Bài viết của Kỷ Trân Nghiên, phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 24-03-2023] Trong khi bão cát đổ bộ vào miền Bắc Trung Quốc, thì năm tỉnh phía Nam nước này đã hứng chịu những trận mưa đá lớn từ ngày 22 đến 23 tháng 3 năm 2023, trong đó có tỉnh Giang Tây và tỉnh Phúc Kiến. Một số hạt mưa đá to bằng nắm tay khiến nhiều người bị thương.
Trước khi mưa bão ập xuống thành phố Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, giữa ban ngày mà trời tối đen như mực khiến nhiều người dân sợ hãi. Ngoài ra, hôm 23 tháng 3 còn có động đất làm rung chuyển cả Tây Tạng và tỉnh Tứ Xuyên.
Hình trái: Mưa đá to bằng nắm tay ở năm tỉnh miền Nam Trung Quốc. Hình phải: Kính chắn gió bị hư hại do mưa đá ở Cám Châu, tỉnh Giang Tây
Tỉnh Giang Tây: Nhiều người bị thương
Mưa đá lớn đã tấn công hàng loạt tỉnh thành ở Trung Quốc từ ngày 22 đến 23 tháng 3, bao gồm tỉnh Chiết Giang ở phía Đông Trung Quốc cùng Giang Tây, Phúc Kiến, Quảng Tây và Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc. Xe cộ và cây trồng bị hư hại nặng, trong khi nhiều người dân bị thương.
Đài Quan sát Khí tượng Giang Tây đưa tin về một trận mưa đá lớn bất thường tại thành phố Cám Châu vào ngày 22 tháng 3. Mái của nhiều tòa nhà dân cư đã bị hư hại. Một số người già và trẻ em bị thương.
Video cho thấy có những hạt mưa đá to hơn quả trứng ngỗng và một số có kích cỡ bằng nắm tay. Trong đoạn video, mưa đá trút xuống dữ dội kèm theo gió giật mạnh. Chúng dội xuống đường phố và mái nhà với âm thanh kinh hoàng. Nhiều cửa kính xe ô tô và mái nhà bị hư hỏng. Rất nhiều cư dân bị thiệt hại về tài sản.
Ông Triệu ở huyện Thạch Thành, tỉnh Giang Tây nói với Epoch Times vào ngày 23 tháng 3: “Những hạt mưa đá lớn nhất to bằng cái bát. Một số bằng nắm tay và hầu hết có kích cỡ như quả trứng.” Nhiều người ở ngoài trời đã bị rơi trúng đầu và chảy máu. “Chúng tôi chưa bao giờ thấy một trận mưa đá nào to như thế ở đây. Thời tiết thật kỳ lạ,” ông nói thêm.
Một số người dân cho biết hạt mưa đá nặng, cứng và rất lâu tan. Nhiều mái nhà và phương tiện bị hư hại gây thiệt hại nghiêm trọng. Ông Triệu cho biết nhà kính của ông đã bị vỡ nát và cần dựng lắp lại. Hoa màu và rau trái ở các khu vực nông nghiệp cũng bị hư hại.
Tỉnh Phúc Kiến: Ban ngày tối như ban đêm
Sấm sét, mưa lớn và mưa đá đã tàn phá tỉnh Phúc Kiến vào sáng ngày 23 tháng 3. Trạm khí tượng Kiến Âu và sáu trung tâm thời tiết khác đã đưa ra cảnh báo màu cam về mưa bão. Ngoài ra, 32 trung tâm thời tiết đã đưa ra cảnh báo cấp độ cam về mưa đá và 23 trung tâm thời tiết đưa ra cảnh báo cấp độ cam về sấm sét.
Mưa như trút nước ở Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến vào hôm 23 tháng 3. Trước đó, vào khoảng 11 giờ sáng, trời đột nhiên trở nên tối sầm trong hai giờ, mây đen ùn ùn kéo đến kèm theo sấm sét. Cả thành phố chìm trong bóng tối, và theo nhiều người nó còn đáng sợ hơn cả màn đêm. “Chưa bao giờ thấy trận mưa lớn như thế này trước đây – và trời tối sầm lại nhanh như vậy. Thật đáng sợ!” một cư dân đã viết trên mạng xã hội Weibo.
