Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Auckland, New Zealand

[MINH HUỆ 26-09-2019] Hai năm trước, tôi bắt đầu làm việc toàn thời gian cho nhóm bán hàng của The Epoch Times (Thời báo Đại Kỷ Nguyên). Trước khi gia nhập The Epoch Times, tôi dành hầu hết thời gian cuộc đời mình trong khuôn viên trường học vì hoặc làm sinh viên hoặc làm giáo viên.

Tôi bắt đầu học các kỹ năng bán hàng từ những đại diện bán hàng lâu năm bằng cách lắng nghe và quan sát họ cẩn thận. Tôi đã học tám bước bán hàng, còn được gọi là quy trình bán hàng tám bước, bao gồm tìm kiếm khách hàng, gọi điện thoại, thăm hỏi và giao dịch.

Lần đầu đến thăm một khách hàng, tôi tự nhủ bước thứ tư là thu thập các yêu cầu của khách hàng. Khách hàng nói rằng anh quan tâm đến việc mua quảng cáo, nhưng không biết nên chọn gói nào.

Tôi nghĩ: “Đây là bước thứ tư – đặt câu hỏi.” Tôi hỏi anh ấy một câu hỏi. Anh ấy không chắc chắn, và tìm một đồng nghiệp. Ngay khi quay lại và ngồi xuống, tôi hỏi anh một câu hỏi khác, anh ấy vẫn không chắc chắn và lại tiếp tục rời đi.

Thật may mắn, đại diện bán hàng là đồng nghiệp của tôi bảo tôi rằng: “Đừng đặt câu hỏi nữa. Anh ấy sắp ký hợp đồng.” Tôi thốt lên một cách ngây thơ: “Thật sao? Nhưng đây mới chỉ là bước thứ tư.” Đúng như mong đợi, ngay khi anh ấy trở lại, đồng nghiệp của tôi giới thiệu ngắn gọn cho anh về giá của các gói quảng cáo khác nhau, và khách hàng vui vẻ ký hợp đồng ba tháng.

Điều này có lẽ đã giúp bạn hình dung về việc lúc đó tôi hiểu về bán hàng hạn hẹp như thế nào.

Hợp đồng đầu tiên giúp tôi có thêm nhiều tự tin, và tôi cảm thấy bán hàng không khó như tôi nghĩ, vì:

“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi tin rằng miễn là mình làm việc chăm chỉ, Sư phụ sẽ an bài những người hữu duyên đến gặp tôi.

Kiên trì

Nói thì dễ hơn làm. Năm đầu tiên việc bán hàng của tôi lên xuống – giống như tâm trạng của tôi. Tôi vui vẻ nếu ký được hợp đồng, còn không thì sẽ chán nản. Có khoảng thời gian, tôi không thể chốt được dù chỉ một hợp đồng. Khách hàng quá bận không thể gặp tôi hoặc họ muốn hủy quảng cáo của họ.

Một ngày nọ, tôi đến gặp một khách hàng trong thành phố, và tìm được một chỗ đậu xe trong một bãi đậu xe lớn. Vị trí rất hẹp, và tôi phải vật lộn để đậu xe khớp vào khoảng trống. Chiếc xe phía sau tôi bấm còi khiến tôi hốt hoảng. Cuối cùng, tôi cũng đậu được xe, rồi ngồi trong xe ô-tô khóc lớn. Tôi nói: “Sư phụ, con xin lỗi. Con không thể làm được nữa, nó quá khó.”

Việc bỏ cuộc thật dễ dàng. Tôi có thể trở lại làm công việc của người thường. Tuy nhiên, đó có phải là điều tôi muốn không? Không. Tôi nhớ tới cảm giác chán nản khi làm một công việc của người thường, và tôi không có nhiều thời gian chứng thực Đại Pháp. Tuy nhiên, làm việc cho The Epoch Time, tôi có thể cứu người mỗi ngày.

