Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 8-8-2016] Bạn nghĩ rằng các học viên Pháp Luân Đại Pháp bị giam giữ trong các nhà tù của chính quyền Trung Quốc không có tự do, nhưng nếu chúng ta tuân theo các yêu cầu của Sư phụ, không sợ hãi hay thoả hiệp, thì nhất định sẽ có con đường tu luyện cho chúng ta đi.
Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1994, và luôn luôn chú trọng việc học Pháp. Tuy nhiên, từ khi tôi trở thành một điều phối viên cho một điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng, tôi đã trở nên bận rộn với công việc và buông lơi việc học Pháp.
Chấp trước người thường bắt đầu xuất hiện và tôi không thể thực hành theo Pháp. Kết cục là tôi toàn hướng ngoại, và dễ dàng bị cuốn vào các mâu thuẫn và tranh luận. Tôi trách móc các đồng tu đang phải trải qua khảo nghiệm và khổ nạn, và tôi đã rớt xuống tầng của người thường.
Hơn một tháng sau, tôi và một đồng tu bị đưa đến một trại tạm giam.
Tôi nhớ trước đó tôi cũng đã từng bị đưa đến một trại tạm giam khi tôi đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Tôi đã tuyệt thực để phản đối bởi tôi không có tội. Lúc đó tôi đã buông bỏ được chấp trước vào sinh tử, và trong tâm tôi chỉ giữ một niệm duy nhất: bảo vệ Đại Pháp. Tôi đã lấy hết sức bình sinh để hét to lên rằng: “Sư phụ của tôi không sai! Đại Pháp không sai! Con đường tu luyện của tôi không hề sai!”
Trưởng cai ngục của trại tạm giam bình thường rất tàn ác đã rơi nước mắt. Tôi đã được thả ra trong ngày hôm đó.
Nhưng lần này, quan niệm người thường của tôi đã ngăn cản tôi được thả tự do. Tôi cũng tuyệt thực giống như trước, với suy nghĩ rằng tôi sẽ được thả ra khi sự sống của tôi trở nên mong manh. Tôi đã không đứng lên vì Đại Pháp, cũng không giảng thanh chân tướng cho lính canh hoặc tù nhân. Một lính canh nói với tôi: “Dù sống hay chết, cô cũng sẽ không được thả ra.”
Tôi biết rằng Sư phụ là người quyết định số phận của tôi, nhưng tôi lại không phủ nhận lời nói của viên cai ngục kia. Tôi không có tâm thái của một học viên và kết quả là tôi bị đưa vào tù.
Phủ nhận sự an bài của Cựu thế lực
Đầu tiên, tôi bị đưa đến “Khu giam giữ tập huấn” ở trong tù vì tôi đã từ chối từ bỏ đức tin của mình. Các lính canh ra lệnh cho một số tù nhân đánh đập tôi vô cùng tàn ác cho đến khi tôi bị co giật và ngã xuống đất. Sau đó tôi bị buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhỏ từ 5 giờ sáng cho đến tận 9 giờ 30 tối.
Ngồi hàng giờ trên một chiếc ghế nhỏ thật sự là một sự tra tấn tàn khốc, mông của tôi bắt đầu bị mưng mủ, bị viêm nhiễm, khiến cho tôi không thể chịu đựng nổi. Những lời nhục mạ không ngừng nhắm vào tôi càng làm tôi đau đớn hơn.
Lúc đó trong tôi đầy ắp quan niệm người thường và sợ hãi. Tuy nhiên, bất kể hàng ngày tôi bị bức hại như thế nào, tôi vẫn tiếp tục học thuộc Pháp và phát chính niệm. Dần dần, tôi bắt đầu chủ động phản bức hại và vạch trần sự ngược đãi tàn bạo này cho các quan chức nhà tù và thanh tra viên biết.
Thông thường, hành vi tra tấn sẽ ngày càng gia tăng khi các học viên vẫn kiên định và từ chối từ bỏ đức tin của họ. Tuy nhiên, hoàn cảnh tu luyện của tôi lại được nới lỏng hơn khi tôi không ngừng phát chính niệm cường đại và giảng chân tướng cho mọi người về Pháp Luân Đại Pháp.
