Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Đức

[MINH HUỆ 15-11-2018] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các đồng tu!

Tháng 4 năm 2004, tôi bắt đầu làm việc cho Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Trước tiên tôi sẽ chia sẻ về công việc viết bài của mình. Đối với tôi, loại công việc này rất dễ dàng. Đó là bởi vì tôi dường như có một trí nhớ thiên bẩm đối với các ký tự phồn thể, ngôn ngữ cổ đại và thơ ca. Đối với ký tự giản thể và ngữ pháp Trung Quốc hiện đại, tôi đã được đào tạo bài bản khi còn là sinh viên.

Trước đó rất lâu, tôi nhận được những lời khen ngợi và ngưỡng mộ không ngớt từ các đồng nghiệp và người quản lý. Sau khi nghe quá nhiều lời khen ngợi, trong tâm tôi đã phát triển một cách nghĩ tự phụ và tự mãn mà tôi đã không nhận ra. Cho tới một lần, xảy ra một tranh luận về một vấn đề ngữ pháp với một đồng nghiệp. Tôi nghĩ rằng bài viết của cô ấy có lỗi, còn cô ấy nghĩ rằng cô ấy không mắc lỗi, do đó nếu tôi sửa lại, tôi sẽ thay đổi nghĩa của các từ mà cô ấy dùng. Cuối cùng, chúng tôi không thể thuyết phục được nhau. Bực mình, tôi đi học Pháp.

Khi đang học bài Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trường Xuân, một học viên đã hỏi: “Trong vũ trụ có những thứ hoàn toàn giống nhau hay không?” Sư phụ Lý Hồng Chí đã trả lời: “Hai loại giống hệt nhau là có thể tồn tại, nhưng cực ít cực hiếm, tôi vẫn là chưa từng thấy.” Tâm tôi chấn động, và tôi nghĩ về điều đó: Sư phụ chưa từng thấy, do đó nó chắc hẳn là không tồn tại, nhưng Sư phụ đã không trả lời “Không có” mà thay vào đó là “Tôi vẫn là chưa từng thấy”.

Sư phụ hiểu rõ mọi thứ, nhưng Ngài rất khiêm tốn. Tôi so sánh với thái độ tự mãn và thiếu kiên nhẫn của bản thân mình; ngôn ngữ Trung Quốc mênh mông như một đại dương. Tôi biết được nhiều đến chừng nào chứ? Và tôi trở nên bướng bỉnh như thể là tôi biết mọi thứ. Khi tĩnh tâm lại, tôi bắt đầu nghĩ về những gì mà đồng nghiệp của mình đã viết, và tôi nhận ra rằng cách cô ấy viết có hơi khác lạ một chút, nhưng thực sự không có gì sai trong đó. Do đó chúng tôi đã sử dụng câu gốc của cô ấy.

Tôi cảnh tỉnh bản thân rằng phải luôn luôn duy trì một tâm thái khiêm tốn và thận trọng. Đặc biệt lại càng phải như vậy trong lĩnh vực mà tôi tự cảm thấy mình là chuyên gia và rất dễ dàng đưa ra những nhận định sai lầm một cách vô thức do sự tự tin mù quáng.

Đầu năm 2005, tôi đảm nhận việc hiệu đính trực tuyến tại Trụ sở chính của Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Trang web phải được duy trì hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Lúc đó có ít nhân viên, và nhiều thứ cần phải hoàn thành, và tôi cảm thấy việc chịu đựng áp lực công việc giống như đang gánh trên lưng cả quả núi. Tôi thường xuyên phải ngồi trước máy tính liên tục từ 8-9 giờ để giải quyết các vấn đề. Thói quen nghỉ giải lao mà ban đầu tôi có đã hoàn toàn trở nên lộn xộn. Dần dần, tôi bắt đầu bỏ qua việc học Pháp, luyện công và phát chính niệm.