Tôi lau nước mắt và tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục thêm một ngày nữa không. Câu trả lời của tôi là: “Phải rồi, mình có thể làm thêm một ngày nữa.” Ngày hôm sau, tôi tự nhủ: “Mình có thể làm thêm ngày nữa không?” Câu trả lời của tôi là: “Được.” Tôi đã kiên trì ngày qua ngày.

Khi chia sẻ điều này với một học viên khác, cô ấy nói: “Bạn có tất cả các kỹ năng cần thiết để bán hàng, ngoại trừ việc chịu khổ và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.” Tôi không nói được lời nào. Tôi nghĩ mình là người có thể chịu khổ và làm việc chăm chỉ.

Tôi suy ngẫm về bản thân mình và nhận ra rằng những gì tôi nghĩ là khó không thực sự khó. Ví dụ, tôi nghĩ rằng miễn là luyện công mỗi ngày, thì tôi đang chịu khổ. Các học viên khác luyện năm bài công pháp mỗi ngày và còn học thêm một bài giảng Pháp.

Tôi bị kiệt sức sau khi gọi 10 cuộc điện thoại, nhưng các học viên khác thực hiện hàng chục cuộc gọi mỗi ngày. Thứ mà có vẻ là khó đối với tôi, thật ra là tâm lười biếng. Tôi giật mình. Hóa ra tôi đã không phó xuất nhiều, vì vậy tôi không đắc được hoặc đắc được ít. Tôi cần chịu khổ và phó xuất nhiều hơn.

Sư phụ giảng:

“chư vị phó xuất bao nhiêu, thì chư vị có thể được bấy nhiêu” (Chương III, Pháp Luân Công)

Tôi điều chỉnh suy nghĩ của mình và bắt đầu nỗ lực nhiều hơn trong công việc và tu luyện. Tôi đạt được một số tiến bộ mặc dù vẫn không tinh tấn được như người khác.

Sư phụ ở bên chúng ta

Tôi lắng nghe những bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của các học viên ở Trung Quốc viết. Họ thường nhắc đến việc cầu xin Sư phụ trợ giúp trong lúc gặp khó khăn hay tình huống nguy hiểm, và đã vượt qua. Tôi thấy thật khó tin: “Sư phụ sao có thể cái gì cũng giúp được?” Chuyện xảy ra sau đó đã thay đổi quan niệm của tôi.

Tôi được mời tham dự bữa tiệc trao thưởng thường niên của một hiệp hội. Căn phòng đầy những người phương Tây ăn mặc chỉnh tề đang trò chuyện theo các nhóm nhỏ. Tôi là người Trung Quốc duy nhất ở đó và tôi không biết ai.

Phía con người của tôi nói: “Chỉ cần lặng lẽ rời đi và nói rằng mình đã đến đó.” Phía minh bạch của tôi nói: “Không có gì là ngẫu nhiên. Hẳn phải có người cần cứu ở đây. Mình không thể trốn chạy.”

Mình nên làm gì đây? Đột nhiên tôi nghĩ: “Đi tìm những người đang giữ huy chương. Đầu tiên chúc mừng họ, sau đó giới thiệu về bản thân.” Tôi đã trò chuyện với một số người. Một người nói rằng anh ấy quan tâm đến quảng cáo của tôi.

Trên đường về, tôi không thể ngừng nghĩ về ý tưởng tuyệt vời đó, ý tưởng đã giúp tôi liên hệ với rất nhiều doanh nghiệp khác nhau trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tôi nhận ra Sư phụ đang giúp mình.

Một lần, tôi đang tìm kiếm các khách hàng sẵn sàng đặt gói quảng cáo đặc biệt. Tôi bị mắc kẹt và cảm thấy thất vọng. Đột nhiên, tôi nảy ra một ý: “Tìm các khách hàng ở lĩnh vực khác.” Tôi đã làm theo ý tưởng đó và có bước đột phá.

