Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 16-8-2017] Ngày 8 tháng 3 năm 2017, khi bà Đồ Hiểu Mẫn, bà Triệu Bình, bà Lý Thục Vân cùng bốn học viên Pháp Luân Công khác đang trên đường về Bắc Kinh thì bị chặn lại tại Trạm Kiểm tra Hoài Nhu thuộc Sương Hà khẩu. Sau khi được xác nhận là học viên Pháp Luân Công, họ đã bị bắt giữ, sau đó, người thì bị đưa đến Trại tạm giam Hoài Nhu, người thì bị đưa đến trại tạm giam Quận Thuận Nghĩa.

Bà Đồ, bà Triệu, bà Lý, bà Trần Xuân Hoa và ông Đàm Thủ Lễ đã được thả. Bà Thôi Quốc Mai đã bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Miếu Cửu Thần ở thôn Thiên Tiên Dục, quận Hoài Nhu và hiện chưa có thêm thông tin về nơi giam giữ bà sau này. Ông Vương Như Thắng đã bị chuyển đến trại tạm giam Bàng Sơn.

Bức hại tại trung tâm quản lý các vụ việc liên quan đến việc thực thi pháp luật Hoài Nhu, Bắc Kinh

Ngày 8 tháng 3, cảnh sát đã bắt giữ bảy học viên Pháp Luân Công này và đưa họ tới Trung tâm quản lý vụ việc liên quan đến việc thực thi pháp luật của Cục Công an Bắc Kinh chi nhánh Hoài Nhu. Điện thoại di động và vật dụng cá nhân của họ đều bị tịch thu, bao gồm mặt dây chuyền in các chữ về Pháp Luân Công, ổ đĩa USB và 500 nhân dân tệ tiền mặt.

Mỗi học viên bị thẩm vấn riêng. Bà Đồ bị đưa đến phòng thu thập thông tin, tại đó bà đã bị ép lấy dấu vân tay, chụp ảnh và lấy máu.

Khi bà Đồ từ chối hợp tác, Lý Ái Phong và các cảnh sát khác đã túm tóc, giữ đầu bà để chụp ảnh. Lý cũng túm chặt tay bà để một cảnh sát khác ghi lại dấu vân tay và lấy máu của bà. Trong cuộc vật lộn đó, ngón tay, cổ tay và bàn chân của bà đã bị chày xước và chảy máu.

Một cảnh sát nói: “Những chính sách mà chúng tôi tuân theo phát huy hiệu quả tốt hơn rồi đấy. Nếu là trước kia thì các bà hẳn đã bị đánh chết rồi!”

Lý nhặt điện thoại di động của bà Đồ lên, túm các ngón tay bà và cố gắng khống chế bắt bà phải mở mật khẩu điện thoại di động bằng nhận dạng vân tay nhưng không được.

Tối cùng ngày hôm đó, cảnh sát Lý và Lưu đã chất vấn bà Đồ. Bà đã không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của họ mà dùng thiện niệm để nói với họ về Pháp Luân Công và thuyết phục họ không tham dự vào cuộc bức hại này. Bà nói: “Cảnh sát các anh nên tập trung vào những tội phạm thực sự thay vì bắt giữ những người tốt tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn… bất cứ ai tham gia vào cuộc bức hại đều sẽ bị trời trừng phạt.”

Bà Đồ bị thẩm vấn trong phòng tạm giam liên tục mãi cho tới hai giờ sáng.

Bà Triệu và bà Lý cũng bị đưa đến đó sau khi bị thẩm vấn. Họ không được cung cấp đồ ăn hay nước uống.

Sáng hôm sau, cảnh sát đưa bà Triệu và bà Lý về nhà và tiến hành lục soát. Đối với bà Thôi, họ tịch thu túi xách rồi tìm chìa khóa nhà trong túi xách và đi thẳng đến nhà bà tiến hành lục soát mà không có bà cùng đi.

Đến tối, Lý Ái Phong và một viên cảnh sát khác quay trở lại và nói: “Đây, cầm lấy điện thoại di động của bà đi.”

