Bài viết của một học viên từ tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-02-2019] Tháng 2 năm 1999, tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công tại điểm luyện công ở làng của tôi. Trước khi tôi có thể hiểu được tu luyện là gì, cách hướng nội ra sao, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bắt đầu bức hại Pháp Luân Công. Lúc đó, tôi học Pháp chưa sâu, nên với rất nhiều khó khăn đều dùng nhân tâm đối đãi, thậm chí đôi khi dùng phương thức tư duy cực đoan của văn hóa Đảng để đối đãi với can nhiễu và bức hại của tà ác.

Thông qua liên tục học và ghi nhớ Pháp, rốt cuộc tôi cũng dần hiểu được tu luyện là gì, phân biệt rõ tu luyện Chính Pháp và tu luyện cá nhân, và từ từ học cách hướng nội dưới chỉ dẫn của Pháp.

Sư phụ giảng:

“Sau khi khai thiên mục, thì từ một mặt có thể đồng thời thấy được thân thể người ta từ bốn mặt; từ mặt trước có thể thấy mặt sau, mặt trái, mặt phải; còn có thể thấy từng lớp cắt của mỗi tầng; còn có thể thấu qua không gian này mà thấy được nguyên nhân căn bản của bệnh là gì.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Nếu chúng ta hướng nội, tìm các chấp trước của mình từ các góc độ, phương vị và tầng thứ khác nhau, việc tìm ra và loại bỏ chúng cũng sẽ dễ dàng hơn.

Hướng nội để loại bỏ tâm tranh đấu

Gần đây, tâm tranh đấu của tôi liên tục nổi lên. Nếu bất kỳ ai, dù là đồng tu hay người thường, nói hoặc làm điều gì đó không phù hợp với suy nghĩ và quan niệm của tôi, hoặc động chạm tới danh lợi của tôi, thì tâm tranh đấu của tôi liền xuất hiện. Tôi liên tục cố gắng loại bỏ nó, nhưng nó sẽ lại can nhiễu tôi bất cứ khi nào tôi buông lơi tu luyện. Những lúc như vậy, tôi trở nên bi quan, cảm thấy tu luyện thật khổ và mệt mỏi.

Sư phụ giảng:

Tu luyện nhân
Tự trảo quá
Các chủng nhân tâm khứ đích đa
Đại quan tiểu quan biệt tưởng lạc
Đối đích thị tha
Thác đích thị ngã
Tranh thậm ma
(Thùy thị thùy phi, Hồng ngâm III)

Tạm dịch:

Ai thị ai phi (ai đúng ai sai)
Người tu luyện
Tự tìm lỗi
Các loại nhân tâm phải bỏ nhiều
Quan ải lớn nhỏ chớ rớt lại
Cái đúng là họ
Cái sai là mình
Còn tranh gì nữa

Vì vậy, tôi bình tâm nghĩ về điều đó: “Thần sẽ không đi tranh đấu với người thường vì họ không muốn những thứ của người thường. Họ không có nhân tâm và sẽ không coi trọng những thứ thế gian. Khi cái tâm người thường của mình quá nặng, coi trọng những thứ người thường, mình cảm thấy mất cân bằng và ham tranh đấu với người khác.”

Vào một dịp nọ, tôi đang thư giãn trong phòng nghỉ tại nơi làm việc cùng nhiều đồng nghiệp khác, tất cả họ đều biết tôi tu luyện Pháp Luân Công. Có người ngồi bên cạnh tôi nói điều không tốt về Đại Pháp. Tôi cảm thấy khó chịu và tranh cãi với anh ấy: “Có văn bản luật nào nói Pháp Luân Công không tốt không?” Anh ấy nói: “Giang Trạch Dân nói Pháp Luân Công không tốt!” Tôi nói: “Điều Giang nói không phải là luật. Ông ta bức hại và phỉ báng Đại Pháp, ông ta mới là phạm pháp!” Bị tâm tranh đấu lôi kéo, tôi đã nói rất lớn tiếng. Mọi người trong phòng đều ngạc nhiên, và vị đồng nghiệp thì cau mày với tôi.

