Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Úc

[MINH HUỆ 8-2-2018 ] Mặc dù rất chủ động trong việc phân phối các áp phích quảng bá Thần Vận, nhưng tôi không tự tin vào bản thân mình sẽ làm tốt công việc. Lúc mới bắt đầu, tôi đặc biệt lo lắng khi chỉ có thể treo một vài tấm áp phích mỗi ngày.

Một ngày hè nóng nực, tôi cảm thấy rất mệt và bất cứ cửa hàng nào tôi tiếp cận đều từ chối việc tôi treo áp phích. Một cửa hàng thậm chí còn không đồng ý tôi để lại bất cứ tờ rơi nào quảng bá chương trình.

Khi vào trong xe để lái về nhà, tôi phát hiện ra máy điều hòa không khí đã bị hỏng. Đến lúc về đến nhà, cả người tôi đã ướt đẫm mồ hôi.

Ngay khi tôi bước vào cửa, chồng tôi hỏi: “Hôm nay em đã treo được bao nhiêu tấm áp phích nào?” Tôi buồn đến mức không trả lời anh ấy.

Không để ý việc tôi đầm đìa mồ hôi, mệt mỏi và tâm trạng không vui, chồng tôi tiếp tục nói: “Các học viên khác nói rằng chúng ta chỉ nên phân phối áp phích ở những vùng chủ lưu, nếu không chúng ta có thể sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của Thần Vận.”

Tôi lập tức vặn lại: “Vậy sao anh không bước ra và treo các tấm áp phích? Anh chỉ nói mà không làm gì cả! Làm sao một mình em có thể treo được nhiều tấm áp phích đến thế chứ?”

Tôi giận dỗi trích dẫn lời Sư phụ giảng,

“Nếu chư vị ở địa phương đó chỉ là một người, thì Thần sẽ giúp chư vị làm việc đó thành công. Nếu địa phương đó có những người khác mà không góp sức, thì Thần tuyệt đối không cho phép, do đó chư vị ắt phải tới bảo mọi người đều ra làm.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Ngay khi tôi thốt ra những lời đó, ngay lập tức tôi biết mình đã sai. Sao tôi lại có thể dùng những lời giảng của Sư phụ để tấn công đồng tu chứ?

Sau bữa tối, tôi lấy lại bình tĩnh và học Pháp. Tôi nhớ rằng bất cứ khi nào gặp phải trở ngại thì đều nên xem xét bản thân để tìm ra nguyên nhân. Ai đúng ai sai không quan trọng.

Tôi nhận ra mình có tâm oán hận. Trên bề mặt, dường như là tôi sốt ruột việc treo nhiều tấm áp phích hơn. Nhưng khi xem xét động cơ của mình, tôi muốn chứng minh rằng nhiệm vụ của tôi là quan trọng nhất và tôi cũng có tâm tranh đấu khi muốn treo được nhiều và nhanh hơn.

Sư phụ giảng,

“Làm việc gì thì hãy làm nó cho tốt. Trong quá trình thực thi cái được nhìn là nhân tâm chư vị, chứ không nhìn bản thân sự thành công của chư vị. Trong quá trình chư vị thực hiện thì hãy cứu người ta! Trong quá trình chư vị thực hiện thì là quá trình chư vị tu luyện đề cao, đồng thời khởi tác dụng cứu độ chúng sinh! Không hề nói rằng chư vị thực thi việc đó thành công thì chư vị mới có thể khởi tác dụng cứu độ chúng sinh.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Khi đọc đoạn Pháp này, tôi cảm thấy như Sư phụ đang nói trực tiếp với mình. Chúng ta nên trân quý quá trình thực hiện hạng mục. Bất kỳ khó khăn hay trở ngại nào mà chúng ta gặp phải thì đều gắn liền với quá trình tu luyện.

Lần kế tiếp khi tôi đi ra ngoài, tôi cảm thấy rất mệt sau khi đi bộ vài con đường để phân phối áp phích và tờ rơi cho các cơ sở kinh doanh. Ngày hôm sau thời tiết thậm chí còn oi bức hơn, vì thế tôi đã có ý định sẽ nghỉ ở nhà. Nhưng ngay lập tức tôi nhớ ra mình đã đọc một bài viết trên Minh Huệ về một người bình thường hàng ngày đi làm bất kể thời tiết ra sao. Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp. Chẳng phải tôi nên có trách nhiệm và động lực cao hơn một người thông thường hay sao?

Vì vậy tôi tự nhủ mình phải mặc kệ cái nóng và sự khó chịu, hãy cố gắng lên. Ngày hôm đó tôi thực hiện khá tốt. Tôi đã dán được hơn một tá tấm áp phích!

Tâm tính của tôi đề cao lên mỗi ngày! Tôi vui vẻ cám ơn chủ cửa hàng khi họ để tôi treo các áp phích. Nếu chủ tiệm nào từ chối, dù gì tôi cũng sẽ mỉm cười với người đó.

Có một chủ cửa hàng rất thân thiện, vì vậy sau khi treo xong áp phích, chúng tôi đã nói chuyện với nhau. Tôi nói: “Có vẻ như mỗi ngày đều như nhau. Nhưng đôi khi anh có thể trải nghiệm một điều thật sự đáng nhớ và tuyệt vời.”

Anh ấy hỏi: “Làm cách nào?” Tôi lập tức nói: “Đi xem chương trình biểu diễn nghệ thuật Thần Vận! Anh sẽ không bao giờ quên được đâu!”

Anh ấy nói vài người bạn của anh nói rằng chương trình Thần Vận rất tuyệt vời. Sau khi chúng tôi nói chuyện được vài phút, anh ấy đã mua hai tấm vé đắt tiền nhất.

Một hôm khác, tôi đã bán được ba vé trong khi treo áp phích.

Sự thật là tiếng Anh của tôi không tốt nhưng tôi biết Sư phụ đang khuyến khích tôi. Tôi thật sự trải nghiệm điều mà Sư phụ đã giảng,

“Trong chúng ta thật sự có những vị làm rất là tốt, đàng hoàng đi khắp nơi các cộng đồng xã hội tốt [cao cấp], sau nói với người ta rất tự nhiên, [người ta] lập tức biểu thị ra rất là vui mừng, như thể vẫn đang đợi chư vị đến vậy. Trên thực tế chính là như thế, đều đã được trải thảm [chuẩn bị] tốt cả rồi.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)

“Chứng thực Pháp” nghĩa là gì? Tôi tin rằng nó có nghĩa là chúng ta nên làm theo những gì Sư phụ chỉ bảo.

Sư phụ giảng,

“…chư vị nên trân quý chính mình, chư vị rất xuất sắc. Chúng Thần đều đang trân quý chư vị. Hy vọng chư vị bước đi cho tốt [đoạn] đường sau này. Nhất là [những ai] chưa làm được tốt, cần vô cùng cẩn thận, cần quý tiếc thời gian còn lại.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền 2017)

Tôi để ý thấy rằng Sư phụ dùng từ “trân quý” ba lần trong một đoạn giảng Pháp. Tôi cảm thấy thông điệp rất rõ ràng; chúng ta nên trân quý cơ hội này và không nên bỏ qua nó, nếu không tâm chúng ta có thể sẽ ngập tràn tiếc nuối.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/2/8/360565.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/2/16/168273.html

Đăng ngày 23-3-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share