Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Slovakia
[MINH HUỆ 17-05-2024] Thứ Bảy, ngày 11 tháng 5 năm 2024, các học viên đã tề tựu trên Quảng trường Hviezdoslav ở Bratislava để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới. Người qua đường đã có dịp được xem màn trình diễn các bài công pháp và tìm hiểu sự thật về cuộc bức hại đang diễn ra đối với các học viên ở Trung Quốc. Nhiều người đã ký bản kiến nghị yêu cầu tổng thống Cộng hòa Slovakia thực hiện mọi hành động trong khả năng của mình để chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Các diễn giả tại sự kiện chụp ảnh chung với các học viên. Đầu tiên từ phải sang, ông Peter Osusky nguyên Nghị sỹ lâu năm của Quốc hội Cộng hòa Slovakia, thứ ba từ phải sang, ông Ondrej Dostál, Nghị sỹ Quốc hội lâu năm của Cộng hòa Slovakia.
Màn trình diễn các bài công pháp của các học viên Pháp Luân Đại Pháp
Vào buổi chiều, ông Ondrej Dostál, Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Slovakia, và ông Peter Osuský, cựu Nghị sỹ Quốc hội, đã đến sự kiện để phát biểu ủng hộ các học viên Pháp Luân Công.
Ông Marek Tatarko, đại diện Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Slovakia, cho biết đã 32 năm kể từ khi Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) được truyền xuất tại Trung Quốc vào ngày 13 tháng 5 năm 1992 bởi Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập pháp môn. Ông cho biết: “Chính phủ Cộng sản Trung Quốc không thể chịu đựng được sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công nên đã rắp tâm tiêu diệt môn tu luyện bằng mọi cách. Trong hơn 24 năm qua, các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị bức hại tàn khốc, thậm chí còn bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng.”
Ông cũng nêu những tấm gương tích cực của các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới đã bày tỏ tình đoàn kết với Pháp Luân Công.
Ông Peter Osuský: “Chúng tôi sẽ không bao giờ im lặng trước cái ác”
Trong bài phát biểu của mình, ông Peter Osuský, một cựu Nghị sỹ lâu năm của Quốc hội Cộng hòa Slovakia, cho biết ông tin tưởng sâu sắc rằng những người tuân thủ nguyên tắc Chân-Thiện-Nhẫn xứng đáng nhận được sự ủng hộ của tất cả những tấm lòng nhân ái.
Ông Peter Osusky, cựu Nghị sỹ lâu năm của Quốc hội Cộng hòa Slovakia, phát biểu tại cuộc mít-tinh
Ông nhấn mạnh rằng thật bi thảm khi những người tốt lại bị bức hại, bỏ tù và bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng ngay tại nơi khai sinh ra môn tu luyện: “Đây là điều mà một thế giới dân chủ và văn minh không thể dung thứ. Dù những tội ác này đang gây ra bởi một quốc gia có tổng thu nhập quốc dân cao. Nhưng đó là một chính quyền tội phạm, và không chỉ các học viên Pháp Luân Đại Pháp biết rõ điều này, mà cả người Tây Tạng và những người theo Đạo Cơ đốc không công khai cũng chứng thực điều này”, ông nói.
Ông phát biểu thêm rằng thật đáng hổ thẹn khi các nền dân chủ không đứng lên bảo vệ nhân quyền – đặc biệt là trong trường hợp vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Trung Quốc. Ông nói: “Điều duy nhất chúng tôi có thể làm là chúng tôi sẽ không im lặng và luôn tìm cách lên tiếng để bảo vệ cái thiện chống lại cái ác. Bởi vì chúng ta đều biết chỉ cần người tốt làm ngơ thì cái ác sẽ thắng thế, và trong trường hợp này là cái ác đang bức hại các học viên ở Trung Quốc và những nơi khác trên thế giới, chúng tôi sẽ không bao giờ im lặng.”
Ông Ondrej Dostál: “Thế giới cần Chân-Thiện-Nhẫn.”
Ông Ondrej Dostál, Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Slovak, đã đặt một câu hỏi trong bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn của mình: “Những ai không tán đồng với giá trị Chân- Thiện-Nhẫn? Chắc chắn chỉ có những người là kẻ xấu hoặc đại diện cho các chế độ tội phạm.”