Tôi lập tức nhận ra rằng, do tâm tranh đấu của mình, mà tôi đã đi quá xa. Bị chấp trước này thúc đẩy, tôi đã không từ bi, quên mất rằng họ bị ĐCSTQ lừa gạt. Mục đích của tôi là duy hộ Đại Pháp, nhưng tôi đã sử dụng những gì mà tôi học được từ văn hóa Đảng để thực hiện, điều đó khiến mọi người khó tiếp nhận. Tôi đã bỏ lỡ cơ hội giảng chân tướng về Đại Pháp cho đồng nghiệp của mình; thay vào đó, tôi đã khiến anh bị tổn thương. Ngày hôm sau, anh ấy không muốn nói chuyện với tôi. Mặc dù tôi chào anh ấy, nhưng anh chỉ miễn cưỡng đáp lại. Sau này tôi đã vãn hồi được tổn thất, nhưng sự việc đã trở thành bài học giáo huấn khắc sâu trong tâm tôi.

Loại bỏ tâm tật đố

Một lần, công ty của chúng tôi tăng lương cho hầu hết các nhân viên. Một số người được thêm 200 nhân dân tệ, số khác được thêm 400 nhân dân tệ. Tôi là người duy nhất không được tăng lương. Không chỉ vậy, họ còn tăng khối lượng công việc của tôi. Công việc của tôi trước đây rất đơn giản và tôi có thể nghỉ ngơi khi hoàn thành. Nhưng giờ đây, bất cứ khi nào có việc làm thêm trong xưởng, tôi lại được yêu cầu làm. Khi tất cả những người khác đều nghỉ hoặc ăn trưa, bộ phận sản xuất giấy rất cần vật liệu, vì vậy tôi lại được yêu cầu giúp họ.

Một số đồng nghiệp còn bất bình thay cho tôi: “Thật vớ vẩn! Bạn đã không được tăng lương mà khối lượng công việc lại còn thêm!” Tôi chỉ mỉm cười mà không nói lời nào, nhưng trong lòng cảm thấy không thoải mái, muốn đi tìm lãnh đạo phân xử. Tuy nhiên, khi xem bản thân là người tu luyện, tôi biết mình phải buông bỏ tất cả chấp trước vào tiền bạc và lợi ích cá nhân.

Tôi vẫn bình tĩnh và làm bất cứ điều gì được yêu cầu, nhưng sâu trong tâm tôi vẫn rất khó chịu. Sau đó tôi nghĩ: “Chẳng phải chỉ mấy trăm tệ thôi sao, có gì ghê gớm đâu?”

Sư phụ đã giảng rất rõ về tâm tật đố:

“Điều này có quan hệ đến chủ nghĩa bình quân tuyệt đối mà chúng ta thực thi trước đây; ‘dù sao trời sập thì mọi người đều chết; có gì tốt thì mọi người chia đều nhau; lương tăng mấy phần trăm thì mỗi người đều có phần’. Tư tưởng này xem ra thật là đúng, ai ai cũng như nhau. Kỳ thực làm sao mà như nhau được? Công tác thực thi là khác nhau, mức độ chức vụ trách nhiệm cũng khác nhau.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã thấy rõ tâm tật đố của mình sau khi đọc đoạn Pháp này.

Hai hay ba tháng sau, tôi được chuyển đến xưởng sản xuất giấy, nơi đang thiếu nhân lực. Tiền lương của tôi ngay lập tức tăng 700-800 nhân dân tệ. Tôi nhận ra rằng sự việc xảy ra trước đó là an bài có trật tự của Sư phụ để giúp tôi loại bỏ tâm tật đố của mình. Con xin cảm tạ Sư phụ!

Cải biến quan niệm người thường

Công việc tại công ty của tôi được chia thành ba ca: ca một, ca hai và ca ba. Tôi làm việc tại một dây chuyền lắp ráp trong bộ phận giấy, thêm nguyên vật liệu giấy vào dây chuyền; và tôi là công nhân thêm nguyên vật liệu. Sau mỗi ca, các công nhân đều phải dọn dẹp vệ sinh, xếp gọn gàng các nguyên vật liệu thừa, và lấp đầy dây chuyền bằng nguyên liệu thô.

Người thêm nguyên liệu cho ca làm việc trước ca của tôi là một nam đồng nghiệp hơn 20 tuổi. Mỗi ngày khi ca của cậu kết thúc, cậu ấy đều để khu vực của mình như một mớ hỗn độn. Một số nguyên liệu không được xếp gọn gàng và nguyên liệu thô cũng không được thêm đầy dây chuyền. Tôi đều phải dọn dẹp mỗi lần tiếp quản công việc của cậu ấy. Nhưng tôi chưa bao giờ tìm quản lý để phàn nàn về điều đó, và cũng không nói gì với cậu ta. Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi đã hình thành quan niệm cho rằng: “Cậu thanh niên này lười biếng và gây rắc rối cho mình.” Tình trạng này kéo dài trong một năm hoặc lâu hơn. Tôi cũng nghĩ rằng mình là người tu luyện thì không nên cư xử như người thường; có lẽ trước đây tôi nợ cậu ta, vì vậy kiếp này tôi phải hoàn trả. Nhưng tôi đã không hướng nội để tìm xem quan niệm nào đã gây ra suy nghĩ tiêu cực đó.