Trong khi ký hợp đồng, hai khách hàng nói với tôi rằng họ chưa bao giờ nghĩ đến việc đặt quảng cáo trên kênh truyền thông tiếng Trung, và họ đã quyết định thử.

Cả hai trải nghiệm đã giúp tôi nhận ra rằng Sư phụ biết tất cả mọi thứ, ngay cả suy nghĩ của tôi. Sư phụ đang ở bên cạnh tôi.

Tôi đã xin Sư phụ giúp đỡ một lần nữa. Một khách hàng muốn đặt quảng cáo số thay vì quảng cáo [trên báo] in. Tôi bắt đầu chuẩn bị cho cuộc hẹn trước một vài ngày. Quảng cáo số là mới đối với tôi và rất nhiều thông tin nằm ngoài sự hiểu biết của tôi. Tôi không chắc mình có thể trả lời được các câu hỏi của khách hàng hay không.

Trước cuộc họp, tôi xin: “Sư phụ, con muốn bán quảng cáo số, nhưng con không giỏi về nó. Con xin Ngài giúp con.”

Tôi nói với khách hàng: “Tôi chỉ mới bắt đầu học về quảng cáo số. Mặc dù tôi không quen với nó, nhưng chúng tôi có đội ngũ kỹ thuật mạnh. Chúng tôi sẽ làm được như bạn mong muốn.”

Thật ngạc nhiên, khách hàng nói: “Không vấn đề gì. Tôi cũng chỉ mới học về quảng cáo số. Chúng ta có thể cùng nhau học.”

Tôi nhủ thầm trong tâm: “Con xin cảm tạ Sư phụ!”

Giảng chân tướng mọi thời điểm

Lợi thế lớn nhất khi làm việc tại The Epoch Times là tôi có thể giảng chân tướng cho những người tôi gặp. Tôi thường gặp những người đến từ các giai tầng và hoàn cảnh khác nhau. Giảng rõ chân tướng là một phần thiết yếu trong cuộc trò chuyện của chúng tôi. Thuận theo thời gian, nó đã trở thành một cơ chế được tích hợp sẵn trong tôi.

Tôi sẽ giảng chân tướng dưới bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ lúc nào trong cuộc sống hàng ngày. Khi đi mua giày, tôi nói với nhân viên bán hàng: “Tôi cố gắng không mua đồ sản xuất ở Trung Quốc.” Khi cô ấy hỏi tôi tại sao, tôi bắt đầu giảng chân tướng cho cô ấy.

Trong khi mua điện thoại di động, tôi hỏi nhân viên bán hàng: “Bạn có biết tin về Huawei không?” Họ nói không biết và tôi bắt đầu nói với họ về cuộc bức hại.

Khi đi mua một chiếc bánh, tôi hỏi người làm bánh: “Công việc kinh doanh sao rồi?” Cô ấy nói: “Không tốt. Tôi làm việc từ sáng sớm đến tối muộn mà cũng không kiếm được nhiều tiền.” Tôi nói: “Phải rồi. Một số người không làm nhiều nhưng lại kiếm được nhiều.” Người bán bánh đồng ý. Tôi nói: “Đây là vấn đề của chủ nghĩa xã hội.” Tôi tiếp tục nói với cô ấy về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

Một ngày nọ, tôi không có ý định giảng chân tướng, nhưng mọi người muốn biết. Tôi định trở về Auckland sau một chuyến đi dài. Tôi ngồi im lặng trên xe buýt. Tôi không muốn nói chuyện và chỉ muốn đi về nhà. Tài xế xe buýt tử tế hỏi tôi: “Cô đến từ đâu? Trung Quốc phải không? Cô có thường về Trung Quốc không?” Tôi nói: “Tôi có đức tin vì vậy tôi không thể trở về Trung Quốc. Ở Trung Quốc không có tự do tôn giáo.”

