Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc
[MINH HUỆ 7-2-2017] Từ khi tu luyện đến nay, tôi vẫn luôn không vượt qua được tốt những quan tâm tính liên quan đến chồng mình. Khi hướng nội tìm, tôi cũng biết mình có tâm coi thường anh ấy, tâm oán hận, tâm chỉ trích, tâm tranh đấu, v.v. Mặc dù đã tu bỏ rất rất nhiều rồi, nhưng tôi thường cảm thấy sâu trong tâm vẫn tồn tại, chưa tống khứ sạch đi được. Cho nên khi gặp quan cần phải buông bỏ những tâm này, tôi có lúc vượt qua được, có lúc không vượt qua được. Sau đó bản thân cũng cảm thấy rất hối hận, cảm thấy mình quá kém cỏi, vì tôi là đệ tử tu luyện đã được 20 năm rồi.
Tôi bắt đầu học thuộc Pháp, một hôm học đến đoạn này:
“Tâm tính chư vị tu lên rồi; chẳng hạn như tại nơi người thường, người khác [nhục] mạ chư vị một câu, chư vị chẳng nói gì, tâm chư vị thật thản nhiên; đánh chư vị một đấm, chư vị cũng chẳng nói chi, chỉ mỉm cười, bỏ qua; [đó là] tâm tính chư vị đã lên rất cao.” (Chuyển Pháp Luân)
Trước đây khi đọc Pháp, khi đọc qua đoạn này, trong tâm tôi nghĩ rằng nếu có ai đánh mình, chửi mắng mình, thì mình sẽ không nói gì, chỉ mỉm cười bỏ qua. Ví dụ như khi đi giảng chân tướng, khi bị người khác mắng chửi, tôi thực sự bất động tâm. Ở trung tâm tẩy não vì không chịu “chuyển hóa”, tôi bị những người phản bội chửi rủa, sỉ nhục là chuyện như cơm bữa, tôi cũng không thèm để ý, chỉ cảm thấy họ thật đáng thương. Nhưng hôm nay khi học thuộc nhiều lần đoạn Pháp này, tôi đột nhiên ngộ được rằng: bình thường khi gặp ma sát về tâm tính giữa đồng tu với nhau, đặc biệt là mỗi khi chồng tôi vô cớ la mắng tôi, nói những lời khiến tôi cảm thấy đau thấu tim gan, liệu có có lúc nào tôi không nói gì hay thản nhiên bỏ qua không? Có lúc nào làm được mỉm cười mà bỏ qua không? Ngẫm lại thì hầu như chưa bao giờ làm được. Cho dù không nói câu gì, thì trong tâm vẫn phẫn nộ bất bình. Bao nhiêu năm qua tôi đã đọc đoạn Pháp này biết bao nhiêu lần mà chưa từng đối chiếu với bản thân. Nhưng hôm nay khi đối chiếu với bản thân, tôi đã giật mình. Đừng nói là chửi mắng hay đánh, người ta chỉ cần nói một câu khó nghe tôi cũng khó chịu rồi, tôi luôn biện giải cho bản thân.
Nguyên nhân sâu xa chính là tâm không chính, không coi mình là người luyện công. Tôi thường dùng cái đúng sai, thị phi của con người mà nhìn nhận vấn đề, không nhảy ra khỏi được cái lý của người thường. Sư phụ từng giảng:
“Hãy nhớ kỹ, Lý ở con người là phản lại” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada 2006)
Nhưng tôi vẫn ở trong cái phản lý này mà đánh giá đúng sai, đây chẳng phải là giống người thường sao? Ít nhất thì về vấn đề này tôi vẫn chưa đề cao lên được. Nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi con người để trở thành Thần, chẳng phải trong mọi vấn đề đều phải nhảy thoát ra khỏi nhận thức của con người sao? Đó mới là người tu luyện giác ngộ, là bậc Giác Giả. Nếu tôi muốn mình trở thành Giác Giả, sao lại có thể cãi lý với người thường chứ? Sau khi minh bạch được Pháp lý này, tôi đã chuyển biến quan niệm. Khi bị chồng hoặc đồng tu nói lời khó nghe, lúc định đáp lại, lời đã ra đến miệng tôi bèn nuốt vào trong, đầu tiên phải làm được “không nói gì”. Lúc đầu mặc dù trong tâm có chút không thoải mái, thậm chí trong tâm vẫn còn biện giải cho bản thân, nhưng dần dần trong tâm tôi ngày càng bình tĩnh lại.
Một buổi chiều, tôi tới nhà một vài đồng tu để làm một số việc. Cuối cùng đến nhà một đồng tu đang trong tình trạng nghiệp bệnh trường kỳ, đồng tu rất phiền não, vừa kể ra nỗi khổ tâm của mình vừa rơi lệ. Tôi liền chia sẻ với đồng tu dựa trên Pháp, rồi sau khi phát chính niệm lúc 6 giờ tối xong mới ra về, về đến nhà đã 7 giờ tối rồi.
