Bài viết của con một học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 4-9-2018] Tôi sinh ra trong một đại gia đình gồm bốn thế hệ tu luyện Pháp Luân Công. Cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu năm 1999, khi đó tôi mới được một tuổi.

Khi lớn hơn, tôi bị cảnh sát giam giữ và sách nhiễu. Tôi cũng chứng kiến gia đình mình bị bức hại ra sao. Tôi hễ thấy cảnh sát liền ớn lạnh và run lên cầm cập. Tôi đã chứng kiến sự tàn bạo của những nhân viên thực thi pháp luật ở Trung Quốc dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tôi biết rằng Pháp Luân Công là tốt và rằng học viên Pháp Luân Công là những người thiện lương, họ không hề làm gì trái pháp luật.

Bị giam giữ từ khi còn là một đứa trẻ sơ sinh

Mẹ tôi nói rằng tháng 7 năm 1999, khi đó tôi mới được 15 tháng tuổi, thì mẹ bị cảnh sát bắt giữ bởi mẹ tu luyện Pháp Luân Công. Tôi bị giam giữ cùng mẹ. Hai mẹ con tôi bị nhốt trong cùng buồng giam với hàng chục người khác. Ở nơi ẩm ướt và bẩn thỉu đó, mẹ tôi nói rằng tôi bị sốt cao và nôn mửa, không ăn uống gì và gào khóc cả ngày lẫn đêm.

Mười ngày sau, chúng tôi được trả tự do. Sau đó, cảnh sát không ngừng đến nhà chúng tôi sách nhiễu. Họ cấm chúng tôi đọc các sách Pháp Luân Công và luyện công, không cho đi ra ngoài, hễ chúng tôi rời nhà thì trước tiên là phải trình báo với đồn cảnh sát địa phương, thậm chí ngay cả khi chúng tôi đi mua tạp hóa. Chúng tôi bị tước đoạt mất quyền tự do cá nhân.

Khi tôi lên ba, một hôm, vài cảnh sát đã đột nhập vào căn hộ của chúng tôi. Họ nói dối mẹ tôi rằng họ chỉ muốn nói chuyện với mẹ. Mẹ tôi đưa tôi đi cùng bà tới đồn cảnh sát. Ở đó họ tống chúng tôi vào một căn phòng và đánh đập mẹ. Bởi quá khiếp sợ nên tôi đã khóc thét lên và đá vào chân cảnh sát. Sau đó, họ tách mẹ con chúng tôi ra. Họ còn cười nhạo tôi khi tôi kêu gào đòi mẹ.

Tôi khóc ròng vài giờ đồng hồ cho đến khi không khóc nổi nữa. Ngay khi vừa nhìn thấy mẹ, tôi liền ôm chặt lấy cổ mẹ, sợ rằng cảnh sát lại đánh đập mẹ và tách hai mẹ con tôi lần nữa.

Sau này khi tôi lớn hơn, mẹ bảo tôi rằng, khi đó ông ngoại tôi bị giam trong trại lao động, còn bà ngoại bị buộc phải rời khỏi nhà. Bà sống cơ cực vì phải trốn tránh cảnh sát.

Gia đình bức ép đến lâm vào tình cảnh vô gia cư

Khi tôi còn chưa học xong lớp một, cha mẹ phải đưa tôi đi. Tôi nhớ ngày chúng tôi chia tay ông bà nội, ông đã ôm hôn tôi và khóc. Khi lớn hơn tôi mới hiểu ra là chúng tôi phải rời khỏi nhà và sống cảnh vô gia cư để tránh bị bức hại.

Kể từ đó, chúng tôi không sống cố định ở một nơi được lâu, bởi vậy, tôi không còn có thể đến trường được nữa.

Năm 2006, tôi lên 9 tuổi, chúng tôi sống ở vùng ngoại ô thành phố Trường Xuân. Tôi nhớ một đêm nọ khi tôi đang ngủ, tôi nghe thấy có ai đó thì thào bên tai: “Đừng lên tiếng! Cảnh sát đang đến. Đi mau!”

Tôi cuống quýt mặc quần áo và cùng gia đình tháo chạy. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm được một nhà tầng bỏ hoang. Chúng tôi đứng dựa vào tường một thời gian lâu. Tôi vừa lạnh vừa mệt, nhưng biết rằng tôi không thể khóc.

Bà ngoại bị tra tấn đến chết

Ông ngoại tôi nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ. Mỗi lần bị giam giữ ông đều bị tra tấn đến thập tử nhất sinh. May mắn thay, ông tôi đã phục hồi sức khỏe nhờ học Pháp và luyện công sau khi được thả ra.

Tuy nhiên, bà ngoại tôi đã không sống sót trước cuộc bức hại tàn bạo này và đã tử vong trong đồn cảnh sát.