Anh ấy lập tức đáp: “Ồ, là Pháp Luân Công phải không?” Đầu não đang mệt mỏi của tôi đột nhiên bừng tỉnh. Tôi nhận ra rằng mình không thể buông lơi. Những người hữu duyên ở mọi nơi đều đang nóng lòng đợi nghe chân tướng.

Những người New Zealand rất tốt bụng. Một số người đã biết đến tội ác của ĐCSTQ rồi. Khi tôi chia sẻ với họ nhiều thông tin hơn, tất cả họ đều có phản ứng tích cực. Một câu hỏi họ thường hỏi là: “Tại sao các phương tiện truyền thông phương Tây không đưa tin về cuộc bức hại?”

Sư phụ đã nhắc nhở chúng ta rằng thời gian không còn nhiều nữa. Chúng ta phải gắng hết sức để cứu nhiều người hơn vào thời điểm then chốt này.

Đột phá tâm sợ hãi

Tâm sợ hãi đeo bám tôi từ ngày đầu trong sự nghiệp bán hàng. Lúc đầu, tôi ngại gọi điện thoại, lái xe trên đường cao tốc, gặp các khách hàng, v.v.. Đôi lúc, nếu có cuộc hẹn vào ngày hôm sau, tôi sẽ bị mất ngủ vào đêm trước đó, hoặc gặp ác mộng.

Sau khi chia sẻ nhận thức với các học viên làm đại diện bán hàng lâu năm, một học viên đã trích dẫn một bài thơ của Sư phụ:

Đại Pháp bất ly thân
Tâm tồn Chân Thiện Nhẫn
Thế gian Đại La Hán
Thần quỷ cụ thập phân
(Uy Đức, Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Uy đức
Đại Pháp không hề dời khỏi thân
Tâm tồn chứa Chân Thiện Nhẫn
Bậc Đại La Hán tại thế gian (cõi người)
Thần và quỷ mười phần đều phải nể sợ (ý nói nể sợ nhiều)

Cô ấy nói: “Chúng ta đang cứu người phải không? Sao chúng ta có thể sợ họ được? Chúng ta cần xem họ là chúng sinh có tiền duyên với Đại Pháp và đã đợi hàng nghìn năm để được chúng ta nói chân tướng cho họ.”

Tôi hướng nội và tự hỏi tại sao tâm sợ hãi của mình lại mạnh như vậy?

Sư phụ giảng:

“Lo sợ cũng là một loại tâm chấp trước” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Tôi sợ điều gì? Tôi nhận ra rằng mình sợ thất bại hoặc bị từ chối, không lấy được quảng cáo, không có thu nhập. Tôi sợ bị tổn thất tài chính. Ngoài ra, tôi thấy mình có tâm lý văn hóa Đảng là sợ mọi thứ.

Sư phụ giảng:

“Có người chư vị chữa lành bệnh cho họ rồi, họ vẫn không hiểu được chư vị; khi chữa bệnh cho họ chư vị đã trục khỏi thân họ biết bao thứ xấu, trị giúp họ đến một mức độ nào đó, nhưng lúc ấy chưa có thể hiện biến đổi rõ ràng [ra bên ngoài]. Nhưng trong tâm họ không vừa ý, không cảm tạ chư vị; có khi còn nguyền rủa rằng chư vị lừa họ! Chính là đối mặt với những vấn đề ấy, để tâm của chư vị được ‘ma luyện’ trong hoàn cảnh ấy.” (Bài giảng thứ ba, Chuyển Pháp Luân)

Đôi khi, mọi người không hiểu chúng ta, từ chối hoặc phớt lờ chúng ta. Không phải những cơ hội đó là để chúng ta loại bỏ nhân tâm hay sao? Không phải đây là môi trường tu luyện nơi nhân tâm của chúng ta được loại bỏ hay sao?