Sau ba tháng, tôi bị đưa đến một khu giam giữ khác, và bị nhốt trong một phòng giam có dán một thông điệp xấu trên cửa. Tôi phát chính niệm mạnh mẽ: “Một học viên không thể ở trong một căn phòng có thông điệp xấu như vậy!”
Thông điệp đó đã bị gỡ bỏ vài ngày sau đó.
Trong khi tôi đang trải lại tấm nệm, người tù nhân tốt bụng cùng phòng đã nói với tôi: “Nhanh lên và tranh thủ ngủ một lát đi…” Tôi hiểu cô ấy muốn nói gì, nhưng tại sao tôi phải chuẩn bị tinh thần để đối mặt với bức hại và nghỉ ngơi một chút trước khi bị tra tấn. Họ không có quyền bức hại tôi.
Tôi phải đứng lên phản đối sự bức hại này, tôi không thừa nhận lý của cựu thế lực và phải phủ nhận hết thảy các an bài mà chúng áp đặt lên tôi.
Nhưng làm thế nào để có thể giúp đỡ những người đang bị cựu thế lực khống chế đây? Sư phụ đã giảng:
“Giảng chân tướng là chiếc chìa khoá vạn năng.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Atlanta năm 2003)
Vì vậy tôi đã nói với họ: “Tại sao tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp? Tại sao tôi không tin vào Đảng Cộng sản? Ngay cả trẻ em cũng biết rằng đánh người là sai, không có đạo lý cũng là sai. Đảng Cộng sản dựa vào những lời dối trá, lừa dối và đánh đập. Chẳng phải những hành vi này cho chúng ta thấy chính xác Đảng là gì?”
Người đứng đầu các tù nhân quá bất ngờ. Cô ấy trả lời: “Chúng tôi không đánh đập ai ở đây. Chúng tôi cũng phân biệt được phải trái.”
Các lính canh yêu cầu tôi viết bản hối quá thư về những điều tôi đã làm sai, tôi đã tận dụng cơ hội này để nói với họ về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã viết về những điều tốt lành và vẻ đẹp của Đại Pháp, về những lời dối trá và các hành động tà ác của Đảng Cộng sản tất sẽ khiến nó bị diệt vong.
Sư Phụ ban trí huệ cho tôi, và tôi đã viết tổng cộng 12 trang.
Ở trong khu giam giữ này, tôi không được phép giao tiếp với các học viên khác, ngay cả khi sử dụng nhà vệ sinh. Các tù nhân phải đảm bảo không còn ai ở trong phòng tắm nữa trước khi cho phép tôi sử dụng.
Thậm chí họ còn lấy cớ rằng có ai đó đang ở trong nhà vệ sinh để ngăn cản tôi đi vệ sinh. Tôi nói với họ rằng: “Đây là một hình thức bức hại.” Sau đó tôi đi tìm lính canh để nói cho họ biết những gì đang xảy ra. Tôi cũng đã viết thư cho trưởng cai ngục của nhà tù.
Tôi nói với họ lý do tại sao các học viên Đại Pháp có thể giữ vững niềm tin như vậy, và rằng các hành vi bức hại là vi phạm pháp luật, các quan chức cho phép hoặc âm thầm khuyến khích tù nhân bức hại các học viên là đồng lõa với tội ác. Tôi đã cảnh báo họ về những hậu quả mà họ sẽ phải hứng chịu nếu họ tiếp tục tham gia vào cuộc đàn áp.
Đến tháng thứ bảy, tôi đưa ra một tuyên bố chắc chắn rằng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ đức tin của mình và tôi muốn được chuyển đến một khu giam giữ khác.
Thật bất ngờ, tôi đã được chuyển đi vào ngày hôm sau. Các học viên từ chối từ bỏ đức tin thường không bao giờ được chuyển đến một khu giam giữ khác theo yêu cầu của họ. Những yêu cầu này sẽ không bao giờ được chấp nhận.
Trong môi trường mới, tôi được tự do hơn. Tôi có thể sử dụng nhà vệ sinh, giặt quần áo, và đi mua sắm ở siêu thị của nhà tù.
Thiết lập môi trường học Pháp nhóm, luyện công chung và phát chính niệm
Có sáu học viên ở khu giam giữ mới này. Chúng tôi đã phối hợp với nhau để tạo ra một môi trường tốt cho việc học Pháp, luyện công và phát chính niệm.