Thiếu sót nghiêm trọng của tôi cuối cùng cũng bộc lộ ra trong khi phát chính niệm. Do bản chất công việc của chúng tôi nhạy cảm về thời gian, tôi thường lấy đó làm cái cớ để bỏ qua việc phát chính niệm. Nhưng tôi dần dần nhận ra, tôi thường bị yêu cầu làm lại toàn bộ công việc mà tôi đã hoàn thành trong 15 phút phát chính niệm. Đôi khi vì nền tảng đầu cuối của trình hiệu đính có vấn đề, đôi khi do mất kết nối internet, lúc đó nền tảng đầu cuối hiệu đính không có chức năng lưu tự động, do vậy có thể nói rằng khi có vấn đề, tôi chỉ có thể làm lại mọi việc. Mặc dù tôi cảm thấy chán nản, tôi vẫn nghĩ rằng đây chỉ là một sự ngẫu nhiên.

Một ngày, chuông báo phát chính niệm kêu, tôi nhanh chóng tắt nó đi và tiếp tục làm việc, tuy nhiên, màn hình máy tính của tôi đột nhiên tối om vì bị mất điện. Lúc đó, mọi thứ đều bị mất: bao gồm không chỉ các tệp trên nền tảng hiệu đính mà cả các tệp trên máy tính vốn không cần đến kết nối internet.

Với cú sốc này, tôi cuối cùng nhận ra rằng tôi nên dừng lại và chân chính tu luyện bản thân. Tôi lấy kinh văn ra đọc và mắt tôi bắt gặp những lời Sư phụ giảng:

“Có những người cho đến nay vẫn không thể chuyên tâm đọc sách; đặc biệt là những vị làm công tác Đại Pháp, chư vị không được dùng bất kể cớ gì để che đậy rằng chư vị không đọc sách học Pháp; chính vì chư vị làm việc vì tôi—Sư phụ—nên phải hàng ngày tĩnh tâm học Pháp, phải tu một cách thực chất. Khi chư vị đọc sách mà tư tưởng hỗn loạn, thì vô số những Phật Đạo Thần trong sách sẽ nhìn thấy những tư tưởng của chư vị thật đáng cười và cũng đáng thương, thấy nghiệp lực trong tư tưởng chư vị đang khống chế một cách [tà] ác chư vị, chư vị vẫn chấp mê bất ngộ. Còn có những nhân viên công tác đã không đọc sách học Pháp một thời gian dài; như thế hỏi có thể làm tốt công tác Đại Pháp không? Chư vị đã vô ý tạo thành rất nhiều những tổn thất rất khó vãn hồi. Giáo huấn lẽ ra phải làm chư vị thành thục hơn. Không thể để Cựu thế lực tà ác dùi vào chỗ sơ hở của tư tưởng chư vị; cách duy nhất là tận dụng thời gian học Pháp.” (Tinh tấn yếu chỉ II – Tiến đến viên mãn)

Tôi chỉnh lại lịch nghỉ của mình, và hàng ngày vào buổi sáng trước khi tôi bật máy tính, tôi đã học Pháp và luyện 5 bài công pháp, không bỏ lỡ thời gian phát chính niệm toàn cầu. Sau đó, máy tính đã không còn có vấn đề. Sau một thời gian ngắn, hiệu quả công việc của tôi cải thiện rõ rệt. Mặc dù có rất nhiều công việc, tâm trí tôi vẫn sáng suốt và có tốc độ làm việc rất nhanh, và làm bất cứ việc gì cũng chỉ với một nửa nỗ lực mà hiệu quả đạt được lại gấp đôi.

Tháng 9 năm 2007, tôi chuyển sang chủ yếu làm việc văn phòng.

Trong khi làm việc văn phòng, tôi phải làm việc cùng “Aiyin”. Suy nghĩ và quan niệm của cô ấy rất khác với tôi, đôi khi trái ngược hoàn toàn. Điều cô ấy cho là quan trọng, tôi lại cảm thấy không quan trọng; điều quan trọng đối với tôi thì lại không quan trọng với cô ấy, và tôi phải làm hết sức mình để theo cách làm của cô ấy, nhưng tôi thường thấy không hài lòng và uỷ khuất trong tâm. Với mọi thứ tích tụ lại, trong tâm tôi hình thành những nút thắt.

