Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-06-2025]

Họ tên: Tín Xuân Đình
Tên tiếng Trung: 信春婷
Giới tính: Nữ
Tuổi: 73
Thành phố: Khai Phong
Tỉnh: Hà Nam
Nghề nghiệp: Không rõ
Ngày mất: 5 tháng 5 năm 2025
Ngày bị bắt gần nhất: 16 tháng 12 năm 2020
Nơi giam giữ gần đây nhất: Không rõ

Vào ngày 5 tháng 5 năm 2025, một cư dân thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam đã qua đời sau khi trải qua nhiều năm bị bức hại vì tín ngưỡng của mình vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chế độ cộng sản Trung Quốc đàn áp từ năm 1999. Bà hưởng thọ 73 tuổi.

Bà Tín Xuân Đình được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 1996. Bà đã tiêu tốn một số tiền lớn để điều trị nhưng không có kết quả. Ngay sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, bà đã bình phục. Biết ơn Pháp Luân Công, bà đã nỗ lực hết mình chia sẻ trải nghiệm của mình với mọi người và nâng cao nhận thức về cuộc bức hại sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp vào năm 1999.

Đáp lại những nỗ lực của bà, chính quyền đã nhiều lần bắt, quấy rối và giam bà tại các trại tẩy não. Bà cũng từng bị đưa đi lao động cưỡng bức hai năm và ngồi tù năm năm. Cuộc bức hại đã gây ra áp lực tinh thần to lớn cho chồng bà. Sức khỏe của ông nhanh chóng suy giảm và ông qua đời vì bệnh nan y.

Kể từ năm 2023, công an địa phương đã quấy rối bà Tín thường xuyên hơn và thường xuyên đột nhập vào nhà bà để tìm tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công khi bà vắng nhà. Cuối cùng bà đã không thể chịu đựng nổi cuộc bức hại dai dẳng và qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2025.

Tổngquan về trường hợp bức hại của bà Tín

Ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày mà cuộc bức hại bắt đầu, bà Tín bị bắt giam tại Đồn công an địa phương trong một ngày. Bà đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện theo tín ngưỡng của mình vào năm 2000. Bà bị bắt, kết án hai năm lao động cưỡng bức và bị phạt 3.000 Nhân dân tệ.

Bà Tín tiếp tục bị bắt vào đầu năm 2002 sau khi có người tố giác bà nói chuyện với người khác về Pháp Luân Công. Bà bị kết án hai năm lao động cưỡng bức thêm một lần nữa nhưng được miễn chấp hành án sau khi trại lao động từ chối tiếp nhận bà.

Khi đang đi bộ trên đường vào ngày 25 tháng 5 năm 2002, bà bị người của Đồn Công an Bắc Đạo Môn bắt và đưa đến trại tẩy não. Bà đã tuyệt thực 12 ngày và sau đó được thả. Bà lại bị bắt vào tháng 7 năm 2002 và bị đưa đến trại tạm giam. Cai ngục từ chối tiếp nhận bà và bà được thả.

Trong một cuộc truy quét của công an vào ngày 26 tháng 9 năm 2002, bà Tín đã trốn thoát. Công an đã ở lại nhà bà và thậm chí theo dõi chồng bà khi ông đi vệ sinh. Con trai bà bị yêu cầu phải trình diện tại đồn công an hàng ngày. Con gái bà, người đang làm việc tại Chu Khẩu, cách đó khoảng 100 dặm, cũng bị công an tiếp cận. Những người thân khác của bà, cả ở Khai Phong và các thành phố khác, cũng bị quấy rối.

Sau một tháng sống lang thang, bà Tín bị bắt vào ngày 26 tháng 10 năm 2002 tại thành phố Trịnh Châu, cách Khai Phong khoảng 50 dặm. Bà bị nhốt năm ngày trong lồng sắt tại Đồn Công an Ngọ Triêu Môn và sau đó bị đưa đến trại lao động. Sau khi các cai ngục từ chối tiếp nhận bà, công an đưa bà đến trại tẩy não.