Sau đó, tôi và cậu ấy đổi ca, nên cậu ấy đến làm sau tôi. Tôi đã vui mừng và nghĩ: “Thật tốt vì mình sẽ không phải dọn dẹp cho cậu ta nữa.” Tôi không ngờ cậu ta còn tệ hơn. Quản lý của chúng tôi từng hỏi cậu ta tại sao cậu ta không bao giờ dọn dẹp. Cậu ta nói vì tôi không dọn dẹp, nên cậu ta không cảm thấy đó là việc phải làm. Không có camera trong xưởng để xác minh. Ca của tôi kết thúc lúc 12 giờ đêm, vì vậy quản lý không ở đó để kiểm tra khu vực của tôi, nhưng tôi vẫn dọn dẹp. Cậu thanh niên đó đã lợi dụng tình huống này. Lần này, tôi cảm thấy khó chịu và tự hỏi: “Tại sao cậu ấy lại cư xử như vậy? Cậu ấy không dọn dẹp và luôn đổ lỗi cho người khác. Cậu ấy không chịu nhận trách nhiệm.”

Trong một vài tuần, cậu ấy tiếp tục ra về mà không dọn dẹp dây chuyền của mình. Cậu lại đổ lỗi cho tôi khi quản lý chỉ trích cậu ấy. Lúc đó, camera đã được lắp đặt trong xưởng, vì vậy quản lý đã kiểm tra camera và phát hiện ra đó chỉ là vấn đề của cậu ấy. Lúc đó, tôi cảnh giác với tu luyện của mình và nghĩ: “Mình hướng nội nhưng vẫn tập trung vào việc tự hỏi tại sao cậu ấy luôn làm thế và tại sao cậu ấy lại cư xử tệ hơn. Tại sao cậu ta luôn làm thế với mình?”

Cuối cùng, tôi nhận ra rằng từ xưa đến nay mình luôn giữ một cách nhìn đối với cậu, đó là: “Cậu ta luôn như vậy.” Cách nghĩ này khiến cậu ấy luôn làm điều đó. Tôi không tỉnh táo lại đi trách người khác. Chính quan niệm của tôi đã dẫn đến hành vi xấu của cậu ấy. Tư tưởng của người tu luyện Đại Pháp mang năng lượng, nên khống chế người thường rất dễ dàng! Nếu tôi cứ liên tục nghĩ như vậy, loại quan niệm này sẽ không ngừng được tăng cường, thì cậu ấy muốn trở thành tốt cũng không được vì bị năng lượng của tôi ước chế. Sao tôi có thể trách cậu ấy được? Không phải chính suy nghĩ bất chính của tôi đã gây ra vấn đề này sao?

Sư phụ giảng:

“Bình thường người thường nghĩ tưởng về một vấn đề gì thì phát xuất ra một thứ có hình thái đại não; bởi vì nó không có năng lượng, nên [sau khi] phát xuất ra một thời gian ngắn liền tản mất; nhưng năng lượng của người luyện công thì được bảo trì trong một thời gian lâu hơn.” (Bài giảng thứ năm, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra rằng trước tiên mình phải cải biến quan niệm và đồng hóa với Chân-Thiện-Nhẫn để tránh can nhiễu và hình thành suy nghĩ tiêu cực. Chỉ sau đó, hoàn cảnh làm việc, hoàn cảnh sinh hoạt và hoàn cảnh xã hội mới được cải thiện. Năng lượng tích cực của tôi sẽ mạnh mẽ hơn khi tu luyện của tôi gần hơn với đặc tính của Đại Pháp, từ đó tôi có thể tiếp tục đề cao.

Tôi có thể tu Đại Pháp được cho đến hôm nay là nhờ có Sư phụ bảo hộ và liên tục điểm hóa nhắc tôi hướng nội. Tôi phải học Pháp nhiều hơn để đồng hóa với Pháp và thực sự đạt được trạng thái mà Sư phụ dạy:

Tu đắc chấp trước vô nhất lậu
(Mê Trung Tu, Hồng Ngâm)

Diễn nghĩa:

Tu đến chấp trước không còn lậu


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/2/25/383179.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/28/180088.html

Đăng ngày 29-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share