Trung Quốc, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới lên gần 9.800 người. Đại đa số các trường hợp là ở Trung Quốc; 98 trường hợp đã được xác nhận ở 18 quốc gia khác. Nhiều chuyên gia ước tính rằng những con số này thấp hơn nhiều so với thực tế.

Sau khi Tây Tạng báo cáo trường hợp được xác nhận đầu tiên, tất cả các tỉnh và lãnh thổ của Trung Quốc hiện đã bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Đến ngày 30 tháng 1, đã có 14 trường hợp nhiễm bệnh đã được báo cáo ở Thái Lan; số ca nhiễm của Nhật Bản đã tăng lên 11; Hồng Kông và Singapore mỗi quốc gia có 10 trường hợp; Đài Loan có 8 trường hợp; Úc, Malaysia và Macau mỗi nước có 7 trường hợp; Pháp và Hoa Kỳ có 6 trường hợp; Hàn Quốc, Đức và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mỗi quốc gia có 4 trường hợp; Canada có 3 trường hợp; Việt Nam và Ý mỗi nước có 2 trường hợp; và Ấn Độ, Philippines, Nepal, Campuchia, Sri Lanka và Phần Lan mỗi nước có 1 trường hợp.

Bệnh nhân đầu tiên ở Ấn Độ là một sinh viên tại Đại học Vũ Hán, gần đây đã trở về bang Kerala ở miền Nam. Chính quyền Ấn Độ cho biết những hành khách đến Ấn Độ mà đã từng tới Trung Quốc đang được kiểm tra tại 20 sân bay, thay vì 7 sân bay hồi đầu tuần.

Những trường hợp được ghi nhận ở Đài Loan, Đức, Việt Nam, Nhật Bản và Pháp gồm những bệnh nhân chưa từng đến Trung Quốc. Không có báo cáo về ca tử vong nào bên ngoài Trung Quốc.

Dịch bùng phát khiến nhiều công ty nước ngoài muốn rời khỏi Trung Quốc

Việc phong tỏa các thành phố của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ngày 30 tháng 1 năm 2020 cho hay, sự bùng phát virus corona có thể khiến các chủ doanh nghiệp chuyển việc làm về lại Hoa Kỳ hoặc Mexico.

Ông Ross dẫn chiếu đến đợt bùng phát dịch SARS và dịch tả lợn châu Phi, và cho rằng sự bùng phát dịch bệnh ở Trung Quốc có thể trở thành yếu tố khiến các doanh nghiệp rời khỏi nước này và chuyển đến Bắc Mỹ.

Cư dân Vũ Hán giận dữ trước cách xử lý dịch bệnh của ĐCSTQ

Theo New York Times, sự tức giận và phẫn nộ đã leo thang ở Vũ Hán, trung tâm của dịch bệnh, khi các bệnh viện quá tải của thành phố khẩn cầu cứu trợ khẩn cấp để bổ sung nguồn cung đang cạn dần.

Các cảnh quay mà CCTV phát sóng cho thấy một đoàn thanh tra chính phủ trung ương đang chất vấn các viên chức ở Hoàng Cương, một thành phố cách Vũ Hán khoảng 50 dặm, về số giường mà họ dành cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Hai viên chức y tế địa phương đưa ra câu trả lời mập mờ trước những câu hỏi dường như rất cơ bản. Bản tin này của CCTV chỉ thẳng ra câu trả lời không thỏa đáng của chính phủ, vốn là điều bất thường, rồi nhanh chóng chia sẻ trên các trang mạng xã hội Trung Quốc với hashtag “một câu hỏi, ba câu trả lời không biết”.

Các quan chức cho biết nguồn cung y tế đang ở mức thấp nguy hiểm ở miền Trung Trung Quốc, mặc dù lượng lớn vật tư y tế được chuyển đến từ khắp nơi trên thế giới. Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung ở Vũ Hán đăng trên mạng xã hội Weibo rằng thành phố đã nhận được 240.000 khẩu trang, 25.000 áo bảo hộ và 4.000 cặp kính bảo hộ y tế từ nhóm cựu sinh viên ở Đức của trường này. Cộng đồng người Hoa ở Singapore đã gửi 75.000 mặt nạ y tế.

Những hình ảnh đăng trên mạng cho thấy nhiều nhân viên bệnh viện vẫn đang trong bộ đồ bảo hộ, gục xuống bàn và trên sàn trong tình trạng kiệt sức.

Kể từ khi Vũ Hán, thành phố nằm ở trung tâm của Trung Quốc bị phong tỏa vào tuần trước, hầu hết các cửa hàng đã đóng cửa, rất ít xe hơi đi lại trên đường, và nỗi sợ đã khiến hầu hết mọi người ở trong nhà.

Khi cư dân Vũ Hán bước ra ngoài, họ chủ yếu đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm và hiệu thuốc. Nhiều cư dân địa phương phàn nàn về tình trạng tăng giá và bày tỏ lo ngại rằng việc đóng cửa kéo dài có thể làm cạn nguồn cung thực phẩm. Những người nghèo hơn, cả ở thành phố Vũ Hán và nông thôn, sẽ phải chịu đựng nhiều hơn trước tình trạng thắt chặt nguồn cung này.

Ông Tả Khởi Siêu, một người bán dưa chuột, củ cải và cà chua, cho biết: “Nếu chúng tôi không thể nhập thêm nông sản, thì giá sẽ ngày một đắt hơn, hoặc chúng tôi thậm chí có thể phải đóng cửa.“ Khi anh nói, một phụ nữ chỉ trích anh đã tăng giá củ cải một cách vô lý.

Ông Tả cho biết: “Mỗi huyện, mỗi làng quanh đây đang dựng lên những rào chắn, đều đang lo lắng về căn bệnh đó.”

ĐCSTQ đặt chính trị cao hơn mạng người

Tại Đài Loan, sự phẫn nộ ngày càng cao trước việc Trung Quốc tuần này từ chối cho Đài Loan sơ tán khoảng 300 người từ Vũ Hán, dù rằng Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước khác vẫn được phép.

Bà Kolas Yotaka, phát ngôn viên của chính phủ Đài Loan, cho biết Trung Quốc đang đặt chính trị cao hơn mạng người. Bà cho biết nhiều người Đài Loan tìm cách sơ tán khỏi Vũ Hán là khách du lịch, hoặc những người đi công tác, còn lại là cư dân có bệnh mãn tính của thành phố này.

Bà Yotaka kêu gọi chính phủ Trung Quốc thể hiện tính nhân văn căn bản và đồng ý với yêu cầu của họ càng sớm càng tốt.

Trong chiến dịch cô lập Đài Loan về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã ngăn Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới – cũng là nguyên nhân làm dấy lên cơn phẫn nộ của người Đài Loan trong tuần này, khi họ đang nỗ lực cùng với phần còn lại của thế giới chuẩn bị ứng phó với khả năng dịch bệnh xấu đi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/2/1/400602.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/2/183062.html

Đăng ngày 06-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share