Các học viên tưởng họ sắp được thả nên mỗi người đều cầm điện thoại của mình lên. Tuy nhiên, họ đã không được giữ điện thoại mà bị yêu cầu viết tên mình lên điện thoại rồi bỏ vào phong bì.

Đến đêm, năm nữ học viên này bị đưa tới một tòa nhà. Tại đó, một cảnh sát đã công bố quyết định tạm giam ba ngày đối với họ và yêu cầu các học viên ký tên vào bản quyết định. Các học viên đã từ chối ký tên. Sau ba ngày, họ bị giam giữ tiếp đến một tháng.

Đến khoảng 10 giờ đêm, bà Đồ và ba học viên khác đã bị đưa đến trại tạm giam Thuận Nghĩa và bà Trần bị đưa đến trại tạm giam Hoài Nhu.

Bị tẩy não tại trại tạm giam Thuận Nghĩa

Cổng vào của trại tạm giam Thuận Nghĩa

Bốn học viên bị đưa đến trại tạm giam Thuận Nghĩa vào tối ngày 9 tháng 3 bị ép kiểm tra sức khỏe khi đến nơi. Khoảng hai giờ sáng, họ bị giam biệt lập vào bốn phòng giam: bà Thôi ở phòng giam số 7, bà Lý ở phòng giam số 8, bà Đồ ở phòng giam số 9, và bà Triệu ở phòng giam số 10.

trại tạm giam Thuận Nghĩa coi đây là cách “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công. Mỗi học viên ở đó đều bị ép ký ba biên bản tuyên bố từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công. Nếu học viên nào từ chối ký thì những tù nhân cùng phòng giam với họ sẽ bị trừng phạt và bị kích động tham gia ngược đãi các học viên.

Các học viên bị tra tấn dưới nhiều hình thức như: còng tay hoặc xiềng chân; bị ép ngồi lâu trên mép tấm ván; bị hạn chế sử dụng nhà vệ sinh và không được mua đồ ăn, thay quần áo hay tắm rửa.

Những hình thức bức hại đối với bà Đồ Hiểu Mẫn

Bà Đồ Hiểu Mẫn, 54 tuổi, sinh ra ở tỉnh Quý Châu và có trình độ đại học. Bà bị đưa tới Phòng giam số 9 vào sáng sớm ngày 10 tháng 3. Tầm 8 giờ tối, khi Đội trưởng Mạnh Lộ và một lính canh khác đến điểm danh, bà Đồ đã không trả lời khi bị gọi tên. Mạnh Lộ đã lớn tiếng chửi bới và tuyên bố rằng cả 16 người ở Phòng giam số 9 sẽ bị trừng phạt và phải ngồi trên ván cả ngày hôm sau.

Trong khi ngồi trên ván, mỗi tù nhân phải ngồi bất động và ngay ngắn như lính trong quân đội, trong tư thế hai chân gập vuông góc với đầu gối và đặt song song với nhau, hai tay đặt lên hai chân. Họ không được nói chuyện. Trong phòng giam có một camera giám sát.

Việc tù nhân ngồi trên ván cả tiếng đồng hồ sau mỗi bữa ăn là chuyện bình thường ở trại giam này. Nhưng khi trở thành một hình thức trừng phạt thì việc ngồi lâu trên ván nghĩa là họ phải ngồi như vậy suốt cả ngày, chỉ trừ lúc ăn hoặc ngủ.

Ngày 11 tháng 3, sau khi ăn sáng, họ được lệnh phải ngồi trên ván. Bà Đồ bảo những người bị giam cùng phòng: “Hãy cứ làm mọi việc như bình thường. Đừng chấp nhận những bất kỳ hình thức trừng phạt thân thể nào.”

Nhưng không ai dám làm theo lời bà và tất cả đã tuân lệnh ngồi trên ván. Sau một hồi, họ không chịu đựng được sự đau đớn và bắt đầu đổ lỗi, chửi rủa bà Đồ. Một số người cố gắng thuyết phục bà nhượng bộ, một số người thì nguyền rủa bà, và một số khác thì khóc lóc. Họ đã trút toàn bộ sự đau đớn và nỗi oán hận của mình lên bà Đồ. Bà Đồ không muốn họ thù hận Đại Pháp nên sau đó đã đồng ý trả lời khi bị điểm danh.

