Bài viết của Chánh Phi, một học viên Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 10-11-2013]
Trích: Tôi nhận ra rằng không phải là ngẫu nhiên khi tôi biết được tin về cái chết đột ngột của một thanh niên trẻ. Đây là câu chuyện mà tôi phải phơi bày và thông báo cho thân quyến của anh ấy. Tuy nhiên, ở trong tù với sự giám sát 24/24, tôi không thể có được thậm chí là một cái bút và một mẩu giấy! Làm thể nào mà tôi có thể viết được gì? Thậm chí ngay cả khi tôi có bút và giấy, làm thế nào tôi có thời gian hay cơ hội để ghi lại?
Sư phụ đã nói:
“Có những lý do đằng sau những gì mọi người làm” (Giảng Pháp tại Pháp hội ở Great Lakes tại Bắc Mỹ)
Bây giờ tôi biết rằng hàng chục năm kinh nghiệm biên tập trong lĩnh vực truyền thông của mình là để chuẩn bị cho tôi trợ Sư Chính Pháp.
Từ cuối năm 2000 đến tháng 02 năm 2003, tôi đã sử dụng các bài viết của mình để giảng chân tướng và chia sẻ những vẻ đẹp của Đại Pháp. Tôi đã ở trong tù một thời gian và viết những lá thư khiếu nại, những lá thư gửi các thành viên gia đình và những thứ gọi là “các báo cáo tư tưởng” để đối phó với các cơ quan chức năng xấu xa và sự tẩy não của họ với trí huệ và tiết lộ những thông tin trực tiếp về cuộc bức hại.
Miễn là các đệ tử Đại Pháp không quên rằng chúng ta là những đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp, và đặt tâm của chúng ta trong Pháp, chúng ta sẽ có được sự bảo hộ của Pháp thân của Sư phụ. Khi đó chúng ta có thể vượt qua những khó khăn và triển hiện uy lực của Đại Pháp cùng lòng từ bi vô hạn của Sư phụ.
Như Sư phụ đã giảng trong “Giảng Pháp tại Mahattan”:
“Đương nhiên chư vị rốt cuộc vẫn là đệ tử Đại Pháp có thệ ước từ trước, sinh mệnh của chư vị rốt cuộc cũng là ‘đồng tại’ cùng Đại Pháp. Có [hiện diện] của Pháp vĩ đại nhường này, trong chính niệm chư vị là đồng tại với Đại Pháp, đó là sự bảo đảm rất to lớn.”
Tôi muốn chia sẻ những kinh nghiệm giảng chân tướng của mình trong tù, và chia sẻ những thể ngộ mà tôi đã có được. Xin vui lòng chỉ ra bất kỳ điều gì còn chưa phù hợp trong thể ngộ của tôi.
Một thanh niên khỏe mạnh chết đột ngột
Vào tháng 11 năm 2000, tôi bị bắt giữ phi pháp dưới tội danh bị vu cho là “nhóm họp phi pháp” và bị giam giữ tại Trại tạm giam số 3 trong một thành phố. Một ngày nọ vào khoảng 10 giờ sáng, hai cảnh sát kéo lê một nam thanh niên trẻ khỏe vào phòng. Anh ấy bị còng tay và cùm chân.
Cảnh sát chỉ mở còng tay cho anh ấy, nhưng vẫn cùm chân. Anh ấy đứng giữa hàng thứ 5, chỉ cách tôi 2 người. Đây là một thanh niên trẻ khoảng 38 tuổi, còn độc thân. Anh ấy vừa mới tình nguyện nghỉ việc ở công ty của mình và tới Bắc Kinh để chứng thực Pháp và đòi công lý cho Pháp Luân Công. Anh ấy quyết định rằng anh sẽ không về nhà cho tới khi hoàn cảnh bất công của cuộc bức hại này được cải chính. Nhiều học viên cũng có cùng suy nghĩ như vậy vào thời điểm đó.
Trước khi thanh niên trẻ này tới Bắc Kinh, anh ấy đã làm rất nhiều tài liệu giảng chân tướng và phân phát cho mọi người. Cảnh sát đã bắt giữ anh ấy. Anh ấy bị đánh đập dã man và bị bầm tím khắp người. Nhưng anh ấy từ chối tiết lộ tên và địa chỉ nhà mình. Do đó anh ấy đã bị tống vào trại tạm giam.
