Bài viết của Anh Tử, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 12-11-2017] Trước chuyến đi của Thủ tướng Canada Trudeau tới dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam, một số nhà lập pháp đã yêu cầu ông đề cập đến vấn đề Pháp Luân Công khi gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt yêu cầu trả tự do cho bà Tôn Thiến, một công dân Canada hiện đang bị giam giữ tại Trung Quốc vào tháng 2 năm 2017 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Tôn là một nữ doanh nhân người Trung Quốc, bà di cư đến Canada theo diện đầu tư kinh doanh và sau đó trở thành công dân của nước này. Bà là người sáng lập công ty Sinh hóa Leadman Bắc Kinh và nằm trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc từ năm 2012 đến 2016 theo xếp hạng của Tạp chí Hồ Nhuận (Hurun Report). Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 2014, một môn tu luyện tinh thần và thiền định, đã giúp bà hồi phục sức khỏe từ các căn bệnh mãn tính.

Nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Quốc hội kêu gọi Thủ tướng Trudeau trợ giúp

efc4ad00848c06eb95d055b78692c3e9.jpg

Nghị sỹ Đảng Bảo thủ Scott Reid tại phòng giải lao bên ngoài Hạ viện vào ngày 7 tháng 11 năm 2017

Nghị sỹ Đảng Bảo thủ Scott Reid gần đây đã viết một bức thư gửi Thủ tướng Trudeau yêu cầu ông nêu vấn đề trên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong Hội nghị Thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, theo cách “truyền thống” mà ông Reid đã từng làm khi Thủ tướng Jean Chrétien tham dự APEC 15 năm trước đây.

Quay trở lại quá khứ, ông Reid đã đệ trình một bản kiến nghị từ Nghị viện yêu cầu ông Chrétien kêu gọi trả tự do cho hơn mười học viên Pháp Luân Công đang bị cầm tù, những người có thân quyến ở Canada, khi ông Chrétien làm việc với lãnh đạo Trung Quốc trong Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm đó. Bản kiến nghị này đã được thông qua với sự nhất trí cao.

Với cương vị là Chủ tịch của Ủy ban Nhân quyền, Ông Reid đã ủng hộ một nghị quyết lên án nạn cưỡng bức thu hoạch tạng của các học viên Pháp Luân Công được chính phủ hậu thuẫn ở Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Thúc đẩy thương mại nhất quyết không thể đánh đổi nhân quyền

4a68d4f5b5e9de03cdfe337b83cdbb3e.jpg

Cựu Nghị sỹ Đảng Tự do và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Irwin Cotler

Ông Irwin Cotler, cựu Nghị sỹ Đảng Tự do và Bộ trưởng Tư pháp cho biết điều quan trọng là các nhà chức trách Trung Quốc cần phải nhận thức được rằng họ không thể vi phạm quyền công dân của một người Canada mà không bị trừng phạt.

Ông bình luận: “Tôi cho rằng chính bản thân Ngài Thủ tướng đã biểu đạt rằng không có mâu thuẫn giữa việc theo đuổi thương mại với việc bảo vệ nhân quyền, và đây là một trường hợp điển hình về cách mà chúng ta có thể tiến tới một cuộc đối thoại và thúc đẩy thương mại, nhưng không thể đánh đổi nhân quyền.”

Nghị sỹ Đảng Bảo thủ: “Thủ tướng Trudeau nên đưa ra các quan ngại hợp pháp của Canada”

Ông Peter Kent, Nghị sỹ Đảng Bảo thủ và cựu Bộ trưởng Bộ Môi trường nhận xét Thủ tướng Trudeau cần phải nhấn mạnh mối quan ngại của Canada về việc giam giữ bà Tôn và các học viên Pháp Luân Công khác.

Ông cho biết: “Liên quan đến trường hợp bà Tôn, chúng tôi biết rằng bà ấy đang bị giam giữ bất hợp pháp và rất có thể bà ấy đang phải chịu sự tra tấn hay ngược đãi trong nhà tù Trung Quốc.”

Ông nhấn mạnh: “Tôi cho rằng Ngài Thủ tướng cần phải nâng cao mối quan ngại hợp pháp của Canada, không chỉ về trường hợp đơn lẻ này, mà còn là sự vi phạm nhân quyền đối với người Canada gốc Hoa khác, hoặc là thân nhân của người Canada gốc Hoa, những người đang bị bức hại chỉ vì đức tin của họ.”

Lãnh đạo Đảng Xanh: Hoàn toàn ủng hộ Pháp Luân Công từ mọi chính đảng của Hạ viện

Lãnh đạo Đảng Xanh, bà Elizabeth May cũng bày tỏ hy vọng rằng Thủ tướng có thể đạt được các biện pháp ngoại giao để đảm bảo bà Tôn được trả tự do.

Bà cho biết: “Việc bức hại các học viên Pháp Luân Công là sự vi phạm vô cùng nghiêm trọng đến nhân quyền, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận và hầu hết các nghị sỹ trong Quốc hội – Tôi biết bất cứ khi nào tôi nêu vấn đề này, đều nhận được sự ủng hộ rât lớn từ mọi chính đảng trong Hạ viện.”

Nghị sỹ Đảng Dân chủ mới, bà Hélène Laverdière đồng thuận rằng Thủ tướng Trudeau cần nêu vấn đề nhân quyền này tại Hội nghị APEC, bao gồm tất cả “các vụ việc lãnh sự“.

Bà nhận xét: “Tôi nghĩ rằng đối với Thủ tướng Trudeau, việc nâng cao mối quan ngại về nhân quyền là vô cùng quan trọng.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/12/356609.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/16/166412.html

Đăng ngày: 19-11-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share