Ông cho biết ông đến để bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với tất cả những người dân ở Trung Quốc đang bị bức hại vì đức tin, vì hành vi của họ, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Ông Ondrej Dostál, Nghị sỹ Quốc hội Cộng hòa Slovak, phát biểu tại cuộc mít-tinh
Ông cho rằng giá trị Chân-Thiện-Nhẫn cũng rất gần với các giá trị dân chủ của Cộng hòa Slovakia, và ông nói rõ hơn quan điểm của mình: “Khi nền dân chủ đang được khôi phục sau hàng chục năm của hai chế độ toàn trị, khẩu hiệu tái đắc cử dân chủ đầu tiên của tổng thống Václav Havel là ‘sự thật và tình yêu sẽ chiến thắng dối trá và hận thù.’ Tình yêu là sự tử tế, tình yêu cũng là sự bao dung. Thù hận không chỉ trái ngược với tình yêu, mà còn trái ngược với sự tử tế và trái ngược với lòng bao dung. Điều đó có nghĩa là, những nhà dân chủ Slovakia tôn vinh cội nguồn của mình biết rằng Chân và Thiện, cũng như Chân-Thiện-Nhẫn, chính là những giá trị mà một xã hội tự do và dân chủ coi trọng.”
Ông cho biết tiếp: “Một xã hội như vậy chắc chắn không tồn tại ở Trung Quốc Cộng sản, ĐCSTQ không chỉ bức hại những người theo Pháp Luân Công mà còn đàn áp những người bất đồng chính kiến, đàn áp thành viên của các nhóm thiểu số, dù là nguyên do tín ngưỡng hay dân tộc. Nó đã bỏ tù, giết hại và sử dụng nội tạng của những người theo học Pháp Luân Công, và hành xử như một thế lực đế quốc toàn trị, hung hãn. Nó không chỉ nguy hiểm cho người dân Trung Quốc mà còn cho cả thế giới. Nhiệm vụ của tất cả các nhà dân chủ trên toàn thế giới là cần đứng lên bảo vệ những người đang bị bức hại ở Trung Quốc vì niềm tin, tín ngưỡng và những hành động tự do của họ mà không gây hại cho bất cứ ai.”
Ông kết thúc bài phát biểu của mình bằng câu nói: “Thế giới cần Chân-Thiện-Nhẫn, và thế giới dân chủ nên ủng hộ Pháp Luân Công. Chúng tôi ủng hộ họ.”
Sau các bài phát biểu, những người tham gia đã chụp ảnh tập thể bên tấm biểu ngữ có dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”.
Sự ủng hộ từ công chúng Slovakia
Nhiều du khách và người dân địa phương đã nán lại tham dự sự kiện của các học viên để tìm hiểu thêm về mục đích của họ. Khi biết được tình hình ở Trung Quốc, nhiều người đã ký bản kiến nghị và bày tỏ sự ủng hộ đối với các học viên.
Một du khách luyện các bài công pháp cùng với các học viên
Sau khi ký bản kiến nghị, cô Radka, cựu giám đốc một chi nhánh ngân hàng, cho biết: “Tôi muốn mọi người có sự tự do trong cuộc sống và có thể làm những gì họ thích, cảm thấy thỏa mãn cũng như có thể phát huy hết tiềm năng của mình”. Cô muốn nói với các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc: “Đừng đánh mất niềm tin vào bản thân. Hãy tin rằng tình yêu hiện diện trên thế giới này và có đủ can đảm để theo đuổi những gì họ thực sự thấy hài lòng và hạnh phúc và những gì họ cảm thấy là dành cho họ. Hãy dũng cảm lên và không bị đe dọa bởi những người không hiểu.”
Về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, cô Nina, một sinh viên, cho hay cô chưa từng biết đến cuộc bức hại, và rằng: “Một sự việc [nghiêm trọng] đã xảy ra vậy mà không ai biết về nó”. Cô hy vọng các học viên ở Trung Quốc sẽ kiên định với đức tin của mình.
Bà Marta Benchkova, một giáo viên 93 tuổi, cũng có mặt tại sự kiện cùng với bạn của bà, bà Susan, một nhà sử học nghệ thuật 65 tuổi. Bà cho hay họ đã nghe nói về cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc bởi vì “mỗi khi các vị ở đây chúng tôi đều để ý đến các vị”. Họ cũng từng xem các bài công pháp của Pháp Luân Công tại các điểm luyện công ở Bratislava và đã cố gắng tập luyện. Bà muốn nhắn nhủ các học viên ở Trung Quốc rằng: “Đừng bỏ cuộc. Hãy tiếp tục đứng lên bảo vệ tự do và các cuộc kháng nghị cũng rất quan trọng.”
Bản quyền © 2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/5/17/477633.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/5/21/218208.html
Đăng ngày 24-05-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.