Một đồng tu nghiêng người về phía anh ấy thì thầm: “Bạn có cần giúp gì không?” Anh ấy nhìn học viên đó và nói: “Cám ơn. Tôi có Sư phụ và Pháp. Tôi không cần bất cứ thứ gì.” Đó là thời điểm bắt đầu cuộc bức hại. Nhiều người trong chúng tôi đã nhìn anh ấy với sự ngưỡng mộ.
Vào buổi tối, chúng tôi nghe nói rằng anh ấy đã bị chuyển tới phòng giam số 6. Đó là nơi khét tiếng với việc áp dụng những đòn tra tấn và lạm dụng tồi tệ nhất. Nó là phòng ngay cạnh phòng tôi nên tôi có thể nghe thấy mọi thứ.
Để giành được điểm thưởng và được thả trước hạn, người tù nhân cầm đầu ở buồng giam số 6 đã tra tấn rất nhiều tù nhân khác và một số học viên Đại Pháp tới mức tàn phế. Anh ta có ba tên côn đồ, cũng là tù nhân, dưới trướng anh ta. Các trại tạm giam và các trại lao động ở Trung Quốc sử dụng những tên côn đồ như vậy trong các tù nhân để quản lý những tù nhân khác.
Ban đêm, tên cầm đầu chốt cửa và bắt đầu thẩm vấn. Trước tiên, anh ta ra lệnh cho lũ côn đồ buộc người thanh niên trẻ đó vào tư thế “lái máy bay”-tư thế mà cơ thể bị gập một góc 90 độ với cả hai tay giang thẳng. Sau đó anh ta hỏi: “Tên mày là gì? Nhà mày ở đâu?” Người thanh niên trẻ từ chối trả lời.
Ba tên côn đồ lao vào đấm đá anh. Sau khi nghỉ một lúc, người thanh niên trẻ vẫn im lặng. Tên cầm đầu nghĩ rằng anh ấy cứng đầu. Anh ta ra lệnh “Hãy cho nó thấy chút máu và xem liệu nó còn mạnh mẽ như vậy được nữa không!”
Những tên côn đồ bắt đầu đánh người thanh niên trẻ bằng gậy. Chẳng mấy chốc chân và hai xương sườn của người thanh niên trẻ bị gãy. Tiếng anh ấy la hét rất bi thảm. Anh ấy bị ngất và được chuyển tới phòng y tế. Người thanh niên trẻ rên rỉ cả đêm đó. Anh ấy rên rỉ cả đêm và tôi cũng thức trắng đêm.
Ngày hôm sau, lính canh phụ trách buồng giam số 6 nói chuyện với tên cầm đầu ở ngoài cửa. Họ ở ngay bên ngoài phòng giam của tôi và tôi có thể nghe rất rõ. Lính canh hỏi: “Tên học viên Pháp Luân Công đó có khai không?” “Không, hắn ta rất cứng đầu. Chân và hai xương sườn của hắn đã bị gẫy”. Lính canh tình cờ nói: “Hãy chú ý tới phương pháp tiếp cận và chiến lược. Nếu nó thực sự không khai và ngẫu nhiên chết, thì đó là số nó phải thế. Chúng ta có chỉ tiêu hai người chết mỗi năm và sẽ không ai bị hỏi tới.” Tên cầm đầu gật đầu.
Một đêm, người thanh niên trẻ bị đưa tới “phòng kỷ luật”. Theo những học viên khác ở phòng kế bên, họ nghe thấy những tiếng gậy đập mạnh đánh một người. Lúc đầu có những tiếng la hét, nhưng sau đó hoàn toàn yên ắng.
Trong cả ngày hôm đó, người thanh niên trẻ rên la đau đớn. Anh ấy không thể ăn được gì. Bác sỹ nói với anh ấy: “Anh đã không ăn trong 4 ngày rồi. Nếu anh không ăn bữa tối nay, anh sẽ bị bức thực. Hãy nghĩ kỹ đi!”
Sau 9 giờ tối, bác sỹ yêu cầu một số người ở buồng giam số 6 giúp bức thực. Khi bác sỹ bước ra khỏi phòng, ba tên côn đồ và tên cầm đầu đã đổ thêm rất nhiều muối vào chất lỏng để bức thực người thanh niên đó.