Đêm hôm đó, lính canh đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với những người bị giam giữ khác nhưng lại bắt bà Đồ tiếp tục ngồi trên ván 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Một hôm, một lính canh nữ có tên Từ Hải Lâm đã đưa bà vào văn phòng. Khi bà Đồ khiếu nại về việc bị tra tấn thể xác, Từ Hải Lâm đã nói: “Nếu là tôi trực hôm đó, thì tôi đã cho các bà vào giường chết rồi.”

Từ ra lệnh cho bà Đồ viết bản “hối quá thư”. Cô lấy từ ngăn kéo của mình ra một tập giấy, vẫy vẫy nó trước mặt bà Đồ và nói: “Bà nhìn đây! Toàn là do các học viên Pháp Luân Công viết đấy.”

Cô ta dọa nạt: “Bà bị giam giữ ở đây bao lâu là tùy thuộc vào thái độ biểu hiện của bà đấy.”

Bà Đồ giải thích với viên lính canh này: “Tôi đã được hưởng lợi từ việc tu luyện Pháp Luân Công. Bệnh đau họng khiến tôi khó chịu bao năm nay đã biến mất sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Công. Hiện nay, tôi rất khỏe mạnh, cả về thể chất lẫn tinh thần. Tu luyện Pháp Luân Công không có gì là sai cả. Chúng tôi bị đưa đến giam giữ ở đây khi đi qua trạm kiểm soát trên đường cao tốc. Chúng tôi đã phạm tội gì chứ?”

Từ giẫn dữ quát lên: “Đừng có nói đạo lý gì với tôi! Đơn giản là bà có ký hay không nào?”

Bà Đồ đã quả quyết từ chối yêu cầu của Từ. Sau khi bà quay trở lại phòng giam, những người bị giam giữ cùng phòng bắt đầu cố gắng thuyết phục bà ký bản hối quá thư, mỗi ngày đều không ngừng gia tăng áp lực đối với bà.

Cuối cùng, khi đến giờ phải ngồi trên ván, thì tất cả những gì bà nghe thấy là những lời hăm dọa, nguyền rủa, những lời tục tĩu xen lẫn những lời thỉnh cầu từ hết người này đến người khác: “Xin hãy ký đi!” Một lính canh đã hỏi qua màn hình tại sao lại ồn ào quá vậy. Họ đã trả lời rằng tất cả mọi người đều đang thuyết phục bà Đồ ký bản hối quá thư. Lính canh sau khi nghe vậy thì im lặng không nói gì thêm.

Sáng ngày 16 tháng 3, Từ Hải Lâm và Mạnh Lộ đã tới Phòng giam số 9 và đứng bên cửa. Họ la mắng bà Đồ vì không nhớ quy tắc của trại giam. Những người bị giam cùng phòng là Phó Ái Hà và Dương Tuệ đã cùng chửi rủa và xúc phạm bà Đồ. Trong khi đó, Từ và Mạnh không có hành động gì để ngăn họ lại.

Từ Hải Lâm và Mạnh Lộ đã đưa bà Đồ đến văn phòng để thông báo quyết định của họ. Họ sẽ còng tay và xiềng chân bà trong 15 ngày với lý do bà đã nói với những người khác về Pháp Luân Công và luyện công trong phòng giam.

Với chiếc xiềng nặng hơn 45kg, bà Đồ phải quay trở lại phòng giam. Hàng lang đầy những âm thanh xiềng xích kéo lê trên sàn xi măng. Từ yêu cầu bà Đồ phải đi bộ thật chậm để những tù nhân khác nhìn rõ bà khi bà đi qua các phòng giam. Từ Hải Lâm trước đó đã từng sử dụng hình phạt này để răn đe những học viên Pháp Luân Công khác.

Bà Đồ tiếp tục phải ngồi trên ván khi bị cùm tay và chân. Một phụ nữ từ tỉnh Vân Nam đã bật khóc khi nhìn thấy cảnh tượng đó. Lo sợ sẽ bị chú ý, cô đã giấu mặt mình vào giữa hai cổ tay. Trưởng phòng giam đã miệt thị nói: “Ra đi. Cô có vẻ đồng cảm với bà ta nhỉ.”