Tôi vừa bước vào cửa, chồng tôi đã hai mắt trừng trừng, xông tới la mắng tôi một trận, mắng tôi về nhà muộn, không quan tâm đến gia đình, không chịu nổi tôi nữa rồi, và đòi ly hôn, v.v.…, nói một loạt những câu rất khó nghe. Bất ngờ hơn, anh ấy còn gọi điện cho người mẹ già của tôi đã ngoài 80 tuổi đang mắc bệnh tim, cao huyết áp, bảo mẹ tôi hãy dạy dỗ tôi, nói rằng tôi cả ngày không về nhà (kỳ thực tôi mới ra ngoài lúc 2 giờ chiều). Vì anh chị em nhà tôi đều tu luyện Đại Pháp, đều bị bức hại nghiêm trọng, cho nên mẹ tôi luôn sống trong lo lắng thấp thỏm, luôn luôn lo lắng chúng tôi lại gặp bất trắc. Mẹ tôi vừa nghe điện thoại của chồng tôi đã sợ đến mức lập tức gọi điện thoại cho hai em gái tôi và nói: “Chị con có chuyện rồi, làm thế nào bây giờ?” Việc này lập tức khiến cho mấy gia đình phải kinh động. Tôi vừa vào nhà thì bất thình lình gặp những chuyện này, hết sức bất ngờ. Em gái tôi gọi điện đến, thấy tôi vẫn ở nhà và không gặp vấn đề gì mới thở phào nhẹ nhõm, bảo tôi lập tức gọi điện thoại về cho mẹ và em gái để báo rằng tôi vẫn bình an.
Gọi điện thoại cho mẹ và em gái xong, tôi mới ngồi xuống nghe những lời chỉ trích, oán hận và la mắng của chồng. Lần này đối diện với cơn giận dữ như sấm sét của chồng, tâm tôi bình tĩnh lạ thường, không một chút oán hận nào, một câu cũng không tranh luận, giải thích. Tôi coi mình là người luyện công, im lặng lắng nghe, vừa nghe vừa hướng nội tìm: là tôi đã sai, anh ấy đã lo lắng cho tôi nên mới nổi giận như vậy, sau này nếu về nhà muộn thì tôi nên gọi điện thoại nói với anh ấy một câu. Mặc dù mình không mang điện thoại nhưng có thể mượn điện thoại của ai đó để gọi, vậy thì có thể giải quyết được vấn đề thôi, sao mình không nghĩ đến việc này nhỉ. Sư phụ bảo chúng ta một chút việc nhỏ cũng phải nghĩ cho người khác, nhưng trong tâm tôi rất ít khi nghĩ cho anh ấy, luôn cho rằng mình làm việc chứng thực Đại Pháp là việc chính đáng nhất, thì anh phải ủng hộ, anh không được phản đối, không được can nhiễu. Cho nên tôi chưa từng nghĩ đến cảm giác của anh ấy, không đứng từ góc độ của anh ấy mà thấu hiểu, tôi cứ muốn gì làm nấy.
Sư phụ từng giảng cho chúng ta:
“Trên thực tế, cuộc sống của đệ tử Đại Pháp và sự tu luyện là tựa như một mắt xích cùng với một mắt xích gắn chặt với nhau” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009)
Bình thường tôi là một người khá qua loa cẩu thả, thường không để tâm đến một số việc nhỏ trong cuộc sống, cũng thường xuyên không nghiêm khắc yêu cầu bản thân để ý đến những việc nhỏ này, cho nên chồng tôi thường xuyên la mắng tôi vì những chuyện vặt vãnh như: đi vệ sinh xong quên không tắt đèn, sàn nhà còn dính nước, ăn cơm không cẩn thận làm rơi vãi hạt cơm v.v. Mỗi khi gặp chuyện như vậy, tôi đều nói rằng anh ấy càu nhàu chẳng giống một trang nam tử chút nào, trong tâm còn thấy coi thường anh. Bây giờ tôi mới hiểu rằng Sư phụ đang lợi dụng lời nói của anh ấy để điểm hóa cho tôi phải tu bản thân từ những việc nhỏ này. Tôi đã không cảm ơn lại còn oán hận anh ấy, điều này có đúng không?