Trong suốt quá trình bức thực, người thanh niên trẻ liên tục kêu: “Mặn quá! Tôi đang ngạt thở! Các vị sẽ bị quả báo!” Anh ấy nhanh chóng bị mất giọng và chỉ có thể ho một cách khó khăn. Bác sỹ giận dữ hỏi: “Ai làm việc này? Ai đã cố phá tôi vậy?”
Tên cầm đầu thì thầm vào tai bác sỹ. Vị bác sỹ không nói gì cả. Khoảng nửa đêm, không ai còn nghe thấy tiếng ho của người thanh niên trẻ đó nữa, chỉ có tiếng bước chân khi họ mang thi thể đi. Người thanh niên trẻ đó đã chết.
Một thanh niên trẻ đã bị giết chỉ trong 2 ngày! Thật quá khủng khiếp! Các nhà tù dưới chế độ cộng sản không quan tâm gì tới mạng sống con người. Giết một người dễ dàng như dẫm chết một con kiến. Tôi cảm thấy buồn.
trại tạm giam tổ chức một cuộc họp khẩn cấp. Tên cầm đầu đã thụ án xong và được thả. Ba tên côn đồ bị chuyển đi nơi khác. trại tạm giam nói chuyện với tất cả những người khác mà biết về trường hợp này. Họ phải giữ kín miệng vì lợi ích và an toàn của bản thân. Mọi thứ dường như quay trở lại bình thường, như thể người thanh niên trẻ chưa hề tồn tại.
Tôi nhận ra rằng không phải tình cờ mà tôi được biết về cái chết đột ngột của người thanh niên trẻ. Đây là câu chuyện mà tôi phải phơi bày và thông báo tới thân quyến của anh ấy. Tuy nhiên, trong tù với sự giám sát 24/24, tôi không thể có được thậm chí là một cái bút và một mẩu giấy! Làm thể nào để tôi có thể viết được gì? Thậm chí ngay cả khi tôi có bút và giấy, làm thế nào tôi có thời gian hay cơ hội để ghi lại?
Một giáo viên đã nghỉ hưu ở cùng buồng giam với tôi biết được suy nghĩ của tôi. Ông ấy nói: “Dù người xấu tà ác đến mức nào, chúng phải sử dụng những người khác để làm việc cho chúng. Nếu anh có mong muốn mạnh mẽ, có thể chúng tôi giúp được anh.” Tôi rất vui mừng. Tôi nói: “Cảm ơn ông rất nhiều!”
Tôi hỏi xin một cái bút và giấy để viết thư khiếu nại. Lính canh nhà tù không trả lời. Người giáo viên nghỉ hưu có mối quan hệ tốt với anh ta, và giúp tôi thuyết phục anh ấy. Cuối cùng lính canh đồng ý cho tôi một cái bút và giấy. Tôi đã viết xong lá thư. Người giáo viên nghỉ hưu đã có một kế hoạch. Ông ấy khâu lá thư vào bên trong quần mùa đông. Ông vỗ nhẹ vào quần mình và nói: “Đừng lo. Đây là điều duy nhất chúng ta có thể làm cho người đã khuất. Chàng thanh niên trẻ đó bây giờ đã có thể yên nghỉ.”
Tôi ra khỏi trại tạm giam không lâu sau đó. Câu chuyện về người thanh niên trẻ đó có được phơi bày hay không? Tôi không biết. Tôi chỉ nghe nói rằng trại tạm giam đã được tổ chức lại. Các lãnh đạo ở đó và các lính canh đã có những biến cố lớn. Tôi tin rằng Trời sẽ buộc những kẻ hành ác phải đền tội.
Ngày 14 tháng 03 tàn khốc
Vài ngày trước Tết Nguyên đán năm 2001, tôi bị tuyên án 2 năm tù giam ở một trại lao động cưỡng bức và bị đưa tới trại lao động cưỡng bức Hoan Hỉ Lĩnh ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Số lượng học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở đó đã tăng lên đột ngột tới 200 người. Trại lao động đã tập trung các học viên Pháp Luân Công từ 5 khu vực và thành lập một khu vực duy nhất chuyên giam giữ các học viên Pháp Luân Công.