Từ lúc bị còng tay, xiềng chân, bà Đồ cũng không được nghỉ nửa tiếng buổi chiều nữa.

Bà cũng không được uống nước hay sử dụng phòng vệ sinh nếu không được lính canh cho phép. Một lần, bà Đồ nói bà bị đau bụng và muốn sử dụng phòng vệ sinh nhưng lính canh đã từ chối yêu cầu của bà.

Bà Đồ đã bị bắt phải ngồi trên ván ngay sau mỗi bữa ăn. Thời gian ngồi trên ván của bà đã tăng lên là 13 tiếng một ngày.

Bà bị lính canh theo dõi mọi lúc qua một camera. Nếu nhúc nhích hay chân để không đúng vị trí thì bà sẽ bị lính canh la mắng.

Vào giờ ăn trưa, bà Đồ phải đứng trực hai tiếng đồng hồ tại hành lang. Xiềng chân gây ra rất nhiều tiếng ồn và quấy rầy người khác khi bà di chuyển, bởi vậy, bà đã phải đứng bất động ở hành lang. Cho dù là bà phải ngồi trên ván hay phải đứng ngoài hành lang thì đối với bà, từng giây từng phút đều là sự tra tấn. Bà trở nên tiều tụy, kiệt quệ và mất sức.

Từ Hải Lâm nhiều lần hỏi bà Đồ xem bà có thay đổi ý định và quyết định ký tên vào bản hối quá thư không nhưng lần nào bà Đồ cũng từ chối. Một hôm, Từ nói với bà: “Nếu bà không viết hối quá thư thì viết bản tuyên bố hứa từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công vậy nhé?”

Bà Đồ một mực từ chối. Từ Hải Lâm nói: “Vậy thì bà sẽ phải đeo cùm và xiềng cho đến tận ngày 31 tháng 3.”

Một hôm, trong khi bà Đồ đang ngồi trên ván, các tù nhân nói rằng các quan chức từ viện kiểm sát địa phương đang đến thăm và đang đi qua hành lang. Bà Đồ đứng dậy và gọi các viên chức khi họ xuất hiện ở trước cửa phòng giam của bà. Bà than phiền với một quan chức có tên Trịnh về những chuyện đã xảy ra với bà. Nhưng ông Trịnh tỏ ra thờ ơ và nói một cách ngạo mạn: “Bà thích nhiều chuyện và muốn gặp rắc rối phải không? Vẫn chưa hết thời hạn, đúng không?”

Mỗi đêm, lần lượt từng người bị giam giữ phải báo cáo với lính canh như sau: “Tôi khỏe. Mọi việc đều bình thường. Cảm ơn.”

Ngay cả khi mọi việc không ổn thì cũng không ai dám nói là “Không có gì ổn hết”.

Bà Đồ đã nhiều lần báo cáo lại những gì phải chịu đựng: “Tôi thấy khó chịu ở vùng ngực và lưng, chân và hông của tôi bị đau do phải ngồi lâu trên ván.”

Mạnh Lộ trở nên giận dữ và chửi rủa bà: “Đó là hình phạt dành cho bà!”

Các báo cáo hàng đêm đều được ghi lại nhưng bản ghi âm sẽ được dừng lại khi những người bị giam giữ nói những lời bất lợi hoặc khi lính canh mắng chửi người bị giam giữ.

Bà Đồ phải đeo còng tay và xiềng liên tục cho đến ngày 31 tháng 3. Trong suốt 28 ngày ở trại tạm giam Thuận Nghĩa (từ ngày 10 tháng 3 đến ngày 8 tháng 4), bà bị bắt phải ngồi trên ván tổng cộng 20 ngày, mỗi ngày từ 12 đến 13 tiếng đồng hồ.

Một người bị giam giữ kể lại sự đau đớn khi phải ngồi trên tấm ván: “Kể cả có được trả 5 triệu nhân dân tệ thì tôi cũng không chịu được.”

