Sức khỏe bị hủy hoại trong khi thi hành án tù 4 năm, một người đàn ông ở tỉnh Liêu Ninh đã qua đời 10 năm sau đó ở tuổi 62
Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
Tên: Trạch Huy
Tên tiếng Trung: 翟晖
Giới tính: Nam
Tuổi: 62
Thành phố: Thẩm Dương
Tỉnh: Liêu Ninh
Nghề nghiệp:
Ngày mất: 19 tháng 3 năm 2025
Ngày bị bắt gần đây nhất: 15 tháng 4 năm 2012
Nơi giam giữ gần đây nhất: Trại tù Đông Lĩnh
[MINH HUỆ 5-6-2025] Ông Trạch Huy, một cư dân ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe suy kiệt sau khi mãn hạn tù 4 năm vì đức tin của mình vào Pháp Luân Công vào năm 2015. Ông chưa bao giờ hồi phục và đã qua đời ở tuổi 62 vào ngày 19 tháng 3 năm 2025.
Ông Trạch trước khi bị bức hại và sau khi ông phải nhập viện do bị ngược đãi trong tù
Ông Trạch từng là kỹ thuật viên cao cấp tại Viện nghiên cứu lên men thực phẩm thành phố Thẩm Dương và Viện nghiên cứu thức ăn chăn nuôi tỉnh Liêu Ninh. Trước khi theo tập Pháp Luân Công vào năm 1996, ông đã bị viêm loét tá tràng nghiêm trọng, rối loạn tiêu hóa và viêm mũi teo, nhưng ông vẫn không thể từ bỏ thói nghiện thuốc lá và rượu mạnh của mình.
Nhờ tu luyện Pháp Luân Công, ông đã nhanh chóng từ bỏ những thói quen xấu này và lấy lại sức khỏe của mình. Cha mẹ và những người thân khác trong gia đình đã chứng kiến những thay đổi kỳ diệu của ông.
Chiểu theo các nguyên tắc đạo đức Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công, ông Trạch đã cố gắng trở thành một người tốt. Một lần, khi đang đi xe đạp, ông bị một chiếc ô-tô đâm văng lên không trung và rơi xuống đất. May mắn thay, ông không bị thương nặng. Ông đã không đổ lỗi cho người lái xe và để anh ta đi.
Năm 1997, viện nghiên cứu nơi ông làm việc bị đóng cửa và ông đã tìm được việc làm tại một công ty tư nhân. Ông vẫn trung thành với người quản lý mới của mình và từ chối những lời đề nghị hấp dẫn hơn.
Chín tháng bị giam giữ và tra tấn
Vào tháng 10 năm 1999, ba tháng sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, ông Trạch đã đưa cô con gái nhỏ của mình đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tập Pháp Luân Công. Khi bị cảnh sát bắt giữ, ông đã mỉm cười với họ và viên cảnh sát đã nới lỏng tay để ông rời đi.
Một lần khác, ông lại tới Quảng trường Thiên An Môn và giương cao tấm biểu ngữ có dòng chữ “Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Sau đó, ông rời đi mà không bị bắt, ông treo tấm biểu ngữ ở một cây cầu nhỏ và đi tàu về nhà.
Ông Trạch bị bắt lại vào tháng 1 năm 2004. Trong tthời gian bị giam giữ tại trại giam, cảnh sát đã thẩm vấn ông bằng các hình thức tra tấn dã man như đánh đập và sốc điện. Mỗi lần bị đưa trở lại trại giam sau khi buổi thẩm vấn, thân thể ông đều đầy các vết bầm tím và thương tích. Ngay cả những lính canh trại giam cũng phẫn nộ về sự tàn bạo của cảnh sát.
Sau đó, ông bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Trương Chi. Vài tháng sau, ông bị đưa trở lại trại giam và một đợt thẩm vấn nữa lại bắt đầu. Có lần ông bị đánh đập và sốc điện đến mức ngất xỉu. Khi tỉnh lại, ông thấy cảnh sát đang dọn vết máu trên mặt đất.
Ông Trạch bắt đầu tuyệt thực để phản đối. Phòng An ninh nội địa quận Thiết Tây đã tống tiền gia đình ông 2.000 nhân dân tệ và thả ông ra trong tình trạng trên bờ vực tử vong vào tháng 10 năm 2004.