Khu này được tổ chức làm 3 nhóm: giám sát nghiêm ngặt, giám sát chung và giám sát lơi lỏng. Khu giám sát chung nằm trên tầng 2, nhóm giám sát nghiêm ngặt trên tầng 3 và nhóm giám sát lơi lỏng trên tầng 4.
Vào ngày 10 tháng 03 năm 2001, một học viên ở tầng 3 bị chảy máu mũi và mồm sau khi bị đánh. Anh ấy không thể mở được một bên mắt. Anh ấy cũng bị phạt biệt giam trong 3 ngày. Các học viên ở tầng 3 quyết định tuyệt thực vào bữa sáng, để phản đối sự tàn bạo. Đây là một nỗ lực tập thể dành cho tất cả 3 tầng.
Vào ngày thứ 4 của cuộc tuyệt thực, giám đốc trại đã yêu cầu 3 nhóm cử 6 đại diện tới họp. Một học viên 30 tuổi và tôi được cử làm đại diện của nhóm giám sát đặc biệt.
Chúng tôi đưa ra 3 yêu cầu:
1) Thả ngay lập tức những học viên bị biệt giam;
2) Lính canh nào đánh đập học viên cần phải xin lỗi và hứa không tái diễn trong tương lai;
3) Xóa bỏ hình phạt “ngồi trên ván”.
Đại diện khác yêu cầu có 1 giờ tự do mỗi ngày. Một số khác yêu cầu 2 giờ để học Pháp và luyện công. Trước khi tất cả các đại diện nêu xong yêu cầu của mình, giám đốc nhà tù đập bàn và quát lên “Đây là cơ quan của chế độ độc tài! Cuộc họp giải tán!”
Vào ngày thứ năm, khoảng hơn 9 giờ sáng ngày 14 tháng 03 năm 2001, tất cả các nam lính canh và các nhân viên khác trong trại, tổng cộng khoảng 40 người, đã xuất hiện cùng với dùi cui điện, dùi cui răng cưa và que bắn đạn chì. Những que bắn đạn chì này có khả năng sát thương.
Họ chạy vào khu tầng 2 và hỏi với những que bắn đạn chì trong tay: “Các ông có ăn hay không? Những ai tiếp tục từ chối ăn hãy bước ra!” Hơn 10 học viên bước ra. Họ bị kéo vào phòng kỷ luật và bị đánh đập tàn nhẫn. Một số người không thể tự mặc quần áo trong nhiều ngày.
Các lính canh sau đó chạy lên tầng 4. Hơn một nửa số học viên nói rằng họ không đói. Các lính canh đã đánh đập họ một cách điên cuồng.
Tầng 3 được gọi là nhóm chịu giám sát nghiêm ngặt. Tất cả các học viên ở tầng 3 đều nghe thấy những tiếng kêu la và đánh đập ở tầng 2 và tầng 4, mọi người đồng thanh hét lên: “Đánh người là phạm pháp! Đây là hành động phát xít! Các vị đang phạm tội lớn vì lẽ ra các vị phải củng cố luật pháp! Các vị đang phạm tội trong bộ đồng phục của mình!”
Một số trong chúng tôi nắm tay nhau cùng nhảy lên để gây tiếng ồn nhằm phản đối. Khi các lính canh tới tầng 3, tôi nói với mọi người: “Tôi mơ thấy một bầu trời với các đám mây hồng và một con cá koi dài hơn 2 mét đang bay về hướng đông bắc.”
Một học viên nói “Thật quá rõ ràng. Đây là điểm hóa dựa trên truyền thuyết về những con cá koi nhảy qua cổng rồng. Nếu bạn có thể làm được điều đó, bạn là một vị thần (rồng). Nếu bạn không làm được, bạn là một con cá nhỏ. Đây là điểm hóa của Sư phụ khích lệ chúng ta vượt qua khổ nạn này.” Tất cả chúng tôi quyết định bảo vệ Đại Pháp bằng hành động chân chính của mình.
Các lính canh chạy tới tầng của chúng tôi. Lính canh đầu tiên đá cho cửa mở và hét lên: “Tại sao các ông không la hét nữa đi!” Huấn luyện viên chính trị đến ngay sau đó một chút và nói “Đừng có vớ vẩn! Ai vẫn không chịu ăn thì bước ra!”
