Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang

[MINH HUỆ 09-03-2015] Tôi bắt đầu công tác giảng dạy vào năm 1989. Cuộc biểu tình ở trên Quảng trường Thiên An Môn của sinh viên đã kết thúc bằng một vụ thảm sát vào ngày 04 tháng 06 năm đó. Tôi đã mơ hồ nhận thức được cái chết của rất nhiều sinh viên, nhưng tôi lại ngây thơ tin vào những lời tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tin rằng những cuộc biểu tình như vậy là “bạo loạn phản cách mạng.”

Năm 1998, tôi tham dự hội nghị giảng viên tại trường Đại học Sư phạm ở vùng Đông Bắc của Trung Quốc. Một khóa học về Quan hệ Quốc tế đã để lại cho tôi ấn tượng khá sâu sắc. Các giảng viên đã công khai phơi bày sự thật về vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 04 tháng 06! Tôi ngồi ở đó, há hốc miệng vì chấn động, tôi dần dần bị cuốn theo lời giảng. Tôi cảm thấy bị phản bội và lấy làm xấu hổ bởi tôi đã lan rộng đi những tuyên truyền lừa dối của ĐCSTQ trong nhiều năm qua trong các lớp học của tôi.

ĐCSTQ tuyên bố chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 07 năm 1999. Các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát đã liên tục phát sóng những vu khống và phỉ báng môn tu luyện.

Lúc đó, tôi mới chỉ tu luyện được ba tháng. Mặc dù vậy, tôi đã có những chuyển biến rất to lớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Bệnh dạ dày và thấp khớp hông mãn tính của tôi đã biến mất. Tôi đã tận mắt được trải nghiệm huyền năng của Đại Pháp, và lúc đó tôi biết rằng những lời dối trá của ĐCSTQ sẽ không thể tác động được đến tôi.

Được sinh viên tôn trọng khi thành tâm xin lỗi

Sau khi bước vào tu luyện, mọi quyết định của tôi đều chiểu theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, kể cả ở trong lớp học. Tính hay gây hấn, hay hoài nghi của tôi đã thay đổi.

Tôi nhớ đến một lớp học khá tai tiếng vì luôn ồn ào và chểnh mảng học hành. Có lần trong giờ chính trị học của tôi, tôi đã mất bình tĩnh và bắt đầu quát tháo sinh viên, khiến lớp học im lặng đến nghẹt thở.

Sau khi xem xét lại hành vi của mình, tôi nhận ra rằng tôi đã không vượt qua khảo nghiệm tâm tính. Ngày hôm sau, tôi đã thành tâm xin lỗi sinh viên của mình. Ban đầu các em rất ngạc nhiên, và rồi từng người một bắt đầu vỗ tay sau khi nhận thấy sự chân thành của tôi dành cho các em.

Qua thời gian, sinh viên ngày càng tin tưởng và tôn trọng tôi. Một hôm, khi tôi đưa ra chủ đề về Pháp Luân Công, một trong số các sinh viên trong lớp học đã công khai nói: “Thưa thầy, nếu thầy tu luyện Pháp Luân Công, thì chúng em nghĩ Pháp Luân Công là tốt!”

Phơi bày vụ tự thiêu dàn dựng

Các sách về chính trị học gần đây, bao gồm cả những cuốn sách mà tôi được chỉ thị là phải sử dụng để giảng dạy ở trường, chứa đầy những tuyên truyền của ĐCSTQ. Một ví dụ điển hình là vụ tự thiêu giả mạo trên Quảng trường Thiên An Môn.

Vụ tự thiêu này được sử dụng rộng rãi để phỉ báng các học viên Pháp Luân Công. Chiến dịch gây thù hận này khiến vô số người dân Trung Quốc hiểu sai về Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi nhớ lại cách mà giảng viên ở hội nghị ngày trước đã từng khiến tôi được mở rộng tầm mắt về cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 04 tháng 06 ra sao. Tôi biết rằng tôi phải làm điều tương tự với các sinh viên của mình trước thông tin về vụ tự thiêu được dàn dựng này. Tôi để ý thấy rằng vụ tự thiêu giả mạo được diễn gần như hoàn hảo, có chủ ý, có tổ chức, và được quyết định sử dụng như một điểm mở đầu cho cuộc nói chuyện của tôi với sinh viên về sự việc này.

Thủ phạm gây ra đám cháy dường như đã lên kế hoạch rất tỉ mỉ, cảnh sát cầm chăn và bình cứu hỏa được bố trí đều khắp hiện trường, và các camera an ninh đều tập trung hướng vào hiện trường.