Nghĩ đến đây, tôi vô cùng chân thành xin lỗi anh ấy: “Đều là em sai, em không có nghĩ cho anh, khiến anh phải vì em mà lo lắng, lần sau nếu về nhà muộn em nhất định sẽ gọi điện thoại báo cho anh một câu, anh đừng giận em nữa, lần sau em nhất định sẽ chú ý”. Chồng tôi nghe xong dần dần hết giận. Tôi thấy anh ấy hết giận rồi mới nói với anh: “Em đi đến nhà chị mà đã từng giúp đỡ chúng ta, chị ấy bị nghiệp bệnh thời gian dài rất khổ sở, vì thế em ngồi lại lâu hơn một chút”. Chồng tôi nghe xong cũng không nói lời nào nữa. Hôm sau vừa ngủ dậy, chồng tôi đã nói lời xin lỗi tôi, việc hôm qua anh ấy đã sai, không nên nổi giận như vậy, càng không nên gọi điện thoại cho mẹ tôi, khiến mẹ càng thêm lo lắng. Anh ấy cũng bảo tôi mau gọi điện lại cho mẹ để anh ấy xin lỗi mẹ. Tôi nói: “Không sao đâu, đều là em không tốt, là do em gây ra, sau này em nhất định sẽ chú ý, dù làm việc gì cũng phải nghĩ cho người khác, lúc nào cũng không được quên tu bản thân”. Chồng tôi vẫn kiên quyết gọi điện thoại xin lỗi mẹ.
Từ đó trở đi chồng tôi đã cải biến, dẫu tôi có về muộn anh ấy cũng không một chút oán giận, có khi còn chủ động làm một chút việc nhà trong khả năng của mình. Tôi cũng cố gắng về nhà để kịp nấu ăn, không để ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của gia đình.
Một lần một đồng tu đi về vùng nông thôn phát tài liệu bị bắt, chúng tôi chuẩn bị đi ứng cứu. Nhưng nếu đi thì buổi trưa không thể về kịp, nên tôi về nói chuyện với chồng, đây là lần đầu tiên tôi bàn bạc, hỏi ý kiến chồng với thái độ rất tôn trọng anh ấy. Tôi nói: “Nếu em đi thì buổi trưa anh ăn cơm thế nào? Nếu anh không đồng ý thì em sẽ không đi nữa, em ở nhà làm việc khác cũng được”. Chồng tôi thấy thái độ tôn trọng của tôi, còn hỏi ý kiến anh ấy, không như trước đây vốn không coi trọng, không quan tâm đến cảm nhận của anh ấy, nên rất cảm động, dường như lần đầu tiên cảm nhận được vai trò quan trọng của người chồng. Anh ấy cảm động nói với tôi: “Em nhất định phải đi, khi em bị bắt đến trung tâm tẩy não, những đồng tu đó đã ứng cứu em ra sao, ai có tiền thì góp tiền, ai có sức thì góp sức, còn mời luật sư cho em, họ coi em như người nhà vậy, thái độ của họ khiến anh rất cảm động. Lần này đồng tu bị bắt, sao em có thể không đi được. Không những em phải đi mà anh cũng đi, anh biết lái xe, lại cũng biết đường nữa”. Tôi nghe xong vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, thái độ của chồng tôi quả thật ngoài dự tính của tôi. Tôi nói: “Vậy thì tốt quá, vừa hay chúng em có một đồng tu mới học lái xe, lại không thuộc đường nữa, đang lo không biết có đi được không. Mai anh đi cùng với anh ấy nhé, 6 giờ 30 sáng đến nhà một đồng tu khác để đợi anh ấy”.
Nói xong, chúng tôi đều vui mừng khôn xiết, trước nay chưa từng có niềm vui như vậy. Trước đây dù là việc lớn nhỏ, tôi nói thế này thì anh ấy nói thế khác, cứ luôn đối đầu nhau. Giờ đây khi tôi chuyển biến quan niệm thì chồng tôi cũng thay đổi.
Trước đây tôi luôn khổ não vì quan tâm tính với chồng mãi không vượt qua được, qua lần học thuộc Pháp này, khi tôi thực sự hướng nội tìm, chuyển biến quan niệm người thường, quy chính bản thân trong Pháp thì chồng tôi cũng thay đổi. Điều này khiến tôi thấy được uy lực của Pháp, sức mạnh của thiện tâm. Đồng thời tôi cũng thể ngộ được niềm vui và sự kỳ diệu của tu luyện, qua đó cũng giúp tôi tăng cường tín tâm với tu luyện và tín Sư tín Pháp. Để tu thành bậc Chính Giác vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã, trước đây tôi không có tín tâm, luôn cảm thấy tiêu chuẩn cao quá không với tới được, hiện giờ tôi đã có tín tâm rồi, biết rằng làm thế nào có thể đạt được cảnh giới như vậy, thật giống như điều Sư phụ nhiều lần nhắc nhở trong các lần giảng Pháp:
“Làm việc thì nghĩ đến người khác, gặp mâu thuẫn thì nghĩ đến bản thân mình” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế Washington DC năm 2009)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/2/7/向内找-法中修-观念转-丈夫变-342541.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/2/14/162186.html
Đăng ngày 31-3-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.