Khi lính canh và các tù nhân tìm mọi cách để ngăn cản, chúng tôi không nghe theo họ. Khi họ cấm chúng tôi nói chuyện, chúng tôi vẫn nói chuyện một cách tự do. Khi bị cấm luyện công, chúng tôi vẫn cứ làm. Thậm chí tôi còn thách thức một lính canh rằng: “Không một ai có thể chạm vào người tôi!”
Sau đó tôi bị đưa vào phòng biệt giam, trong khi một học viên khác bị trói chân tay vào một chiếc giường trong nhiều ngày. Chúng tôi đã phản kháng nhưng rốt cuộc lại chiêu mời sự bức hại. Tại sao mọi việc lại xảy ra như vậy?
Tôi bắt đầu hướng nội và nhận ra vấn đề xảy ra là bắt nguồn từ tâm tranh đấu của mình. Tôi đã nhìn nhận cuộc đàn áp này như là sự bức hại giữa người với người, và nhận thức này của tôi đã không dựa trên Pháp. Tôi luôn khẳng định rằng “tôi” vô tội, “tôi” đang bị bức hại, “tôi” muốn luyện công, “tôi” sẽ đứng lên chống lại cuộc đàn áp này…
Tại sao tôi không nghĩ đến hoàn cảnh của các lính canh và tù nhân? Họ cũng là những người bị cựu thế lực khống chế. Chính họ mới là những người bị bức hại.
Cuối cùng tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Tôi đã phát chính niệm để loại bỏ tâm tranh đấu, tâm oán hận, thái độ thách thức, đối kháng và tâm vị tư của mình.
Mười ngày sau, tôi được đưa ra khỏi phòng biệt giam.
Nhóm học viên chúng tôi cuối cùng đã thống nhất với nhau rằng: Chúng tôi sẽ giảng thanh chân tướng cho các lính canh trên cơ điểm là chúng tôi đang cứu họ. Chúng tôi sẽ viết thư riêng cho trưởng cai ngục, phó cai ngục và các lính canh, và đề nghị được nói chuyện riêng với họ. Nếu họ từ chối, chúng tôi sẽ đứng chờ họ ở phía trước cửa phòng của họ cho đến khi họ đồng ý gặp chúng tôi.
Nếu một học viên bị bức hại, những người còn lại trong nhóm sẽ cùng nhau lên tiếng để ý kiến của chúng tôi được lắng nghe. Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với nhau để có thể đứng vững trong môi trường khắc nghiệt này.
Các tù nhân bắt đầu ngưỡng mộ chúng tôi, và họ không còn báo cáo việc chúng tôi luyện công với các lính canh nữa. Thay vì theo dõi chúng tôi, họ chuyển sang canh chừng giúp chúng tôi.
Các học viên cuối cùng đã được phép nói chuyện tự do với nhau, chúng tôi có thể học Pháp, luyện công và phát chính niệm công khai mà không bị bất kỳ can nhiễu nào.
Tất cả mọi thứ đều trở nên tốt đẹp vì những học viên chúng tôi đã chính lại suy nghĩ của mình và nhìn nhận các lính canh và tù nhân như là những chúng sinh cần được cứu độ.
Vào khoảng 6 giờ 30 mỗi sáng, ngay sau bữa ăn, các tù nhân phạm tội hình sự sẽ rời đi để làm việc và chỉ trở lại vào khoảng 17h, 20h hoặc 22h. Vào các buổi tối, khi các tù nhân được phép nói chuyện với nhau, thì chúng tôi sẽ nói với họ về Đại Pháp và cuộc đàn áp tàn bạo này.
Chúng tôi học Pháp nhóm cùng nhau khoảng bảy tiếng mỗi ngày. Chúng tôi cũng luyện công và phát chính niệm tại bốn khung giờ toàn cầu, và kéo dài thời gian phát chính niệm đến 45 phút.
Tất cả chúng tôi đều cố gắng hết mức có thể để làm tốt ba việc mà Sư phụ yêu cầu.