Một ngày khi tôi đọc bài Giảng Pháp tại Pháp hội Thụy Sỹ, tôi đọc được: “Tôi có thể vứt bỏ đến mức độ tối đa hết thảy mọi thứ của tôi, do vậy tôi có thể giải khai tất cả những thứ này.” Mọi thứ ngay lập tức trở nên rõ ràng với tôi. Tôi ngộ ra rằng tôi quá chấp trước vào cách nghĩ của bản thân và những quan niệm hậu thiên. Tôi cảm thấy khó chịu với những hành động của Aiyin bởi vì tôi dùng những quan niệm của mình để đánh giá cô ấy. Tôi gán cho tất cả những gì khác biệt giữa cô ấy và tôi là sai hoặc xấu.

Điều này đã gỡ bỏ những nút thắt trong tâm tôi, khiến tâm trí tôi chính lại. Tôi dừng việc sử dụng một bộ những tiêu chuẩn đánh giá của mình để đẩy Aiyin ra do những khác biệt giữa chúng tôi. Ngay sau khi tôi chính lại suy nghĩ của mình, tôi thấy rằng điều tôi từng nghĩ là thiếu sót của cô ấy lại chính là những gì tôi cần phải đề cao và những gì tôi đang thiếu trong công việc hằng ngày của mình.

Ví dụ, trong quá khứ, mỗi lần tôi gặp khó khăn nào đó trong công việc, tôi sẽ không đối diện với nó và chỉ ngã gục. Nhưng Aiyin sẽ tiếp tục cho dù thế nào đi nữa. Đối với cô ấy, chỉ có một mục tiêu duy nhất và cô ấy sẽ đạt được những mục tiêu của mình cho dù phải nỗ lực bao nhiêu để đạt được điều đó. Trong quá khứ, tôi luôn luôn nghĩ rằng cô ấy quá bướng bỉnh, và làm việc cùng cô ấy thật mệt mỏi, bởi vì tôi luôn cảm thấy nhiều áp lực. Tuy nhiên, giờ đây tôi nghĩ rằng tôi đã từng lùi bước trước một thử thách bởi vì tôi quá quan tâm đến việc mình cảm thấy như thế nào và đặt cảm xúc cá nhân lên trên việc hoàn thành hạng mục. Tuy nhiên, là một học viên, tôi nên đặt tâm vào việc buông bỏ chấp trước của mình. Sau khi tôi thay đổi quan niệm, hiệu quả công việc của tôi tăng lên và tôi cũng nhận được kết quả tốt hơn.

Khi công việc tiến triển, qui mô nhóm của chúng tôi cũng tăng lên. Càng nhiều người tham gia, các vấn đề mà tôi phải giải quyết càng trở nên phức tạp hơn. Các thành viên mới đã mang theo cách suy nghĩ và cách hoàn thành nhiệm vụ của riêng mình, và mọi người đều có quan điểm mạnh mẽ, do đó rất khó để mọi người từ bỏ những suy nghĩ của họ và phối hợp với những người khác. Do vậy, số lượng các vụ xung đột tâm tính cũng tăng cao.

Sư phụ đã giảng:

“Vậy thì khi phát sinh mâu thuẫn cần các bên tự hướng nội tìm nguyên nhân của bản thân, bất kể là sự việc này lỗi tại chư vị hay không. Hãy nhớ kỹ lời tôi nói: bất kể là sự việc này lỗi tại chư vị hay là không tại chư vị, chư vị đều phải tìm ở chính mình, chư vị sẽ phát hiện ra vấn đề. Nếu như sự việc này tuyệt đối không có quan hệ gì với chư vị, không có tâm mà chư vị nên bỏ, vậy thì sự việc này cũng sẽ rất hiếm phát sinh trên thân chư vị. Nếu như chư vị không có cái tâm này, thì sẽ không dẫn khởi mâu thuẫn, phải chịu trách nhiệm đối với tu luyện của chư vị mà. Phàm khi mâu thuẫn phát sinh ở trên thân chư vị, xuất hiện ở chỗ của chư vị, xuất hiện giữa chư vị với nhau, thì rất có thể là có quan hệ với chư vị, sẽ có những thứ mà chư vị phải bỏ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội châu Âu 1998)

Do đó khi mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm căng thẳng, tôi sẽ bình tĩnh hướng nội. Tôi tự nhắc bản thân rằng nhóm chúng tôi đang đóng một vai trò hỗ trợ. Chỉ bằng cách thực hiện tốt phần việc của chúng tôi, các học viên ở tuyến đầu mới có thể tập trung vào công việc của họ mà không bị phân tâm. Lý do chúng tôi đang ở vị trị đó có lẽ là bởi vì tôi cần buông bỏ hơn nữa tâm tự cao tự đại. Tôi bắt đầu cố gắng kiên nhẫn để hiểu các thành viên khác trong nhóm, cách nghĩ của họ, cách họ tiến hành công việc. Sau đó tôi cố gắng hết sức để điều chỉnh theo cách nghĩ và cách làm việc của họ khi hỗ trợ cho công việc của họ. Việc tôi làm không phải là vô ích. Ngay sau đó, mọi người đều công nhận những nỗ lực của tôi.