Trong 15 ngày, bà Đồ bị còng tay và xiềng chân khi ngủ trong bộ đồ cốt-tông. Tất cả các tù nhân đều phải ngủ trên một tấm ván lớn, đông đúc, chật chội đến nỗi bà chỉ còn đủ chỗ để nằm nghiêng. Để không làm phiền người khác vào ban đêm, bà đã phải uống thật ít nước.

Bà Đồ không được giặt quần áo hay tắm rửa. Bà chỉ có vài phút, đôi khi chỉ một phút được sử dụng nhà vệ sinh. Thời gian rửa mặt thậm chí còn ít hơn nữa. Bà phải làm ướt khăn sau đó rửa mặt qua loa. Một lần, trong lúc vội, bà bị kẹp tay ở cửa nhà vệ sinh.

Sau gần 12 ngày không đi vệ sinh, bà Đồ đã bị táo bón nghiêm trọng. Bà bị chảy máu trực tràng và phải dùng ngón tay để lấy phân ra. Trong những ngày phải ngồi trên ván, bà không được mua đồ ăn.

Tháng ngày bị ngược đãi đó khiến bà đau đớn và thống khổ cùng cực, cả về thân thể lẫn tinh thần. Bà cho rằng hai tù nhân tích cực ngược đãi bà nhất đã gặp báo ứng: Phó Ái Hà ngày đầu tiên bắt đầu chửi rủa bà Đồ liền bị tiêu chảy và vụ án hình sự của bà ta bị điều tra lại. Dương Tuệ, người đã lớn tiếng chửi rủa bà Đồ giờ đây hàng ngày đều bị đau chân và huyết áp cao.

Sau đó, Dương Tuệ có hỏi bà Đồ có thù hận mình không. Bà Đồ trả lời: “Không, tôi thực sự không thù ghét cô nhưng hành vi tội lỗi của cô sẽ tăng thêm nghiệp lực cho chính cô.”

Những hình thức bức hại đối với bà Triệu Bình

Bà Triệu Bình 51 tuổi, sinh ra ở Bắc Kinh. Ngay khi bà bị đưa đến trại tạm giam, kết quả khám sức khỏe cho thấy huyết áp của bà tăng cao. Một lính canh đã yêu cầu bà dùng thuốc. Bà nói: “Tôi không bị bệnh gì hết. Tôi sẽ ổn chừng nào tôi còn tu luyện Pháp Luân Công.” Song, bà không được tập luyện Pháp Luân Công trong trại tạm giam. Hơn nữa, bà còn bị lính canh chửi rủa.

Ngày 9 tháng 3, Triệu Lỵ, một viên chức phòng giám sát đã đưa bà vào văn phòng. Bà Triệu giải thích: “Chúng tôi ra ngoài đi công chuyện như thường lệ, nhưng lại bị bắt và giam giữ không có lý do. Cảnh sát đã vi phạm thủ tục pháp lý. Họ đã vi phạm luật.”

Triệu Lý đã in ra một đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của họ và yêu cầu bà ký tên. Bà Triệu nhận thấy rằng nhiều từ trong bản khai không phải là những lời bà nói nên đã từ chối ký tên.

Mấy hôm sau, Triệu Lỵ gọi bà Triệu lên văn phòng cô ta một lần nữa và yêu cầu bà Triệu viết hối quá thư. Triệu Lỵ đe dọa bà: ”Bà đã ở trại lao động cưỡng bức nên hẳn là bà đã hiểu rõ những phương pháp chuyển hóa các học viên Pháp Luân Công rồi chứ.”

Bà Triệu đáp: “Vậy thì chúng ta hãy kết thúc cuộc nói chuyện này.”

Triệu Lỵ sau đó đã xiềng chân và cùm tay bà.

Sau khi bà Triệu bị đưa trở lại phòng giam, Triệu Lỵ đã trừng phạt tất cả các tù nhân và kích động họ uy hiếp bà Triệu và nguyền rủa Đại Pháp và người sáng lập pháp môn. Một tù nhân quá kích động, không thể tự kiểm soát bản thân và đã ngã bệnh. Lính canh đe dọa bà Triệu: “Tôi không thể đảm bảo là họ sẽ không có thái độ hung hăng đối với bà.”

