Bài viết của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 12-05-2007] Trương An Thế, tự là Tử Nhụ, là đại thần vào thời Tây Hán. Ông tận tâm tận chức, là người khiêm cung trung hậu.

Trương An Thế còn trẻ đã từng đảm nhiệm chức quan Lang, sau này vì là người trung hậu nên được Đại tướng quân Hoắc Quang trọng dụng, nhậm chức Xa kỵ tướng quân, trung tín cẩn thận, chuyên cần chính sự, không quản ngày đêm. Hoắc Quang qua đời, các đại thần trong triều tiến cử Trương An Thế làm Quang lộc huân, Hoàng thượng cũng muốn trọng dụng cha con họ.

Trương An Thế hiểu rõ đạo lý “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, biết rằng nếu như phóng túng tham lam không biết thỏa mãn dục vọng, sớm muộn gì cũng đưa đến nhục nhã cùng tai họa. Cho nên khi ông nghe nói Hoàng thượng còn muốn gia quan tiến tước cho mình thì rất không dám nhận, liền cầu kiến Hoàng đế, khấu đầu nài xin, nói rằng bản thân không đủ khả năng đảm nhiệm quan vị trọng yếu như thế, hy vọng hoàng thượng bảo toàn tính mệnh cho mình. Hoàng thượng cười nói: “Ngươi quá khiêm nhường, nếu ngươi mà không làm được, thì ai làm được?”. Trương An Thế vẫn kiên định từ chối, Hoàng thượng tuyệt không đáp ứng. Sang ngày hôm sau, phong Trương An Thế làm Đại tư mã Xa kỵ tướng quân, kiêm chức Thượng thư sự, sau này cải thành Vệ tướng quân.

Trương An Thế luôn mặc áo hắc đề mà phu nhân tự tay may cho (màu đen tỏa ra tính cách khiêm nhường). Ông thấy bản thân và con trai đều tôn quý hiển diệu, trong lòng mãi bất an, cho nên từng xin Hoàng đế bổ nhiệm cho con trai làm quan ở bên ngoài triều đình.

Trương An Thế từng tiến cử quan viên cho triều đình, người đó sau lại đến tạ ơn ông. Trương An Thế rất hối hận, cho rằng tiến cử người hiền tài, lý ở đâu lại quay ra cảm ơn cá nhân như thế. Từ đó về sau đoạn tuyệt quan hệ với người này.

Có một vị quan Lang tìm đến Trương An Thế, nói rằng bản thân công cao nhưng không được thăng chức. Trương An Thế mới nói: “Ngươi có công lao cao, Quân chủ thánh minh tất nhiên sẽ biết. Làm thần tử nhậm chức, làm sao có thể tự mình tuyên nói tự mình trường đoản được?”. Cho nên từ chối không đề thăng ông ta. Không lâu sau, viên quan Lang này cũng được thăng tiến. Trương An Thế công tư phân minh, không muốn cho người ta biết ân huệ của mình.

Sự trung hậu của ông còn thể hiện ở việc ông giỏi tha thứ cho sự quá đáng và lỗi lầm của người khác. Trong thời nhậm chức Quang lộc huân, có vị quan Lang vì uống rượu say, tại điện đường tiểu tiện, chủ sự bẩm báo chuyện này cho Trương An Thế, muốn theo án pháp mà xử phạt. Trương An Thế gạt đi nói: “Sao biết được đó có phải là rượu ông ta làm đổ ra hay không?”.

Trương An Thế tuy quyền cao chức trọng, nhưng vẫn cẩn thận kín đáo mà sáng suốt, trong ngoài không thiếu sót, trước sau khiêm cung không kiêu ngạo, sử sách ca tụng ông là “Mãn mà không dật”. Hoàng đế rất tín nhiệm và kính trọng ông, sau khi qua đời đã tặng ông Ấn thụ, cho xe ngựa và lính bảo vệ  tống tiễn, gọi ông là “Kính Hầu”. Con cháu của ông kế thừa đức tính khiêm cung của ông, cũng đều được triều đình trọng dụng.

Chú thích:

Ẩn thụ: ấn tín và dây đeo triện

Mãn mà không dật (Mãn nhi bất dật): ý nói giàu mà không kiêu xa

Khiêm cung: Khiêm tốn, cung kính


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/5/12/154390.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/6/1/86318.html
Đăng ngày 06-12-2009; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share