Sau khi được thả, bà Tín đã báo cáo trường hợp bức hại của mình lên Minh Huệ Net. Để trả đũa, Trần Trung Hòa, phó phòng công an quận Long Đình, đã bắt con gái bà và nhốt cô trong lồng sắt chín ngày. Họ cũng bắt giữ chồng bà Tín và giam ông trong một lồng sắt khác bốn ngày. Bà Tín bị giam tại trại tẩy não tám tháng. Do bà từ chối nghe tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công, bà thường xuyên bị biệt giam.

Ngày 28 tháng 5 năm 2003, không lâu sau khi bà được thả từ trại tẩy não, công an Khang Bồi Kiến và Diêm Bảo Thắng ở Đồn Công an Tân Môn Quan cùng lãnh đạo khu dân cư là Tiền Yến đã quấy rối bà tại nhà và lục soát nơi ở. Họ liên tục gây áp lực buộc bà và chồng phải chuyển khỏi khu dân cư.

Để ép bà chuyển đi, công an đã sắp xếp người đổ phân lên cửa nhà bà vào tối ngày 20 tháng 8 năm 2003. Vào tối ngày 1 tháng 9, họ lại bôi phân lên cửa nhà bà. Khi chồng bà Tín đang tìm thuê căn hộ ở vùng ngoại ô phía đông thành phố, ông Tiền đã cho người theo dõi ông. Ông Tiền và một số người khác đã đến Đồn Công an Bình Quả Viên – nơi phụ trách khu dân cư mới – vào hôm sau và thông báo với trưởng đồn về việc bà Tín tu luyện Pháp Luân Công.

Công an Đồn Công an Bình Quả Viên đã phối hợp với công an Đồn Tân Môn Quan bắt giữ bà Tín và đưa bà đến Trại Lao động Cưỡng bức Thập Bát Lý Hà ở Trịnh Châu. Bà bị từ chối tiếp nhận và bị đưa về nhà. Tuy nhiên, công an và người ở khu dân cư vẫn không ngừng quấy rối bà. Vào tối ngày 23 tháng 11 năm 2003, ai đó đã ném gạch phá cửa và cửa sổ nhà bà và lại bôi phân lên cửa. Một tuần sau, cửa và cửa sổ mới lại bị phá, bị bôi phân; sân nhà đầy gạch, phân và nước tiểu. Bà đã trình báo sự việc cho công an nhưng họ làm ngơ.

Bà Tín lại bị bắt vào ngày 4 tháng 7 năm 2005. Sau một lần bị bắt khác vào ngày 17 tháng 5 năm 2008, bà bị kết án năm năm tù. Lần bị bắt cuối cùng được ghi nhận là vào ngày 16 tháng 12 năm 2020 bởi Triệu Bằng Huy, phó đồn công an thị trấn Bắc Giao.

Triệu và ba cán bộ viện kiểm sát đã quấy rối và thẩm vấn bà Tín vào ngày 18 tháng 1 năm 2022. Triệu cũng đã đe dọa và làm phiền gia đình con gái bà.

Từ năm 2023, Tôn Chí Can ở Đồn Công an Thị trấn Bắc Giao thường xuyên quấy rối bà Tín. Ông ta đột nhập vào nhà bà hai đến ba lần mỗi tháng khi bà không có nhà, với sự hỗ trợ của ban quản lý khu chung cư. Có lần, công an Tôn đã lấy 300 Nhân dân tệ tiền mặt mà bà để sẵn để trả tiền thuê nhà. Lần khác, ông ta lấy đi hai ổ đĩa USB, thư cá nhân và ghi chú học tập của bà. Đôi khi ông ta trả lại các vật dụng sau khi kiểm tra.

Bà Tín đã lắp đặt camera giám sát tại nhà. Khi ông Tôn quay lại, ông ta ngắt điện camera và nối lại điện sau khi rời đi.

Không chịu nổi cuộc bức hại liên tục, bà Tín đã qua đời vào ngày 5 tháng 5 năm 2025.

Báo cáo liên quan:

Cảnh sát Trung Quốc tìm mọi cách ép người phụ nữ cao tuổi từ bỏ đức tin

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/6/24/496418.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/6/28/228663.html