Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-12-2024] Một cư dân 59 tuổi ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị kết án 9 năm tù vào giữa tháng 6 năm 2024 vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại từ tháng 7 năm 1999.
Bà Đỗ Tú Diễm bị bắt tại nhà vào ngày 1 tháng 4 năm 2024 bởi đội trưởng Thạch Vy từ Đội an ninh nội địa quận A Thành và các cấp phó là Dương Tự Hoành, Tôn Truyện Bằng cùng một số người khác. Họ đã tịch thu máy in, máy tính, chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công và các tài liệu thông tin về Pháp Luân Công của bà.
Tòa án quận A Thành đã xét xử bà Đỗ vào giữa tháng 6 năm 2024 và kết án bà 9 năm tù. Hiện vẫn chưa rõ liệu vụ việc này được truy tố như một vụ án mới hay liên quan đến vụ việc từ năm 2018, khi bà bị đưa vào danh sách truy nã, như được nêu chi tiết ở phần dưới.
Bà Đỗ hiện đang thụ án tại Nhà tù nữ tỉnh Hắc Long Giang.
Bức hại trong quá khứ
Bà Đỗ đến Bắc Kinh ngày 8 tháng 11 năm 2000 để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Bà bị bắt khi giương biểu ngữ tại Quảng trường Thiên An Môn. Sau một đêm bị giam tại trại tạm giam quận Tuyên Vũ ở Bắc Kinh, bà được chồng đón về. Sau khi trở về nhà, cảnh sát Dương Chí Trung và đồng nghiệp của bà Đỗ đã đến quấy nhiễu bà. Khi đó bà không có nhà, họ đã đập cửa ầm ầm. Họ còn quay lại vài lần nữa, khiến con gái bà khi đó mới 13 tuổi vô cùng hoảng sợ.
Khoảng năm 2004, một học viên Pháp Luân Công khác bị bắt và sau đó phải nhập viện sau 19 ngày tuyệt thực. Bà Đỗ đã đến thăm người học viên này tại bệnh viện. Tối hôm đó, người học viên trốn thoát. Ngày hôm sau, Cổ Trung, trưởng trại tạm giam nơi người học viên này bị giam trước khi nhập viện, đã dẫn theo khoảng 16 công an đến nhà bà Đỗ. Họ buộc tội bà giúp người học viên kia trốn thoát và định bắt giữ bà, khiến cha mẹ chồng già của bà rất sợ hãi.
Bà Đỗ từng điều hành rất thành công một nhà hàng cùng chị gái và anh rể. Ngày 16 tháng 8 năm 2006, phó đồn Từ ở Đồn công an Hà Đông cùng công an Tôn Diên Quân và Dương Chí Trung đã đột kích vào nhà hàng. Họ cũng lục soát nhà bà Đỗ và nhà chị gái bà. Bà Đỗ phải lẩn trốn, nhưng chị gái và anh rể của bà đã bị bắt và sau đó bị kết án lần lượt 2 năm và 12 năm tù. Nhà hàng đã phải đóng cửa.
Bà Đỗ bị bắt một lần nữa vào tháng 8 năm 2012 khi đang phát tài liệu có thông tin Pháp Luân Công tại thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang. Bà bị giam tại Đội an ninh nội địa quận Nhượng Hồ Lộ trong vài giờ và được thả vào lúc 10 giờ tối cùng ngày.
Lần bắt giữ tiếp theo của bà diễn ra vào ngày 25 tháng 2 năm 2017, khi 14 học viên địa phương khác cũng bị bắt trong một cuộc truy quét của công an. Người từ Đồn công an Thắng Lợi đã tịch thu nhiều vật dụng cá nhân trong nhà bà Đỗ. Bà bị giam giữ 15 ngày trước khi được bảo lãnh ra. Hồ sơ của bà được chuyển đến Viện Kiểm sát quận A Thành vào năm 2018, do công tố viên Ân Lệ Ảnh phụ trách.
Thẩm phán Vương Vỹ Thần đã chủ trì phiên tòa xét xử bà Đỗ vào tháng 9 năm 2018. Bà từ chối nhận tội theo lệnh. Mặc dù được phép về nhà sau phiên tòa, nhưng hai tháng sau, thẩm phán Vương đã phát lệnh bắt giữ bà và đe dọa sẽ kết án bà từ 3 đến 5 năm tù.
Bà Đỗ phải lẩn trốn vào ngày 8 tháng 11 năm 2018 và bị đưa vào danh sách truy nã. Hiện vẫn chưa rõ liệu bản án mới nhất của bà có liên quan đến vụ án năm 2018 hay không.
Pháp Luân Công đã thay đổi bà
Bà Đỗ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1998 và nhanh chóng hồi phục khỏi các vấn đề phụ khoa, chứng đau nửa đầu, đau vai, viêm khớp, táo bón mãn tính và bệnh trĩ. Bà nỗ lực sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công.
Cha mẹ chồng bà từng sống với con trai cả và giúp ông nuôi dạy hai đứa cháu trai. Khi các cháu trưởng thành, em chồng bà Đỗ bán nhà và cha mẹ phải chuyển đến sống cùng gia đình khác.
Chồng bà Đỗ đề nghị bán nhà cũ để mua một căn nhà lớn hơn, cho cha mẹ chồng sống cùng. Ban đầu bà còn do dự vì theo truyền thống Trung Quốc, con trai cả phải có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Tuy nhiên, bà nhanh chóng nhớ đến lời dạy của Pháp Luân Công và đồng ý với kế hoạch của chồng. Năm 2001, họ chuyển đến nhà mới và mời cha mẹ chồng sống cùng. Hai cụ rất cảm động và những người con khác trong gia đình cũng chứng kiến tấm lòng rộng lượng của bà nhờ tu luyện Pháp Luân Công.
Khi điều hành nhà hàng cùng chị gái và anh rể, bà Đỗ từng nhặt được một túi tiền hơn 20.000 nhân dân tệ. Khi chủ nhân chiếc túi quay lại vào ngày hôm sau, bà đã trả lại sau khi xác nhận danh tính. Một lần khác, có khách trả thừa 100 nhân dân tệ, bà lập tức trả lại. Cả hai khách hàng đều vô cùng ngạc nhiên trước lòng tốt của bà, vì ở Trung Quốc, việc giữ lại “tiền thừa” thường được coi là điều bình thường.
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/9/485916.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/11/222036.html
Đăng ngày 24-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.