Bị kết án 4 năm tù vì lắp đặt chảo vệ tinh
vào ngày 15 tháng 4 năm 2012, ông Trạch lại bị bắt vì lắp đặt chảo vệ tinh cho người dân địa phương để thu nhận tin tức không bị kiểm duyệt từ các phương tiện truyền thông nước ngoài. Các cảnh sát Chu và Cao Vĩ Lương thuộc Phòng An ninh nội địa quận Trầm Hà, và Thôi Ninh, Trưởng đồn cảnh sát đường Tân Hà, đã giật chìa khóa nhà ông Trạch và cố gắng đột nhập vào nhà ông. Vợ ông đã khóa trái cửa từ bên trong. Sau nhiều giờ giằng co, khoảng gần trưa, do cảnh sát định phá cửa xông vào nên bà đã buộc phải mở cửa. Sau đó, các cảnh sát đã ngay lập tức xông vào và lục soát nhà ông.
Con gái của ông Trạch, học lớp 8, đã cố gắng ngăn cảnh sát khỏi việc phá hoại nhà cô và tịch thu máy tính cùng các vật dụng cá nhân khác. Cảnh sát Cao đã đe dọa sẽ đánh cô bé. Cô hỏi họ tại sao họ lại bắt giữ cha cô và lục soát nhà cô. Cảnh sát trả lời rằng họ nghi ngờ cha cô tiết lộ bí mật quốc gia bằng cách lắp đặt các chảo vệ tinh.
Ngày hôm sau, vợ và con gái của ông Trạch đã đến Đồn cảnh sát đường Tân Hà để yêu cầu thả ông. Tuy nhiên, cảnh sát đã yêu cầu vợ ông ký vào bản thông báo tạm giam. Một cảnh sát còn cố che phần lớn nội dung trong thông báo, mà không cho bà đọc. Bà từ chối ký vào mẫu đơn và cảnh sát không cho bà biết địa điểm tạm giam ông Trạch. Sau một thời gian dài dò hỏi khắp nơi, cuối cùng họ mới xác nhận được rằng ông Trạch bị giam giữ tại Trại giam quận Trầm Hà.
Ông Trạch đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại và sức khỏe của ông suy giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, Phòng An ninh nội địa quận Trầm Hà vẫn từ chối thả ông và đã giam giữ ông tại một số bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Đa khoa Quân đội Chi nhánh Hồ Nam, Bệnh viện 242 (Bệnh viện trực thuộc thứ ba của Đại học Y Thẩm Dương) và Bệnh viện 739. Mỗi lần đưa ông đến bệnh viện, ông đều bị còng tay vào giường.
Sau đó, Phòng An ninh nội địa quận Trầm Hà đã trình trường hợp của ông Trạch lên Viện Kiểm sát quận Trầm Hà. Tòa án quận Trầm Hà đã xét xử ông cùng 2 học viên khác vào ngày 25 tháng 12 năm 2012. Chỉ có tổng cộng 3 người thân của các học viên được phép tham dự phiên tòa. Thẩm phán chủ tọa Tiêu Ngọc Linh đã kết án ông Trạch 4 năm tù và bà Mạnh Khương Kiệt cùng ông Khương Đức Tân mỗi người 6 năm tù. Ông Trạch đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp Thành phố Thẩm Dương, và thẩm phán Ngô Vịnh Mai đã ra phán quyết giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Mắc bệnh lao trong tù và qua đời 10 năm sau đó
Ngày 5 tháng 6 năm 2013 sau hơn một năm bị tạm giam, khi bị chuyển đến Trại tù mới tiếp nhận ở Thẩm Dương, ông Trạch đã trở nên mất năng lực và không thể ăn uống bình thường. Nhà tù từ chối tiếp nhận ông do tình trạng sức khỏe yếu, nhưng thay vì thả ông về, họ lại đưa ông trở lại trại tạm giam. Gia đình ông nhiều lần yêu cầu Cục Quản lý Nhà tù thả ông ra, nhưng đều không có kết quả.
