[MINH HUỆ 8-8-2017] Đối với người Trung Quốc, treo câu đối ngày Tết là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, Bí thư Đảng ủy tỉnh Liêu Ninh lại giận dữ khi nhìn thấy những câu đối có nội dung ca ngợi các giá trị truyền thống Trung Quốc và khuyến thiện trừ ác. Ông ta không những đã ra lệnh gỡ hết các câu đối đó xuống, mà còn chỉ đạo một đợt đàn áp mới đối với những người đã treo những câu đối này lên.

Câu đối Trung Quốc thường được viết theo lối thư pháp trên giấy đỏ. Một đôi câu đối gồm hai câu song song với nhau, mỗi câu là một vế, được treo dọc hai bên cửa chính, và phía trên cửa là một bức hoành phi được treo ở chính giữa. Câu đối hay đòi hỏi có sự đối lập rất chỉnh tề về ý nghĩa và ngôn từ. Ví dụ, “đen” đối với “trắng”, “lớn” đối với “nhỏ”, động từ đối với động từ, danh từ đối với danh từ, và màu sắc đối với màu sắc. Ví dụ về một câu đối Trung Quốc, vế trên có nội dung: “Mưa xuân nuôi dưỡng cây trồng tốt tươi”, vế dưới có nội dung: “Gió thu mang đến vụ mùa bội thu”, và thông điệp của bức hoành phi ở chính giữa là: “Bốn mùa thịnh vượng”.

Các câu đối truyền thống đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nổi giận

Đầu năm 2017, ông Lý Hy, Bí thư Đảng ủy tỉnh Liêu Ninh tới thăm thị trấn Điều Binh Sơn. Ông ta đã nhìn thấy trên cửa của một số ngôi nhà có dán các câu đối ca ngợi các giá trị truyền thống Trung Quốc, chẳng hạn như: “Tu tâm dưỡng tính gánh vác trọng trách; Hành thiện dung nhẫn tích lũy đức dày”, với bức hoành phi ở phía trên có nội dung “Đức dày gánh vác trọng trách”. Một câu đối khác có nội dung khuyến thiện: “Có buồn có vui, giữa buồn và vui thấy được chân tính; Không mất không được, giữa mất và được tu luyện nhân tâm” với thông điệp của bức hoành phi ở trên là “Mất chính là được”.

Ngày nay, nhiều người Trung Quốc không còn hiểu được ý nghĩa của các giá trị truyền thống này nữa. Nguyên nhân là do chế độ Trung Cộng đã phá hủy văn hóa truyền thống và tín ngưỡng, và thay thế chúng bằng việc theo đuổi tiền tài và các lợi ích vật chất.

Ông Lý Hy biết rằng có một nhóm người vẫn luôn gìn giữ và phát huy những giá trị này, đó là những người tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện cổ truyền của Phật Gia bị ĐCSTQ bức hại từ năm 1999.

Một đợt đàn áp tăng cường ở tỉnh Liêu Ninh

Ông Lý Hy lập tức triệu tập lãnh đạo thị trấn Điều Binh Sơn và thị trưởng thành phố Thiết Lĩnh (Điều Binh Sơn là thị trấn trực thuộc thành phố Thiết Lĩnh) và trực tiếp phê bình họ.

“Tại sao địa bàn của các ông lại không tuân theo chính sách của ĐCSTQ?” ông ta hỏi, ám chỉ tới việc các học viên Pháp Luân Công có thể dán các câu đối Trung Quốc lên cửa nhà họ với những thông điệp mà ĐCSTQ không thích.

Ông ta còn đe dọa sẽ xếp hạng thấp cho thành phố này khi diễn ra cuộc bình chọn “thành phố bảo vệ môi trường” của năm nay.

Các quan chức địa phương đã vô cùng sợ hãi. Thành phố Thiết Lĩnh đã phái Đội Cảnh sát Đặc nhiệm tới thị trấn Điều Binh Sơn để gỡ bỏ hết các câu đối có nội dung khuyên bảo con người coi nhẹ danh lợi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao tiêu chuẩn đạo đức.

Dưới sự can thiệp của Lý Hy, ngày 1 tháng 6 năm 2017, thị trấn Điều Binh Sơn đã tổ chức một hội nghị hành động nhằm quét sạch các ấn phẩm tuyên truyền phản đảng. Những người phát biểu tại hội nghị đã phỉ báng Pháp Luân Công. Họ đã đặt ra bảy cách thức cụ thể để bức hại những người tu luyện Pháp Luân Công, đồng thời quy định các biện pháp khen thưởng.

Ngày 20 tháng 4, cảnh sát đã bắt giữ phi pháp nữ học viên Pháp Luân Công, cô Ngải Diễm Tĩnh ở huyện Khang Bình, tỉnh Liêu Ninh. Ngày 29 tháng 5, cảnh sát đã bắt giữ hai học viên ở thị trấn Điều Binh Sơn là cô Bạch Tú Kiệt và cô Trịnh Á Bân. Chính quyền đã phê chuẩn lệnh bắt giữ đối với ba học viên này. Hiện nay, họ vẫn đang bị giam giữ phi pháp trong trại tạm giam.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/8/8/352215.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/5/165296.html

Đăng ngày 21-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share