Tất cả chúng tôi đều bước ra. Giám đốc nhà tù nói: “Được thôi. Các ông xứng đáng có tên trong danh sách nhóm chịu giám sát nghiêm ngặt.” Anh ta ra lệnh cho 2 lính canh kéo một học viên Đại Pháp tới “phòng kỷ luật” ở gần đó. Một lính canh giữ học viên, người kia đánh anh ấy và sốc điện anh ấy bằng dùi cui điện. Cuộc tra tấn đã rất dã man. Họ chỉ dừng lại khi học viên đó ngất đi.
Ngưu Tuấn Tuệ đến từ quận Thư Lan, một thanh niên 27 tuổi, giữ im lặng từ đầu cuộc tra tấn. Sau đó anh ấy rên lên “Tôi sắp chết” sau khi các xương sườn của anh ấy bị gẫy. Các lính canh đã mất hết kiểm soát. Họ vẫn đánh anh ấy một cách điên cuồng.
Ngưu có thể bảo vệ đầu mình bằng tay lúc ban đầu. Nhưng sau đó anh ấy mất dần ý thức, tay anh ấy buông lỏng dần và một cái dùi cui răng cưa đã đánh vào phía bên trái đầu anh. Máu phun ra lênh láng. Một cảnh sát lấy hai cuộn giấy vệ sinh và cố gắng bịt chặt vết thương trên đầu anh ấy. Ngưu chỉ còn nhịp tim đập rất yếu. Anh ấy đang chết. Một xe cứu thương đưa anh ấy đi.
Tám học viên đã bị đánh tới ngất xỉu trong nhóm bị giám sát nghiêm ngặt. Ba người được đưa tới Bệnh viện số 4 (bệnh viện dành cho các trại lao động) để cấp cứu. 65 học viên trong toàn nhóm đều bị thương nặng. 105 người đã chịu những trận đòn được gọi là “bình thường”. Một người chết. Một học viên khác, Hầu Chiêm Hải đến từ Đội vận tải thành phố Cát Lâm, chết 2 ngày sau đó, phổi của anh ấy bị thương nghiêm trọng bởi que bắn đạn chì.
Các đệ tử Đại Pháp trong và ngoài trung tâm giam giữ đã phối hợp tốt. Thông tin nhanh chóng được truyền đi. Không lãng phí một giây nào, các học viên bên ngoài trại lao động đã phơi bày cuộc bức hại. Họ truyền bá thông tin về vụ việc kinh hoàng này tới các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Trung Quốc. Một số học viên đã báo cáo về vụ việc này lên Hội đồng nhân dân và Hội đồng cố vấn chính trị nhân dân Trung Hoa. Một số học viên khác tổ chức thân nhân của những người bị giam cầm để yêu cầu thả người thân của họ khỏi trại lao động.
“Mọi người đã bị giết tại trại lao động! Nhiều người đã bị thương nặng!” “Chúng tôi nghe nói nhiều người đã phải nhập viện!” “Chúng tôi có thể gọi họ là cảnh sát hay không? Thậm chí những tên côn đồ cũng không làm những điều như vậy! Thực là khủng khiếp.”
Mọi người bắt đầu nói về việc đó. Hằng ngày, mọi người đến bằng xe taxi hoặc các phương tiện giao thông công cộng để chất vấn về người thân của họ trong trại lao động. Nhiều người đứng bên ngoài bức tường dài và hàng rào dây thép gai của trại lao động. Một số phụ nữ trẻ khóc cùng con của họ trong tay. Mọi người đều lo lắng về người thân của mình.
Dưới áp lực của công chúng, Hội đồng nhân dân tỉnh Cát Lâm đã mở một cuộc điều tra. Trại lao động đã thiết quân luật vào ngày đầu tiên của cuộc điều tra. Tất cả các nhân viên phải ở lại đó. Không ai bên ngoài được vào.
Giám đốc nhà tù đã rất lo lắng. Anh ta sử dụng tất cả các mối quan hệ cá nhân và mối làm ăn quen biết để tìm cách thoát khỏi tình thế khó khăn. Ngay sau đó, sếp của anh ta đã đưa ra một giải pháp: ngay lập tức giải tán 65 học viên bị thương nặng và gửi họ tới 4 trại lao động ở những nơi khác của tỉnh. Việc đó nhằm đối phó với cuộc điều tra.