Sau đó ông Trạch bị đưa vào Trại tù Đông Lĩnh ở Thẩm Dương và đến bệnh viện của trại tù. Sau khi uống thuốc do bác sĩ kê, thay vì cải thiện sức khỏe, ông lại bị tiêu chảy liên tục bất kể ăn gì.
Theo chỉ thị của các cai ngục Lý Trung, Trần Tiểu Hàn, Hàn Kế Quốc và Điền Chí, các lính canh tại Trại tù Đông Lĩnh đã tra tấn dã man các học viên Pháp Luân Công nhằm ép họ từ bỏ tín ngưỡng. Ông Trịnh Thọ Quân đã bị đánh chết ở đó. Ông Từ Đại Vĩ đã qua đời 13 ngày sau khi được thả. Ít nhất 7 học viên khác cũng đã chết do bị tra tấn trong tù, bao gồm ông Trương Hữu Tiến, ông Kim Tuấn Ba, ông Thiệu Minh Cương, ông Lý Chấn Đông, ông Lưu Hy Dũng, ông Trương Trường Cửu và ông Vương Trung Sinh.
Ông Trạch đã mắc bệnh lao do bị tra tấn và trong phổi ông tích tụ hơn 1.500 ml dịch. Trại tù vẫn từ chối thả ông và giam giữ ông trong khu cách ly. Từng là một người đàn ông lịch lãm, ông trở nên gầy gò và ốm yếu đến nỗi một cảnh sát đã sợ ông khi nhìn thấy ông tập tễnh đi qua hành lang với đôi nạng.
Trong khi đó, nhà tù vẫn tiếp tục cho ông dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến ông có cảm giác khó chịu kỳ lạ trong não mà không thể diễn tả thành lời. Ông nghi ngờ rằng nhà tù đang cố làm suy yếu ý chí của mình để ép ông từ bỏ Pháp Luân Công.
Sau 3 năm 7 tháng bị tra tấn, ông Trạch được thả vào tháng 11 năm 2015, năm tháng trước khi hết hạn tù. Ông đi lại rất khó khăn ngay cả khi phải chống nạng, và gia đình đã phải bế ông ra khỏi trạm giam. Các nhân viên Phòng 610 và nhân viên ủy ban dân cư đã buộc anh trai ông phải ký một số văn bản thay mặt ông.
Khi trở về nhà, bất kể ông Trạch được điều trị như thế nào, chức năng tiêu hóa của ông vẫn không thể phục hồi. Ông thường xuyên chán ăn và rất khó khăn trong việc ăn uống. Đồng thời, ông cũng bị đau tức ngực kéo dài và ho liên tục không dứt.
Bất chấp tình trạng của ông, cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu và theo dõi ông mỗi khi ra ngoài. Các thành viên trong gia đình ông cũng bị sách nhiễu. Cảnh sát thậm chí đã hủy bỏ hộ khẩu của ông và từ chối gia hạn căn cước công dân cho ông trừ khi ông ký vào bản tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công.
Sự đau khổ về thể xác và tinh thần vẫn tiếp tục hành hạ ông. Ngay cả khi ông đến bệnh viện để điều trị, họ cũng từ chối tiếp nhận ông, vì ông không có thẻ căn cước.
Năm 2020, ông Trạch bắt đầu cảm thấy đau ngực dữ dội, khiến ông mất ngủ suốt đêm. Năm 2022, ông bắt đầu nôn ra máu. Để có thể đưa ông đi điều trị tại bệnh viện, gia đình đã phải bế ông đến đồn công an, yêu cầu cảnh sát cấp thẻ căn cước cho ông, và cuối cùng họ đã làm.
Nhưng sức khỏe của ông Trạch đã bị tổn hại nghiêm trọng đến mức không thể cứu chữa. Ông hoàn toàn mất khả năng tự chăm sóc và không thể ăn được bất cứ thứ gì. Ông chỉ sống nhờ vào sữa đạm hoặc súp trứng, ngay cả thịt xay nhuyễn cũng không nuốt nổi. Cân nặng của ông liên tục giảm và ông chỉ còn da bọc xương khi qua đời vào ngày 19 tháng 3 năm 2025. Ông để lại vợ, con gái và một người cha già ngoài 90 tuổi.
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/6/5/495715.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/6/9/228426.html