Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Munich, Đức
[MINH HUỆ 18-07-2023] Ngày 15 tháng 7 năm 2023, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức mít-tinh tại Munich để kỷ niệm 24 năm kháng nghị ôn hòa trước cuộc bức hại ở Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chính phủ Đức và công chúng lưu ý đến tội ác của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và giúp chấm dứt cuộc bức hại. Sự kiện đã nhận được thư ủng hộ từ một số Nghị viên, các nhà lập pháp bang và giới chức sắc Đức. Ông Hubert Körper, Trưởng Ban Công tác về vấn đề Trung Quốc của Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế Đức, đã có mặt để ủng hộ và kêu gọi nước Đức hợp tác để chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.
Các học viên tổ chức mít-tinh tại Marienplatz trước Tòa thị chính Munich, ngày 15 tháng 7 năm 2023.
Ông Hubert Körper, Trưởng Ban Công tác về vấn đề Trung Quốc của Hiệp hội Nhân quyền Đức, kêu gọi nước Đức hợp tác để chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công.
Buổi mít-tinh thu hút rất nhiều người
Mọi người trò chuyện với các học viên về Pháp Luân Công
Dân chúng ký đơn thỉnh nguyện nhằm ủng hộ các học viên Pháp Luân Công phản đối cuộc bức hại
Các học viên bắt đầu các sự kiện trong ngày lúc 10 giờ sáng ở Marienplatz bằng màn luyện các bài công pháp Pháp Luân Công và biểu diễn trống lưng. Các học viên treo các biểu ngữ như “Pháp Luân Đại Pháp hảo”, “Chân-Thiện-Nhẫn”, “Hãy chấm dứt cuộc bức hại” và “Hãy lên tiếng vì công lý”. Một nhóm các học viên nữ trong trang phục màu trắng rước di ảnh của những học viên đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết.
Sau khi biết sự thật về cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công, nhiều người đã ký đơn thỉnh nguyện nhằm chấm dứt cuộc bức hại.
Các học viên kêu gọi thả người cha bị giam giữ phi pháp
Học viên Pháp Luân Công Đinh Nhạc Bân kêu gọi giải cứu cha mẹ đang bị bức hại của anh
Anh Đinh Nhạc Bân kể lại việc cha mẹ anh bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bắt giữ phi pháp vào ngày 12 tháng 5 năm 2023. Trong hơn hai tháng qua, anh đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp giải cứu cha mẹ mình.
Một số thành viên của Nghị viện Châu Âu, Quốc hội Đức và Quốc hội tiểu bang Berlin, cũng như các tổ chức nhân quyền như Hiệp hội Nhân quyền Quốc tế, đã gửi thư tới Đại sứ Trung Quốc tại Đức, Ngô Khẩn, Bí thư Tỉnh ủy Sơn Đông, Lâm Vũ, và Bí thư Đảng ủy Thành phố Nhật Chiếu, Trương Huệ, yêu cầu chấm dứt ngay cuộc bức hại đối với cha mẹ của anh Đinh Nhạc Bân là ông Đinh Nguyên Đức và bà Mã Thụy Mai.
Các chính trị gia Đức lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công
12 Nghị viên Đức, các nhà lập pháp tiểu bang và các chức sắc khác đã ban hành các tuyên bố lên án cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công và kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại này.
Hàng trên (từ trái sang phải): Bernhard Seidenath, Nghị sỹ bang Bavaria và người phát ngôn báo chí của Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU); Tiến sỹ Michel Meister, thành viên của Bundestag Đức và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU); Michael Meister, CDU; Astrid Rothe-Beinlich, Nghị sỹ bang Thüringen và Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ của Đảng Xanh; và Martina Feldmayer, thành viên của Đảng Xanh bang Hessian.
Hàng giữa (từ trái sang phải): Tiến sỹ Gülistan Yüksel, thành viên Đảng Xã hội Dân chủ (SPD), thành viên của Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) và Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ CDU/CSU về các vấn đề pháp lý trong Bundestag; Günter Krings, thành viên CDU và Bundestag Đức; Sabine Weis, thành viên CDU và Phó Chủ tịch Quốc hội bang Hessian; và Karin Müller, Đảng viên Đảng Xanh.
Hàng dưới (từ trái sang phải): Asgar Can, Chủ tịch Hiệp hội Người Duy Ngô Nhĩ tại Châu Âu; Jürgen Braun, thành viên Đảng Lựa chọn mới cho nước Đức (AfD), Nghị sỹ và Người phát ngôn về Nhân quyền của AfD; Heiko Kasseckert, CDU, thành viên của Bundestag Đức; và Kay Gottschalk, người phát ngôn về chính sách tài chính của nghị viện AfD.
