Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-12-2019] Một giám đốc nhà máy thảm ở thành phố Văn Đăng, tỉnh Sơn Đông đã qua đời vào cuối tháng 11 năm 2019, ở tuổi 64, sau nhiều năm bị bức hại chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện và thiền định bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Vì không chịu từ bỏ đức tin của mình mà ông Điền Thế Hồng đã liên tục bị bắt và bị giam giữ. Nhà máy của ông cũng phải chịu tổn thất tài chính nặng nề.

Bước vào tu luyện Pháp Luân Công

Ông Điền đã quản lý nhà máy thảm trong nhiều thập kỷ. Trong những năm 90, doanh thu của nhà máy suy giảm do suy thoái kinh tế. Ông Điền đã làm việc chăm chỉ ngày đêm để cố gắng cứu nhà máy nhưng rồi chỉ thấy sức khoẻ của bản thân ngày càng xấu đi theo thời gian.

Sau đó, một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Công cho ông. Không lâu sau khi ông bắt đầu tu luyện, ông trở nên rất sung sức và sức khỏe cũng được hồi phục.

Ông Điền sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và ông cũng áp dụng những giá trị này để chỉ đạo hơn 100 công nhân của mình.

Toàn nhà máy đã có một diện mạo mới và doanh thu của nhà máy cũng tăng trở lại. Ông Điền lần lượt tạo thêm nhiều phúc lợi cho công nhân, ví dụ như cải thiện chất lượng bữa ăn trưa ở nhà máy và cải tạo các căn hộ mà nhà máy đã giao cho công nhân.

Nhiều công nhân rất biết ơn ông và đồng cảm với các nguyên lý của Pháp Luân Công. Họ đã nhiều lần đứng lên chống lại cảnh sát trong nhiều năm sau đó khi cảnh sát cố gắng bắt ông Điền.

Bốn lần bị bắt trong bốn năm

Ông Điền bị bắt vào ngày 22 tháng 1 năm 2001 khi ông đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bị đánh đập, bị nhục mạ và bị cấm ngủ.

Ông đã bị giam giữ trong bảy ngày. Sau khi trở về nhà, ông biết tin Thái Đức Thắng, trưởng đồn công an địa phương, nửa đêm đã đột nhập vào nhà ông và tống tiền gia đình ông hơn 7.000 Nhân dân tệ. Sau đó chính quyền còn theo dõi ông và không cho ông rời khỏi thị trấn.

Ông Điền bị bắt một lần nữa vào tháng 3 năm 2003 và bị giam giữ tại một trung tâm tẩy não trong hai tháng và trong thời gian này, hàng ngày ông bị bắt phải xem các video phỉ báng Pháp Luân Công.

Ông Điền bị bắt một lần khác nữa vào ngày 9 tháng 5 năm 2004 vì đưa các tài liệu về Pháp Luân Công. Ông đã trốn thoát và buộc phải sống xa nhà. Cảnh sát đã đến sách nhiễu các công nhân của ông, lục soát nhà ông và tịch thu máy tính của con gái ông.

Hai tháng sau, khi ông quay lại nhà máy, ông đã bị báo cho cảnh sát. Khoảng ba mươi cảnh sát đã đến nhà máy và nỗ lực bắt giữ ông.

Hơn sáu mươi công nhân đã đứng ra bảo vệ ông và ngăn cản việc bắt giữ.

Thêm nhiều cảnh sát nữa đến và đánh đập các công nhân. Một số người đã bị thương ở mặt và một số người bị ngất.

Cuối cùng, ông Điền vẫn bị bắt.

Các công nhân sau đó đã kháng cáo cho ông Điền tại văn phòng khiếu nại địa phương. Họ chờ đợi hơn hai giờ đồng hồ, để rồi bị xua đuổi một cách hung bạo. Mười quản lý cấp trung ở nhà máy đã bị giam giữ. Một người đã gần 80 tuổi và một phụ nữ cùng đứa con nhỏ đã bị phạt 200 Nhân dân tệ mỗi người trước khi được thả.

Ba năm lao động cưỡng bức vì đức tin của mình

Ông Điền bị kết án ba năm tại Trại lao động cưỡng bức Vương Thôn vào ngày 8 tháng 7 năm 2004. Trại lao động vẫn tiếp nhận ông dù ông bị huyết áp cao. Tại đây, ông Điền thường xuyên bị ngược đãi và tẩy não. Ông được thả sau đó ba tháng, khi huyết áp của ông lên cao đến ngưỡng nguy hiểm.

Ngày 5 tháng 3 năm 2005, ông Điền bị chặn lại tại ga xe lửa khi ông chuẩn bị đi công tác ở Bắc Kinh. Ông bị giam giữ tại đồn cảnh sát địa phương trong ba giờ đồng hồ.

Công nhân đứng lên bảo vệ ông Điền

Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 12 tháng 5 năm 2011, hơn 20 cảnh sát đã bất ngờ đột nhập vào văn phòng của ông Điền và yêu cầu ông đi cùng họ.

Ông Điền từ chối hợp tác và hỏi danh tính của họ. Đáp lại, một số sĩ quan đã giấu phù hiệu cảnh sát của họ đi. Cảnh sát trưởng Vương Dũng đã mắng cấp dưới làm việc không đắc lực và đã tự mình còng tay ông Điền lại. Sau đó, ông ta kéo ông Điền xuống cầu thang.

Hỗn loạn đã khiến các công nhân của ông Điền chú ý, họ chạy đến vây quanh và bảo vệ ông. Vợ ông đã đến nhà máy và hỏi cảnh sát tại sao lại muốn đưa chồng bà đi.

40a60e62064c82b4dc4528c3ed095f34.jpg

Công nhân ngăn cảnh sát đưa ông Điền Thế Hồng đi vào năm 2011

Một nữ cảnh sát cho biết họ muốn đưa ông Điền đến tham gia buổi học ở trung tâm tẩy não địa phương. Tuy nhiên, vợ và công nhân của ông Điền kiên quyết không chịu để ông bị đưa đi.

Cuối cùng cảnh sát đã rút lui sau nhiều giờ bế tắc. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục theo dõi và sách nhiễu ông Điền nhiều năm sau đó.

Một chiếc xe gắn camera đã đậu ở bên ngoài nhà ông Điền từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 6, trước khi diễn ra hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tổ chức tại Thanh Đảo (cách Văn Đăng 225 km) trong hai ngày 9 và ngày 10 tháng 6 năm 2018. Ngày 13 tháng 6, cảnh sát địa phương đã lắp một chiếc camera khác đối diện với lối vào nhà máy.

Báo cáo liên quan:

Gia đình, bạn bè và đồng nghiệp phản đối việc bắt giam và tẩy não nhiều học viên Pháp Luân Công (Ảnh)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/26/397528.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/27/181241.html

Đăng ngày 11-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share