Tôi nghĩ về một điều khác có liên quan đến vấn đề này, và đó là cách chúng ta đặt tâm ra sao. Sư phụ giảng:

“Kỳ thực đệ tử Đại Pháp dù làm gì, hãy dụng tâm hơn một chút thì ‘sự bán công bội’. [Nếu] chư vị bảo tôi xem xét, [thì] tôi nói là vấn đề dụng tâm. Rất nhiều người nói không biết làm thị trường, tôi nói ấy là không muốn dụng tâm mà làm. Then chốt chính là cái tâm kia mãi vẫn không vững vàng thiết thực được.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])

Cân bằng các mối quan hệ gia đình

Ban đầu, mức lương tại The Epoch Times của tôi thấp hơn mức lương khi làm công việc người thường, ngoài ra số giờ làm việc và áp lực công việc còn lớn hơn. Tôi biết mình phải dàn xếp tốt mối quan hệ với những người thân trong gia đình. Tôi tìm được các bài chia sẻ kinh nghiệm hữu ích do các học viên ở Trung Quốc viết.

Ngoài ra, những yêu cầu của một người phụ nữ trong văn hóa truyền thống – một người vợ người mẹ tốt – đã giúp tôi nhận ra mình đã làm kém như thế nào. Tôi bận rộn, bỏ lại nhiều trách nhiệm cho chồng mình. Có vẻ như tôi không quan tâm nhiều đến chồng và các con. Kết quả là chồng tôi thường xuyên phàn nàn về tôi. Có khoảng thời gian, tôi cũng gặp khó khăn khi giảng chân tướng cho gia đình.

Tôi muốn tạo ra một bước đột phá, vì vậy tôi bắt đầu chuẩn bị hộp cơm trưa cho chồng mỗi buổi sáng. Tôi chưa bao giờ làm điều này cho anh ấy trong suốt 10 năm chung sống. Thay vào đó, tôi sử dụng thời gian quý báu vào buổi sáng để học Pháp và luyện công, tôi nghĩ việc chuẩn bị bữa trưa cho chồng là việc làm mất thời gian. Nhưng giờ đây tôi cảm thấy đó là điều mình nên làm.

Chồng tôi rất hạnh phúc, vì anh không còn phải mang đồ ăn thừa hay mua đồ bên ngoài cho bữa trưa nữa.

Tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống và trang phục của các con. Tôi không còn ép chúng làm các việc nữa. Dần dần, bầu không khí ở nhà được cải thiện. Ngay cả khi tôi phải làm việc lâu hơn hoặc đi công tác, gia đình tôi dường như không còn bận tâm nhiều nữa.

Khi chúng ta thực sự quan tâm đến gia đình mình, đôi khi dù những gì chúng ta làm cho họ là rất nhỏ, nhưng họ cảm nhận được điều đó. Vì vậy, họ hiểu và ủng hộ chúng ta.

Tôi rất cảm kích vì có cơ hội được tham dự Pháp hội này, và cơ hội để nhìn lại quá trình tu luyện cá nhân của mình trong khi viết bài chia sẻ này.

Sư phụ giảng:

“Trải qua kinh nghiệm bấy nhiêu năm, mọi người đều có thể hội sâu sắc; đệ tử Đại Pháp ở các ngành các nghề, kể cả đệ tử Đại Pháp [làm] kênh thông tấn, đều giống nhau, đang tranh thủ hết sức về [phương diện] tu luyện chính mình, rất nhiều việc đều làm ít công to. Cho nên chúng ta không thể lơ là tu luyện. Đây là việc ở vị trí số một.” (Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018)

Tôi hy vọng có thể có đột phá lớn trong tu luyện cá nhân của mình, đảm bảo chất lượng học Pháp và thời gian luyện công bất kể bận rộn đến đâu.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện. Xin các đồng tu hãy chỉ ra bất kỳ điều gì không phù hợp.

Con xin cảm tạ Sư phụ vì ơn cứu độ từ bi của Ngài! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội New Zealand 2019)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/26/393836.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/30/180126.html

Đăng ngày 27-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share