Tháng 8 năm 2015, tôi chuyển sang một bộ phận khác. Nhiệm vụ, môi trường, và con người tất cả đều rất khác. Chuyển từ một nhóm rất có kinh nghiệm sang một nhóm vẫn còn nhiều thiếu sót, tôi đã trải qua một khoảng thời gian rất khó khăn lúc ban đầu, và tôi bắt đầu phàn nàn.

Sư phụ đã giảng:

“Hãy chú ý: khi vấn đề xuất hiện thì không cần tìm trách nhiệm, hãy nhìn vào tự mình làm như thế nào.” (Tinh tấn yếu chỉ – Điều chỉnh)

Điều mà tôi nhận ra trong việc này là khi chúng ta thấy có vấn đề trong môi trường làm việc của mình, thay vì mất thời gian phàn nàn, chúng ta nên sử dụng thời gian một cách hiệu quả và cố gắng thay đổi môi trường đó. Chúng ta không nên chỉ kỳ vọng nhận được từ môi trường xung quanh mà phải cố gắng hết sức để cải thiện môi trường.

Ngay sau khi gia nhập nhóm mới, tôi phát hiện ra một vấn đề: ngay cả khi một vấn đề không thuộc trách nhiệm của tôi, sếp của tôi cũng vẫn lôi tôi ra chỉ trích. Lúc đó tôi thực sự chán nản, và muốn tìm cách chứng tỏ rằng đó không phải là lỗi của mình. Trước đây, mỗi khi tôi gặp chuyện gì đó, tôi luôn quyết tâm tìm ra ai đúng ai sai và nếu tôi thực sự sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm, nếu không, tôi sẽ không bao giờ đồng ý nhận lỗi. Sau khi bình tĩnh lại, tôi nhận ra rằng có hai điều không phù hợp với Đại Pháp: Thứ nhất là tâm tranh đấu mà tôi đã từng nghĩ rằng tôi không có. Giờ đây, tôi biết rằng tôi đang sử dụng quan niệm “nếu người khác không phiền đến tôi thì tôi cũng không phiền đến họ” để che đậy tâm tranh đấu của mình. Thứ hai là tôi không tu Nhẫn tốt do đó tôi không thể chấp nhận bị uỷ khuất, và không thể bao dung.

Lần sau khi việc này lại xảy ra, vào lúc tôi lại sắp nổ tung với những lời bắt bẻ, tôi buộc mình phải nhẫn chịu, do đó tôi im lặng không giải thích về trường hợp của mình. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy buồn, thấy bất công.

Sư phụ giảng:

“Nhẫn là chìa khoá của đề cao tâm tính. Nhẫn mà uất hận, uỷ khuất, hay đẫm lệ là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ, hoàn toàn không hề nảy sinh uất hận, không cảm thấy uỷ khuất thì mới là cái Nhẫn của người tu luyện.” (Tinh tấn yếu chỉ – Thế nào là Nhẫn?”)

Giờ đây tôi hiểu rằng vào lúc đó, tôi đã lầm tưởng khoan dung thụ động là cách để vượt qua thử thách này. Tôi nghĩ rằng tôi đã lùi một bước và đã không làm cho cuộc xung đột trở nên tồi tệ hơn. Nếu tôi không thể thắng, tôi sẽ tránh né. Tôi nghĩ điều này là đủ tốt cho tu luyện. Tuy nhiên, thực sự vượt qua khảo nghiệm đòi hỏi chính niệm, thẳm sâu trong tâm bạn thực sự cảm thấy tường hòa và cởi mở, nhưng điều gì đã khiến tâm tôi náo động vào lúc đó?