Cơn ác mộng khiếp sợ nhất

Sự việc mà tôi khiếp sợ nhất xảy ra khi tôi 11 tuổi. Lúc tôi đang chơi với dì ở nhà thì một toán cảnh sát đột nhập vào căn hộ của chúng tôi. Để bảo vệ tôi, dì đã đứng chặn trước mặt họ. Khoảng năm đến sáu người trong số họ đánh dì. Họ đẩy dì ngã xuống sàn và còng chặt tay dì. Tôi vô cùng kinh sợ và đứng ngây người. Cảnh sát lục soát nhà và lấy đi các tài sản cá nhân của chúng tôi.

Tôi bị đưa tới một tòa nhà lớn, tôi không biết đấy là đâu, còn thấy treo tấm biển có nội dung “vì nhân dân phục vụ”. Có cảnh sát nói rằng họ sẽ bán tôi đi, nếu bán được sẽ được rất nhiều tiền. Một số khác thì nói rằng họ sẽ quẳng tôi cho chó ăn. Tôi vô cùng kinh hoàng. Một cảnh sát lấy dùng một con dao găm cắm vào miếng dứa, ông ta hướng lưỡi dao chĩa vào mặt tôi và nói: “Ăn đi, ăn đi!” Tôi sợ hãi và cố gắng tránh con dao khỏi chĩa vào mặt tôi.

Sau đó, họ lừa tôi rằng nếu tôi nói cho họ tên của mẹ và ông ngoại thì họ sẽ thả tôi ra. Tôi tưởng thật liền nói ra, nhưng họ không hề để tôi đi. Tôi đã hiểu ra rằng tôi không thể tin tưởng cảnh sát bởi họ dối trá gạt người.

Những giờ phút kinh hoàng khiến tôi cảm thấy như thể có gì đó mắc kẹt trong tim, và tôi vô cùng khổ sở khi bị giam giữ. Tôi vô cùng lo lắng cho ông ngoại và mẹ tôi, và tôi cũng rất đói bụng.

Tôi chỉ khóc chứ không biết phải làm gì. Năm giờ chiều hôm đó, cảnh sát gọi điện cho một người họ hàng của tôi bảo tới đón tôi và cha. Lúc đó tôi mới nhận ra rằng cảnh sát cũng đã bắt giữ ông ngoại cùng những người khác trong gia đình tôi.

Khi cùng cha tôi trở về nhà, chúng tôi thấy căn hộ của mình bị lục tung thành mớ hỗn độn – quần áo và khăn trải giường tung tóe khắp sàn nhà, bát đĩa bị vỡ, nồi niêu xoong chảo ném khắp nơi – nhưng toàn bộ vật dụng có giá trị và tiền mặt đều đã bị cảnh sát lấy đi. Họ còn đổ nước tương vào bể cá của chúng tôi khiến cá chết hết.

Cuối cùng, khi ông tôi được thả ra, ông gầy yếu và đang thoi thóp. Tôi còn không nhận ra ông. Giọng ông run rẩy và nói không thành câu. Chúng tôi ai nấy đều khóc.

Sau khi trở về, chúng tôi sống tạm ở một nhà nghỉ ở thành phố Thông Liêu, và ba cảnh sát mặc thường phục đã bí mật theo dõi chúng tôi từ căn phòng đối diện. Khoảng một tuần sau, chúng tôi quay trở lại nhà của ông ngoại ở thành phố Thư Lan. Ông tôi đã bị bức hại thành như vậy rồi, nhưng Đội trưởng và đội phó Đội An ninh Nội địa của Cục Công an Thông Thiêu vẫn bám theo xe buýt của chúng tôi. Khi chúng tôi đi đến thành phố Cát Lâm, cảnh sát còn móc lấy 40 tệ còn sót lại của cha tôi để mua xăng xe của họ.

Mẹ bị giam giữ và tra tấn trong Thế vận hội Olympic Bắc Kinh

Trong thời gian diễn ra Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, hai cha con tôi đi tới Cục Công an Thành phố Thông Liêu để yêu cầu thả mẹ. Tôi thấy trong văn phòng họ có một túi quà đựng đồ ăn và đồ chơi mà tôi yêu thích do dì mang đến cho tôi. Rõ ràng là lính canh đã lấy số quà đó của tôi và ăn đồ ăn của tôi. Tôi cũng thấy đồ chơi yêu thích của tôi là quả bóng đổi màu ở đó.