12 Nghị sỹ, các nhà lập pháp tiểu bang và các chức sắc Đức đã gửi thư tới các học viên Pháp Luân Công để lên án ĐCSTQ và kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Một số Nghị sỹ cũng ca ngợi nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của các học viên và bày tỏ sự tôn trọng đối với Pháp Luân Công.
Nghị sỹ: Tôi vô cùng kính trọng Pháp Luân Công
Tiến sỹ Günter Krings, thành viên của Bundestag Đức, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ CDU/CSU về các vấn đề pháp lý, đồng thời là chủ tịch cuộc họp kín khu vực CDU-Westphalia đã viết trong thư: “Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc khi cuộc sống của nhiều người bị ảnh hưởng tiêu cực và gia đình bị tan vỡ.”
“Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công nhấn mạnh việc tu luyện các giá trị đạo đức như trung thực, tử tế, khoan dung và vị tha. Các học viên cố gắng thanh lọc tâm trí của họ, loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và nuôi dưỡng một tư duy tích cực. Pháp Luân Công được nhiều người trên thế giới coi là một môn tu luyện toàn diện giúp tăng cường sức khỏe, phát triển tâm linh và sự bình an nội tâm.”
“Là một Cơ đốc nhân, tôi rất tôn trọng điều đó.”
Nghị sỹ: Hãy để bóng ma cộng sản sụp đổ
Ông Jürgen Braun, một Nghị sỹ của AfD và là người phát ngôn về nhân quyền, đã đưa ra một tuyên bố về cuộc bức hại Pháp Luân Công.
“Trong cuộc bức hại nhóm Pháp Luân Công ôn hòa, phi chính trị, ban lãnh đạo ĐCSTQ đã bộc lộ các đặc điểm độc tài, tàn bạo và hoang tưởng, đồng thời theo đuổi hệ tư tưởng của mình một cách phi đạo đức.”
“Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng bóng ma của chủ nghĩa cộng sản, thứ vẫn ám ảnh Châu Á, sẽ sụp đổ dưới sức nặng của chính bộ máy của nó, và quan trọng nhất là theo một cách hòa bình. Bằng cách này, các học viên Pháp Luân Công thân mến, bao gồm cả các bạn, sẽ không phải tiếp tục chịu đựng nó nữa.”
Nghị sỹ: Chúng tôi luôn sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công
Tiến sỹ Michael Meister, một thành viên của Bundestag Đức, cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi ủng hộ các nhóm thiểu số đang bị bức hại, giam giữ và cải tạo, cùng những người có tín ngưỡng và các học viên Pháp Luân Công.”
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các công ước nhân quyền mà nước này đã ký kết. Trung Quốc phải chấm dứt cuộc đàn áp đối với phong trào thiền định ôn hòa Pháp Luân Công, và cuối cùng phải tôn trọng quyền của tất cả các dân tộc thiểu số.”
Đại biểu Quốc hội: ĐCSTQ phải bị trừng phạt nghiêm khắc hơn
Bà Sabine Weiss, thành viên của Bundestag Đức và CDU, đã viết trong thư của mình: “Tôi nghĩ rằng cần phải áp dụng một chính sách rõ ràng hơn trong các giao dịch của chúng ta với Trung Quốc. Điều quan trọng là các vi phạm nhân quyền phải được nêu ra và trừng phạt nghiêm khắc hơn trước.”
Nghị sỹ: Vấn đề thu hoạch nội tạng sống nên được nêu ra trong mọi cuộc đối thoại với ĐCSTQ
Bà Kay Gottschalk, thành viên của Bundestag Đức và là phát ngôn viên về chính sách tài chính tại nghị viện AfD, cho biết trong thư: “Vào tháng 5 năm 2022, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết kêu gọi việc nêu các vấn đề về thu hoạch nội tạng sống và nhân quyền của ĐCSTQ trong mọi cuộc đối thoại nhân quyền, đồng thời yêu cầu chính phủ Trung Quốc minh bạch hơn và hợp tác với các cơ quan điều tra quốc tế.”
Nghị sỹ: Cuộc bức hại Pháp Luân Công vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn nhân quyền
Bà Gülistan Yüksel, thành viên của Bundestag và SPD Đức, đã viết: “Trung Quốc cần tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới về tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc trong việc thu mua nội tạng. Chúng tôi, cùng với Liên minh Châu Âu, ủng hộ việc thúc đẩy và tôn trọng các quyền phổ quát của con người, nền dân chủ và pháp quyền trên toàn thế giới. Chúng tôi cũng cam kết thực hiện những giá trị này trong mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc.”
Nghị sỹ bang Hessian: Hãy chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công
Phó Chủ tịch Quốc hội bang Hessen, Karin Müller, Ủy viên Hội đồng Martina Feldmayer và Ủy viên Hội đồng Heiko Kasseckert đã gửi một tuyên bố chung có tựa đề “Hãy chấm dứt cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công kéo dài 24 năm qua.”
