Bài viết của Thường Nhẫn

[MINH HUỆ 10-01-2020] Ngày 8 tháng 1 năm 2020, Ủy ban Điều hành Quốc hội Hoa Kỳ về Vấn đề Trung Quốc (CECC) đã công bố Báo cáo năm 2019, trong đó tuyên bố tình trạng nhân quyền và thực thi pháp luật ở Trung Quốc tiếp tục xấu đi.

Báo cáo, khi tham chiếu đến trang Minh Huệ Net, đã chỉ ra rằng, năm 2018 có ít nhất 69 học viên Pháp Luân Công tử vong trong cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và ít nhất 931 học viên Pháp Luân Công đã bị kết án tù bất hợp pháp.

Dựa trên báo cáo này, CECC đã đề ra một số khuyến nghị về luật pháp và chính sách cho Quốc hội và Chính phủ Hoa Kỳ, kể cả các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức từng dính líu đến việc đàn áp nhân quyền.

CECC là một ủy ban của Quốc hội Hoa Kỳ, có nhiệm vụ giám sát tình hình nhân quyền và xây dựng luật pháp ở Trung Quốc. Ủy ban này đệ trình báo cáo thường niên lên Tổng thống và Quốc hội.

Nhân dịp Ngày Tự do Tôn giáo Quốc gia, ngày 16 tháng 1, Báo cáo thường niên và các khuyến nghị của CECC cho thấy Hoa Kỳ chú ý sát sao hơn về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc.

Thượng nghị sỹ Marco Rubio, đồng chủ tịch của CECC, phát biểu mặc dù ĐCSTQ tuyên bố rằng người Trung Quốc có quyền tự do tín ngưỡng, nhưng thực tế không phải vậy. Ông Rubio chỉ ra rằng các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ vẫn bị đối xử tàn nhẫn, bao gồm tra tấn, bạo lực, quản lý bằng thuốc độc hại và cấm ngủ.

Báo cáo của CECC cũng khuyến nghị Hoa Kỳ truy tố trách nhiệm của những quan chức ĐCSTQ đã vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như quyền tự do tín ngưỡng bằng các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc từ chối cấp thị thực. Chính phủ Hoa Kỳ cần phải phân biệt rõ “người Trung Quốc và văn hóa Trung Hoa” với “chính quyền và Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Ngày 20 tháng 12 năm 2019, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Mike Pompeo đã ban hành một thông cáo báo chí có tiêu đề: “Hoa Kỳ hành động chống người vi phạm tự do tôn giáo”.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại liệt Trung Quốc và một số quốc gia khác vào diện “Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 vì họ đã tham gia hoặc dung túng cho các vi phạm liên tục và nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo.

Chính phủ Hoa Kỳ đã công bố danh sách 68 cá nhân và tổ chức tại 9 quốc gia phạm tội tham nhũng và vi phạm nhân quyền theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu.

Việc hạn chế thị thực được đặt ra cho các quan chức chính phủ Trung Quốc và ĐCSTQ từng vi phạm nhân quyền. Trong 20 năm liên tiếp kể từ khi ĐCSTQ phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Trung Quốc luôn bị liệt vào diện “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt”.

Tự do tín ngưỡng là quyền cơ bản của mỗi người. Theo thông cáo báo chí này: “Không một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có thể bức hại người có đức tin mà không phải chịu trách nhiệm.” “Bảo vệ tự do tôn giáo là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Chính quyền Trump.”

Cuối năm 2019, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố ngày 10 tháng 12 là Ngày Nhân quyền, ngày 15 tháng 12 là Ngày Dự luật Nhân quyền, và tuần từ ngày 8 tháng 12 là Tuần lễ Nhân quyền.

Trong một bài phát biểu nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, Ngoại trưởng Pompeo cho biết Tuyên bố Nhân quyền Quốc tế quy định các quyền phổ biến và những quyền tự do mà con người nên được hưởng, đồng thời, ông cũng cam kết bảo vệ và thúc đẩy các quyền tự do cơ bản, phổ quát và tối thiểu này.

Trong một thông cáo cuối tháng 5 năm 2019, trang Minh Huệ Net cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ thắt chặt việc xét duyệt đơn xin thị thực hơn, sẽ từ chối thị thực đối với những thủ phạm bức hại nhân quyền và tín ngưỡng, và có thể từ chối nhập cảnh cho cả những người có thị thực có hiệu lực (kể cả người có thẻ xanh).

Một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiết lộ rằng 28 quốc gia đã hoặc đang chuẩn bị ban hành Đạo luật Truy tố Trách nhiệm Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu tương tự Hoa Kỳ để từ chối thị thực và đóng băng tài sản những thủ phạm vi phạm nhân quyền.

Quan chức này chỉ rõ rằng trong những năm vừa qua, một số người Trung Quốc đã bị từ chối thị thực vì họ đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Vào tháng 11 năm 2019, Five Eyes, một liên minh tình báo của các nước nói tiếng Anh gồm Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đã nhận được danh sách mới nhất các thủ phạm tham gia cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Theo Minh Huệ Net, danh sách cập nhật này có hơn 100.000 thủ phạm. Chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng cho dù thủ phạm hay thân nhân của họ đã vào Hoa Kỳ thì họ vẫn có thể bị thu hồi thị thực và trục xuất.

Cuộc bức hại của ĐCSTQ đã diễn ra hơn 20 năm. Đến nay, ít nhất đã lập được hồ sơ của 4.300 học viên Pháp Luân Công bị tử vong do bị bức hại.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/10/398816.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/16/182201.html

Đăng ngày 18-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share