Tôi tự hỏi tôi đã thực sự nghĩ về cảm nhận của người học viên từ góc độ của cô ấy chưa? Có lẽ là chưa. Do đó lần nữa, tôi chỉ nghĩ về bản thân và không cố gắng hiểu đối phương. Một người chân tu không nên lo lắng về cảm giác bị tổn thương của mình mà chỉ nên nghĩ cho người khác. Khi tôi nhận ra điều đó, tôi không còn phàn nàn về các học viên mà cảm thấy có lỗi vì đã làm tổn thương người học viên đó do những hành động vô ý của tôi.

Người Giám sát của nhóm mới hy vọng rằng tôi có thể giúp anh ấy một số nhiệm vụ quản lý, tuy nhiên, tôi không thích quản lý. Trong một thời gian dài, tôi đã quen với việc hợp tác bên lề, do đó tôi không muốn trở thành một người lãnh đạo. Tôi luôn luôn nghĩ rằng tôi là người có ít ham muốn lợi ích và rất có khả năng thích ứng được với những môi trường khác nhau. Với suy nghĩ này, tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Tuy nhiên, người giám sát của tôi tiếp tục giao cho tôi những nhiệm vụ mới, do đó trong một khoảng thời gian, tôi cảm thấy rất mệt mỏi bởi vì tôi không đồng ý với cô ấy.

Khi tôi chia sẻ với học viên này, cô ấy nhắc tôi rằng đây là phản ánh tâm an dật của tôi. Tâm tôi thấy chấn động – có lẽ cô ấy đúng. Tuy nhiên, tôi thực sự không thừa nhận điều đó và vặn lại rằng “tôi không thể làm tốt những việc mà tôi không thích, và nếu tôi không thể làm được tốt thì tốt hơn là tôi không làm gì ngay từ đầu. Thuận theo tự nhiên là tốt hơn.” Nhưng cô ấy đáp lại ngay lập tức: “Làm sao bạn biết được bạn không thể làm tốt nếu bạn không thử chứ? Bạn nói rằng thuận theo tự nhiên và có ít mong muốn là cách nghĩ đúng sao? Cựu thế lực đang dõi theo mỗi từng cử động của chúng ta và chúng đang làm đủ mọi cách để can nhiễu chúng ta cứu người, làm thế nào chúng ta có thể “thuận theo tự nhiên” đây? Có bao nhiêu sinh mệnh ngoài kia đang đợi chúng ta đến cứu? Làm sao chúng ta chỉ có một chút mong muốn thôi đây?”

Tôi đã không nói nên lời. Nhìn lại suy nghĩ của bản thân, tôi thực sự đang theo đuổi một cuộc sống ẩn dật thoải mái, và tôi không muốn chịu trách nhiệm. Suy nghĩ của người thường sẽ đẩy chúng ta đến chỗ chúng ta cảm thấy an toàn và thoải mái. Vấn đề là, chúng ta không phải là người thường, mục đích của chúng ta ngược lại với họ. Rõ ràng là trong việc quản lý nhân sự, tôi sẽ đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp và tôi phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, nếu mọi nỗ lực của tôi có thể giúp hạng mục truyền thông của chúng tôi tạo ra những sản phẩm đầu ra tốt hơn cho khán giả điều đó có nghĩa là có thể cứu nhiều chúng sinh hơn, vậy thì nó đáng giá cho dù khó khăn đến đâu đi nữa. Là đệ tử của Sư phụ, không phải đây là lý do chúng ta ở đây sao? Làm sao chúng ta có thể không sẵn lòng cống hiến thời gian và công sức vào việc này chứ?

Sau khi trải qua nhiều việc, tôi đã phát hiện ra rằng, cho dù một học viên đang đối mặt với vấn đề nào, người đó có thể luôn tìm thấy câu trả lời từ chính mình.

Sư phụ đã giảng:

“Làm người tu luyện, thì hết thảy những khổ não gặp ở người thường đều là vượt quan; hết thảy tán dương gặp phải đều là khảo nghiệm.” (Tinh tấn yếu chỉ – Người tu tự ở trong ấy)

Cảm tạ Sư phụ!Cảm ơn mọi người!

(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/15/377061.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/17/173281.html

Đăng ngày 27-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share