Tuyên bố viết:
“Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Trung Quốc:
Tôn trọng các tiêu chuẩn quốc tế và Công ước Quốc tế của Liên Hợp Quốc về các Quyền Dân sự và Chính trị mà Trung Quốc đã ký kết.
Lập tức chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc và trả tự do vô điều kiện cho ông Đinh Nguyên Đức và tất cả các học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù.”
Ủy viên Hội đồng bang Thuringian: Chúng ta phải lưu ý đến những vi phạm nhân quyền này
Bà Astrid Rothe-Beinlich, nhà lập pháp từ tiểu bang Thüringen và là Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ của Đảng Xanh, cho biết trong thư: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công cũng là một cuộc tấn công vào nguyên tắc cơ bản về tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Chúng ta có trách nhiệm ngăn chặn hành vi này. Chúng ta không thể giữ im lặng mà phải lên tiếng để thu hút sự chú ý đến những vi phạm nhân quyền này, đồng thời đứng lên bảo vệ tự do và phẩm giá của họ.”
Nhà lập pháp bang Bavarian: Nhân quyền là không thể chia cắt
Trong bức thư của mình, ông Bernhard Seidenath, người phát ngôn của CSU ở Bavaria, Cơ quan lập pháp bang Bavaria, cho biết các báo cáo kinh hoàng về cái chết của hàng nghìn học viên Pháp Luân Công làm dấy lên những nghi ngờ về sự vẫn tồn tại của nạn thu hoạch nội tạng không tự nguyện và có hệ thống. Ông viết: “Tôi nhắc lại lời kêu gọi của Nghị viện Châu Âu yêu cầu Trung Quốc và các quan sát viên độc lập tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về vấn đề này.”
Chủ tịch Hiệp hội Người Duy Ngô Nhĩ tại Châu Âu: Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh và phản kháng
Trong bài phát biểu của mình, ông Asgar Can, chủ tịch Hiệp hội Người Duy Ngô Nhĩ tại Châu Âu, đã đề cập rằng ĐCSTQ đang phạm tội đối với các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và người Mông Cổ. Nhân quyền và nhân phẩm của các nhóm này đang bị chà đạp. Người Duy Ngô Nhĩ và các học viên Pháp Luân Công đã bị tùy tiện bắt giữ, tra tấn và hãm hiếp trong các nhà tù, đồng thời cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ để bán.
Ông Can cũng cho biết: “Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh và phản kháng lại chế độ tàn bạo và vô nhân đạo của ĐCSTQ. Tôi kêu gọi chính phủ Đức và chính quyền bang Bavaria làm được điều này: rằng không có nhân quyền thì sẽ không có thương mại, và không làm những việc gây hại cho các nhóm và dân tộc bị bức hại.”
Bối cảnh: Pháp Luân Đại Pháp là gì và vì sao bị ĐCSTQ bức hại?
Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) lần đầu tiên được Đại sư Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng ở Trường Xuân, Trung Quốc vào năm 1992. Môn tu luyện này hiện đã được thực hành ở hơn 100 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Hàng triệu người sau khi noi theo những lời dạy dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và học năm bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp, đã có những chuyển biến tích cực cả về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhìn nhận sự phổ biến ngày càng rộng của Pháp Luân Đại Pháp là mối đe dọa đối với hệ tư tưởng vô thần của ĐCSTQ, do đó, ngày 20 tháng 7 năm 1999, ông ta đã ra lệnh tiêu diệt môn tu luyện này.
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giang, ĐCSTQ đã thành lập Phòng 610, một tổ chức an ninh ngoài vòng pháp luật có quyền lực vượt trên ngành an ninh và tư pháp, với chức năng duy nhất là tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp.
Trang Minghui.org xác nhận rằng, 24 năm qua đã có hàng nghìn học viên bị bức hại đến chết. Con số tử vong thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều, hơn nữa, số học viên bị cầm tù và tra tấn chỉ vì kiên định tu luyện là không thể kể hết.
Có bằng chứng xác thực cho thấy ĐCSTQ hậu thuẫn cho việc giết hại để thu hoạch nội tạng từ các học viên bị giam cầm làm nguồn cung cho ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc.
Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của trang web Minh Huệ (Minghui.org). Khi sử dụng lại vì mục đích phi lợi nhuận, vui lòng ghi rõ nguồn ở đầu bài đăng hoặc tác phẩm (Theo bài viết của trang Minh Huệ…), sau đó dẫn đường link bài gốc của Minh Huệ. Trường hợp sử dụng với mục đích thương mại, vui lòng liên hệ với Ban Biên tập về thủ tục ủy quyền.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2023/7/18/463130.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/7/21/210400.html
Đăng ngày 23-07-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.