Đề cao tâm tính giúp cứu thêm nhiều chúng sinh
Chỉ có tâm muốn cứu độ chúng sinh thôi là chưa đủ. Để thực hiện được thệ ước này, chúng ta còn phải tu tốt bản thân và nói rõ sự thật về Pháp Luân Công cho những ai đang bị lừa dối bởi những lời tuyên truyền vu khống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Các tù nhân thường bị coi là cặn bã của xã hội, với đạo đức thấp kém, hành vi thô thiển và ngôn từ dung tục. Họ thường bị phạt tù do ăn trộm hay ăn cắp mà không hề hối hận, họ cũng dễ nổi xung hay lao vào đánh người khác dù chỉ với một nguyên nhân rất nhỏ.
Là học viên, chúng ta phải nghiêm khắc với bản thân mình và không nên có những suy nghĩ tiêu cực như vậy đối với họ. Chúng ta phải hành động theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn trong mọi lời nói và hành động của chúng ta.
Sư phụ giảng:
“… họ đều vì Pháp mà đến, là bị cựu thế lực và các nhân tố bất hảo, tà đảng Trung Cộng ở thế gian [là hình thức] con rồng đỏ, sinh mệnh biến dị, [quỷ] Sa-tăng, yêu ma làm cho họ trở nên xấu tệ, bị nhồi nhét những thứ huỷ hoại truyền thống nhân loại và văn hoá chính thống, bị thứ văn hoá vô thần luận tà ác khiến người đấu với người, người đấu với đất, người đấu với trời, cố ý phá hoại văn hoá truyền thống của Trung Quốc, vốn do Thần tạo thành. Nhồi nhét triết học đấu tranh tà ác của tà đảng, đó là phản vũ trụ, ngay cả ma cũng tiêu diệt nó.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp)
Chính niệm của chúng ta sẽ giúp chúng ta trân trọng cả những người đã từng lầm lỗi và khiến chúng ta muốn cứu họ, nhưng chúng ta phải biết tiếp cận họ bằng sự quan tâm và thấu hiểu hoàn cảnh của họ.
Nếu cai ngục biết rằng các tù nhân đã trở nên thân thiện với các học viên hoặc họ đã biết sự thật về Đại Pháp, điều này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các tù nhân. Họ có thể bị đối xử tồi tệ, hoặc bị kéo dài bản án. Vì vậy, chúng ta cần phải cân nhắc cẩn thận vấn đề này khi giảng thanh chân tướng và giúp họ thoái xuất khỏi ĐCSTQ.
Mỗi phòng giam thường có khoảng 12 đến 20 tù nhân. Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể nói chuyện riêng với từng người?
Chúng tôi đã tuân theo sự an bài của Sư phụ.
Bất cứ khi nào chúng tôi muốn nói chuyện với một tù nhân, thì bằng cách nào đó người đó sẽ được an bài đến gặp chúng tôi, thông thường chỉ với vài lời ngắn gọn về Đại Pháp, chúng tôi đều giúp được họ thoái Đảng.
Một tù nhân ngủ ở giường tầng trên đã gia nhập Đội Thiếu niên Tiền phong, nhưng việc thuyết phục cô ấy thoái Đội cũng vô cùng khó khăn. Tôi đã nhiều lần thuyết phục cô ấy nhưng không thành công, thậm chí có lúc tôi định bỏ cuộc. Nhưng tôi vẫn kiên trì, và thường nói chuyện với cô ấy vào ban đêm.
Một lần, sau một đêm dài, cô ấy đột nhiên nói với tôi trong sự phấn khích: “Đêm qua tôi mơ thấy chị nói chuyện với tôi, tôi đã xin Thần điểm hóa cho tôi liệu điều chị nói có phải là sự thật không. Thật bất ngờ, một luồng sáng màu đỏ chói loá xuất hiện trước mắt tôi… ”
Tôi liền hỏi cô ấy có tin vào dấu hiệu đó không, và liệu cô ấy có muốn thoái Đảng không? Cô ấy đã trả lời một cách chân thành rằng: “Có!” Và sau đó hỏi: “Nhưng nếu con trai tôi biết thì sẽ thế nào?”, vì cô ấy lo ngại con trai mình có thể sẽ phản đối Pháp Luân Đại Pháp.
Một tháng sau, con trai cô ấy gọi điện đến và nói với cô rằng: “Có học viên Pháp Luân Đại Pháp ở cùng phòng với mẹ phải không? Mẹ phải đối xử tốt với họ nhé.”
