Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Toronto, Canada

[MINH HUỆ 12-12-2024] Ngày 10 tháng 12 năm 2024, nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền, các học viên Pháp Luân Công tại Toronto, Canada, đã tổ chức một cuộc mít-tinh trước Lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với các học viên Pháp Luân Công suốt 25 năm qua. Những người phát biểu tại sự kiện đã kêu gọi chính quyền của ĐCSTQ trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho ông Hà Lập Trung, một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Cam Túc, và là em trai của công dân Canada, ông Hà Lập Chí.

fa9c514c0dfac0916a827aa58d5a75df.jpg

Các học viên tổ chức mít-tinh ôn hòa trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Toronto nhân Ngày Quốc tế Nhân quyền.

a40e576bf2ec243c3079d342ece98199.jpg

Học viên Pháp Luân Công, ông Hà Lập Chí, phát biểu tại cuộc mít-tinh.

Trong bài phát biểu tại buổi mít-tinh, ông Hà Lập Chí đã kể lại quá trình bị bức hại của em trai mình, ông Hà Lập Trung, người hiện đang bị cầm tù ở Trung Quốc. Ông Hà Lập Trung, một nông dân ở huyện Dân Cần, tỉnh Cam Túc, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999. Tháng 7 năm đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động một chiến dịch bức hại quy mô lớn đối với các học viên Pháp Luân Công. Trong thời gian khó khăn này, ông Hà Lập Trung luôn trân quý cơ duyên tu luyện và nỗ lực trở thành người tốt. Tháng 2 năm 2010, ông bị buộc tội, kết án phi pháp 3 năm tù vì đã chia sẻ với mọi người những lợi ích mà ông nhận được từ việc tu luyện Pháp Luân Công. Ông bị tra tấn trong tù, bao gồm cả việc bị buộc phải đứng suốt đêm, bị nhốt trong lồng sắt nhiều tháng ròng và bị biệt giam trong nhiều ngày.

Ngày 12 tháng 7 năm 2023, cảnh sát tỉnh Cam Túc đã đột nhập vào nhà ông và bắt cóc ông trước mặt cha mẹ ông, khi đó hai cụ đều đã ngoài 80 tuổi, với lý do điện thoại của ông chứa nhiều nội dung về Pháp Luân Công. Họ còn tịch thu sổ tiền trong sổ tiết kiệm của ông. Gia đình ông đã thuê một luật sư để bảo vệ sự vô tội của ông và nhấn mạnh rằng Hiến pháp Trung Quốc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của công dân, nhưng Tòa án huyện Dân Cần đã không phản hồi. Vài tháng sau, trải qua nhiều gian truân, gia đình ông mới biết được rằng ông đã bị tuyên án 7 năm tù.

Sau khi bị bắt giữ và kết án tù, trại tạm giam và nhà tù đã không cho gia đình đến thăm ông trong suốt 18 tháng. Một trong những lý do họ đưa ra là vì ông chưa từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công, và vì trước đó ông đã từng bị bắt, nên nhà tù đã không cho phép gia đình ông đến thăm.

Trong bài phát biểu của mình, ông Hà Lập Chí chỉ ra: “Có thể dễ dàng hiểu rằng những người quản lý nhà tù có tật giật mình và lo sợ rằng các bằng chứng về sự ngược đãi và tra tấn sẽ bị phơi bày.”

Bị giam giữ phi pháp vì nỗ lực nâng cao nhận thức về cuộc bức hại

Ông Hà Lập Chí, hiện đang sinh sống tại Canada, là một kỹ sư cao cấp của Bộ Luyện kim và Bộ Xây dựng Trung Quốc. Ông đã giành Giải thưởng Thiết kế Kỹ thuật xuất sắc Quốc gia và một giải thưởng xuất sắc cấp Bộ. Với tài năng vượt trội như vậy, ông vẫn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại. Năm 1999, sau khi chính quyền phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Hà Lập Chí bị Cục An ninh Quốc gia Bắc Kinh bắt cóc và giam giữ phi pháp suốt 3,5 năm vì gửi đi những tin nhắn về những lợi ích của Pháp Luân Công và sự thật về cuộc bức hại. Ông đã suýt chết vì bị tra tấn và ngược đãi trong tù.

Tại cuộc mít-tinh, ông Hà Lập Chí kể lại những gì mình đã trải qua, như bị đánh đập, cấm ngủ, cấm đi vệ sinh, phải giữ một tư thế cố định trong thời gian dài, bị ép làm việc suốt nhiều giờ và bị sốc điện bằng dùi cui điện cao thế. Khi hồi tưởng về những trải nghiệm này, ông lại càng cảm thấy lo lắng và đau xót hơn cho sự an toàn của em trai mình.