Ngày thứ 5 sau thảm kịch ngày 14 tháng 03, chúng tôi được thông báo: “Lên xe buýt và rời đi ngay lập tức. Các vị không được hỏi về nơi đến. Nơi đến của mỗi người sẽ được tiết lộ sau. Ai không thể đi được sẽ được nằm trên cáng. Ai khó khăn khi đi sẽ được mang lên xe. Những người khác sẽ được giúp đỡ khi lên xe buýt. Cho dù có đau đớn đến mấy trong suốt thời gian di chuyển vài giờ tới, không được nói chuyện, không được rên la. Nếu ai còn sống sẽ phải rời đi. Đây là mệnh lệnh!”
Sư phụ đã nói trong bài “Thư gửi” trong “Tinh tấn yếu chỉ II:
“Là đệ tử Đại Pháp, thì hết thảy những gì làm hiện nay đều là để ức chế sự bức hại đối với Đại Pháp và các đệ tử. Giảng rõ chân tướng tức là vạch rõ tà ác đồng thời ức chế tà ác, giảm thiểu bức hại; khi vạch rõ tà ác cũng đồng thời thanh trừ những độc hại do tà ác lừa dối hoặc giả tượng nhồi nhét vào đầu não dân chúng; đó là đang cứu vãn con người. Đó là từ bi lớn nhất. Bởi vì trong tương lai sẽ có hàng mấy tỷ người cần đắc Pháp; nếu như trong đầu não con người có mang theo tư tưởng chống đối Đại Pháp, thì một khi đợt tà ác này qua đi, thì nhân loại sẽ bắt đầu [cuộc] đào thải lớn, có thể làm những người có duyên đắc Pháp, hoặc làm nhiều con người vô tội hơn nữa bị đào thải; do đó hết thảy những gì chúng ta đang làm hiện nay đều là vĩ đại, đều là từ bi, đều là đang viên mãn con đường tối hậu của chúng ta.”
Do đó, tôi đã nỗ lực hết sức mình để vạch trần tà ác một cách kịp thời. Mặc dù các thông tin có thể không được công bố trên trang Minh Huệ (rất khó để đột phá phong tỏa Internet lúc bấy giờ), tôi đã tổ chức các tài liệu trực tiếp quý giá về cuộc bức hại. Đây là nhiệm vụ lịch sử mà Sư phụ đã an bài cho tôi.
Quá trình viết lại cũng giống như khi tôi viết về cái chết đột ngột của người thanh niên trẻ tuổi. Nó cũng gặp nhiều khó khăn hơn với nhiều thăng trầm. Tôi phải viết lại nó 3 lần sau khi hai bản đầu tiên bị tiêu hủy. Cuối cùng, với sự giúp đỡ của tất cả các đệ tử Đại Pháp trong cùng phòng giam, tôi đã viết lại nó trong thời gian chịu tra tấn “ngồi trên ván”.
Vào tháng 02 năm 2003, sau khi tôi thoát khỏi trại lao động, các học viên khác hỏi tôi: “Ai đã viết về sự kiện tàn khốc ngày 14 tháng 03? Nó chắc hẳn đã được một nhân chứng viết lại vì nó rất cụ thể và chi tiết! Tôi đã đọc nó với hai hàng nước mắt đẫm lệ.”
Khi sự kiện ngày 14 tháng 03 được nhắc tới, tôi ngay lập tức được đưa trở lại với khung cảnh hùng tráng của các học viên đang bảo vệ Pháp và kiên định niềm tin của mình với Đại Pháp. Tôi nghĩ “Miễn là nó được đọc bởi một người nào đó, thế là đủ. Tôi không hy sinh một cách vô ích. Tôi đã không cô phụ trách nhiệm mà Sư phụ đặt vào tay tôi. Sứ mệnh lịch sử của tôi đã được hoàn thành!”
(Còn tiếp)
Bản tiếng Hán:https://www.minghui.org/mh/articles/2013/11/10/明慧法会–一切师父说了算(一)-282296.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/11/11/143123.html
Đăng ngày 17-11-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.