Sư phụ luôn ở bên cạnh và bảo hộ chúng ta.
Tôi luôn cố gắng đối xử tốt với tất cả tù nhân trong cùng phòng giam. Tôi nói chuyện với họ về sự tốt lành và vẻ đẹp của Đại Pháp, các nguyên tắc cũng như giáo lý của Pháp Luân Đại Pháp, và chia sẻ với họ làm thế nào để sống một cuộc đời trung thực và có ý nghĩa. Tôi cũng kể cho họ nghe những câu chuyện về văn hóa truyền thống Trung Hoa, dạy họ hát những bài hát của Đại Pháp, giúp họ viết thư cho người thân, chăm sóc họ khi họ bị bệnh, và giúp họ bất cứ việc gì mà họ cần.
Các tù nhân bắt đầu xem các học viên là bạn tâm giao. Ngay cả các lính canh cũng bắt đầu tôn trọng chúng tôi.
Cùng ở trong Pháp, giúp đỡ các đồng tu cũng là đang giúp chính mình
Năm cuối ở trong tù, họ chuyển tôi đến một khu giam giữ khác. Tại đó chúng tôi có thể học Pháp, luyện công và phát chính niệm, nhưng tôi lại vấp phải một vấn đề khác.
Trong quá trình đề cao bản thân và phối hợp chỉnh thể, tôi đã có thể ngộ sâu sắc hơn về nội hàm của đoạn Pháp mà Sư phụ giảng:
“việc của bạn cũng là việc của mình,” (Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2002)
Học viên đầu tiên mà tôi gặp ở đó bị đồn đại là có một mối quan hệ đồng tính với một tù nhân khác. Phản ứng đầu tiên của tôi là không tin chuyện này. Nhưng khi tôi phát hiện ra tin đồn này là có cơ sở, tôi đã gặp và nói chuyện với cô ấy, và yêu cầu cô ấy giữ gìn hình ảnh của Đại Pháp. Tuy nhiên cô ấy đã tức giận và từ chối.
Sau đó tôi đã đề nghị cai ngục chuyển cô ấy đi nơi khác, nhưng yêu cầu của tôi đã bị từ chối. Ngay sau đó tôi đã nhận ra mình cần phải hướng nội. Càng hướng nội tìm, tôi càng nhận ra mình đã có lỗi. Giọng nói có phần gay gắt cùng với thiếu sự từ bi đã cho thấy cách tiếp cận của tôi không thực sự nghĩ cho người khác. Nhưng tại sao lại như vậy?
Tôi nhớ lại tất cả mọi việc diễn ra trước khi tôi bị bắt.
Tại thời điểm đó, tâm oán trách và buộc tội người khác của tôi đã khiến tôi không đủ từ bi để giúp đỡ đồng tu vào thời khắc cô ấy cần, tôi chỉ biết đổ lỗi và oán trách cô ấy.
Tôi đã không vượt qua được khảo nghiệm đó, và bây giờ Sư phụ lại cấp cho tôi một cơ hội khác để đề cao tâm tính. Thực tế là không phải tôi giúp đồng tu, mà là đồng tu đang giúp đỡ tôi.
Khi tôi chính lại suy nghĩ của mình, Sư phụ đã an bài cho tôi gặp lại người học viên này một lần nữa. Lần này, tôi nói chuyện với cô ấy bằng thái độ bình tĩnh và chân thành: “Mặc dù hai bạn không làm điều gì không phù hợp, nhưng những người khác họ lại nghĩ khác. Là một học viên, việc đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta phải làm là duy hộ hình ảnh của Đại Pháp. Chúng ta cũng không được làm hại người khác và đẩy họ xuống địa ngục.”
Cô ấy đã khóc và cuối cùng cũng đã đồng ý với tôi. Tôi nói: “Cô hãy phát chính niệm và cầu xin Sư phụ giúp đỡ.”
Trong vòng ba ngày, người tù nhân kia đã tham gia vào một vụ đánh lộn và bị chuyển đi nơi khác. Sư phụ đã giúp cô ấy bằng việc chuyển tù nhân kia đi, để tránh gây thêm can nhiễu cho người học viên này.