Khi tôi yêu cầu họ để mẹ tôi về nhà, đội trưởng Đội An ninh Nội địa liền tìm cớ từ chối, không cho chúng tôi vào cục công an. Chúng tôi không còn cách nào khác đành phải đợi bên ngoài cả ngày. Họ bảo chúng tôi rằng họ bắt mẹ tôi trong Thế vận hội Olympic để bà không đi ra ngoài và nói với mọi người về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Chúng tôi kiên trì liên tục yêu cầu họ thả mẹ tôi trong hai tháng liên tiếp. Cho đến cuối tháng 10, đội trưởng Đội An ninh Nội địa bảo cha tôi rằng nếu đưa cho ông ta 5.000 tệ thì họ sẽ thả mẹ tôi. Cuối cùng, mẹ tôi đã được thả ra sau khi cha tôi đưa cho họ 3.000 tệ. Khi mẹ về nhà chúng tôi mới phát hiện ra rằng, kỳ thực khi bị giam giữ, mẹ đã bị tra tấn đến mức cận kề cái chết. Chúng tôi biết rằng họ thả mẹ tôi ra là tránh phải chịu trách nhiệm nếu mẹ tôi tử vong ở trong đó, đồng thời, còn nhân cơ hội đó mà vơ vét tiền bạc.

Nhà cửa lại bị lục soát

Chúng tôi không thể sống ở thành phố Thông Liễu hay Thư Lan được nữa, vì ở đó chúng tôi sẽ bị bức hại tàn bạo hơn. Họ đánh đập bà tôi đến chết và vẫn thường xuyên đến nhà sách nhiễu chúng tôi. Chúng tôi tới Trường Xuân, ở đó ông tôi đã thuê một căn nhà nhỏ và bắt đầu mở tiệm nhỏ bán cơm hộp.

Tối ngày 3 tháng 11 năm 2011, cảnh sát của Đội An ninh Nội địa Thành phố Thông Liêu lại đột nhập vào nhà chúng tôi. Họ đẩy ông tôi ngã nhào và còng tay ông tôi.

Sau đó, họ bắt đầu lục soát nhà tôi và lấy đi máy tính, máy ảnh và hơn 2.000 tệ tiền mặt. Thậm chí họ còn lấy luôn cả số tiền lẻ mà tôi tiết kiệm trong con heo đất. Tôi thấy họ bỏ tiền của chúng tôi vào túi quần họ. Họ cũng lục lọi tìm sổ tiết kiệm của chúng tôi. Một người trong số họ còn chui xuống gầm giường để tìm nó.

Đó là lần thứ hai tôi chứng kiến cảnh sát tới cướp bóc nhà chúng tôi.

Sau khi lục soát nhà, họ bắt ông tôi. Tôi van nài họ đừng đưa ông tôi đi bởi ông là người rất thiện lương, và tôi sẽ không thể tự lo liệu cuộc sống của mình. Nhưng họ phớt lờ tôi.

May là lúc ấy mẹ tôi không ở nhà, nếu không, có lẽ bà cũng bị họ bắt đi. Vì cảnh sát đang theo dõi qua cửa nhà tôi, nên tôi liều mạng nhảy từ cửa sổ tầng ba xuống và nhanh chóng gọi điện cho mẹ, bảo mẹ đừng về nhà. Tôi không biết đi đâu. Tôi bị lạnh và muốn khóc nhưng lại không dám khóc vì sợ cảnh sát nghe thấy. May thay một học viên đã nhìn thấy tôi và đưa tôi về nhà cô ấy tá túc.

Không thể đi học

Gia đình tôi liên tục bị buộc phải chuyển nơi ở, điều này khiến tôi không thể đi học. Tổng cộng tôi chỉ đi học được ba năm ở trường lớp. Tôi không được sống yên ổn kể từ khi cuộc bức hại này xảy ra. Tôi không có bạn bè để cùng chơi đùa.

Những gì tôi trải qua trong cuộc bức hại kéo dài 19 năm qua là sự thương tổn tâm lý tinh thần nghiêm trọng.

Khi thấy những đứa trẻ cùng trang lứa có giáo viên và bạn học, được ăn đồ ăn ngon, tôi cảm thấy thèm muốn. Tôi quá đau buồn và thường hỏi tại sao tôi không thể tới trường? Chỉ vì đại gia đình tôi tu luyện Pháp Luân Công làm người tốt mà bị bức hại sao? Ngay cả một đứa trẻ như tôi mà cũng không tha sao? Thật quá ư tàn nhẫn! Bà ngoại bị cảnh sát đánh chết, cụ ngoại cũng qua đời vì đau buồn. Gia đình hạnh phúc với bốn thế hệ của chúng tôi đã bị ĐCSTQ bức hại đến nhà nát người vong.

Ước nguyện

Tôi biết rằng cuộc bức hại này một ngày nào đó sẽ kết thúc và tôi đang chờ tới ngày đó. Tôi mong ngóng tới ngày mà ác thủ bức hại Pháp Luân Công là Giang Trạch Dân bị trừng phạt theo pháp luật và cho những tội ác phản nhân loại của ông ta, và trả lại sự thanh bạch cho Pháp Luân Công, cho Sư tôn. Tôi mong ngóng đến ngày mà tất cả học viên Pháp Luân Công được tự do và hãnh diện có thể tu luyện.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/9/4/373276.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/21/171987.html

Đăng ngày 29-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share