Vợ ông, bà Trương Lệ, cũng đã bị ĐCSTQ bắt cóc và giam giữ nhiều lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Trong suốt thời gian chồng bà bị giam giữ, hàng ngày bà Trương đều bị cảnh sát theo dõi. Năm 2001, bà Trương đã trốn sang Canada và bắt đầu phối hợp cùng các học viên Pháp Luân Công địa phương để giải cứu chồng bà. Tổ chức Ân xá Quốc tế đã tuyên bố ông Hà là tù nhân lương tâm và yêu cầu chính phủ Trung Quốc trả tự do vô điều kiện cho ông. Vào tháng 10 năm 2002, Hạ viện Canada đã thông qua một nghị quyết ủng hộ Pháp Luân Công, yêu cầu Thủ tướng Canada kêu gọi lãnh đạo ĐCSTQ trả tự do cho 13 học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ, cùng với các thân nhân người Canada, gồm có cả ông Hà Lập Chí, khi Bộ trưởng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Mexico. Vào tháng 1 năm 2004, ông Hà được thả sau khi mãn hạn tù. Nhờ sự giúp đỡ của chính phủ Canada, ông đã sang Canada vào tháng 5 cùng năm và đoàn tụ với vợ của mình.

Tuy nhiên, hiện nay, ông Hà Lập Chí không chỉ không thể gặp lại gia đình ở Trung Quốc, mà mọi liên lạc của họ cũng bị ĐCSTQ theo dõi, khiến ông càng khó khăn hơn trong việc tìm hiểu tình hình hiện tại của em trai mình.

ĐCSTQ vi phạm nhân quyền

1140e0af7a6178057bcd7bd7a2ca6b0a.jpg

Ông Hà Lập Chí (thứ ba từ phải sang) kêu gọi chính quyền ĐCSTQ trả tự do vô điều kiện cho em trai ông.

Trong bài phát biểu của mình tại cuộc mít-tinh, ông Hà Lập Chí cho biết: “Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, thông qua Ủy ban Chính trị và Pháp luật ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương, ĐCSTQ đã thao túng các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án và các bộ ngành tư pháp, đẩy họ lên tuyến đầu để bức hại những người tốt và vi phạm nhân quyền.”

“Chỉ vì lợi ích cá nhân, những kẻ lãnh đạo ĐCSTQ đã đánh mất nhân tính và lương tâm, phạm phải những tội ác tày trời. Ông Hà Lập Trung là một nông dân chăm chỉ làm lụng phụng dưỡng cha mẹ, nhưng cảnh sát ĐCSTQ đã phớt lờ công lý và đạo đức, thực hiện những hành vi ngược đãi và bức hại tàn bạo dưới danh nghĩa pháp luật. Họ sử dụng bạo lực đối với ông vì ông ấy tin vào nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và khuyến khích mọi người sống nhân ái qua các tin nhắn trên điện thoại di động.”

Ông Hà Lập Chí hy vọng rằng sau khi chứng kiến tấm lòng thiện lương của các học viên Pháp Luân Công, các cai ngục trong nhà tù sẽ bình tâm suy ngẫm, phân biệt được thiện – ác, và không bán rẻ lương tâm chỉ vì cái lợi. Ông cũng nêu ví dụ về các cảnh sát sau khi bức hại các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu những căn bệnh nghiêm trọng, gặp phải tai nạn giao thông gây thương tích hay tử vong đột ngột. Ông mong rằng điều này sẽ cảnh báo những thủ phạm ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công.

“Quy luật tự nhiên bất biến là thiện ác báo ứng. Lưới trời lồng lộng, trốn đâu cho thoát. Kẻ ác cuối cùng sẽ bị trừng trị. Cũng như những tội phạm chiến tranh đã theo Đức Quốc xã để gây ra tội ác diệt chủng trong Thế chiến II – họ không thể thoát khỏi số phận bị truy đuổi suốt cuộc đời. Ngay cả khi cuối đời, họ cũng không thể có được một ngày bình yên”, ông nói.

Cuộc bức hại là thảm kịch của nhân loại

8827ab729423aab942e82a07c7f69ae4.jpg

Người tổ chức buổi mít-tinh, ông Trương Phi Tân.

Ông Trương Phi Tân, người tổ chức cuộc mít-tinh, đã phát biểu tại sự kiện: “Cách đây 25 năm, ĐCSTQ đã phát động một cuộc bức hại phi pháp và tàn bạo đối với nhóm Pháp Luân Công, một nhóm ôn hòa vốn từng được ca ngợi. Năm 2001, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chỉ ra trong một báo cáo rằng chiến dịch tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công của ĐCSTQ là nguy hiểm và đầy động cơ chính trị. Các cuộc tấn công tuyên truyền của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công mang tính hệ thống, có kế hoạch và không giới hạn. Chúng bóp méo sự thật, thao túng tư tưởng và bôi nhọ các nạn nhân. Từ lâu, ĐCSTQ đã xâm nhập vào các quốc gia ngoài Trung Quốc, kích động các kênh truyền thông chính thống phương Tây tham gia vào việc che đậy cuộc bức hại.”

Ông Trương cho rằng, khi tuyên truyền của ĐCSTQ khiến người dân thờ ơ với cuộc bức hại, nó có thể chà đạp lên quyền con người của bất kỳ nhóm nào. Im lặng không phải là trung lập, im lặng chính là đồng lõa. Vì vậy, trong bài phát biểu của mình, ông đã kêu gọi: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công không chỉ là thảm kịch của Trung Quốc mà còn là thảm kịch của toàn nhân loại. Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh và không để ĐCSTQ lợi dụng.”

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/12/12/486033.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/12/15/222084.html

Đăng ngày 19-12-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share