Ở đó cũng có một học viên khác. Lúc đầu, khi không được phép học Pháp, cô ấy đã học Pháp dưới tấm chăn của mình; khi không được phép luyện công, cô ấy vẫn không từ bỏ cho dù bị đánh đập tàn ác thế nào.
Nhưng khi chúng tôi có cơ hội học Pháp và luyện công, thì cô ấy lại không tham gia. Và khi cô ấy nói chuyện với mọi người về Đại Pháp, hành vi và cách cô ấy nói chuyện cũng khá kỳ lạ mà chúng tôi không thể liễu giải nổi.
Khi tôi hỏi cô ấy có việc gì xảy ra vậy, cô ấy đã ngẩng cao đầu tự hào và nói: “Tôi đã vượt qua được tất cả các khảo nghiệm của mình.”
Người học viên này đã giữ vững đức tin trong suốt những năm bị bức hại tàn bạo nhất, nhưng cô ấy đã phát triển tâm hiển thị và tự mãn. cựu thế lực đã không bỏ qua cơ hội dùi vào chỗ sơ hở của cô và diễn hoá ra giả tướng cho cô ấy.
Tôi buột miệng nói: “Chẳng phải đây là tự tâm sinh ma hay sao?” Người học viên ngay lập tức nhìn tôi một cách lạnh lùng và bỏ đi.
Một lần nữa tôi lại hướng nội tìm, thanh lý tâm hiển thị và tâm hoan hỷ của bản thân, đồng thời tôi cũng suy xét cẩn thận xem nên làm thế nào để có thể giúp cô ấy quay trở về với Đại Pháp. Tôi nhận ra rằng chỉ có học Pháp mới có thể làm được việc đó.
Tập thơ Hồng Ngâm III của Sư phụ được công bố vào khoảng thời gian đó, vì vậy hàng ngày tôi tới gặp cô ấy và chúng tôi cùng nhau học thuộc thơ. Mỗi ngày chúng tôi học thuộc một hoặc hai bài. Sau đó, chúng tôi chia sẻ thể ngộ của mình về những bài thơ của Sư phụ.
Không lâu sau chúng tôi đã học thuộc tất cả các bài thơ trong cuốn sách, kết quả là trạng thái tu luyện của cô ấy đã cải biến.
Tất cả các học viên Đại Pháp là một chỉnh thể. Các đồng tu và tôi đã phối hợp tốt với nhau để cứu độ chúng sinh và giúp nhau đề cao tâm tính.
Có một học viên đã bị “chuyển hóa” và chống lại Đại Pháp. Khi cô ấy không thể “chuyển hóa” được tôi, cô ấy đã nói với tôi rằng: “Ở đây, chị không muốn bị bức hại, chị muốn học Pháp, luyện công, thuyết phục mọi người thoái đảng, và cũng hy vọng mọi người tôn kính Sư phụ, tôn kính Đại Pháp, tôn trọng và đối xử với chị chân thành. Con đường này chị không có cách nào đi qua được đâu.”
Sau này khi tôi gặp lại cô ấy, tôi đã hướng về phía cô ấy và hô to lên rằng: “Tôi đã đi qua con đường đó rồi!”
Sư phụ giảng:
“Như vậy từ lịch sử mà xét, nếu là một sự việc to lớn như vậy, mọi người nghĩ xem nên là làm những chuẩn bị thế nào. Kỳ thực an bài rất là chi tiết rồi. Thậm chí mỗi đệ tử Đại Pháp sẽ bước đi con đường của mình như thế nào, trải qua những tình huống khác nhau, tiến ra sao, thoái thế nào, sau đó nếu xuất hiện trạng thái mà không nên có thì xử lý ra sao, đều an bài vô cùng chi tiết.” (Giảng Pháp vào ngày Kỷ niệm 20 năm truyền Pháp)
Sư phụ nắm giữ hết thảy. Huyền năng của Đại Pháp là vô biên. Tất cả đều phụ thuộc vào việc chúng ta tu luyện có tốt hay không và làm những gì mà đệ tử Đại Pháp cần làm như thế nào.
Dù ở trong ngục tù tà ác nhất, dù chúng ta đã phạm sai lầm, Đại Pháp vẫn có thể cấp cho mỗi chúng ta một con đường để tu luyện.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/8/332484.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/9/15/158932.html
Đăng ngày 19-1-2017. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.