Bà Triệu liên tục phản đối Triệu Lỵ và đội trưởng Mạnh Lộ. Bà cũng yêu cầu có một cuộc họp với công tố viên Trịnh Ngọc Bân. Tuy nhiên, Triệu Lỵ và Mạnh Lộ trả lời: “Bà có nghĩ là bà có thể gặp công tố viên bất cứ khi nào bà muốn sao?”

Bà Triệu bị xiềng chân và còng tay suốt 24 giờ mỗi ngày. Bà buộc phải xin phép lính canh khi làm bất cứ một việc gì, kể cả đi vệ sinh và uống nước, chỉ trừ việc ăn và ngủ. Trong thời gian này, bà không được mua đồ ăn hay nghỉ giải lao.

Bà Triệu có biểu hiện cao huyết áp nặng hơn. Để các quan chức trại tạm giam được miễn trách nhiệm trong trường hợp bà bị ốm, ngày 18 tháng 3 bà đã được thả để điêu trị y tế.

Những hìnhthức bức hại đối với bà Thôi Quốc Mai

Bà Thôi Quốc Mai, ngoài 40 tuổi, sinh ra ở Thôn miếu Lưu Ly, quận Hoài Nhu, Bắc Kinh. Ngày 10 tháng 3, bà bị đưa đến Phòng giam số 7 của trại tạm giam Thuận Nghĩa. Vào ngày đầu tiên, bà bị tra tấn dưới hình thức giường chết vì không chịu còng tay khi ra khỏi phòng giam.

Lính trực ca lúc đó đã gọi ba lính canh nam đến. Họ trói bà vào tấm ván, còng tay và xiềng chân bà và buộc cơ thể của bà trên cây thập tự. Sau đó, họ đóng đinh vào ván để cố định tay, chân bà, để bà không nhúc nhích được. Sau đó, họ rời đi, để mặc bà trong tư thế ấy trong ba ngày ba đêm.

Bà không được dùng nhà vệ sinh hay đi bất cứ đâu. Bà phải ăn, uống và đi vệ sinh ngay trên giường. Thân thể bà bị các tù nhân khác lạm dụng. Phòng giam đầy mùi hôi thối.

Lính canh bảo các tù nhân khác rằng mọi rắc rối đều là do các học viên Pháp Luân Công gây ra, để từ đó kích động thù hận khiến họ gây sức ép với bà Thôi.

Thời tiết tháng 3 ở Bắc Kinh rất lạnh. Họ để mặc bà Thôi không manh áo và không được đắp chăn. Ba ngày sau, khi bà được tháo còng tay và xiềng chân, chân tay bà không cử động được. Ba tù nhân đã phải khiêng bà xuống giường.

Sáng ngày 8 tháng 4, ngay khi bà Thôi được thả khỏi trại tạm giam Thuận Nghĩa, các nhân viên Phòng 610 địa phương, Ủy ban Chính trị và Pháp luật, đồn cảnh sát, chính quyền thị trấn và đại đội thôn đã cùng đưa bà tới một trung tâm tẩy não địa phương ở Phòng 610 quận Hoài Nhu, Bắc Kinh. Bà đã bị giam bốn ngày tại trung tâm tẩy não này. Tại đó, bà bị bắt xem những video tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Khi bà không chịu xem, cảnh sát lại sử dụng hình thức tra tấn giường chết đối với bà.

Danh sách thủ phạm:

trại tạm giam Nễ Hà, quận Thuận Nghĩa, thành phố Bắc Kinh: +86-10-69402535, +86-10-69404075, +86-10-69401575, +86-10-69401364, Quản lý trưởng: Tôn Thủ Đông, Phó quản lý: Bành Đại Hổ, Triệu Quốc Lợi, Liễu Phái Sơn, Đông Hiểu Đông

Các lính canh trại tạm giam Thuận Nghĩa: Mạnh Lộ, Triệu Lỵ và Từ Hải Lâm

Vương Kim Long, cảnh sát trại tạm giam Thuận Nghĩa, Trương Vĩnh Quân: dự thẩm Trung tâm điều tra trại tạm giam: +86-10-69402007, máy lẻ 1101, +86-10-69402978


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/8/16/352577.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/9/4/165287.html

Đăng ngày 21-9-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share