Gió giật cấp 10 (gió mạnh) và cấp 11 (gió cận bão) đã được quan sát thấy ở các huyện Sa, Tam Minh, Vưu Khê và Cổ Điền của tỉnh Phúc Kiến. Ngoài ra, gió cấp 12 (gió bão) cục bộ đã được quan sát thấy ở Kiến Ninh, Minh Khê và Phúc Đỉnh. Sau đó dòng đối lưu nhanh chóng di chuyển về phía Đông, càn quét Hạ Môn và các khu vực lân cận.
Dòng đối lưu trong khí tượng học dùng để chỉ một vành đai thời tiết hẹp và đối lưu mạnh với diện tích nhỏ, tuổi thọ ngắn, áp suất không khí và gió thay đổi đột ngột. Khi có dòng đối lưu sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết cực đoan như hướng gió thay đổi đột ngột, cấp gió tăng, áp suất không khí tăng, và nhiệt độ giảm.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây với mưa đá làm hư hại các mái nhà. Theo Nhật báo Quảng Châu, tính đến 9 giờ 26 phút sáng ngày 23 tháng 3, cảnh báo màu cam đã được ban bố tại 7 thành phố và quận phía Bắc của tỉnh Quảng Đông. Người ta cũng dự đoán rằng Quảng Đông sẽ có đối lưu mạnh trên diện rộng (lượng mưa lớn trong thời gian ngắn, giông bão, gió mạnh và mưa đá) và lượng mưa lớn trong khoảng thời gian từ ngày 23 đến 25 tháng 3.
Tại tỉnh Quảng Tây, nơi có nhiệt độ gần 30°C, người dân đã rất ngạc nhiên khi thấy mưa đá và nhiều thành phố đã đưa ra cảnh báo màu cam.
Động đất ở Tây Tạng và Tứ Xuyên
Ngày 23 tháng 3, Cục Địa chấn Khu tự trị Tây Tạng phát hiện một trận động đất mạnh 3,3 độ Richter xảy ra lúc 16 giờ 44 phút với tâm chấn tại huyện Mặc Thoát, thành phố Lâm Chi, Tây Tạng (29,12 độ Vĩ Bắc; 95,69 độ Kinh Đông) dưới độ sâu 10 km.
Cùng ngày, Mạng lưới Động đất Trung Quốc cũng xác nhận một trận động đất mạnh 3,2 độ Richter xảy ra lúc 15 giờ 47 phút với tâm chấn tại huyện Kiền Vi, tỉnh Tứ Xuyên (29,37 độ Vĩ Bắc; 103,95 độ Kinh Đông) dưới độ sâu 8 km.
Bão cát kèm ô nhiễm không khí ở Bắc Trung Quốc
18 tỉnh ở miền Bắc Trung Quốc gần đây đã hứng chịu bụi và bão cát, trong đó có Nội Mông, Cam Túc, Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc. Mưa bùn cũng đã xuất hiện ở Trường Xuân (tỉnh Cát Lâm), Thẩm Dương (tỉnh Liêu Ninh) và Cáp Nhĩ Tân (tỉnh Hắc Long Giang). Không khí tràn ngập mùi bùn đất.
Ngoài ra, ô nhiễm không khí trên diện rộng do bụi mịn PM10 (hạt có kích thước dưới 10 micromet có thể hít phải) cùng với bụi cát đã được quan sát thấy ở Sơn Đông, Hà Nam, Sơn Tây, An Huy và các tỉnh khác. Trong số các khu vực này, Thanh Đảo, Tế Nam và Trịnh Châu có chất lượng không khí kém nằm ngoài biểu đồ.
Nhiều báo cáo khác cũng xác nhận rằng hơn 60 thành phố bị đã ô nhiễm với Chỉ số Chất lượng Không khí (AQI) có mã màu tím, nghĩa là PM10 trong khoảng từ 201 – 300, bao gồm Nội Mông và các khu vực phía Bắc và Đông Bắc Trung Quốc.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/3/24/458083.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/25/207813.html
Đăng ngày 26-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.