Để tạo ra được một “tai nạn” không mong muốn, những người trong hiện trường đều được chuẩn bị và bố trí hết sức chu đáo. Mọi thứ của vụ tự thiêu đều được lên kế hoạch từ trước, một vụ lừa bịp được dàn dựng công phu.

Ban đầu tôi hướng sinh viên đến việc phân tích lại những biến cố. Sau khi các sinh viên nghiên cứu kỹ lưỡng các biến cố và đã có những phân tích riêng của họ, kết luận của họ đều nhất trí rằng nó thực sự là một trò lừa bịp được ĐCSTQ mưu tính từ trước.

Khi lớp học thừa nhận sự nực cười của vụ tự thiêu dàn dựng này, tôi giải thích rằng Pháp Luân Công là Phật Pháp, dạy người ta sống lương thiện và được thực hành tự do ở trên 100 quốc gia trên thế giới. Chỉ ở Trung Quốc, môn tập mới bị chính phủ ngược đãi và bị cấm đoán. Kết quả là, các học viên bị đẩy vào các trại lao động cưỡng bức, bị kết án tù, bị bức hại đến chết, và thậm chí nội tạng của nhiều người còn bị thu hoạch và bán để kiếm lợi nhuận khổng lồ.

Thông tin này khiến các sinh viên của tôi rất giận dữ. Một em đã đứng phắt dậy và nói: “Thầy hãy nói cho chúng em biết chúng em có thể làm được gì!” Tôi giải thích rằng tôi không nhất thiết phải ủng hộ một hành động cụ thể nào đó của các em, mà thay vào đó mục đích của tôi là cho các em biết sự thật. Nhiều sinh viên sau đó đã hỏi tôi thêm tài liệu thông tin về Pháp Luân Công.

Sinh viên học Nhẫn

Có lần, một sinh viên đến tìm tôi, than phiền rằng bị một thầy giáo la mắng thậm tệ. Em ấy rất bực bội và đang lên kế hoạch dùng bạo lực để trả thù thầy giáo kia. Tôi nhắc sinh viên của tôi hãy giữ mình theo các tiêu chuẩn Chân – Thiện – Nhẫn tối cao. Chúng ta nên khoan dung với người khác, nhìn nhận những thiếu sót của bản thân, và đứng trên quan điểm của người thầy giáo đó mà suy xét vấn đề.

Sau đó, mâu thuẫn giữa sinh viên này với vị giáo viên kia đã được hóa giải. Cậu ấy quay lại gặp tôi với vẻ vui mừng, và đề nghị tôi giúp cậu ấy thoái khỏi Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên, hai tổ chức Cộng sản Trung Quốc dành cho người trẻ tuổi. Ngay sau khi làm xong việc này, số sinh viên còn lại trong lớp cũng thoái các tổ chức [Đảng] mà họ đã gia nhập.

Năm 2011, tôi tình cờ gặp một sinh viên cũ. Cậu ấy đã bỏ học và đến thành phố Cáp Nhĩ Tân để làm việc toàn thời gian. Cậu ấy nói: “Một hôm, vợ của ông chủ của em nguyền rủa em không ngớt. Mặc dù em vẫn giữ bình tĩnh, những bà ấy vẫn tiếp tục chửi rủa em đến hơn một tuần. Em vẫn giữ im lặng. Cuối cùng, bà ấy hỏi em: ‘Tôi đã la mắng cậu hơn một tuần lễ! Vậy mà cậu không hề tức giận chút nào ư?!’

Em giải thích với bà ấy: ‘Trước hết, cô đáng tuổi mẹ cháu, nên cháu cần tôn trọng cô. Thứ hai, thầy giáo của cháu yêu cầu cháu luôn phải giữ vững bản thân theo tiêu chuẩn tối cao Chân – Thiện – Nhẫn.’ Sau khi nghe điều đó, quan điểm của bà ấy về em đã thay đổi và thậm chí bà ấy còn tăng lương cho em.”

Cậu ấy tiếp tục: “Thưa thầy, sau trải nghiệm này, em đã học được cách hành xử như là một thành viên có trách nhiệm của xã hội. Em hối hận vì đã không hoàn thành việc học tập của mình, đó là lý do vì sao em đã quay trở lại trường. Hiện em đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học của mình.

Tôi đã rất xúc động khi nghe câu chuyện của cậu ấy và thực sự tôi rất tự hào về cậu ấy. Đại Pháp đã giúp tôi tìm thấy chân ngã của mình và định hướng cho cuộc sống của rất nhiều người trẻ tuổi.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/3/9/306033.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/4/2/149571.html

Đăng ngày 10-05-2015. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share